Trang chủ Quốc tế Đạo và Đời trên cao nguyên Tây Tạng

Đạo và Đời trên cao nguyên Tây Tạng

457
Tây Tạng là miền đất mà đạo và đời luôn hòa nhập với nhau thay vì phân tách thành hai lãnh địa riêng.

Nếu như giữa dòng người đang mua sắm trên phố cổ Bakhor luôn có những Phật tử quỳ lết vái vọng trên mặt đất thì ở tu viện lại có các nhà sư hài hước rất đời. Họ thường ngồi một mình hoặc thành cặp trong những hốc tường tối tăm và bậu cửa sổ, cuốn kinh để trước mặt. Các sư đang học bài, nhưng học gì giữa chốn kẻ qua người lại thế này. Có hai nhà sư trẻ ngồi nói chuyện bên một chiếc hòm gỗ, trên nắp hòm dán hình Mr. Bean. Ồ, sư là fan của Mr. Bean đấy hả, tui cũng thế. Thấy chúng tôi chỉ trỏ, các sư đành cười ngượng nghịu. Riêng về sự học và việc thi của các sư cũng là một câu chuyện ngộ nghĩnh. Ở tu viện Sera có một hoạt động mà chẳng khách lạ nào muốn bỏ qua là xem các sư tranh biện.

Từ 3 đến 5 giờ chiều hàng ngày, trên sân tranh biện trải đá răm, người ta sẽ chứng kiến các sư tranh luận ầm ĩ. Tất cả đều là sư trẻ. Đây chính là học nhóm. Khách ngoại quốc không hiểu các sư nói gì nhưng nom động tác thì rất kỳ quặc và mắc cười. Các sư sẽ tranh biện theo cặp, một sư đứng, một sư ngồi dưới đất. “Sư đứng” là người đặt câu hỏi về các giáo lý nhà Phật. Trong lúc chất vấn, sư co một chân rồi vỗ tay vào nhau chan chát liên hồi, sau mỗi cái vỗ tay lại trỏ thẳng vào mặt sư đang ngồi, điệu bộ chế nhạo, thách thức, thậm chí là lêu lêu. Có lúc sư cúi xuống, gí sát mặt vào bạn học để lục vấn, phản bác. Những động tác kỳ dị ấy nhằm mục đích kích động, khiến sư kia phải rối trí, mất tỉnh táo, nổi giận, u mê lên rồi nói quàng nói xiên dẫn đến việc thua cuộc. Nếu “sư ngồi” có khả năng bẻ hết các luận điểm của “sư đứng”, khiến cho “sư đứng” buộc phải công nhận, thì “sư đứng” coi như thua cuộc, sẽ phải đổi chỗ và “sư ngồi” lại đứng lên chất vấn, chỉ trỏ, khích bác, vỗ tay đôm đốp.

Đôi khi các sư không tranh biện theo cặp mà theo nhóm. Nhóm sẽ ngồi thành vòng tròn để một sư đứng lên chất vấn rồi chỉ định người trả lời. Các sư có vẻ rất hứng thú với việc học nhóm này. Họ làm ầm ĩ cả một khoảng sân, mặt mũi tưng bừng phấn chấn chứ không tỏ vẻ bực dọc vì bị khiêu khích. Giữa trung tâm ồn ã ấy có một vị sư già đạo mạo đứng yên lặng quan sát, hẳn đó là thầy giáo, có nhiệm vụ giám sát coi các học trò đang học nhiệt tình hay là ngồi chơi. Các sư thi thoảng cũng đùa nghịch. Họ lấy tràng hạt ngoắc vào cổ nhau để… thắt cổ chơi, rồi lại có những sư chẳng tranh biện cứ ghé tai nhau thủ thỉ chuyện gì có trời biết. Thì sư cũng có người chăm kẻ biếng. Người sôi nổi kẻ trầm tĩnh. Người lý lắc kẻ đạo mạo. Có những hôm tuyết trắng trời, khách du lịch áo đơn áo kép co ro đứng xem thì các sư vẫn manh áo tía cộc tay mà cuồng nhiệt tranh biện.

Đến ngày thi, các sư sẽ ngồi sắp hàng ở đại sảnh trong nhà. Phía trên bục cao là hội đồng chấm thi, gồm gần chục vị Lạt Ma (cao tăng Tây Tạng) ngồi hai bên và một vị cao nhất ngồi ở giữa. Họ sẽ yên lặng lắng nghe và chấm điểm. Ở dưới sẽ thi theo cặp, từng cặp tăng sĩ lần lượt lên ngồi ở vị trí bị hỏi thi và một tăng sĩ khác sẽ đứng trước mặt để chất vấn. Lần này thì họ đều có micro. Người đứng cũng vẫn đập tay chỉ trỏ khi tra vấn, dẫu không lêu lêu, khích bác nhau như lúc ngồi học. Hãn hữu cũng có sư nổi khùng lên rồi lôi nhau ra tẩn giữa sân khảo thí, trước sự chứng kiến của hàng ngàn bạn học và các sư thầy. Sư chẳng có tóc, cũng không cổ áo thì túm tràng hạt mà giằng co vậy.

Bây giờ giáo dục tiên tiến mới tận dụng tranh biện và học nhóm, học theo cặp như một phương pháp thực hành tích cực (critical thinking) nhưng hình thức này đã có từ trước Công nguyên, thời của Đức Phật. Thuở sơ khai, Đức Phật chỉ dạy cho những ai muốn nghe và chấp nhận mọi giáo lý một cách vô điều kiện. Đức Phật cho rằng sư tăng là những người không nên dây dưa tranh luận với ai và phải tránh xa các cuộc tranh cãi ở nơi công cộng. Nhưng sau này, khi bắt đầu mở rộng giảng dạy trong môi trường đa tôn giáo, muốn người nghe phải tâm phục khẩu phục dẫn đến có niềm tin tuyệt đối với Phật giáo, Đức Phật cho rằng việc chất vấn, giải thích và tranh biện là cần thiết. Sinh thời, Đức Phật được coi là một bậc thầy về tranh biện. Và nhờ thắng thế trong mọi cuộc tranh biện mà Người đã khiến những kẻ đối nghịch từng buộc tội Người dùng phép thuật để khiến các Phật tử u mê mà theo Phật phải đầu hàng hoàn toàn. Sau này các hoạt động tranh biện trở nên phổ biến ở nhiều thiền viện, nơi mà Sera và Drepung giống như một thành phố tôn giáo thu nhỏ. Ở đó có trường học bậc thấp, đại học Phật giáo, bệnh viện và nơi mua sắm cho các tăng sĩ.

Việc tranh biện công khai ngoài sân cho toàn thể bàn dân thiên hạ chứng kiến cũng nhằm mục đích hóa giải những bất đồng về tôn giáo và gắn kết con người với các giáo lý đúng đắn cơ bản. Phật giáo trước nay vốn không chỉ là tôn giáo mà còn là một trường phái triết học. Người tu hành vì thế cần luyện tập trí não hàng ngày để trở nên thông tuệ, minh triết và nhanh chóng đi đến con đường giác ngộ. Trong đó tranh biện là một cách nhằm cải thiện tư duy logic, tư duy phân tích và tổng hợp thông tin, kỹ năng thuyết trình, nhớ lâu các bài học và đặc biệt là biết cách tiết chế cảm xúc để trở nên điềm tĩnh trước mọi ý đồ công kích cũng như các phản biện đa chiều. Trong suốt 20 năm dạy học, điều tôi cảm nhận rõ nhất ở các sinh viên của mình là tư duy phản biện kém và tính logic rất thấp trong tranh biện. Đó cũng là điểm yếu của giới trẻ khi mà kỹ năng tranh biện không được đưa vào trường học. Cho đến đầu thế kỷ 21, cũng chỉ có các trường quốc tế hoặc số ít trường tư ở Việt Nam đưa môn học “critical thinking” vào giảng dạy.

Những gì mà Ðức Phật đã đưa ra cách đây hơn hai thiên niên kỷ, cả về phương pháp và kiến thức, nếu so sánh đều thấy gần gũi với giáo dục và triết học hiện đại. Chỉ cần hiểu đúng các giáo lý của nhà Phật thì người ta cũng có thể tìm thấy sự minh triết và kỹ năng sống ở đó hơn bất kỳ cuốn sách hiện đại nào đang xuất bản bây giờ.

 


Nhà văn Di Li/Sức khỏe