Trang chủ Văn học Tùy bút Bông sen trong lửa hồng

Bông sen trong lửa hồng

86

Trong đời sống văn học, ông là thi sĩ với hồn thơ vừa yêu đời, vừa siêu thoát. Nhưng trước hết, Trần Nhân Tông là một con người rất mực nhân từ và độ lượng. Một chút thiên thanh, trúc thiền ươm nắng Tôi đến với đất trời Yên Tử bằng âm hưởng huyền khúc Trên đỉnh Phù Vân trong sự trầm diệu của rừng trúc, của đường tùng hơn 700 năm.


Tôi tìm về chốn tổ thiền phái Trúc Lâm nơi đỉnh non thiêng trong niềm vô tịnh. Trúc vẫn xanh như thể khúc thiên thai. Huệ Quang kim tháp vẫn tĩnh lặng như tụ muôn hồn sen. Trong đó lưu lại một phần xá lợi vua Trần Nhân Tông, đẹp miên thường. Người đã nhập diệt về cõi Niết bàn. Hiển Phật, đắc đạo, ngài hóa thành hoa sen trong đời sống nhân dân Đại Việt. Bởi việc Trần Nhân Tông tạo dựng thiền phái Việt Phật được coi là dựng lên một cửu trùng đài tư tưởng triết học của Đại Việt thế kỉ XIII. Trong cửu trùng đài đó bây giờ không còn năm tháng nữa, không còn cả thiên niên kỉ, không còn khái niệm về thời gian. Ở đó chỉ có nhân tâm và đạo pháp, cư trần và lạc đạo, ngọn lửa và bông sen. Đẹp hơn xá lợi Hoa sen từ trong thẳm sâu tiềm thức Việt vốn thanh tao, gần gụi. Sống trong đầm lầy nhưng bản tính sen vô nhiễm nên sen thiêng liêng hơn bất cứ loài hoa nào.


Chính bởi ý nghĩa tâm linh đó nên đạo Phật chọn hoa sen làm biểu tượng. Như loài sen Trúc Lâm tông phái đậm Việt bởi các yếu chỉ của nó rất gần gũi với người Việt. Cùng hình thành trên cơ sở tư tưởng của một vũ trụ quan duy tâm và hư vô, cùng xuất phát từ quan niệm sắc sắc không không nhưng thiền Trúc Lâm độc đáo Việt Nam bởi có được một nhân sinh quan thắm đượm tình người, không quá hư vô, không dẫn tới một thái độ yếm thế, xa lánh cuộc sống mà trái lại, hoà nhập với đời, thậm chí còn là thực sự lăn vào cuộc đời, như đóa sen trong lò lửa.


Mang trong lòng những yếu tố dân chủ và bình đẳng, thiền Trúc Lâm không chỉ dành riêng cho tăng ni, không bó hẹp trong khuôn viên chùa tháp, mà là thiền của mọi người. Ai ai cũng có thể tu thiền, từ vua quan đến thường dân, không phân biệt nam nữ, không phân biệt tại gia hay xuất gia, hãy cứ sống giữa đời thường mà tu đạo. Tu thiền không hề có một điều kiện xã hội hoặc kinh tế, tâm linh nào ràng buộc mà hoàn toàn tự nguyện, ai tu cũng được, tu ở mức nào cũng được, cứ có thiện tâm và thiện duyên là tu được (Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên). Tu thiền nghĩa là thanh lọc tâm tưởng, khởi cho được cái tâm trong lặng, tâm vô nhiễm trong chính mình, bởi mục đích tu thiền là để mỗi người tự giải thoát khỏi mê lầm, vô minh, bước qua các chướng ngại tham, sân, si. Vậy là thiền Trúc Lâm với tính chất hướng nội, trí tuệ, tự cường và giải thoát, dẫn con người vào cõi hoà bình an lạc, khai mở trí tuệ con người để đi vào cõi chân – thiện – mỹ, cũng tức là Niết bàn tại thế. Thiền Trúc Lâm nhập thế như thế, vị tha như thế, rõ ràng là nguồn nguyên động lực thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Một quan điểm tôn giáo thực sâu sắc và tiến bộ vào bậc nhất lúc bấy giờ và kể cả đối với bây giờ. Cứ ở cõi trần mà vui đạo và cũng chỉ có thể vui đạo khi gắn lòng mình với mọi toan lo trần thế.


Lấy việc đời làm mục đích của đạo, lấy việc tôi luyện của đạo bằng cách thông qua việc thử thách của đời. Áo mão kim đai theo dòng nước vô thường Trước khi là một thiền sư, Trần Nhân Tông đã là một ông vua anh hùng. Từ bỏ ngai vàng để theo Phật pháp thì phần nào giống với cuộc đời Đức Phật Thích ca Mâu ni nhưng là chuyện hiếm thấy trong chế độ phong kiến Việt Nam. Một thiên tử anh hùng, lẫm liệt hào quang bỗng chốc trút vương miện, cởi long bào, bỏ trượng quyền cầm lấy gậy trúc, mặc áo nâu sồng đến tu hành khổ hạnh trên đỉnh Bạch Vân Sơn, và đắc đạo, được tôn vinh là Điều ngự Giác hoàng (vị Hoàng đế giác ngộ đạo Phật). Rời bỏ ngôi báu nhẹ nhàng như thay một đôi dép cỏ, dấn thân vào chốn thiền môn không màng tưởng gì.


Hoàng Thái tử Trần Khâm (tên thật của Trần Nhân Tông) vốn không có chí làm vua. Năm ngài 16 tuổi đã từng một lần xin vua cha cho xuất gia, Trần Thánh Tông không chấp thuận. Năm 20 tuổi được cha nhường ngôi, ở ngôi quân trưởng, Trần Nhân Tông phải lo việc nước. Năm 27 và 30 tuổi, Người hai lần đại phá quân Nguyên, đế chế của Thành Cát Tư Hãn hùng mạnh nhất thời đó. Dẹp tan giặc, ít lâu sau Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con, dành tâm trí nghiên cứu đạo Phật, mặc áo cà sa đi thuyết pháp. Sáng lập ra trường phái thiền học Việt Nam, Trần Nhân Tông chính là triết gia Việt đầu tiên và lỗi lạc. Trần Nhân Tông muốn xác lập một nền đạo Phật thuần Việt, muốn cái hồn Việt, tư duy Việt phải trở thành một học thuyết triết học gói trong một nền đạo. Điều đó thực cần thiết cho sự tự cường của nhà nước Đại Việt.


Trong bài phú Cư trần lạc đạo, một tuyên ngôn của phái thiền Trúc Lâm, Trần Nhân Tông nêu lên triết lý: Kẻ đánh mất mình mới đi tìm Phật ở bên ngoài mình. Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong tâm ta. Muốn thành chính quả, đâu cứ phải tìm cửa Phật vì: Bụt ở trong nhà chẳng phải tìm xa / Quên mất gốc nên ta tìm Bụt / Chỉn mới hay Bụt vốn là ta. Chính ngài là một thiền sư nhưng lại tuyên cáo không cần thiền: Trong nhà có báu thôi tìm kiếm / đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền. Hãy trong lặng soi tìm vào chính mình, Phật là tự tâm, chớ có vong động mà cầu tìm tha lực. Thiền là thanh lọc tâm tưởng chứ phải đâu là phô diễn những tuyệt kỹ tinh luyện về thuật nhận thức. Vô minh cần bạt trừ bằng tâm chứ đâu phải bằng trí. Hễ không thấu được tâm mình thì tụng kinh niệm Phật nào có ích gì? Hãy đọc những vần thơ thiền của Trần Nhân Tông để thấy hồn thơ ấy siêu thoát như thế nào và để thấy thiền trong thơ đã liễu ngộ đến mức nào. Không phải là những câu thơ lãng mạn hùng tráng thuở cầm gươm xung trận: Xã tắc hai phen chồn ngựa đá / Non sông nghìn thuở vững âu vàng, mà là một không gian đốn ngộ, một quá trình giác ngộ: Lúc trẻ khi chưa hiểu lẽ sắc không / Xuân đến lòng chỉ nghĩ đến hoa / Ngày nay thì khám phá được xuân rồi / Ta ngồi yên trên nệm cỏ giữa chùa nhìn hoa rụng. Xuân đâu chỉ là hoa nở mà hoa rụng cũng là xuân. Phải thanh thản, an nhiên tự tại, tĩnh lòng đến mức nào mới có thể nhìn đời được như thế. Hồn thơ siêu thoát thế nhưng không hề thoát tục, biết yêu từng thời khắc của đời.


Ông viết: “Ánh sáng ban đêm của hoa mai như nước làm con chim đang khát buồn rầu”. Ý thơ mạch lạc, logic, sáng rõ nhưng hình tượng thơ lại đầy mơ hồ kì ảo. Thơ cũng như thiền, không lìa thế. Đại hùng từ bi chiến thắng hung tàn Từ bi của nhà Phật vốn gắn liền với chữ minh, với trí tuệ, từ bi đi đôi với cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh, khuyến việc thiện, trừng cái ác. Một trong những hạnh của Bồ tát Quan Thế Âm là hàng tà ma, diệt yêu quái, trừ nguy hiểm cho chúng sinh. Trong kinh “Phật đại báo ân” cũng nói: Đức Thích ca đã phải dùng tài thiện xạ bắn trăm phát trăm trúng để tiêu diệt cả một băng cướp 500 tên hung ác giết người man rợ… T


ông chỉ của thiền Yên Tử là nhập thế chứ không lìa thế, nên khi quân Nguyên Mông xâm phạm bờ cõi, những tín đồ của phái thiền này đã lên ngựa, vung gươm cho “non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Điều ngự Giác hoàng trực tiếp cầm quân ra trận hay các nhà tu hành tham gia kháng chiến chống quân xâm lược cũng chính là việc thi hành đại đạo cho đời. Nhân từ và đức độ, đạo hạnh và đại hùng từ bi, lẽ nào tâm sen Trần Nhân Tông không hiển Phật