Trang chủ Diễn đàn Chụp ảnh phóng to chư Tôn đức với lãnh đạo thế quyền:...

Chụp ảnh phóng to chư Tôn đức với lãnh đạo thế quyền: nên hay không nên?

77

Huệ Minh xin có mấy ý kiến tản mạn để Quý vị tham khảo thêm khi định nên hay không nên quảng bá hình ảnh lãnh đạo thế quyền chụp ảnh cùng chư Tôn đức Giáo phẩm Phật giáo:

1. Lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới có nhiều bài học quý để vận dụng ứng xử với thế quyền sao cho bảo tồn, phát huy được các giá trị chân quý của Đạo Phật vì hạnh phúc đích thực của quảng đại nhân sinh.

Các triều đại và lãnh đạo thế quyền chỉ tồn tại nhất thời, trong các giai đoạn ngắn dài khác nhau, có kế thừa nhưng thường là phủ định, đối nghịch nhau. Có thời thịnh thời suy, có thời chính thời tà, thị phi đan xen phức tạp.

Còn Giáo hội Tăng già (chứ không phải GH hành chính) và Tôn đức Giáo phẩm Phật giáo thì (thường) mang lại các giá trị xuyên suốt qua các thời đại, các chính thể.

Do vậy, việc mang các giá trị vĩnh hằng (Phật giáo) gắn vào, dựa vào các giá trị nhất thời, điên đảo, thị phi (thế quyền) là nên chăng? Là giúp cho việc xương minh Đạo pháp chăng?

2. Có một số chùa lớn nhỏ cũng đã phóng to và treo ảnh một số vị lãnh đạo thế quyền đến thăm, chụp ảnh cùng, thân mật bắt tay, sát cánh một số quý Thầy (cho dù quan hệ chỉ là sơ giao, nhất thời) để khách quan thưởng lãm. Nhưng thật là dở khóc dở cười, vô cùng khó xử khi vị lãnh đạo đó hết nhiệm kỳ, bị bãi chức, nhất là khi vị đó thiếu thiện chí/ “trở mặt” với nhà chùa.

3. Nhiều chùa cảnh, khi có các vị lãnh đạo thế quyền, doanh nghiệp đến thăm, hoặc bị mời đến thăm thì nèo kéo trồng cây, rồi tạc bia đá kỷ niệm, chi chít tít mù, trong ngoài, trước sau, chính phụ, to nhỏ. Xoay sở thật rắc rối. Khi một vị nào đó bị bãi chức hay vỡ nợ thì khó xử vô cùng, tình riêng nghĩa chung, tình lý khó phân. Làm sao?

4. Chư Tổ răn rằng: danh và lợi là 2 thứ giặc. Huống hồ lại là hão danh, hão lợi. Phật Tổ dạy nhà Phật lấy Từ Bi, Bình đẳng làm gốc. Phú, bần, quý, tiện không phân biệt đối xử. Nhờ vả, dựa dẫm, tranh thủ thế quyền, dù quang minh chính đại và vì mục đích chung cũng còn vạn cùng bất đắc dĩ; huống hồ xu phụ, kết thân, bợ đỡ vì tự tư tự lợi thì nên chăng?

5. Trong một thời Pháp, dịp Phật đản 2012, khi có người hỏi Đức Pháp chủ rằng, sao ở chùa Ráng không thấy treo ảnh lớn các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ khi về tiếp kiến Đức Pháp chủ, Đức Ngài đã bảo rằng: “Đạo Nho người ta còn nói: “núi cao ta trông, đường rộng ta đi, tuy đích chưa đến, nhưng lòng hướng về”, huống hồ Đạo xuất thế nhà ta? Dân chúng còn biết bảo nhau: “Đào thắm thì đào lại phai, thoang thoảng hoa lài thì mới bền lâu”, huống hồ đệ tử Phật lại không hiểu lý vô thường? Họ đến thăm nhà ta hay nhà ta có việc đến gặp họ thì cứ phải phép mà đón mà đi. Rồi đến khi họ về, hay ta quay về, cứ phải phép mà tiễn mà về. Mặn  nồng, thân mật rồi cũng có lúc lạt phai, nhạt nhẽo. “Khéo đến khéo đi, đến đi vô ngại, khắc phục phàm tình, nồng hậu Thánh tình” là điều nhà Phật nên trì thủ”.