Trang chủ Văn hóa Chiếu sáng kiến trúc chùa tháp

Chiếu sáng kiến trúc chùa tháp

117

NHU CẦU CHIẾU SÁNG KIẾN TRÚC CHÙA THÁP

Chiếu sáng các công trình kiến trúc là một lãnh vực quan trọng trong nghệ thuật kiến trúc. Để chiếu sáng đạt hiệu quả mỹ thuật cao, việc chiếu sáng được các chuyên gia riêng đảm nhiệm với thiết kế riêng, thực hiện mô phỏng trên máy vi tính. Trong một số trường hợp, chuyên gia thiết kế chiếu sáng kiến trúc còn đặt làm đèn theo mẫu riêng chỉ để dùng ở một số chi tiết.

Ở TPHCM, nhiều kiến trúc công sở, bảo tàng… là các công trình được thiết kế chiếu sáng đạt hiệu quả mỹ thuật cao. Các cao ốc, khách sạn lớn cũng đầu tư nhiều cho việc chiếu sáng. Có thể thấy điều này khi ngắm nhìn thành phố ban đêm từ Thủ Thiêm. Những công trình được đầu tư chiếu sáng là những công trình nổi bật, dù nó không quá đồ sộ.

Phật giáo Việt Nam có rất nhiều kiến trúc đẹp từ Bắc đến Nam. Phật giáo lại có một dạng kiến trúc rất tiêu biểu và ấn tượng là các bảo tháp.

Việc chiếu sáng kiến trúc tự viện và bảo tháp cũng đã được nghĩ đến. Tuy nhiên, hiện nay, phổ biến hơn cả vẫn là kiểu giăng đèn bóng tròn đốt tim, có thể một màu vàng, có thể nhiều màu (xanh, đỏ, vàng…), giăng theo hình dáng bảo tháp hay mái chùa. Nhiều thánh thất Cao Đài và một số ít hơn nhà thờ cũng trang trí ánh sáng kiến trúc theo kiểu này.

Chúng tôi nhận thấy, phần lớn chùa cũng như nhà thờ chỉ thắp đèn bố trí như trên vào các dịp lễ lớn. Còn các thánh thất thì thấy dùng nhiều hơn (ngày rằm, mùng một…).

Việc bố trí ánh sáng cho kiến trúc chùa chiền, bảo tháp theo kiểu như vậy khá đơn điệu, chưa là chiếu sáng đúng nghĩa, dù Phật giáo có rất nhiều ngôi chùa, kiến trúc đẹp đẽ, uy nghi. Nếu được chiếu sáng đúng cách, chúng ta có thể làm tôn thêm vẻ đẹp của kiến trúc tự viện, bảo tháp. Đặc biệt, bảo tháp trong Phật giáo luôn luôn gắn liền với ánh sáng, với hào quang. Chiếu sáng bảo tháp cũng là một việc cúng dường nhiều công đức. Rất lấy làm tiếc là ngày thường, hầu hết các ngôi bảo tháp lớn ở TPHCM đều chìm trong bóng tối, chìm khuất dưới những tòa nhà sáng choang ánh điện.

Khi xây dựng một ngôi chùa, một bảo tháp, tăng ni Phật tử đều coi đó là một nỗ lực để cúng dường Tam bảo. Đại đa số các trường hợp, tăng xá đều được xây cất bình thường, nhưng mặt tiền chánh điện bảo tháp đều được gia công chăm chút. Giá trị thành quả kiến trúc chùa tháp khi về đêm sẽ được tôn cao nếu chiếu sáng đạt yêu cầu mỹ thuật. Chiếu sáng chùa tháp là một cách thực hiện hoàn toàn viên mãn nỗ lực xây dựng cúng dường Tam bảo của tăng ni Phật tử.

Nhìn vào hình ảnh những ngôi chùa lớn trên thế giới được đầu tư đúng mức cho chiếu sáng chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Tìm trên Google hình ảnh những ngôi chùa Myanmar, chúng ta sẽ thấy vẻ đẹp những ngôi chùa lớn như Swedagon, Golden Rock được gia tăng bội phần khi chiếu sáng về đêm. Chùa Swedagon rực rỡ với ánh sáng vàng, nhưng Golden Rock thì huyền ảo, thiêng liêng với nhiều kiểu chiếu sáng với nhiều màu sắc thay đổi (như kiểu cầu Trường Tiền ở Huế). Các chùa tháp ở Nhật như Miyajima, Kuyomizu-Dera, Asakura…cũng trở nên vô cùng rực rỡ khi chiếu sáng. Ở Trung Hoa, có 2 bảo tháp được mang tên Vàng và Bạc vì được chiếu sáng bằng 2 màu đèn khác nhau: vàng và trắng. Giả sử chụp ảnh trong lúc các ngôi chùa trên tắt hết đèn chiếu sáng thì tất cả chỉ còn một màu đen.

Nhu cầu chiếu sáng tự viện, đặc biệt là bảo tháp, không chỉ là vấn đề trang trí, mà trước hết là vấn đề biểu tượng của đạo Phật. Không có ánh đèn chiếu sáng tự viện, bảo tháp, thành phố mất đi diện mạo tâm linh khi đêm về.

CHIẾU SÁNG CHÙA THÁP NHƯ THẾ NÀO?

Tốt nhất là chính các tự viện có kiến trúc lớn, có bảo tháp đặt các nhà thầu chuyên về chiếu sáng kiến trúc thiết kế và thi công hệ thống chiếu sáng, tương tự những công trình kiến trúc lớn, có ý nghĩa biểu tượng về tinh thần. Hiện nay, xu thế phát triển của thiết kế chiếu sáng kiến trúc là vừa bảo đảm thẩm mỹ, vừa tiết kiệm. Đèn chiếu sáng kiến trúc cũng được chế tạo theo hướng này. Tiết kiệm là một tiêu chí hàng đầu trong chiếu sáng kiến trúc hiện đại.

Nhiều kiến trúc tự viện, đặc biệt là bảo tháp ở các quốc gia lãnh thổ Phật giáo Bắc tông có trình độ phát triển kinh tế cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng mỹ thuật, có thể là những hình mẫu thiết kế cho việc chiếu sáng tự viện, bảo tháp. Tại Việt Nam, thiết kế chiếu sáng sẽ rất dễ dàng, tiết kiệm nếu đã có những hình mẫu tương tự. Chẳng hạn, hệ thống chiếu sáng cầu Mỹ Thuận thiết kế tương tự như nhiều cầu dây văng trên thế giới. Kiến trúc bảo tháp ở các nước Phật giáo Bắc tông phần lớn có dáng dấp tương tự nhau là một thuận lợi lớn.

Dùng đèn pha đặt dưới đất và trên các giá đỡ cao chiếu vào kiến trúc cũng là một cách làm thường thấy. Cách chiếu sáng này có nhược điểm là nó làm phẳng dẹt kiến trúc, mất đi không gian hình khối. Tuy nhiên, cách chiếu sáng này không phải là không hiệu quả. Kiến trúc tạm của Việt Nam Quốc tự xây dựng năm 1964 có quy mô giới hạn chỉ một tầng trệt, nhưng do mặt tiền được tôn cao và chiếu sáng bằng đèn pha công suất lớn, nên về đêm trông có vẻ bề thế hơn là ban ngày. Chiếu sáng bằng đèn pha halogen vẫn có thể xét đến như cách làm tạm thời cho kiến trúc tự viện, bảo tháp trong khi chưa có được một hệ thống chiếu sáng thiết kế riêng. Vào các ngày lễ lớn, khói nhang trong ánh đèn chiếu sẽ làm gia tăng không khí thiêng liêng, tâm linh cho mặt tiền chùa tháp.

Ngày nay, người ta đã dùng kỹ thuật và nghệ thuật chiếu sáng để biến những công trình sắt thép cứng nhắc như cầu Trường Tiền, tháp anten truyền hình Bình Dương, tháp viễn thông Đà Lạt…thành những công trình mỹ thuật khi đêm xuống, thì không lý do gì Phật giáo chúng ta lại để những bảo tháp, cổng tam quan, mái tự viện trạm trổ công phu từng chi tiết nhỏ lại chìm vào bóng tối khi thành phố lên đèn. Nếu tiếng chuông chùa là thông điệp âm thanh ngày ngày nhắc nhở sự tỉnh giác, thì ánh sáng tỏa ra từ bảo tháp uy nghi là một hình ảnh thông điệp tỉnh giác tác động vào nhãn quan.

Nếu có sự băn khoăn về việc đặt hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại cho các kiến trúc cổ thì chúng ta có thể liên hệ đến hệ thống đèn chiếu sáng mới lắp đặt những năm gần đây ở Ngọ Môn, Đại Nội, Huế hay Tháp Rùa, Hà Nội. Hệ thống chiếu sáng hiện đại này đã làm cho Lầu Ngũ Phụng, Ngọ Môn có nét đẹp mới chưa từng có về đêm, lại vừa tôn cao giá trị của kiến trúc cổ kính này. Nhưng đúng là đèn chiếu nếu lắp đặt không phù hợp, vẫn có nguy cơ làm biến dạng, méo mó kiến trúc.

Tất nhiên, không phải mọi ngôi chùa đều cần phải lắp đặt hệ thống chiếu sáng, nhưng những ngôi chùa lớn tiêu biểu cho diện mạo Phật giáo của thành phố, đặc biệt là những ngôi bảo tháp, thì thiết nghĩ, việc sớm có được một hệ thống chiếu sáng xứng tầm là điều hết sức cần thiết.

TIẾT KIỆM TRONG CHIẾU SÁNG CHÙA THÁP

Sau khi kết thúc bài viết ở đoạn trên, chúng tôi không yên tâm. Có thể có bạn đọc nghĩ rằng tác giả đã “vẽ” thêm một việc tốn tiền chăng. Do đó, người viết thấy cần đào sâu vào vấn đề tiết kiệm.

Chiếu sáng là đương nhiên phải tốn chi phí cho tiền điện sử dụng thêm, nhưng chiếu sáng đúng cách thì chi phí không bao nhiêu trong khi hiệu quả có được rất lớn.

Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu một tài liệu có thể tham khảo, là Kỷ yếu Hội thảo khoa học chiếu sáng toàn quốc năm 2008: “Những giải pháp công nghệ tiên tiến và cơ chế tài chính để thực hiện chiếu sáng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng (Ủy Ban Nhân dân TPHCM, 8-11-2008).

Như đã nói, chiếu sáng hiện đại là chiếu sáng tiết kiệm:

– Không cần phải chiếu sáng toàn bộ kiến trúc, mà chỉ cần nhấn ánh sáng ở một số điểm. Thí dụ: Ngọ Môn, Huế; Chợ Bến Thành, TPHCM.

– Không cần phải dùng ánh sáng mạnh công suất đèn lớn, tốn nhiều điện, mà khi thiết kế hệ thống chiếu sáng cần nghiên cứu ánh sáng từ các công trình chung quanh. Nếu chung quanh không có nguồn phát sáng mạnh, thì chỉ cần chiếu sáng chùa tháp bằng ánh sáng công suất nhỏ là đủ (thí dụ, sau lưng bảo tháp Việt Nam Quốc Tự không có cao ốc với nguồn tỏa sáng mạnh, thì không cần nhiều đèn, chỉ đèn công suất nhỏ là đủ cho việc chiếu sáng).

– Nhiều hệ thống điều khiển hiện đại cho phép tiết giảm cường độ chiếu sáng theo lưu lượng xe, mở và tắt đèn theo độ sáng bên ngoài.

– Sử dụng các loại đèn không sinh nhiệt và tiết kiệm điện (thí dụ đèn Led, đèn compact).

– Nên loại bỏ hẳn các bóng đèn dây tóc đốt tim mà một số chùa hiện đang sử dụng để trang trí mái chùa, bảo tháp vì vừa tốn nhiều điện, vừa sinh nhiệt (không thân thiện với môi trường), vừa dễ hư hỏng, chi phí bảo quản cao…

– Nên hiểu chiếu sáng chùa tháp là trang trí mỹ thuật kiến trúc chùa tháp bằng ánh sáng chứ không phải đơn thuần chiếu sáng kiến trúc vì lý do an ninh chẳng hạn. Chúng     ta có thể thấy đều này qua các bức ảnh chụp Công trường Đỏ ở Nga vào những năm 80 thế kỷ trước và hiện nay. Nếu trước đây, nhiều đèn pha chói chang chiếu ánh sáng gắt được sử dụng, đương nhiên là chi phí cao, thì hiện nay, nguồn chiếu sáng rất ít sau khi được thiết kế lại, nhưng quảng trường và các kiến trúc chung quanh (nhà thờ, điện Kremli) đều có dáng vẻ bề thế hơn, tăng chiều cao và chiều sâu không gian. Đặc biệt là ngôi nhà thờ trên quảng trường tăng dáng vẻ “thiêng liêng” và kỳ bí hơn (đoạn phân tích tiếng Anh dùng từ “magic”).

– Hoàn toàn có thể chọn thiết kế chiếu sáng theo khả năng tài chính của nhà chùa và với dự toán chính xác chi phí cho tiền điện trên một giới hạn thời gian. Nếu cần tiết kiệm ở mức cao nhất, chỉ cần chiếu sáng những biểu tượng cơ bản của đạo Phật như pháp luân, hoa sen, chữ Vạn… kèm một vài nét ánh sáng nhấn nhẹ phía dưới là đủ. Đó là biểu tượng mà cư dân Phật tử chung quanh hướng về.

– Trong một không gian nhất định, chiếu sáng mỹ thuật và nhằm mục đích tôn cao biểu tượng đương nhiên phải tiết kiệm. Cả không gian đều rực sáng thì việc tôn cao biểu tượng không hiệu quả (thí dụ, sau khi việc chiếu sáng trên bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội gia tăng, thì Tháp Rùa, vốn trước đây rất nổi bật về đêm nhờ chiếu sáng, đã trở nên “hòa tan” vào nguồn sáng quanh bờ hồ).

– Chiếu sáng chùa tháp có thể thiết kế theo nhiều cấp, khai thác tối đa công suất vào các đại lễ, ngày sóc vọng, sám hối, vía Phật, kỵ Tổ… Ngày thường thì chỉ duy trì cấp độ thấp. Cũng có thể bổ sung nâng cấp hệ thống chiếu sáng chùa tháp sau một thời gian thử nghiệm ở quy mô nhỏ.