Trang chủ Văn hóa Du lịch Yên Tử linh thiêng

Yên Tử linh thiêng

86

Núi Yên Tử nằm ở phía Đông Bắc, thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Nơi đây hàng năm diễn ra lễ hội mùa Xuân Yên Tử được tổ chức từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Lễ hội có các trò chơi dân gian, biểu diễn ca hát truyền thống, đọc thơ, kịch ngắn…

Đến Yên Tử chúng ta có thể thoả sức ngắm cảnh đất trời, leo núi theo đường bộ trên 20 km từ chân núi lên đỉnh với hàng ngàn bậc đá.Hoặc đi bằng hệ thống cáp treo với 2 tuyến gồm tuyến 1 lên đến chùa Hoa Viên, tuyến 2 lên đến cổng trời.

Phong cảnh Yên Tử là sự kết nối giữa chùa chiền hang động, chen trong rừng trúc xen lẫn những cây thông, cây tùng cổ thụ, tạo cho nơi đây thành một điểm du lịch tâm linh, văn hoá và sinh thái hấp dẫn.

Theo sử sách ghi lại, vào cuối thế kỷ XIII, sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông xâm lược, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên non Yên Tử để tụng kinh niệm Phật.

Với triết lý nhân sinh của người Việt, gắn kết với giáo lý của Phật nhà vua sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm. Ông đã cho xây dựng hàng loạt công trình lớn nhỏ làm nơi tu hành, giảng đạo.

Yên Tử đã đi vào cõi linh thiêng của người dân Việt Nam từ đấy. Đã là Phật tử ai cũng thuộc câu: “Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”, vì vậy Yên Tử trở nên hấp dẫn với mọi người.

Du khách về với Yên Tử để hiểu thêm những câu chuyện thần bí, hiểu thêm về cuộc đời vua Trần Nhân Tông. Được tận mắt thấy thiền viện Trúc Lâm được xây dựng lại với qui mô lớn trên nền các tích của chùa Lân mà Đức miếu Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từng duyệt, giảng chúng sinh.

Về Yên Tử, du khách được hít thở không khí trong lành. Được thấy thiên nhiên xanh mát, núi rừng hùng vĩ, suối chảy róc rách, chim hót liu lo, rừng trúc mây giăng mờ, hạt mưa nhỏ li ti rơi tí tách…. Được nghe tiếng mõ cầu kinh tư chùa Đồng vọng xuốnglinh thiêng và huyền bí.

Đến Yên Tử ai không lễ đến tận chùa Đồng là một thiệt thòi lớn cho lần đi du Xuân, vãn chùa ở đây. Từ xưa dân gian đã có câu: “Tu Đông tu Tây/ chưa đến chùa Đồng/ chưa đắc quả tu”.

Chùa Đồng nằm ở độ cao 1.068m so với mặt biển, vị trí cao nhất trong quần thể chùa, am, tháp và được ví như một kỳ quan mới của khu di tích Yên Tử.

Ngôi chùa được xây dựng khoảng từ 1428 – 1527 với tên gọi Thiền Trúc Tự. Chùa được đúc bằng đồng nguyên chất có chiều cao khoảng 3,5m, mặt trước 2m, rộng 1,5m.

Theo các nhà hiền triết, chùa Đồng còn có nghĩa: Đồng lòng, đồng sức, đồng tâm, đồng chí, cộng đồng.

Vào những mùa lễ hội, các tín đồ, Phật tử khắp nơi đổ về lễ Phật. Du khách đến vãn cảnh chùa, tham quan lễ hội, cầu an, cầu phúc, từ trên đỉnh núi nhìn xuống bao quát được cả vùng Đông Bắc và vùng biển Đông rộng lớn, thấy vịnh Hạ Long, mây trời xanh thẳm…

Thi hào Nguyễn Trãi từng mô tả: “Vũ trụ chốn cùng xa biếc biếc/ Nói cười ta ở giữa mây xanh”. Đỉnh Yên Sơn (nơi toạ lạc chùa Đồng) trước kia được gọi là núi “thiêng” nơi có thể cầu mưa, hô phong hoán vũ.

Trải qua năm tháng, thiên nhiên khắc nghiệt đã huỷ hại ngôi chùa cũ, vì vậy các tăng ni, phật tử cùng nhiều cá nhân, tập thể trong và ngoài nước đã đóng góp kinh phí tôn tạo lại ngôi chùa.

Ngày nay, chùa Đồng được coi là một kiến trúc Phật giáo bằng đồng độc nhất vô nhị của nước ta, nặng 70 tấn gồm 6.000 chi tiết, đầu tư hơn 1 tỷ đồng và 10 kg vàng.

Suốt hơn 700 năm tồn tại (kể từ khi vua Trần Nhân Tông lên đây), Yên Tử nổi danh là đất Tổ của Phật giáo Việt Nam. Di sản để lại nơi đây vô cùng đồ sộ vơi hàng chục ngôi chùa, am, tháp như chùa Suối Tắm, chùa Đồng, chùa Cầm Thực, chùa Lân, chùa Giải oan, tháp Tổ, am Diêm, am Dược, chùa Một mái, chùa Hoa Yên, chùa Báo Sái, tượng đá An Kì Sinh, bàn cờ tiên, thác vàng, thác bạc…

Lối lên Chùa Đồng, những cây tùng, cây đại, rừng trúc, mai mọc ở hai bên đường toả bóng mát làm cho du khách thập phương quên nỗi mệt nhọc đường dốc cheo leo.

Sau nhiều thế kỷ, hàng nghìn cô vật quí giá ở đây vẫn được truyền lại trong các am, tháp, và chùa chiền. Không những thế, khu di tích thắng cảnh Yên Tử còn gắn liền với bao chiến công trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông bảo vệ độc lập cho dân tộc và đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm – một dòng đạo Phật thuần Việt.

Tất cả những điều đó đã khiến YênTử luôn được coi là khu danh sơn lịch sử với những vị trị văn hoá vật thể và phi vật thể quý giá.