Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Hành mẹ muối không hăng

Hành mẹ muối không hăng

61

Cũng chỉ còn 1 tuần nữa thôi là đã đến ngày "Ông Công Ông Táo". Tất cả những bộn bề lo toan dường lắng và dừng lại sau cánh cửa để một phút nghĩ về Tết gia đình.

Cứ vào chừng này mỗi năm là mẹ tôi lại rộn ràng chuẩn bị đồ cho những ngày gia đình sum họp. Lúc nào mẹ cũng muốn chồng mình, các con, cháu có một cái Tết ấm áp, no đủ. Nào là đi chợ đong gạo nếp, đi xuống vườn mua gấc đỏ làm xôi, nào là mua măng khô, mộc nhĩ, miến và bao nhiêu thứ khác nữa. mẹ muốn tận tay chọn để đảm bảo rằng thứ nào cũng đẹp, cũng ngon. Duy chỉ có một thứ mẹ tôi bao giờ cũng lo sớm và mất nhiều thời gian để chuẩn bị nhất đó là vại hành muối.

Mẹ luôn nói: Hạnh phúc với mẹ chỉ đơn giản là thấy chồng con ngon miệng với những món ăn do chính tay mình chuẩn bị. Để có một vại hành muối ngon theo đúng ý, mẹ cẩn thận, tỉ mẩn từ khi chọn mua hành. Thứ hành mẹ chọn là loại hành củ không quá to cũng không quá nhỏ, chỉ vừa vừa bằng đầu ngón chân cái. Mang về nhà, mẹ ngồi nhặt riêng những củ hành tía ra để dùng khi xào nấu chứ không muối vì mẹ bảo nếu muối hành tía thì rất hăng và cay.

Sau khi đã phân loại, mẹ đem ngâm trong chậu nước vo gạo, bỏ ít muối hột và ngâm trong một đêm. Sáng hôm sau mẹ dậy sớm, đổ nước vo gạo đi, thay bằng nước lã. Cũng bỏ thêm chút muối hột vào nước ngâm như hôm trước, để hành đỡ cay hơn.

Ngày bé, có lần mẹ bảo tôi ngồi bóc vỏ hành. Chẳng hiểu tôi làm thế nào mà chỉ bóc được vài ba củ là nước mắt tôi đã chảy ròng ròng. Mẹ suýt xoa: "Hành làm hăng mắt con gái mẹ à, thôi để đấy cho mẹ!". Hành được mẹ đem bóc vỏ ngoài, cắt rễ và để ráo nước. Và mắt mẹ lúc này cũng đỏ hoe vì hành làm hăng…

Ở nhiều nơi khi muối hành, sau khi lột vỏ ngoài rồi thì khứa dọc thân hai đến ba khứa để sau này nước ngâm dễ thấm vào. Nhưng khi mẹ tôi muối thì mẹ không làm thế, vì theo kinh nghiệm của riêng mình, mẹ bảo: không khứa thì khi muối hành sẽ lâu chín hơn nhưng khi đã chín, gắp bày ra đĩa để ăn thì sẽ ráo nước và ngon hơn. Những củ hành lúc này trông đẹp mắt lắm: trắng nõn nà và nom rất mượt. Mía chẻ thanh nhỏ, dài vừa và dưa cải bẹ cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng để muối cùng hành.

Nước để ngâm hành phải là nước đun sôi. Mẹ dặn tôi không được để nước nóng quá, vì như thế sẽ làm chín và hành sẽ khó chua. Vì vậy mẹ lấy ngón tay để thử, đảm bảo nước nóng ấm vừa, lúc đó mới bắt đầu pha chế. Muối hạt, đường kính và một chút dấm thanh cùng được cho vào rồi khuấy tan lên.

Vại sành được rửa sạch, mẹ xếp lớp mía chẻ thanh để lót đáy vại. Mẹ bảo ngoài đường kính đã hòa trong nước ra thì chất ngọt của mía sẽ làm cho vại hành dễ lên men và khi hành chín vị chua sẽ dịu và tự nhiên hơn. Rồi cứ một lớp hành một lớp dưa, một lớp hành một lớp dưa, xếp cho đến khi hành và dưa vừa đầy trên lưng vại cũng là lúc hành và dưa ở rổ vừa hết. Đổ nước đã pha sẵn cho sâm sấp, lấy phên nứa lèn cho chặt rồi nén như khi muối dưa. Cứ để như thế khoảng gần 10 ngày là hành chín.

Bao giờ mẹ cũng muối hành từ trước ngày "Ông Công Ông Táo" để đến khi chuẩn bị bữa tất niên là món hành muối đã sẵn sàng. Cỗ gia đình tôi bày lên ban thờ để cúng gia tiên, đất trời ngày Tết dù có đầy, có nhiều đến mấy cũng chẳng bao giờ thiếu món hành muối dân dã ấy cả.

Nhớ lại ngày xưa khi tôi còn bé, mỗi lần về nội ngoại ăn Tết, thấy người lớn gắp miếng hành trắng ăn là cũng thèm lắm nhưng sợ hăng nên chẳng dám gắp. Giờ lớn, ngồi vào mâm cơm ngày Tết mà không có đĩa hành thì cứ thấy thiêu thiếu, như khuyết hẳn đi một phần của vị Tết vậy. Hành muối không phải là món ăn sang nhưng trong mâm cơm ngày Tết hầu như không một gia đình miền Bắc nào không có. Cắn củ hành muối vừa đầm đậm, chua chua, lại vừa ngòn ngọt, thơm thơm vị tự nhiên mà hành sẵn có, gắp miếng bánh chưng xanh ăn kèm củ hành muối thấy như muốn quên hết sự đời. Nhưng "sao hành mẹ mình muối lại chẳng bao giờ hăng nhỉ?" – tôi vẫn thường băn khoăn như thế!

Bố tôi khi còn sống vẫn thường nói vui: "Yêu nhất mẹ chỉ vì mẹ muối hành ngon". Là nói vui thế thôi chứ mẹ tôi đảm và khéo léo lắm. Hành mẹ muối năm nào cũng thế: chua đủ, đậm vừa mà lại chẳng bao giờ bị hăng. Đĩa hành muối trắng tinh là hội tụ của sự đảm đang, chu đáo của người phụ nữ Việt – luôn chăm lo cho những người yêu thương của mình từ những điều bình dị nhất.

Bỏ lại sau lưng những chặng đua cùng sóng gió cuộc đời – tôi về với mẹ – bình yên trong rộn ràng khí Tết. Quây quần bên mâm cơm mẹ nấu, tôi chợt hiểu ra rằng vì sao hành mẹ muối chẳng bao giờ bị hăng? Bởi khi muối mẹ còn truyền cả vào trong vại hành đó là những bao dung, ân cần, thương mến.

Được thương yêu và săn sóc gia đình chính là nguồn vui sống, là hạnh phúc lớn lao nhất cuộc đời mẹ. Chính vì vậy mà hành mẹ muối chẳng bao giờ bị hăng! Và đây cũng chính là điều mà tôi cần suốt đời học mẹ. Ấm áp thương yêu ùa về quanh câu chuyện đĩa hành mẹ muối và mâm cơm sum vầy ngày Tết.