Từ 4 năm nay, chùa Bửu Thắng đã thành tổ ấm của 5 chị em bé Mỹ. Nếu không có sư cô Huệ Hướng thì có lẽ từ lâu, chị em Mỹ đã chịu cảnh ly tán, mỗi đứa lang thang một nơi, vạ vật đâu đó kiếm sống…
Chuyện là, bố mẹ của Mỹ cùng các con từ ngoài quê Nghệ An vào Đắk Lắk làm ăn. Cuộc sống đang yên lành thì không may bố mẹ Mỹ lần lượt qua đời. Cả 5 chị em đang bơ vơ, côi cút thì được sư cô Huệ Hướng nhận về nuôi nấng, cho ăn học.
Trước khi chị em bé Mỹ được nhận về chùa một năm, một hôm, có một anh xe thồ chở đến chùa một bà cụ bị trọng thương nhưng không có thân nhân. Sư cô Huệ Hướng và các ni sư, phật tử trong chùa đã tận tình lo lắng thuốc men.
Khi tỉnh lại, bà cụ cho biết bà tên là Lê Thị Liên, 72 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Nam. Do không có người thân thích nên bà phải đi lang thang xin ăn.
Một lần, quá buồn chán, bà đã lao mình vào ôtô để tự tử nhưng may là bà chỉ bị thương nặng. Và cũng may nữa là anh xe thồ có biết chùa Bửu Thắng cưu mang những người bất hạnh nên đưa bà đến. Tại đây, được chăm sóc nên bà Liên đã cảm thấy yên lòng rồi từ đó nhà chùa giữ bà ở lại luôn để nuôi nấng.
Cách đây 7 tháng, các ni sư trong chùa liên tiếp phát hiện có hai cháu bé sơ sinh – một trai, một gái – còn chưa rụng cuống rốn bị bỏ rơi trước cổng. Họ đưa về nuôi và sau đó phát hiện thêm cháu trai bị mù bẩm sinh, não bị nước. Còn cháu gái thì bị bệnh hở van tim.
Hai cháu được đặt tên theo họ Huỳnh của sư cô. Cháu trai là Huỳnh Phước Hậu. Cháu gái là Huỳnh Phước Hiền. Được yêu thương, chăm sóc, các cháu cứ thế lớn dần.
Có chứng kiến cảnh các ni sư, phật tử nơi đây chăm lo cho những người bệnh từ câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, điên khùng v.v… với thấy rõ tình thương con người của họ.
Sư cô Huệ Hướng cho biết, gia đình bà có rất nhiều người tham gia cách mạng, có người đã hy sinh, một số đang là cán bộ Công an ở tỉnh Đắk Lắk. Riêng bà lên 5 tuổi thì bị mồ côi bố mẹ. Bà phải lang thang đi ở, làm thuê kiếm sống.
Năm 1987 thì bà xuất gia đi tu. Đầu năm 2001, bà được phân công về trụ trì chùa Bửu Thắng. Lúc đó, ngôi chùa chỉ là một căn nhà nhỏ mục nát vì đã bị bỏ hoang suốt hơn 40 năm. Một mình bà dọn dẹp khôi phục lại hoạt động trong chùa.
Thấu hiểu nỗi đau buồn của những người không nơi nương tựa, tật nguyền, không có người thân hoặc bị bỏ rơi, bà nhận họ về để nuôi nấng. Chỉ sau mấy tháng, bà đã tiếp nhận 10 người. Nguồn nuôi sống họ chủ yếu từ nguồn bà đi lạc quyên từ những người hảo tâm.
Việc bà nhận bảo trợ, nuôi nấng những người có gia cảnh và bản thân bất hạnh cứ thế lan ra. Và cứ thế, những người được bà đón về nuôi cứ tăng lên. Đến nay, con số đã là 151, bao gồm cả già, trẻ, gái, trai.
Trong số đó, có 37 cụ già neo đơn, 72 em nhỏ, còn người bị bệnh tật là 21. Về dân tộc thì có người Kinh, Ê Đê, Gia Rai lẫn Tày, Nùng. Các em nhỏ thì bà cho đi học, những người lớn còn minh mẫn và còn có thể lao động được, bà cho họ làm những việc nhẹ trong chùa như nấu nướng, chăm sóc các em nhỏ. Một số thì tham gia trồng hoa màu trên 1ha đất của chùa.
Bà còn mở một phòng khám Đông y từ thiện để chữa bệnh cho những người nghèo. Cảm kích trước tấm lòng của bà, các nhà hảo tâm, phật tử tứ phương đã đến hỗ trợ cúng dường nên điều kiện ăn ở của những người được bà tiếp nhận nuôi nấng đã ngày càng được nâng dần lên.
Với họ, chùa Bửu Thắng đã là tổ ấm chung của một đại gia đình. Từ những người xa lạ nay họ đã trở thành người một nhà, yêu thương, quý mến nhau như ruột thịt.
Một điều đáng nói ở đây là xã Thống Nhất có đến 98% người dân theo Công giáo. Thế nhưng, mối quan hệ giữa nhà chùa với các giáo xứ và giáo dân nơi đây rất thân thiện. Chính quyền, Công an xã cũng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho nhà chùa và các phật tử hoạt động.
Trong đợt bầu đại biểu HĐND xã vừa rồi, bà đã được đông đảo bà con Công giáo bầu vào HĐND xã. Riêng bà, ngoài việc tu tập, kinh kệ, từ thiện thì cũng tích cực tham gia vào công tác quản lý xã hội ở xã.
Còn sư cô Huệ Hướng thì cho biết các cháu nhỏ sau này lớn lên, dù có đi tu hay ra đời thì bà đều cố gắng lo cho ăn học. Để sau này, dù là một người tu hành hay là một người bình thường thì các cháu sẽ là một công dân tốt, biết đem cái thiện đến cho mọi người, biết nâng đỡ, trợ giúp, bao bọc cho những mảnh đời bất hạnh, chia sẻ với họ những nỗi đau.