Trang chủ Diễn đàn Ý kiến độc giả phattuvietnam.net về các Ý tưởng quy hoạch Hồ...

Ý kiến độc giả phattuvietnam.net về các Ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm và việc phục dựng chùa, tháp Báo Thiên (cập nhật 21h15 ngày 13/1/09)

74


Phạm Đức Minh – Hải An, Hải Phòng ([email protected]). Tôi nghĩ rằng bức thư ngỏ này phải gửi cả cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bởi vì các “Hoà Thượng đáng kính” cho đến hôm nay vẫn chưa có phản ứng chính thức nào. Chẳng lẽ các Ngài vẫn đang “thiền”. Ôi cả một Giáo hội đầy đủ các ban bệ mà lúc nào cũng lim dim vậy ư?. Ý kiến này của tôi đề nghị ban quản trị cho gửi đến các Hoà Thượng, Thượng toạ, Đại đức có trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Xin chân thành cảm ơn! Kính! Phạm Đức Minh.


Luong, VV – Seoul, Hàn Quốc ([email protected]) Xem các ý tưởng quy hoạch kiến trúc quanh Hồ Gươm, không thể hiểu nổi và thật thất vọng. Tại sao chỉ có riêng lẻ độc giả hoặc một số Phật tử lên tiếng phục dựng lại hai ngôi chùa là máu thịt tâm linh của Thăng Long Hà Nội ngàn năm? Xin nhắc lại là gần ngàn năm, gấp nhiều lần lịch sử nước Mỹ, hơn hàng trăm năm so với thủ đô của Hàn Quốc. Ấy vậy mà những nhà văn hóa, lịch sử, kiến trúc, quy hoạch, lãnh đạo Hà Nội lại thờ ơ, chẳng thèm để ý. Nếu có trách họ một (vì ít nhất họ cũng là người ngoại đạo), thì chúng ta tự trách Phật tử, đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam hai, vì lâu nay quá thờ ơ với thời cuộc (trừ những lúc hiện diện lễ lạt cho đủ Mặt trận). Giờ đây, tôi chỉ biết ngửa cổ lên trời mà ước nguyện rằng lãnh đạo Hà Nội, đặc biệt là GHPGVN có thể với trách nhiệm với lịch sử, văn hóa, tâm linh, truyền thống dân tộc mà hành động để phục dựng lại ít nhất 1 trong 2 ngôi chùa nói trên trong năm 2010 để chứng minh với Tổ tiên, với Dân tộc, với người Hà Nội rằng Hà Nội sẽ phát triển kinh tế trên cơ sở khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tâm linh dân tộc.


Nguyễn Thanh Danh – TP. Hồ Chí Minh ([email protected]). Thật xúc động khi chúng ta, những người Phật tử và con dân Việt Nam yêu nước, có được một cơ hội, dù hơi muộn, để nhìn về quá khứ, yêu thương và ôm trọn nó vào lòng… Quá khứ tuy đẹp nhưng tang thương, rất cần chúng ta chia sẻ, hàn gắn…


Cũng như chùa Báo Thiên và Báo Ân, rất cần chúng ta đặt để không chỉ trong tim mình mà con bên ngoài đời thực nữa, để mà… tự hào! Từ lâu tôi đã có ước mơ đó – ước mơ đất nước mình sẽ phục dựng lại hai ngôi bảo tự này. Đó là những năm tôi vừa mới lớn, đủ khôn để biết yêu quê hương, nguồn cội, và tự hào hơn về nòi giống Tiên Rồng của mình…


Tôi đã ước…, nhưng đúng là chưa “đủ duyên” để nói lên tâm nguyện của mình. Để đến hôm nay…, khi “Dự án quy hoạch Hồ Gươm” đang được nhiều dư luận quan tâm, cũng chính là lúc lòng tôi lại dâng lên một xúc cảm vừa quá đỗi nghẹn ngào, vừa tràn đầy hy vọng…! Tôi tin đó cũng chính là xúc cảm chung của hơn 40 triệu Phật tử trên cả nước và cũng gần như chừng đó người Việt Nam yêu nước khác…


Văn hóa là nền tảng. Một thời…, chúng ta đã ấu trĩ chụp mũ các hoạt động văn hóa ở đền chùa là mê tín. Nhưng thật đáng buồn và đáng thẹn nếu bây giờ chúng ta vẫn còn nghĩ như vậy, vẫn còn chưa ý thức được tầm quan trọng của đời sống văn hóa, tâm linh. Phật giáo, như nguồn sữa mẹ đã hòa mình vào dân tộc, và “bóng chùa che chở hồn dân tộc” cũng đã kinh qua biết bao thăng trầm…


Bảo vệ chùa, bảo vệ văn hóa, đó là bảo vệ sự trường tồn của người con Việt cũng như đất nước thân yêu này… Người ngoại quốc khi đến với Hà Nội, điều gì sẽ để lại trong lòng họ nhất? Tôi tin đó không chỉ là những cao ốc đèn điện sáng choang, thể hiện một Hà Nội đang vươn lên dồi dào, mà còn là những không gian văn hóa giàu bản sắc và chiều sâu tâm linh.


Họ đã quá quen thuộc với không gian hiện đại, quá quen thuộc với những gì được xem là đặc trưng văn hóa của mình. Cái họ cần, và cả thích thú nữa, đó chính là văn hóa Việt. Đã đến lúc, tôi nghĩ người Phật tử Việt Nam nên dành sự quan tâm của mình hơn nữa cho vấn đề này: Phục dựng lại chùa Báo Thiên và Báo Ân. Không phải là những lời kêu gọi hay những dòng cảm xúc đơn thuần, mà phải bằng hành động cụ thể.


Giáo hội nên có những chủ trương và đề xuất thực tế với Chính phủ. Tôi tin mọi người dân Việt Nam yêu nước đều sẽ ủng hộ, và một lòng góp sức vì đại sự này…  


Phan Hữu Dương, Ngô Quyền, Hà Nội ([email protected]) Tại sao? Tại sao? Và tại sao, là câu hỏi mà bản thân tôi day dứt về mảnh đất lịch sử, Tâm linh nằm trong không gian lịch sử Tâm linh – xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Một trong số đó là Chùa Báo Thiên…. Sao Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, giới sử học lại im hơi lặng tiếng, không có một phản ứng nào về việc đề nghị Nhà nước khôi phục lại di tích tâm linh, lịch sử, một thời là niềm tự hào, là một trong 4 biểu tượng của dân tộc “An Nam Tứ Đại Khí”.


Hà Nội sắp kỷ niệm 1000 năm, quả thật, trên mảnh đất Thăng Long có hàng ngàn di tích, di tích nào cũng nên được hậu thế trân trọng, giữ gìn. Nhưng Chùa Báo Thiên và Tháp Báo Ân sao lại bị lãng quên một cách đau lòng vậy? Giáo hội PGVN ở đâu? Giới sử học ở đâu? Cho chúng tôi, thế hệ trẻ hỏi, xin đừng trách thế hệ trẻ sớm quên quá khứ cha ông…


Thích Minh Triết – TP. Hồ Chí Minh ([email protected]) Vấn đề phục dựng lại chùa Báo Thiên và Báo Ân theo tôi là vô cùng cần thiết. Chúng ta đang hướng đến 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thì những gì đã một thời tạo nên diện mạo, lối sống văn hóa, niềm kiêu hãnh.. của Hà Nội cần phải được đối sử một cách trân trọng đúng mức.


Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là thể hiện sự tự hào, kính trọng của con cháu đối với những di sản tinh thần, vật chất mà cha ông ta đã tạo dựng trong quá khứ, qua đó thể hiện quyết tâm giữ gìn di sản cha ông cho muôn đời con cháu Việt Nam, thì lẽ nào ngôi chùa Báo Thiên, một trong 4 báu vật của Việt Nam lại không có chỗ đứng? Vậy chúng ta đang tưởng niệm cái gì, đang thể hiện thái độ gì trước di sản cha ông?


Tất nhiên ngoài chùa Báo Thiên ra ta có nhiều cái để tự hào, để kỷ niệm. nhưng theo tôi, về mặt văn hóa, lịch sử, chính trị… chùa Báo Thiên luôn được xếp ở hàng đầu, do đó nó rất xứng đáng để phục dựng. Giới sử học, khảo cổ học có thể bỏ ra từ năm này đến năm khác, lặn lội đến những nơi khỉ ho cò gáy để tìm hiểu, tranh luận, bảo vệ… những tấm bia, mảnh vỡ, nền móng…của những công trình, những di tích mà gọi mãi chẳng ra tên, định hình mãi chẳng thấy dáng dấp, thì hà cớ gì một ngôi chùa tháp Báo Thiên mà danh tiếng của nó đã trở thành nềm tự hào của người Việt Nam lại chịu sự ghẻ lạnh, sự lãng quên mà cũng có thể là sự né tránh một cách lạnh lùng tàn nhẫn đến thế trong suốt những năm tháng qua!


Chính sự im lặng này khiến tôi đặt một dấu hỏi vô cùng lớn về lương tâm, trách nhiệm của giới làm khoa học lịch sử nước nhà. Nếu lấy lí do là việc phục dựng rất tốn kém, nhà nước không có tiền, thì tôi nghĩ với 2000 năm lịch sử gắng bó với dân tộc này, với gần 80% dân số theo Phật giáo hay chịu ảnh hưởng của Phật giáo thì vấn đề kính phí không có gì là quá khó.


Vấn đề bây giờ là thái độ, là quyết tâm của Chư Tôn tôn túc lãnh đạo Giáo hội, và toàn thể Phật tử đối với những di sản mà do chính thầy tổ mình đã tạo dựng nên. Hay quý vị cũng lựa chon thái độ né tránh, im lặng như sự im lặng của ngàn năm lịch sử?


Bịt mắt, bưng tai giữa đất trời sấm chớp giông bão không làm chúng ta ngủ được đâu. Có thể coi việc quy hoạch lại thủ đô Hà Nội, (bao gồm việc phục dựng và xây mới một số công trình), như là một sự kiện lịch sử có một không hai, để toàn thể Tăng Ni Phật tử nước nhà thể hiện trách nhiệm của mình đối với đạo pháp – dân tộc, cụ thể ở đây là vấn đề phục dựng lại chùa Báo Thiên. Còn Đối với đất nước này, đây là dịp để trả lại công bằng cho lịch sự, qua đó thể hiện thái độ hướng về cội nguồn dân tộc trong xu thế hội nhập toàn cầu.


Trương Công Khanh – Úc ([email protected])Tôi nhận thấy, vấn đề khôi phục chùa Báo Thiên đã được Tăng Ni, Phật tử đặt ra hơn một năm nay, kể từ khi xảy ra việc “cầu nguyện đòi đất” tại Nhà Chung. Ngay trang nhà Phattuvietnam cũng đã tổ chức thăm dò ý kiến dư luận và tuyệt đại đa số đều muốn phục dựng chùa Báo Thiên. Có nơi đã lập cả website về chùa Báo Thiên với rất nhiều ý kiến và khám phá mới. Thiết nghĩ Giáo hội PGVN nên theo tâm nguyện chính đáng này mà đề xuất với Chính quyền Hà Nội để lên phương án phục dựng.


Lan Anh – Hà Nội ([email protected]) Chùa Báo Thiên xưa là một trong bốn vật báu của quốc gia “An Nam tứ khí”, vậy nhưng có bao nhiêu người sinh sống trên mảnh đất Hà thành biết được nguồn gốc văn hóa lịch sử của một di sản quý báu đã từng hiện diện ở đây? Những người trẻ như tụi em, chắc chắn không biết nhiều về hai di sản này. Với việc thiếu các thông tin về di sản tại mảnh đất ấy như vậy thì rất khó để người ta có ý kiến đóng góp một cách công bằng. Theo em, khái niệm “lấy ý kiến nhân dân” tuy nghe có vẻ khách quan nhưng không hẳn đã đúng với sự việc. Vì họ cứ đến đó thấy đẹp, thấy sang, thấy hiện đại là họ “ok” ngay. Vì thế, em nghĩ chính người Phật tử phải ý thức lên tiếng về vấn đề này. Chẳng hạn như muốn có nhiều người đi bộ để ủng hộ một vấn đề gì đó thì phải làm tốt công tác tuyên truyền thông tin. Không có việc tuyên truyền nào nhanh hơn internet hiện nay. Là một sinh viên yêu quý những di sản văn hóa của dân tộc, em hy vọng mỗi người dân đất Việt hãy lên tiếng phục dựng lại chùa Báo Thiên để những giá trị văn hóa của ông cha được lưu giữ, để các thế hệ mai sau được biết về thời kỳ hoàng kim của dân tộc, và có thể tự hào về nền văn hóa truyền thống của dân tộc.


Phạm Văn Đăng – Hà Nội ([email protected]) Thưa quý vị, tất cả những ngôi chùa “lọt thỏm” ở Hà Nội hiện nay khi xưa đất của nó đều rất rộng lớn. Chùa Một Cột nổi tiếng khi xưa có nhỏ như vậy không? Khi xây dựng Kinh đô Thăng Long, các vị vua đều coi trọng đến những nơi lập chùa. Vì thế rất dễ hiểu tại sao chùa là dấu ấn đặc thù tại kinh đô, làm say lòng biết bao nhiêu tao nhân mặc khách. Chùa Báo Thiên còn đó những vần thơ ca ngợi đầy tự hào và sảng khoái. Tôi cho rằng vị thế lịch sử văn hóa tâm linh của chùa Báo Thiên không có gì sản đã mất nào của Việt Nam sánh kịp. Chính vì lẽ ấy ngôi chùa này xứng đáng được phục dựng bằng cách nào đó phù hợp với điều kiện hoàn cảnh hiện tại là quy hoạch lại Hồ Gươm. Việc những Phật tử có nguyện vọng phục dựng chùa Báo Thiên là cơ sở để gợi nhắc cho những người làm quản lý trong lĩnh vực di sản văn hóa. Tôi nghĩ Giáo hội không chỉ có ý kiến tác động đến các cấp chính quyền quản lý để sớm phục dựng chùa Báo Thiên mà còn khuyến khích Tăng Ni, Phật tử dựng những ngôi chùa mới mang tên Báo Thiên và sưu tầm toàn bộ những lịch sử của ngôi chùa này để thế hệ mai sau hiểu rõ, chiến tranh luôn mang đến những sự tàn phá di sản.


Nguyễn Khoa – Canada ([email protected]) Tôi nghĩ rằng quy hoạch khu vực hồ Gươm là khu vực đặc biệt quan trọng của không gian văn hóa tâm linh nơi thủ đô của đất nước. Nếu có xây dựng, các cảnh quan kiến trúc phải hài hòa, đặc biệt mang màu sắc dân tộc. Không nên có những kiến trúc xa lạ tại nơi đây. Chúng tôi mỗi khi về Việt Nam không phải để hưởng không khí của những cao ốc theo kiến trúc phương Tây mà rất cần thấy những hình ảnh gắn bó với văn hóa dân tộc. Hơn nữa như chỉ đạo về đất đai của Thủ tướng vừa qua, mọi vấn đề sử dụng đất tại những nơi đã từng là đất đai của tôn giáo, nhất là nơi đây có hai di sản đặc biệt nổi tiếng của Phật giáo bị chiếm phá, cần phải xét đến tình cảm tôn giáo của người Phật tử. Chùa Báo Thiên xứng đáng được phục dựng tại khu vực Hồ Gươm. Tôi nghĩ, trước tiên cục bảo tồn di sản nên thu hồi lại chiếc giếng đá cổ đang được đặt trong nhà thờ.


Ngô Đôn Uy – TP. Hồ Chí Minh ([email protected]) Kính thưa Quý vị, Tôi rất mong Ban quản trị trang web này chuyển những ý kiến chính đáng của mọi người về chùa Báo Thiên và Báo Ân đến Giáo hội PG Trung Ương. Tôi rất mong Giáo hội PG nên có tiếng nói góp ý cho Chính phủ VN. Giáo hội PG không nên chọn cách im lặng để an toàn cho mình hoạt động. Giáo hội phải trân trọng những ý kiến đóng góp của Phật tử cho dù đúng hay sai mà mạnh dạn góp ý với Chính phủ VN để chính phủ biết mà khắc phục. Tôi rất mong Giáo hội PG có thống kê tổng thể về di sản PG trên toàn VN ở các giai đoạn lịch sử khác nhau để yêu cầu Chính phủ VN khôi phục lại những di sản PG đã mất trên toàn VN do nhiều yếu tố. Chúc sức khỏe Qúy vị.


Diệu Bảo – TP. Hồ Chí Minh ([email protected]) Tôi nghĩ rằng, cách ứng xử thờ ơ vô cảm của giới khoa học, lịch sử, văn hóa với chùa Báo Thiên và Báo Ân như vậy là cơ hội rất tốt để Việt Nam bỏ khái niệm phục dựng, bảo bồn di sản ra khỏi những quan tâm về di sản cũng như luật di sản. Bởi những khái niệm đó còn tồn tại mà những di sản có ý nghĩa lịch sử văn hóa như chùa Báo Thiên và chùa Báo Ân còn bị bỏ quên thì là một sự mỉa mai rất lớn. Tôi nghĩ, ngày Hội đồng giám khảo ra quyết định sắp đến gần. Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng gửi thư đến lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chùa Báo Thiên trong vụ “cầu nguyện đòi đất” ở Nhà Chung tại sao lại không bày tỏ chính kiến và nguyện vọng chính đáng về điều này. Bởi khi quy hoạch Hồ Gươm, không khéo thì cả cái tháp Hòa Phong của chùa Báo Ân cũng sẽ mất dấu. Bưu điện sẽ biến mất, trong khi đó chính là nơi tọa vị của chùa Báo Ân. Tôi nghĩ, Tăng Ni, Phật tử thủ đô nên mạnh dạn hơn nữa trong việc thể hiện ước nguyện chính đáng này. Nếu di sản chùa Báo Thiên bị ứng xử như vậy thì rồi mai sau, tất cả các di sản cũng sẽ bị ứng xử như vậy.   


Nguyễn Xuân Linh – Ninh Thuận ([email protected]). CHÙA BÁO THIÊN bị tàn phá và xây dựng lại (Nhà Thờ Lớn) trong thời Pháp đô hộ, một gốc tích rõ ràng trong lịch sử thời chiến tranh, nỗi mất mát của một lịch sử văn hoá hào hùng như vậy chưa được khôi phục lại. Kính mong các cấp chính quyền sớm khôi phục lại CHÙA BÁO THIÊN, đó cũng là niềm vui lớn nhất trong lòng mọi người trong con người Việt Nam đang mong đợi.


Nguyễn Trung – Hà Nội ([email protected]). Tôi là một Phật tử ở Hanoi.Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng phục dựng chùa Báo Thiên và Báo Ân. Là thủ đô của một nước với hơn 80% dân số theo đạo Phật và có một nền văn hoá Phật giáo từ thời tiền Lý với việc xây chùa Khai Quốc, thế mà tới ngày nay Hanoi không còn những ngôi chùa to lớn xứng đáng là Quốc tự. Ngày nay Nhà nước đang chủ trương khôi phục và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc cũng chính là thời điểm Phật giáo Việt Nam nên tính đến khôi phục lại những di sản Phật giáo trên cả nước nói chung và ở Hanoi nói riêng .Phật tử cả nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam hãy cố gắng vì mục đích này.


Nguyễn Thị Xuân – TP. Hồ Chí Minh ([email protected]). Sau khi đọc bài “Từ dự án quy hoạch Hồ Gươm nghĩ về việc phục dựng chùa Báo Thiên” của tác giả Nam Quốc, trong tôi đã nhóm lên một hy vọng rằng phía Phật giáo có thể đánh động dư luận về sự kiện này. Nhưng đã hai ngày trôi qua, tôi chỉ thấy có 4 ý kiến, không có bóng dáng của một Tăng Ni lên tiếng, nhất là quý vị lãnh đạo trong các ban ngành, trong các quận huyện, tỉnh thành. Chính kiến không có, ước nguyện chính đáng không có, thử hỏi chúng tôi đang sống trong một môi trường Phật giáo như thế nào đây? Phật giáo thiền chứ không ngủ, nhưng với sự việc quy hoạch này, đó là điều kiện không tái hiện lần thứ hai để chúng ta hy vọng về một giải pháp công bằng cho di sản chùa Báo Thiên, chùa Báo Ân. Xin nhận ở tôi một lời cảm ơn tác giả Nam Quốc và một lời ai điếu cho những ai đang còn giữ thái độ im lặng cầu an qua lâu.


Peter Sau thi Vo – CA., USA ([email protected]). Trung tâm của thủ đô Hà Nội sẽ giúp thế giới đánh giá lòng tự hào của dân tộc Việt Nam. New York có tượng Nữ Thần Tự Do, Bangkok có Hoàng Cung và chùa Vàng, Tokyo có đền Senso-Ji khổng lồ nằm ngay trong thành phố. Còn theo một ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm, người Việt chúng ta sẽ có Nhà Thờ Lớn, tuy giống với Paris, Pháp cũng không sao, nhưng đánh dấu nơi  ngôi chùa của vua Lý Thánh Tông bị thực dân phá huỷ để xây Nhà Thờ. Độc lập về mặt hành chính thì ta đã có, nhưng độc lập về văn hóa, tư tưởng thì còn phải bàn nhiều.


Nguyễn Huy Trung – TP. Hồ Chí Minh (). Chúng ta đã từng chịu nhục khi nhiều di sản văn hóa của dân tộc bị giặc ngoại xâm phá bỏ trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là dưới thời đô hộ của nhà Minh và thực dân Pháp. Nay đất nước đã độc lập, tự do và thống nhất, không lẽ những người làm quy hoạch lại vô tình quên đi những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc? Mong rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam và những người có trách nhiệm với Tổ tiên, với Dân tộc không thể thờ ơ. Tổ quốc Việt Nam muôn năm, Dân tộc Việt Nam trường tồn.


Vũ Đức Minh – Stockton – CA – USA ([email protected]). Tôi không hiểu khi vẽ các đồ án quy hoạch Hồ gươm, một nhóm kiến trúc sư có am hiểu lịch sử hay không mà lại vẽ một Tòa kiến trúc Phương Tây đầy tai tiếng lịch sử đâm thẳng ra Hồ Gươm? Cho dù vô tình hay cố ý thì việc hành động này theo tôi là không bình thường và tỏ ra thiếu hiểu biết lịch sử, quay lưng lại với cội nguồn dân tộc. Điều đáng buồn nhất cho dân tộc là những di sản lớn của tổ tiên như chùa Báo Thiên, chùa Báo Ân mà vết tích của nó là cái giếng cổ và ngọn Tháp Hòa Phong còn hiện diện bên Hồ Gươm thì lại bị chính những người làm công tác khảo cổ, bảo tồn di sản văn hóa, những nhà khoa học, những kiến trúc sư quên lãng. Nếu như Thủ đô quy hoạch lại Hồ Gươm mà không cho phục dựng lại hai ngôi chùa này, hoặc ít ra là lấy tên hai ngôi chùa này để đặt tên đường thì tôi nghĩ rằng việc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long chẳng có ý nghĩa gì, bởi vì chúng ta sống trong sự vô tâm và quên lãng cội nguồn. Tôi mong khi trưng cầu dân ý, Nhà nước nên xem xét lại dự án quy hoạch Hồ Gươm cũng như đã từng làm với ngôi chợ 19/12.


Thích Đạo Hạnh – Đà Nẵng ([email protected]).Tiếng nói của trang nhà phattuvietnam.net thôi thì không đủ sức mạnh để thuyết phục được nhà chức trách chính quyền Hà Nội. Thiết nghĩ Khu đất này từng nơi tồn tại và phát triển của hai ngôi cổ tự danh tiếng một thời. Vậy trách nhiệm lớn lao này thuộc về Qúy Hòa Thượng – Qúy Thượng Tọa – Qúy Đại Đức Tăng Ni hiện đang lãnh đạo trong Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giaó Hội Phật Giaó Việt Nam. Qúy Ngài lên tiếng thì hàng Phật tử chúng con mới noi theo. Qúy Ngài lên tiếng thì Nhân hào thân sỹ mới nhiệt tâm ủng hộ. Về vấn đề Chùa Báo Thiên & Báo Ân, Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giaó Hội Phật Giaó Việt Nam nên có cuộc họp khẩn, làm thỉnh nguyện thư lên Thủ Tướng Chính Phủ, Chủ Tịch Nước. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long mà không có hai ngôi Chùa thì lấy gì làm tư liệu. Nếu quý Ngài lãnh đạo Giaó Hội Phật Giaó mà không lên tiếng là có trách nhiệm với Tiền Nhân, với Hậu thế.


Trần Tiến – Australia ([email protected]). Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga mới đã cho xây dựng một Ngôi Thánh đường Chính thống giáo đã bị tàn phá trong chiến tranh, coi đây là biểu tượng của dân tộc Nga. Giờ đây là cơ hội quý báu của Chính phủ và Phật giáo cùng nhân dân cả nước phải đồng tâm “tái thiết văn hóa” Việt Nam cho đất nước và thủ đô. (Khi xem hình của một dự án lấy Nhà thờ Lớn kéo thẳng ra Hồ Gươm sao thấy giống nhà thờ Notr Dame de Paris quá!) Thích làm tiểu Paris ở châu Á chẳng?


Phúc Thiện – Hà Nội ([email protected]) Bản thân cháu là một sinh viên tuy chưa thể hiểu hết ý nghĩa của những giá trị văn hóa của những ngôi chùa cổ nhưng cháu thấy rằng việc phục hồi những giá trị đó là hết sức thiết yếu. Lớp trẻ chúng cháu by giờ dần dần đang bị lãng quyên những giá trị truyền thống của dân tộc cũng 1 phần là do không được giới thiệu và tiếp cận những giá trị đó. Cháu mong rằng việc quy hoạch Hồ Gươm nói chung phải giữ được những truyền thống văn hóa tinh thần lâu đời của dân tộc nói chung và việc cần phải phục hồi chùa Báo Thiên nói riêng.


Nguyễn Trung – Hà Nội ([email protected]) Tôi là một Phật tử ở Hanoi.Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng phục dựng chùa Báo Thiên và Báo Ân.Là thủ đô của một nước với hơn 80% dân số theo đạo Phật và có một nền văn hoá Phật giáo từ thời tiền Lý với việc xây chùa Khai Quốc,thế mà tới ngày nay Hanoi không còn những ngôi chùa to lớn xứng đáng là Quốc tự. Ngày nay Nhà nước đang chủ chương khôi phục và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc cũng chính là thời điểm Phật giáo Việt Nam nên tính đến khôi phục lại những di sản Phật giáo trên cả nước nói chung và ở Hanoi nói riêng. Phật tử cả nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam hãy cố gắng vì mục đích này.


Thường Trung – TP. Hồ Chí Minh ([email protected]). Phục dựng chùa Báo Thiên là vấn đề được đặt ra từ lâu trong giới trí thức Phật tử có nhiều quan tâm trăn trở với di sản văn hóa nước nhà. Chùa Báo Thiên đúng ra phải nằm trong “sách đỏ” ưu tiên số 1 cho việc phục dựng. Cứ mỗi lần đọc đến bài thơ ca tụng chùa Báo Thiên ở kinh đô Thăng Long của Phạm Sư Mạnh là thấy trong lòng xót xa, đầy hoài cảm. Trấn áp Đông Tây giữ đế kỳ, Một mình cao ngất tháp uy nghi. Chống trời cột trụ non sông vững, Sừng sững ngàn năm một đỉnh chùy. Chuông khánh gió đưa vang đối đáp, Đèn sao đêm đến rực quang huy. Đến đây những muốn lưu danh tính, Mài mực sông xuân viết ngẫu thi. Di sản thật, chùa tháp thật, không gian văn hóa tâm linh thật. Lịch sử cũng sáng rõ những sự thật về chùa Báo Thiên. Trên thế giới, người ta không chỉ quan tâm chăm chút đến từng mảnh vỡ của di sản mà nhiều khi người ta dựng tượng đài cho cả những nhân vật ảo được yêu quý trong tiểu thuyết. Còn ở nước ta, những di sản nổi tiếng như chùa Báo Thiên thì bị để chìm vào quên lãng. Giới sử học, văn hóa, kiến trúc đã bỏ qua một kiến trúc rất đặc sắc của chùa Báo Ân (qua ảnh chụp của người nước ngoài), trong khi chùa Báo Thiên còn có quy mô và kiến trúc độc đáo hơn chùa Báo Ân. Nhiều nơi trên thế giới, người ta phục dựng di sản khi không có bất cứ hình ảnh nào mà chỉ mò mẫm qua một vài tư liệu lịch sử. Trong khi chúng ta có những tư liệu hình ảnh kiến trúc quý như vậy thì chúng ta lại bạc đãi với di sản. Nay chỉ còn một ngọn tháp nhỏ của chùa Báo Ân là tháp Hòa Phong trơ vơ giữa sự vô tình qua lại của con người đang sống trong một thủ đô văn vật. Tình cảnh này rất đáng để những người có lương tâm suy ngẫm.


Trương Văn Bình – USA ([email protected]) Khi đến một xứ nào chúng ta đều được giới thiệu những kiến trúc truyền thống của xứ đó như một hãnh diện về văn hóa của dân tộc đó. Nhât Bản là nước canh tân rất sớm, tuy nhiên họ biết duy trì và phát triển những tinh hoa của văn hóa truyền thống của họ, do đó họ đã quân bình được hai nền văn hóa bản địa và ngọai nhập. Để rồi từ đó họ hình thành một nền văn hóa đặc thù Nhật Bản mà dấu ấn có thể nhìn thấy trên tất cả những sản phẩm của họ từ xe hơi, ti vi đến các món ăn uống. Du khách đến, họ hãnh diện và tự hào giới thiệu các ngôi chùa đền cổ kính của họ. Đất nước chúng ta trải qua những cuộc chiến tranh lâu dài, do đó phần lớn những chùa chiền đã bị phá hủy. Ngày nay với chủ trương sáng suốt của chính phủ trong việc xây dựng một xã hội “đậm đà bản sắc dân tộc” là một chủ trương sáng suốt biểu lộ tinh thần độc lập tự chủ và tự hào của dân tộc. Rất mong công trình Chùa Báo Thiên sớm được phục dựng để kỷ niệm ngàn năm Thăng Long. Công trình này là lời khẳng định của con người ngày hôm nay với tổ tiên ngàn năm trước là chúng ta vẫn tôn trọng gốc rễ cội nguồn của dân tộc, chúng ta là những người tiếp nối công trình của tiền nhân, chúng ta biết ơn tiền nhân đã gây dựng và nguyện gìn giữ những di sản đó tồn tại mãi với đất nước này. Đất nước cần tiến theo đà tiến hóa của nhân lọai, nhưng không nên nhân danh hiện đại hóa để rồi phá hủy hết những truyền thống kiến trúc của dân tộc. Du khách ngọai quốc sẽ nghĩ thế nào khi đến thăm một đất nước với những chiến công hiển hách về nền độc lập dân tộc, trong khi đó ngay tại Hồ Gươm, trái tim của thủ đô và tại trung tâm của những đô thị lớn trên cả nước, hình ảnh phương Tây vẫn sừng sững, còn bóng dáng ngôi chùa ngàn năm chỉ chẳng thấy đâu! Ước mong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam sẽ có tiếng nói tích cực trong công cuộc này như trước đây Giáo hội đã từng lên tiếng về di sản đã bị thực dân phá hủy. Ước mong công trình Chùa Báo Thiên sẽ là một hiện thực.


Thao Nguyen ([email protected]) Ông Lê Quang Vịnh – Nguyên Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng toàn bộ khu đất rộng ngày nay gọi là Phố Nhà Chung (Công giáo), ngày xưa là một ngôi chùa (Phật giáo) cổ kính, tráng lệ, đồ sộ vào bậc nhất nước ta (Báo Đại Đoàn Kết).


Một ngôi chùa cổ kính, tráng lệ, đồ sộ vào bậc nhất nước ta, nhưng vẫn bị ai đó làm lơ. Điều đó lý giải rằng, một số người trong giới khoa học, khảo cổ, lịch sử không có đủ dũng khí để nói lên sự thật này, vì nó đụng tới một vết nhơ (có hệ thống) lịch sử của thực dân Pháp, cụ thể là “phép thiêng” đã biến ngôi chùa Báo Thiên thành nhà thờ Lớn và khu phố Báo Thiên thành phố Nhà Chung.


Mới đây, Hà Nội có dự án quy hoạch chợ 19/12 thành đường, thành cao ốc. Trong thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc có những đoạn viết như sau: “Ông đang đảm nhận trách nhiệm là Chủ tịch Thành phố, tôi cảm thấy bức xúc muốn lưu ý ông đến với một công trình đang gây dư luận trong xã hội. Đó là việc lãnh đạo Hà Nội đã cho phép xây dựng trên nền chợ tạm 19-12 một toà nhà 17 tầng làm văn phòng và các hoạt động dịch vụ thương mại”…


Thêm nữa, đây cũng lại là một không gian để có thể tưởng niệm những người đã ngã xuống trong những ngày đầu kháng chiến mà một thời cả chính quyền tạm chiếm (1947-1954) và chính quyền chúng ta đã từng tổ chức tưởng niệm (cho đến 1981 mới di dời). Điều đó cũng có nghĩa đây là một không gian văn hoá và tâm linh” (Thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội – Vietnamnet).


Nếu nói đến không gian văn hóa tâm linh thì với khu vực hồ Gươm có 2 di sản Phật giáo nổi tiếng đồ sộ và thiêng liêng bậc nhất tại kinh thành. Trầm tích, di sản vật thể của nó như giếng đá cổ mới bị người ta đào đi. Tháp Hòa Phong vẫn còn nằm trơ trọi bên đường… Và mai đây, khi quy hoạch Hồ Gươm, không biết họ sẽ xây dựng những kiến trúc gì trên mảnh đất không gian văn hóa tâm linh đó.


Nền chợ tạm 19/12 còn được ứng xử như vậy. Thế mà với một di sản nổi tiếng nước Nam, khi có điều kiện quy hoạch lại Hồ Gươm tại sao giới sự học, khảo cổ, văn hóa lại im lặng một cách đáng sợ như vậy?


Trương Công KhanhAustralia ([email protected]) Mảnh đất đó có hai di sản nổi tiếng đẹp nhất kinh đô bị giặc pháp và tay sai tàn phá. Tôi cho rằng phục dựng chùa Báo Thiên, lễ hội chùa Báo Thiên là hoàn toàn có cơ sở lịch sử. Chúng ta có đầy đủ tư liệu và với kỹ thuật hiện nay, không khó để chúng ta phục dựng chí ít là một trong 2 di sản này. Thực chất, di sản văn hóa được phục dựng khắp nơi ở Việt Nam chưa có ngôi chùa nào có những giá trị tầm cỡ lịch sử như chùa Báo Thiên. Việc chưa thể phục dựng chùa Báo Thiên là có lỗi ở phía Giáo hội, ở những người làm công tác về lĩnh vực di sản văn hóa. Nay quy hoạch hồ Gươm với những đồ án có mở rộng đất và xây mới một số công trình, không lẽ gì chùa Báo Thiên lại không thể có một vị trí được khôi phục xứng đáng tại khu đất này. Phật giáo Thăng Long – Hà Nội rất cần những hình thức ứng xử phù hợp và công bằng như vậy. Giáo hội nên quan tâm và bày tỏ thái độ cũng như nguyện vọng chính đáng phù hợp với chính sách bảo tồn và phục dựng di sản vật thể và phi vật thể. Chúng ta đã từng lên tiếng về việc từng là sở hữu chủ của mảnh đất này hơn 700 năm (cho đến thời điểm 1883 bị Giám mục Puginier và Nguyễn Hữu Độ cấu kết chiếm phá). Nay quy hoạch hồ Gươm chúng ta có lý do chính đáng để đề xuất việc phục dựng chùa Báo Thiên. Đó là nguyện vọng thiết tha của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam về một di sản thiêng liêng từng nổi tiếng nước Nam một thời. Lịch sử không bao giờ quên Báo Thiên, người Phật tử không bao giờ quên Báo Thiên. Mong thay giáo hội nên thể hiện chính kiến của mình trước vấn đề này. Chúng tôi xin sẵn sàng trở thành những người tình nguyện vận động mọi nguồn lực vật chất và tinh thần để phục dựng chùa Báo Thiên.


Vinh Hien ([email protected]) Tôi cho rằng phục dựng chùa Báo Thiên là việc làm đúng đắn. Tôi tin giới khoa học, khảo cổ, lịch sử cũng tán đồng với việc làm này. Bởi chúng ta đã từng phục dựng nhiều di sản gần như mất dấu trên khắp cả nước. Phục dựng chùa Báo Thiên là mong mỏi, thậm chí khát khao của Phật tử suốt bao nhiêu năm nay. Nhưng điều kiện lịch sử vẫn chưa hội đủ. Nay quy hoạch lại Hồ Gươm không có lẽ gì không dành cho chùa Báo Thiên một vị trí xứng đáng để phục dựng.


Đọc tin tức tôi được biết, sáng này (9/1) Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết lãnh đạo tỉnh này và lãnh đạo thủ đô Hà Nội vừa thống nhất một số nội dung, kế hoạch hợp tác trong thời gian tới, nhằm hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.


Theo đó, Thanh Hóa đã chọn bốn di tích lịch sử – văn hóa tiêu biểu thời Lý để bảo tồn, tôn tạo, phục hồi là đền thờ Đào Cam Mộc (xã Yên Trung, huyện Yên Đình), đền thờ danh tướng Lý Phụng Hiểu (xã Hoàng Sơn, huyện Hoằng Hóa), chùa Linh Xứng (xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung), đền Đồng Cổ (xã Yên Thọ, huyện Yên Định). Đây là nơi các vua Lý khi đánh giặc đã dừng chân xin thần phù hộ.


Một tỉnh khá xa Hà Nội như Thanh Hóa mà còn cho tôn tạo, phục hồi những di sản liên quan đến thời Lý, trong khi chùa Báo Thiên có vị trí đặc biệt quan trọng của triều đại Lý – Trần. Thậm chí thời Lê, Phật giáo không còn vị trí như thời Lý – Trần nhưng các ngôi chùa ở tại kinh đô vẫn được ứng xử như những ngôi quốc tự. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vào năm Mậu Thìn (1448) vua “Xuống chiếu cho các quan văn võ phải trai giới đến chùa Báo Ân ở cung Cảnh Linh làm lễ cầu mưa. Vua đích thân tới vái xin. Sai Thái úy Lê Khả đến xã Cổ Châu (tức chùa Dâu) rước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên ở kinh thành. Xuống chiếu cho các nhà sư tụng kinh cầu đảo. Vua và hoàng hậu cùng đến làm lễ”.


Không có lý do gì một di sản vô cùng quý giá và có vị trí to lớn trong lịch sử nước nhà như chùa Báo Thiên lại không thể được quan tâm phục dựng. Thành phố văn hóa và hòa bình sao có thể để cho một di sản văn hóa như chùa Báo Thiên chìm sâu vào quên lãng?
Chắc chắn không chỉ riêng tôi mà hầu hết người Phật tử Việt Nam, thậm chí cả những người quan tâm đến di sản văn hóa của dân tộc đều đang chờ đợi những chính sách đúng đắn của nhà nước về vấn đề di sản chùa Báo Thiên. Hiện nay chiếc giếng đá cổ chùa Báo Thiên vẫn chưa được ứng xử một cách đúng mực theo luật di sản.


Giáo hội rất nên kịp thời đưa ra kiến nghị chính đáng và hợp lý này. Người Phật tử trên khắp cả nước đang đặt hết niềm tin vào quý vị. Di sản Phật giáo không thể bị ứng xử một cách vô tình như vậy







Nếu quý độc giả có ý kiến về vấn đề quy hoạch Hồ Gươm và phục dựng chùa, tháp Báo Thiên, chùa Báo Ân, xin bấm vào đây, hoặc gửi email về địa chỉ: [email protected]