Trang chủ Blog chùa BR. Vũng Tàu: Gần 5 vạn lượt người tham dự Đại lễ...

BR. Vũng Tàu: Gần 5 vạn lượt người tham dự Đại lễ Vu Lan tại Thiền Tôn Phật Quang

324

Trong 2 ngày 14 & 15/07/năm Nhâm Dần (nhằm ngày 11 – 12/08/2022), tại Thiền Tôn Phật Quang (núi Dinh, ấp Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đã diễn ra Đại Lễ Vu Lan PL.2566 – DL.2022) thật trang nghiêm, nhằm phát huy truyền thống báo hiếu tứ ân của người con Phật; Và cũng không quên nhắc nhở đến nhiều khía cạnh tình nghĩa ở trên đời, với sự tham dự của 4,8 vạn người đến từ khắp nơi trên cả nước.  

Được biết, trong hai ngày diễn ra đại lễ với một chương trình Vu Lan bao gồm nhiều hoạt động như: cầu an; cầu siêu; quy y Tam Bảo; giao lưu; thuyết Pháp; tọa thiền; văn nghệ đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân, Phật tử, đồng thời chuyển tải những thông điệp đạo đức đến với giới trẻ, giúp các em nắm bắt tầm nhìn, biết sống có ước mơ lớn, có lý tưởng cao đẹp.

Thể theo chương trình, sáng ngày 14/07 (al), trong không khí trang nghiêm và thanh tịnh, tại ngôi Chánh điện, TT. TS Thích Chân Quang – Phó Trưởng ban Kinh tế Tài chính TW GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã làm lễ thế phát xuất gia cho 5 thiện nam tín nữ đã kinh qua một thời gian dài công quả, rèn luyện tập sự xuất gia tại chùa.

Buổi Lễ được sự chứng minh tham dự của: TT Thích Chơn Chánh – Trụ trì Tịnh thất Nhật Quang (Đồng Nai), cùng Chư tôn đức Tăng Ni tại Bổn tự. Ngoài ra còn có Phật tử thuộc các Đạo tràng, Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang 3 miền, cha mẹ, gia đình và bằng hữu của những hành giả sắp xuất gia.

Tại buổi Lễ, sau phần niệm hương, đảnh lễ Tam Bảo, Phật tử Pháp Hữu đại diện cho các huynh đệ xuất gia dâng lời tác bạch, với một tâm thái kiên định đi kèm những lời phát nguyện dũng mãnh của người đã phát bồ đề tâm quyết chí tu hành.

Giây phút thiêng liêng xúc động này đã khiến cho toàn thể hội chúng không kìm được dòng nước mắt. Dù không ai nói lời nào nhưng trong tâm tư của mỗi người Phật tử, nhất là lớp trẻ đều có chung cái ước mơ về một đời sống xuất gia, bước vào đời sống mô phạm, tìm đường giải thoát cho mình và cho người. Nhìn cả một Tăng đoàn Phật Quang đa phần đều rất trẻ, rất trí thức khiến ai cũng ngưỡng mộ. Đây luôn là niềm hy vọng là một tín hiệu lành cho xã hội và đạo pháp.

Trong lời khai đạo cho các vị tân xuất gia, TT TS Thích Chân Quang nhấn mạnh: Đã là người xuất gia thì lý tưởng phải lớn hơn, phải dấn thân, phụng sự nhiều hơn cho Phật pháp, cho cuộc đời. Còn người xuất gia bước vào đạo mà sống nhàn nhàn thì hết phước nhanh lắm. Người nào xuất gia rồi mà thấy trong ngày đó mình chưa làm ra một điều phước, hay nội tâm chưa có tiến bộ thì đó là một ngày nguy hiểm.  Cho nên đối với người đệ tử Phật, nhất là giới xuất gia thì lúc nào cũng sẳn sàng tâm lý “phải hành động, phải làm phước, phải sống vì mọi người, phải chịu cực. Không ai được hưởng nhàn, không ai được có cảm giác mình đã sung sướng, hạnh phúc bình an rồi”. Thực sự, trên con đường mà người xuất gia đi đến giác ngộ, vô ngã là phải gieo được nhiều lợi ích, đạo đức vào trong nhân sinh chứ không phải một mình lặng lẽ, độc cư tới ngày đắc đạo. Đó là lý do Thương tọa ra lệnh bắt đệ tử làm đủ mọi chuyện cực khổ trên đời, vì chúng ta có cực khổ một triệu lần vẫn chưa đủ công đức để có thể tạo thành cái phước lớn cho sự giác ngộ, việc sự bùng vở tâm linh, việc khai phá thiền định. Chúng ta tu theo Bát Chánh Đạo phải thuần thục chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp mới đi vào được chánh niệm, chánh định. Tức phải lấy phước để đi vào thiền định. Đừng tưởng cứ ráng ngồi nhiều thì đắc đạo.

Hôm nay, có thể ta thấy cực nhưng đó mới chỉ là một phần triệu so với cái cực của các vị Bồ tát. Chính sự nỗ lực phi thường ấy mà các vị đã đạt được đạo quả tuyệt đối vô biên. Ta nên nhớ, Thánh quả là tuyệt đối vô biên thì nỗ lực cũng không thể nào là ít ỏi, tương đối, hữu hạn được. Hiểu như vậy rồi, ta cố gắng giữ lý tưởng tu hành cho mình ở kiếp này và cả muôn kiếp về sau. Đồng thời, trên con đường tu hành vất vả, gian khó nhưng đầy trách nhiệm, đầy cao quý ấy, lúc nào ta cũng phải khiêm hạ, không ngừng cố gắng bồi đắp công đức mãi mãi.

Dịp này, Thượng tọa cũng đặc biệt gửi lời tán thán tới gia đình, cha mẹ của những vị tân xuất gia.

Sau cùng là lời chúc phúc của Thượng toạ dành cho các vị tân xuất gia với đời sống, bổn phận và trách nhiệm mới.

Tiếp đến là Khóa lễ cầu siêu, nguyện cho hương linh người thân trong gia đình, cùng hơn 10 nghìn hương linh đang an vị tại chùa, các chiến sĩ trận vong, các vong linh mất vì Covid, các hương linh tử vì tai nạn giao thông, các oan hồn uổng tử chưa siêu thoát sẽ được siêu sinh về cảnh giới an lành.

Tại đây, không khí buổi Lễ diễn ra thật trang nghiêm hướng đến cứu độ cho chúng sanh đang trôi lăn trong vòng sinh tử. Với bài Kinh tụng cầu siêu được việt hóa hoàn toàn, khiến ai cũng hiểu để thực hành. Tại đàn tràng, tuy mọi người tụng và sám hối thay cho người âm nhưng cũng là sám hối cho chính mình. Vì vậy, từng lời Kinh tụng cuốn xoáy cái tâm mọi người vào đó, làm cho người tham dự vô cùng xúc động.

Hơn nữa các hương linh cũng cần hiểu rõ lời kinh để tụng theo. Cho nên Kinh tụng cần phải được thay đổi để phù hợp với tâm tình của con người trong mỗi quốc gia, tức Phật tử ở nước nào muốn cầu siêu phải tụng kinh bằng ngôn ngữ nước đó để hương linh hòa tụng theo. Nghi lễ tuy không phải là pháp môn, không phải là cứu cánh, nhưng lại là phương tiện dẫn dắt người về nương tựa Tam Bảo. Cho nên nghi lễ phải đảm bảo tính trang nghiêm, phù hợp với hoàn cảnh, tâm tình của con người ở mỗi thời đại, mỗi quốc độ thì chúng sinh đó mới thật sự được lợi ích, được chuyển hóa.

Kế đến, đúng 12h00” trưa, Khoá lễ Quy y đợt 2 bắt đầu tại Chánh điện. Trong 3 ngày liên tiếp từ ngày 13 – 15/07/ Nhâm Dần, Chư tôn đức Tăng tại Bổn tự thay mặt Thượng tọa trụ trì tác lễ, thực hiện nghi thức Quy y Tam bảo cho gần 1.300 Phật tử mới.

Từ nhiều năm qua Thiền Tôn Phật Quang luôn sẳn sàng làm lễ Quy y cho Phật tử mà không phân biệt ngày thường hay ngày Lễ, ít người hay nhiều người. Dù cho chỉ vài người Quy y quý thầy vẫn làm Lễ trang nghiêm, đầy đủ nghi thức. Tính đến nay số người Quy y tại Thiền Tôn Phật Quang (cả trong và ngoài nước) đã lên đến gần 150.000 nghìn người.

Dưới sự hướng dẫn của Quý Thầy, Quý Phật tử được sám hối trước khi làm Lễ Quy y. Sau đó Quý Thầy chia sẻ, giải thích cặn kẻ về Tam Bảo, về năm giới cấm cần phải giữ gìn để tăng trưởng nhân cách đạo đức khi trở thành người đệ tử Phật. Ngoài ra, để giúp người Phật tử tăng trưởng nhiều công đức lành, mọi người còn quỳ trước Phật đài, phát 9 lời nguyện như: tập ăn chay, siêng năng học hỏi giáo Pháp, mỗi ngày lễ Phật, tọa Thiền, sống vị tha, tận dạ trung thành, kiên cường hộ đạo, và tham gia tu tập cùng Đạo tràng. Phát nguyện như vậy để gieo nhân lành trong tâm hồn, từ đó trở thành những hành động thiết thực nhằm đem lại niềm vui cho mọi người, gây tạo công đức, giúp Phật Pháp ngày càng hưng thịnh.

Khi Lễ Quy y hoàn mãn, Quý Phật tử được nhận một “Lá Phái Quy Y Tam Bảo” song ngữ Anh Việt . Từ đây, họ chính thức trở thành đệ tử Phật, giống như được sinh ra trong Đạo

Tiếp theo chuỗi hoạt động Đại lễ Vu Lan, đúng 14h00 cùng ngày, tại Lễ đài đã diễn ra chương trình giao lưu với vị khách mời đặc biệt là NSND Tạ Minh Tâm – Nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện TP. HCM. Đây là một nhân vật đa năng, vừa là ca sĩ, diễn viên, MC, giảng viên; đặc biệt nổi tiếng với hai bài hát “Giai điệu Tổ quốc” và “Đất nước trọn niềm vui”.

Buổi giao lưu có sự chứng minh của: TT. TS. Thích Chân Quang – Phó Trưởng ban Kinh tế  Tài chính TW GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang; cùng Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang; Ban Điều Hành các Đạo tràng và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang trên toàn quốc, và đông đảo Phật tử, cũng như hàng ngàn Phật tử theo dõi trực tuyến trên kênh Youtube Pháp Quang – Sen Hồng.

Trên tinh thần giao lưu, MC thay mặt khán giả Phật tử đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến sự nghiệp gắn liền với tên tuổi của vị khách mời, cũng như quan điểm về lối sống, về nghệ thuật kỹ năng ca hát. Buổi giao lưu này mang đến cho các thính giả một triết lý sống “không làm người khác thất vọng về mình” đã lan truyền lối tích cực, yêu thương, tử tế cho mọi người. Ít ai biết, NSND Tạ Minh Tâm là người thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật cổ vũ tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM thời gian qua.

Chính lối sống vì người khác đã đưa ca sĩ Tạ Minh Tâm từ thành công này đến thành công khác. Thực tế, ông không chủ động được nổi tiếng nhưng tên tuổi của ông vẫn luôn được khẳng định trong nền âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là dòng nhạc cách mạng. NSND Tạ Minh Tâm luôn được đồng nghiệp, công chúng biết đến, và yêu quý ngưỡng mộ bởi sự tài hoa.

Không chỉ sở hữu một giọng hát hào sảng, kỹ thuật và điêu luyện, NSND Tạ Minh Tâm còn là một thầy giáo truyền lửa âm nhạc cho nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay. Họ cũng đã và đang đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà.

Buổi giao lưu cũng chào đón Tạ Minh Anh – cô con gái út của NSND Tạ Minh Tâm. Tại sân khấu Minh Anh cũng đã gửi đến khán giả một tiết mục đàn piano bài “Bèo dạt mây trôi”. Màn trình diễn ấn tượng bởi sự thể hiện rất tự tin. Đi theo con đường nghệ thuật của cha, Minh Anh quyết tâm trở thành một nghệ sĩ piano và mang theo lý tưởng cống hiến hết mình vì nghệ thuật.

Buổi giao lưu diễn ra trong không khí sôi nổi, vui vẻ và ấm áp. Mọi người chia sẻ với nhau rất cởi mở, chân thành. Không còn khoảng cách giữa người nghệ sĩ với công chúng. Với những chia sẻ của mình, NSND Tạ Minh Tâm đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho các Phật tử trẻ phấn đấu, theo đuổi niềm đam mê chân chính của mình. Đây cũng là dịp tôn vinh một người luôn hết lòng vì nghệ thuật, vì sự nghiệp trồng người cao quý. Đồng thời, giới thiệu thêm đến đông đảo công chúng về một lĩnh vực của đời sống văn hóa, nghệ thuật, giúp mọi người tăng thêm sự hiểu biết của bản thân, đó chính là âm nhạc.

Kết thúc chương trình giao lưu, TT. TS Thích Chân Quang thay mặt toàn thể Tặng Ni và Phật tử của Bổn tự tặng hoa và trao tặng bảng vàng vinh danh NSND Tạ Minh Tâm với danh hiệu “GIỌNG HÁT VƯỢT THỜI GIAN”.

Sau khi tham dự buổi giao lưu của Nghệ sĩ nhân dân Tạ Minh Tâm, có một thầy giáo đã xin quy y để có danh hiệu CƯ SĨ VÌ NHÂN DÂN. Và ca sĩ Kim Tử Long cũng xin được làm đệ tử của Thượng tọa thượng Chân hạ Quang với lời hứa “trên đường tu tập và phụng sự dù có khó khăn vất vả đến đâu người nghệ sĩ ấy cũng chịu được”.

Và tiếp tục chương trình là khai hội Vu Lan vào lúc 18h00”, với sự tham dự gần 4,5 vạn Phật tử. Trong số đó có gần 2.000 em sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn TP. HCM, quận Thủ Đức, Cần Thơ, và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang 3 miền về công quả phục vụ cho đại lễ.

Trong không khí trang nghiêm và thành kính nhất, ĐĐ.Thích Khải Tạng – Chúng trưởng Chúng Tăng Thiền Tôn Phật Quang đại diện cho BTC đọc lời khai mạc. Đồng thời hướng dẫn nghi thức tưởng niệm những vị quá cố trong Bổn tự. Đó là những tấm gương tu hành vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của đại chúng và Phật tử Thiền Tôn Phật Quang.

Sau đó, toàn thể hội chúng tọa thiền 30 phút dưới sự hướng dẫn của ĐĐ.Thích Thích Khải Tạng.

Để mở đầu đêm khai mạc đại lễ Vu Lan PL.2566, TT.Thích Chân Quang đã chia sẻ bài Pháp thoại với Tăng Ni, Phật tử.

Thoạt đầu, nhân mùa Vu Lan Thượng tọa nhắc nhở về trách nhiệm của người con Phật đối với cuộc đời, và đạo đức biết ơn.

Theo Thượng tọa, trong cuộc sống này ta đã nhận ơn của cha trời mẹ đất, sông nước, đường đi, cây lá, bầu không khí… tất cả như miễn phí, nhưng thật ra theo nhân quả không có gì là miễn phí cả, kể cả không khí bao quanh mình.

Mỗi người được hưởng những điều tốt đẹp đó bởi vì đã “đóng phí” bằng hành vi cống hiến, phụng sự, đóng góp, xây dựng gì cho cuộc đời trong quá khứ rồi. Ai không hiểu điều đó, cứ sống hưởng thụ thì khi phước hết, ta sẽ tắt thở chết, rời bỏ thế gian này. Họ rơi vào tình huống ân nghĩa với cuộc đời đã hết, phí trả cho trời đất đã cạn. Mọi tiện nghi, mọi tài sản trên đời, kể cả không khí đều không hề miễn phí như ta lầm tưởng.

Nếu đệ tử Phật cả xuất gia lẫn tại gia đều có lối sống thụ động không làm gì thì từng cá nhân sẽ hết phước, kéo theo cả Phật giáo kém phước, suy yếu. Nếu từng cá nhân sống thụ động, cả nước cũng sẽ sụp đổ mà dấu hiệu đầu tiên là vỡ nợ.

Có ba trạng thái làm việc. Trạng thái thứ nhất là “không làm gì”. Người không làm gì sẽ dần hết phước, từ từ mất hết giá trị giữa đời, và sự hiện diện của họ không còn quan trọng với mọi người, họ dần trở nên mờ nhạt, bị quên lãng.

Trạng thái thứ hai là làm nhưng làm bậy – gây đau khổ cho chúng sinh, hoặc tinh thần, hoặc thể chất, vật chất, tình cảm, hoàn cảnh… Người hay tạo tội thì những cái phước tích lũy trong nhiều kiếp bị tổn rất nhanh, ác báo dần ập đến, và sự hiện diện của họ sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, làm mọi người khiếp sợ.

Trạng thái thứ ba là siêng năng làm điều thiện lành, mang hạnh phúc lợi ích đến cho đời. Người như thế sẽ tiếp tục được hưởng khí trời, tức là còn được sống lâu. Giá trị của họ cũng dần tăng giữa đời, được mọi người yêu kính và sự có mặt của họ thật sự là niềm vui cho người chung quanh.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ta giúp người từ những nhu cầu cơ bản (ăn, mặc, ở v.v..), và giúp luôn đến kiến thức, đạo đức, đẩy luôn đến sự thăng tiến, giác ngộ trong tâm linh. Lúc đó mới gọi là hoàn thành xong trách nhiệm, xong hành vi thiện lành của mình.

Bài đạo lý này rất tinh tế, sâu sắc đến từng chi tiết nhỏ, góp phần làm đẹp cuộc sống cho mỗi người. Chúng ta hãy cảm nhận bằng tất cả trí tuệ, tình cảm của mình để thực hành và trải nghiệm theo để thấy Phật pháp đã thật sự đến gần hơn với cuộc đời mình.

Phải chăng, những lời dạy của Thượng tọa không chỉ giúp chúng ta biết tu hành, biết chuyển hóa nội tâm mình, mà còn biết sống cuộc đời tràn đầy lợi ích và trách nhiệm đối với đạo pháp, dân tộc, hay thậm chí cả thế giới bao la này.

Sau bài Pháp thoại, một chương trình văn nghệ đặc sắc chào mừng đại lễ Vu Lan năm 2022 được chính thức bắt đầu. Đây là một hoạt động văn hóa mang tính tâm linh để đáp ứng nhu cầu tu học, giải trí cho quần chúng Phật tử.

Mỗi tiết mục trình bày đều có một màu sắc riêng, nhằm tôn vinh tình mẹ, ân cha, tình yêu đất nước, cội nguồn, yêu mái chùa,  v.v.. với sự trình bày của NSND Tạ Minh Tâm, ca sỹ Thu Trang, Trần Vũ đã đem đến cho người thưởng thức nhiều cảm xúc theo từng cung bậc sôi động có, trầm lắng có, nhằm hướng người nghe về truyền thống tri ân – báo hiếu.

Đêm nhạc đã khép lại với nhiều thành công và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng quần chúng Phật tử.

Ngày hôm sau (15/07 AL), đúng 5h00’ sáng, toàn thể Phật tử đã trang nghiêm Đạo tràng, bắt đầu ngồi thiền 30 phút. Sau đó, quý Phật tử tập khí công, điểm tâm sáng và BTC chuẩn bị cho buổi Lễ Vu Lan chính thức sắp diễn ra.

Đúng 09h00, chương trình Đại lễ Vu Lan PL. 2566 – DL. 2022 đã chính thức diễn ra trong không khí thiêng liêng, với sự tham dự và chứng minh của Chư tôn đức Tăng Ni cùng sự hiện diện của hơn 48.000 Phật tử. Chương trình cũng được livestream trực tiếp trên kênh Youtube Pháp Quang – Sen Hồng.

Chương trình có sự chứng minh tham dự của: TT Thích Nguyên Thái – Phó Trưởng BTS GHPGVN Tỉnh BRVT, Trưởng BTS GHPGVN Thị Xã Phú Mỹ; HT Thích Chân Mãn – Trụ trì Tịnh Thất Vô Ưu, tỉnh Đồng Nai; TT Thích Thông Ngộ – Trụ trì Thiền thất Thanh Lương tỉnh BRVT; Sư cô TN Hạnh Thiện – Ủy Viên BTS GHPGVN tỉnh BRVT, Phó Thư ký Chánh Văn phòng BTS GHPGVN huyện Long Điền;  Giảng sư Phật Học, Tiến sĩ Luật học TT. Thích Chân Quang – Phó trưởng ban Kinh tế – Tài chính TW GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang, Trưởng ban tổ chức Đại lễ.

Về phía khách mời có sự hiện diện của:  Đại tá Nguyễn Tâm Hùng – Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh BRVT; Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Trưởng phòng quản lý phương tiện và người lái –  Sở Giao thông Vận tải tỉnh BRVT; Ông Võ Văn Tư – Trưởng Ban Tuyên Giáo Thị ủy Thị xã Phú Mỹ; Ông Trần Văn Cư – Phó Trưởng Phòng Nội Vụ Thị xã Phú Mỹ; Ông Huỳnh Ngọc Thôi – Nguyên Chủ Tịch UBMTTQVN Thị xã Phú Mỹ; Ông Nguyễn Vi Bảo – Bí Thư Đảng Ủy xã Tân Hải; Ông Đặng Văn Hòa – Phó Chủ tịch HĐND xã Tân Hải; Ông Nguyễn Văn Duy – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hải; Ông Bùi Sỹ Xinh – Chủ tịch UBMTTQVN xã Tân Hải; Ông Đặng Thanh Phong – Trưởng Công An xã Tân Hải; Đại Võ Sư Quốc tế Lê Kim Hòa – Phó Chủ Tịch Liên Đoàn Võ Thuật Cổ Truyền Việt Nam, Chủ tịch Liên Đoàn Võ Cổ Truyền TP.HCM; Võ Sư Mai Thanh Long – Chủ Tịch Hội Võ Cổ Truyền tỉnh BRVT; TS. Nguyễn Xuân Quang – Phó Trưởng khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP. HCM; TS. Ninh Thị Hiền – Trưởng văn phòng Công chứng Ninh Thị Hiền TP. HCM.

Mở đầu là nghi thức niệm hương, bạch Phật và TT TS Thích Chân Quang đọc lời cảm niệm Vu Lan.

Tiếp theo, trong tâm tư đã lắng đọng của thính chúng, Thượng tọa đã thuyết giảng bài Pháp thoại với tựa đề CẢM GIÁC CỦA NGƯỜI PHẢN ÁNH BẢN CHẤT CỦA TA.

Vu lan là ngày mà đạo Phật hướng về thế giới cõi âm, cầu nguyện cho âm siêu dương thới. Nhân ý nghĩa này, Thượng tọa nói về các cõi giới tương ứng với nghiệp của chúng sinh như sau:

Những người đời trước khi tiếp xúc, khi xử lý mọi việc luôn khởi cái ý muốn làm kẻ khác sợ (bằng lời nói nạt nộ, hành vi đánh đập, nét mặt hung tợn…) thì sau này phải đọa vào một giống loài có hình dáng làm chúng sinh khiếp sợ, như ma, ngạ quỷ, hoặc súc sinh như cá sấu, rắn rết… Đó là nhân quả, từ cái tâm của họ đời trước.

Sự xuất hiện của ta sẽ tạo thành cảm giác trong tâm người đối diện. Và cảm giác đó chính là nghiệp của tâm hồn ta, là bản chất của ta. Gương mặt của ta có thể tạm thời lừa thiên hạ được, nhưng nội tâm bí ẩn của ta lại hiện lên rõ ràng trong tâm mọi người, mà như một thiền sư đã nói rằng “Như tấm gương trong, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán”.

Người từ bi rộng lượng yêu thương tử tế nhẫn nhục sẽ tạo cảm giác yên bình, an tâm, tin tưởng, quý mến. Và sau khi chết họ sẽ về một cõi rất an lành, chỉ gồm những chúng sinh tử tế thánh thiện.

Người tạo nghiệp thấp hèn sẽ tạo cảm giác khinh bỉ nơi mọi người, sau khi chết sẽ phải đọa về một cõi rất thấp.

Người hung ác sẽ làm mọi người cảm thấy sợ hãi, sau khi chết sẽ phải đọa làm những loài mà chúng sinh vừa thấy đã kinh sợ.

Tâm lý của mọi người lại phản ánh bản chất tâm ta. Tìm cảm giác của mọi người về mình, ta sẽ thấy hình hài, bản chất của ta trong cuộc sống này.

Ngày vu lan, khi nói về các cõi giới, Thượng tọa cũng phân tích về cảm giác của người khác về mình để ta nhìn lại chính mình, điều chỉnh lại tâm hồn mình cho nhiều kiếp sau.

Qua cái nhìn về nhân quả của đạo Phật và sự trình bày thuyết phục từ Thượng tọa, bài Pháp thoại như hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ quyết liệt cho thính chúng, rằng: người đệ tử Phật phải tu hành làm sao để bất cứ nơi nào mình có mặt, người chung quanh đều được yên vui hạnh phúc. Như vậy, cõi ta sẽ đi về sau khi bỏ thân này là cõi Thánh – nơi có những vị rất thánh thiện, từ bi, thanh tịnh.

Tiếp theo, toàn thể hội chúng tụng bài SÁM VU LAN để gửi những lời ước nguyện cao quý thiêng liêng vào đất trời. Nguyện cầu cho âm siêu dương thới, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Đồng thời, nguyện cầu cho Tam bảo trường tồn, Tăng già hòa hợp.

Sau cùng, đại lễ Vu Lan hoàn mãn bằng nghi thức lễ Phật và mỗi Phật tử được quý thầy tặng một huy hiệu cài áo xinh xắn tượng trưng cho sự bình an may mắn.

Trước đó, tối ngày 10/08/2022 (nhằm ngày 13/07/Nhâm Dần), tại Lễ đài, TT TS Thích Chân Quang đã trao quyết định bổ nhiệm cho các Phật tử gồm Chúng trưởng, Chúng phó Đạo tràng Phật Giáng tỉnh Ninh Thuận; Hội phó Hội Yêu Rác khu vực miền Bắc, miền Nam; và 10 Thủ lĩnh Chúng thanh niên cùng 20 Phó thủ lĩnh tại các khu vực của thành phố Hà Nội và thành phố HCM. Từ đây các Phật tử Ban Điều hành gánh lấy trách nhiệm phải dấn thân, phụng sự nhiều hơn cho Phật pháp, cho cuộc đời, trong đó làm sao gắn kết được mọi người với nhau trong tình thương yêu đoàn kết, dìu nhau bước đi vững chãi trên con đường tu tập.

Thiền Tôn Phật Quang, cứ mỗi kỳ Lễ lớn của Phật giáo nhà chùa tổ chức rất chuyên nghiệp, hội đủ mọi điều kiện cả về nội dung và ý nghĩa, xứng đáng là một Lễ hội cho tất cả mọi người cùng hướng về – là nơi hội tụ và lan tỏa tình yêu thương. Đó là lý do các Lễ hội mà Thiền Tôn Phật Quang tổ chức thu hút lượng tín đồ Phật tử đến chùa tham dự mỗi năm tăng lên theo cấp số nhân. Hy vọng mô hình này được nhân rộng nhiều hơn nữa tại các chùa, và phát triển khắp cả nước, để Phật giáo được truyền bá rộng rãi cho nhiều người biết đến.

Sau đây là chùm ảnh ghi nhận:

Tâm Trụ