Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Bước chân an lạc là bộ phim không chỉ dành riêng cho...

Bước chân an lạc là bộ phim không chỉ dành riêng cho giới Phật tử

324

Rốt cuộc thì sau một thời gian bị trì hoãn bởi nhiều yếu tố khách quan, bộ phim tài liệu Bước chân an lạc- Walk with me đã có thể ra mắt chính thức ở quê nhà.

Buổi ra mắt phim dành cho báo chí không như thường lệ trước đó của những bộ phim khác. Cụm rạp BHD ít ồn ào, không xe- lép, chân dài đèn flash …này kia. Chỉ là những chuyện trò lao xao liên quan đến bộ phim trong khi chờ đến giờ công chiếu. 

Khách mời đến xem hầu như đều biết họ đang đi xem cái gì. Tự họ cũng chủ động loại mình rất nhanh khỏi phòng chiếu khi phim mới ở khúc dạo đầu. Số còn lại trong khán phòng, chăm chú theo dõi hay ít ra cũng tôn trọng bộ phim và những người đang xem. Ngay cả những bịch bắp được tặng sẵn cho khách mời cũng được dùng rất khẽ khàng rồi nhưng hẳn sau một lúc vào phim. Một sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối trong rạp phim mà hiếm khi tôi được thụ hưởng, chỉ có những âm thanh vang lên từ phim. Cũng dễ hiểu thôi khi Bước chân an lạc là một lát cắt về thiền sư Thích Nhất Hạnh và các thiền sinh trong Làng Mai, trong những sinh hoạt thường nhật ở họ.

 Poster phim Bước chân an lạc

Một bộ phim tài liệu không theo kịch bản soạn sẵn, không phỏng vấn trực tiếp nhân vật chính, được thực hiện với sự hỗ trợ hợp tác của quá nhiều người. Xem xong nếu chịu khó ngồi đến hết phim, đọc thông tin của đoàn phim sẽ hình dung được điều này. Phim quay trong 3 năm, cũng đủ hiểu là lượng hình ảnh thu được nhiều đến mức nào. Và chọn lựa sẽ khó khăn ra sao. 

Không hẳn xuất sắc , nhưng ít ra bộ phim cũng cho người xem một cảm nhận, một cái nhìn về Làng Mai và những người đang tu hành ở đó, trong đó có Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Những khuôn hình rất thật, tự nhiên và ê kíp quay đã phải thật sự hiểu, sống cùng cuộc sống thiền hành ở Làng Mai mới có thể nắm bắt được, trong khả năng của mình.ít nhất là theo tinh thần mà thiền sư Thích Nhất Hạnh, ông không muốn tách biệt trong cộng đồng tu với tăng ni Làng Mai hoặc được thần tượng hóa.

 

 

 

Chân dung HT.Thích Nhất Hạnh

 

 

 Các đạo diễn đã trải qua nhiều tuần trong các thiền viện ở Pháp và Mỹ mà không hề có máy quay, để thực hành Chánh niệm và học cách sống cùng cách nhìn nhận của họ. Cuối cùng họ cũng được chính thức giới thiệu máy quay của mình với một sự tin tưởng và cởi mở, cho phép họ ghi lại ở cấp độ riêng tư như mong muốn. Nên nhiều khoảnh khắc trong phim chân thực, là vì vậy.

Như đạo diễn phim cho biết, giai đoạn thiền sư Thích Nhất Hạnh lâm cơn đột quỵ thay đổi đời sống trước khi phim kịp hoàn thành, họ biết rằng sẽ không bao giờ có cơ hội làm phim với thiền sư Thích Nhất Hạnh và cộng đồng Tăng ni Làng Mai theo cách này nữa. (Tháng 11 năm 2014, một tháng sau kỳ Sinh nhật thứ 89, và sau nhiều tháng sức khỏe xuống dốc đột ngột, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã bị đột quỵ. )

Dẫu vậy họ thấy mình có trách nhiệm phải thể hiện chân dung thiền sư Thích Nhất Hạnh một cách chân thực trong đời sống thường nhật, song hành cùng cảm nhận về thế giới tinh thần, đặc biệt là với những gì họ đã tự thân trải nghiệm ở thiền viện Làng Mai.

Có thể nhiều người nghĩ rằng đây là bộ phim dành riêng cho những Phật tử , hay cho những ai quan tâm yêu quý ngài Thích Nhất Hạnh. Nhưng tôi nghĩ rằng không hẳn thế. Bạn sẽ tìm được chút gì đó , dù chỉ là sự chiêm nghiệm về một thái độ, một niềm tin, một phong cách sống, hay đơn giản là một năng lượng tích cực để yêu thương, chia sẻ.


 

Đoàn làm phim tác nghiệp

  


Điều đáng tiếc nhất, là sư ông không còn khoẻ để có thể dự bộ phim nói về mình. Cũng là điều đáng tiếc của đạo diễn phim trong quá trình thực hiện, sư ông bất ngờ đột quỵ và sức khoẻ yếu đi nhanh chóng nên phải thay đổi thời gian thực hiện để Bước chân an lạc có thể hoàn thành vào năm 2016.

Năm 2007, ở chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, tôi có dịp được xem dịp thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức 3 Trai đàn Chẩn tế lớn tại 3 miền Việt Nam, gọi là “Đại trai đàn Chẩn tế Giải oan” – cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những ai đã từng gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của Chiến tranh Việt Nam, dù đã qua đời hay còn tại thế, không phân biệt tôn giáo, chính trị, chủng tộc.

Mười năm sau, Thiền sư về thăm cố hương, thăm lại ngôi chùa thưở ban đầu bước vào đường tu ở Huế. Dù vẫn không thể nói và hầu như bị liệt bên phải, nhưng chỉ cần sự hiện diện của ông tại quê nhà, cũng đủ làm ấm lòng những người biết đến ông. Và một bộ phim như Bước chân an lạc được ra mắt cho rộng rãi công chúng trong thời điểm này, thật cần thiết và đáng quý biết bao.

Giữa 1 tuần nhộn nhịp các sự kiện văn nghệ giải trí vời đến cánh phóng viên, tôi chọn cho mình một sự tham dự, và tự thấy rằng,

Thật đáng!