Trang chủ Đời sống Tâm sự Ca phẩu thuật tách rời hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi...

Ca phẩu thuật tách rời hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi (*)

377

Bước ra từ phòng mổ tách cặp song sinh tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chiều 15/7, bác sĩ Trần Đông A, 79 tuổi, tháo khẩu trang, cười tươi thông báo ca mổ khả quan.

Trong ca đại phẫu tách rời hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi, giáo sư, bác sĩ Trần Đông A là một trong 9 bác sĩ ngoại viện chủ chốt, tham vấn cho kíp mổ. Ông vào phòng mổ ngay từ sáng sớm, túc trực đến chiều, khi tách rời thành công hai cháu, mới ra ngoài. Trông ông khỏe mạnh, sảng khoái, bất chấp tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Bác sĩ Đông A cho biết các thì mổ an toàn, đúng như dự liệu. Ở thì thứ 3, khi đục xương chậu, hai bé mới mất máu và được truyền bù máu ngay. Lúc bác sĩ A ra ngoài, ê kip tại hai phòng mổ đồng thời tách hai bên khung chậu của mỗi bé, nối thông đường tiết niệu, đường ruột, tiến hành đóng bụng.

Theo bác sĩ Đông A, khó khăn nhất là các bé dính liền vùng bụng chậu với 4 chân, xương mu bị hở, các xương chậu xếp vòng tròn làm đảo lộn vị trí đúng của nội tạng.

Ông nhận định khả năng hồi phục của hai bé sau mổ tách “rất khả quan”. Lý do là ca mổ này có nhiều ưu thế, từ trang thiết bị hiện đại đến kỹ thuật tiên tiến, được các bác sĩ thảo luận kỹ từng đường đi nước bước.

Bác sĩ Đông A tham gia cố vấn chuyên môn cho ca mổ này từ những ngày đầu tiên, tháng 6/2019, khi hai bé vừa lọt lòng mẹ. Ông dự tất cả các cuộc hội chẩn, đưa ra những phương án tối ưu và dự phòng rủi ro cho từng thì phẫu thuật.

Vị bác sĩ già chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và hào hứng được cứu những sinh mạng bé bỏng”.

Năm 1988, giáo sư, bác sĩ Trần Đông A là “nhạc trưởng”, phẫu thuật viên chính ca mổ tách cặp song sinh trai dính liền Nguyễn Việt – Nguyễn Đức, siêu hiếm gặp, thành công vang danh thế giới. Ông được ghi tên vào sách kỷ lục Guinness Thế giới năm 1991.

Năm ấy, bác sĩ Trần Đông A cùng 62 y, bác sĩ mổ cho hai anh em Việt- Đức dính liền bụng chậu hiếm gặp, giống như cặp Trúc Nhi – Diệu Nhi năm nay. Trường hợp dính liền bụng chỉ chiếm 6% trong các ca sơ sinh dính liền. Việt và Đức chào đời với 3 chân, một trong hai người đã bị bại não. Ca mổ tách dính khi ấy chưa từng có trong y văn thế giới. 15 giờ mổ đi vào lịch sử, đến nay kỷ lục đó vẫn chưa bị phá vỡ.

Nền y tế Việt Nam 32 năm trước tương đối thiếu thốn. Ca mổ phải được tài trợ thiết bị, dụng cụ từ Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản mới đủ điều kiện phẫu thuật.

Về sau, bác sĩ Đông A luôn có mặt trong những ca bệnh hiểm nghèo hiếm gặp nhất ở Việt Nam, bao gồm hầu hết các ca tách dính song sinh, ca ghép gan đầu tiên cho trẻ dưới 2 tuổi từ người sống.

Giờ đây, ông tiếp tục chứng kiến thế hệ đàn em, học trò của mình là bác sĩ Trương Quang Định dẫn dắt một ca đại phẫu phức tạp không kém.


Nguồn: Vnexpress

(*) Tên bài viết do PTVN biên tập lại