Trang chủ PGVN Nhân vật Cuộc đời và sự nghiệp của HT. Thích Đồng Huy

Cuộc đời và sự nghiệp của HT. Thích Đồng Huy

99

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỒNG HUY (1919-2010)

Hòa thượng thế danh Phan Văn Đa, tự Thanh Tùng, pháp danh Đồng Huy, pháp hiệu Trí Thắng thuộc đời 43 Thiền phái Lâm Tế dòng kệ Chúc Thánh. Ngài sinh năm 1919, tại làng Lãnh Đông, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là ông Phan Thanh Quyến, thân mẫu là bà Huỳnh Thị Trợ. Gia đình có tất cả 5 người con, hai trai ba gái, Hòa thượng là người con thứ tư trong gia đình. Ngài mồ côi cha từ thuở nhỏ. Năm lên 8 tuổi, ngài ở với nội và học Hán văn, lớn lên ngài theo mẹ vào Nam sinh sống.

Hòa thượng cùng mẹ xa quê hương sống lưu lạc miền Nam và dừng chân trên mảnh đất Phan Thiết (Bình Thuận) bằng nghề thợ may. Sinh trưởng trong một gia đình kính tin Tam bảo, cơ duyên Phật pháp đã đến, năm 1938, Hòa thượng vừa tròn 19 tuổi, được sự đồng ý của mẹ cho xuất gia quy y với Thiền sư Hưng Từ, bổn sư đặt pháp danh Thị Lạc, pháp hiệu Hạnh Thiện, ngài tu học tại chùa Long Đoàn, núi Trà Cú (Bình Thuận).

Năm 1942, được sự cho phép của bổn sư, ngài thọ giới Sa di tại chùa Hưng Khánh (Bình Định), sau đó theo Hòa thượng Huyền Ý, chùa Liên Tôn (Bình Định) học luật được một năm.

Năm 1943, Hòa thượng đã được trúng tuyển vào học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên (Trà Vinh).

Năm 1945, phong trào Cách mạng Tháng 8 nổi lên, theo tiếng gọi của Tổ quốc, học Tăng phải ly tán, nhà trường phải tạm nghỉ, lúc bấy giờ Hòa thượng tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau khi đình chiến, năm 1955, Hòa thượng trở về tu học tại chùa Phú Thạnh (Phú Nhuận, Sài Gòn) cầu pháp nhân duyên với Hòa thượng Thiện Hòa và nhập học tại Phật học đường Nam Việt (chùa Ấn Quang, Chợ Lớn, Sài Gòn).

Năm 1956, được sự đồng ý của Hòa thượng cầu pháp và Ban Giám đốc nhà trường, Hòa thượng được thọ tam đàn Cụ túc tại chùa Pháp Hội (Chợ Lớn, Sài Gòn) do Hòa thượng Hành Trụ làm Đàn đầu truyền giới.

Năm 1960-1963, Đại Tòng Lâm Phật Giáo đang kiến thiết xây dựng và thiếu người trông coi, Hòa thượng là người lớn tuổi nhất tại Phật học đường Nam Việt, sau khi mãn khóa được Hòa thượng Thiện Hòa điều về trụ trì chùa Đại Tòng Lâm, chăm lo công việc khai khẩn và kiến thiết. Nhưng nhận thấy sự học của mình còn yếu chưa đủ khả năng hoằng dương chánh pháp, sang năm 1964 ngài xin phép Hòa thượng Thiện Hòa nghỉ chức trụ trì và theo học lớp chuyên khoa Phật học tại Phật học viện Huệ Nghiêm và được giao chức vụ Tri sự chăm lo đời sống kinh tế cho viện.

Từ năm 1964-1970, ngài được Giáo hội điều về làm Ban Quản trang An Dưỡng Địa, Phú Lâm, Chợ Lớn, đồng thời là thành viên sáng lập hãng nước tương Vị trai Lá Bồ Đề tại chùa Giác Sanh, Phú Thọ, Chợ Lớn.

Năm 1970, ngài khai sơn tu viện Vạn Hạnh và khai khẩn trên 300 hécta đất tại xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa, để cấp cho Tăng ni và Phật tử có nơi tu hành và sinh sống.

Năm 1990, Hòa thượng sáng lập các chùa: Vạn Thiện, Vạn Phước, Vạn An và trùng tu lần thứ nhất tu viện Vạn Hạnh. Ngoài ra, ngài còn khai khẩn thêm 20 hécta diện tích đất trên sườn núi Thị Vãi (Bà Rịa-Vũng Tàu) để trồng cây ăn trái và gây rừng, đồng thời còn lập ra nhiều am thất để cho chư Tăng có nơi tu học.

Năm 1992, Hòa thượng bổn sư Hưng Từ viên tịch, giao tổ đình Pháp Hội cho ngài, nhưng Hòa thượng giao lại cho pháp đệ là Thượng tọa Thích Ấn Chánh trông coi và xây dựng, hướng dẫn chư Tăng, tín đồ tu học.

Năm 2000, Hòa thượng tiếp tục trùng tu lần thứ 2 tu viện Vạn Hạnh cho được khang trang bền vững.

Với tinh thần yêu nước và luôn luôn phụng sự đạo pháp trong tinh thần vô ngã vị tha, hướng dẫn Tăng ni, Phật tử tu học. Ngoài vấn đề cấp đất, xây dựng tự viện cho Tăng ni tu học, trong giai đoạn này, Hòa thượng đóng vai trò quan trọng và giữ nhiều chức vụ tùy theo hoàn cảnh của xã hội để lèo lái con thuyền Phật pháp cho địa phương Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu:

– Năm 1972, được sự tín nhiệm của toàn thể Tăng ni và Phật tử, Hòa thượng giữ chức vụ Phó Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Phước Tuy, kiêm Chánh Đại diện Phật giáo quận Long Lễ và Chánh Đại diện khu tự trị Phật giáo làng Vạn Hạnh.

– Năm 1977, Hòa thượng làm Chánh Đại diện Phật giáo huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai, đồng thời tham gia công tác Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng Nhân dân huyện Châu Thành.

– Năm 1981, Hòa thượng là Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai.

– Năm 1986, Hòa thượng làm Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai, kiêm Chánh Đại diện Phật giáo huyện Châu Thành.

– Năm 1989, Hòa thượng làm Trưởng Ban Vận động mở lớp giáo lý và thành lập trường Cơ bản Phật học Đại Tòng Lâm.

– Năm 1990, ngài là Phó Ban Giám đốc Đại Tòng Lâm, đặc trách giám luật.

– Năm 1992 cho đến cuối đời, ngài là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, kiêm Trưởng Ban Giáo dục Tăng ni tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu qua 4 nhiệm kỳ.

– Tại Đại hội Phật giáo khóa IV (1997), ngài được tấn phong Hòa thượng và được suy cử vào Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cũng trong năm này, ngài được bầu làm Trưởng Ban Quản trị Đại Tòng Lâm.

– Năm 2002, ngài được bầu làm Ủy viên Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

– Năm 2009, vì tuổi cao sức yếu, nhưng được sự tín nhiệm của Tăng ni, ngài vẫn giữ chức Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu khóa IV (2007-2012).

Về tổ chức Giới đàn, bằng giới đức trang nghiêm thanh tịnh, mô phạm chốn Tòng Lâm, biểu tượng nơi quy hướng cho Tăng ni và Phật tử, Hòa thượng đã đảm nhận:

– Đệ nhị Tôn chứng Tăng già, Giới đàn chùa Long Hoa, Long Đất, Đồng Nai vào năm 1976.

– Giáo thọ A Xà Lê, Giới đàn chùa Long Thiền, Biên Hòa, Đồng Nai do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai tổ chức năm 1984.

– Trưởng Ban Kiến Đàn Đại giới đàn Thiện Hòa I, do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức năm 1993 tại Trường Cơ bản Phật học Đại Tòng Lâm, Giới đàn đã quy tụ trên 2.000 giới tử.

– Trưởng Ban Tổ chức Đại giới đàn Thiện Hòa II, do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức vào năm 1996 tại Trường Cơ bản Phật học Đại Tòng Lâm.

– Trưởng Ban Tổ chức Đại giới đàn Thiện Hòa III, do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức vào năm 2000, tại Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm.

– Trưởng Ban Tổ chức Đại giới đàn Thiện Hòa IV, do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức vào năm 2003, tại Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm.

– Hòa thượng Đàn đầu Đại giới đàn Thiện Hòa V, do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức năm 2006, tại Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm.

– Hòa thượng Đàn đầu Đại giới đàn Thiện Hòa VI, do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức năm 2009, tại Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm.

Về Phiên dịch, ngoài công tác Phật sự đa đoan và hướng dẫn Tăng ni, Phật tử tu học, Hòa thượng còn dành nhiều thời gian phiên dịch về Luật tạng để lại cho hậu thế. Các bộ sách ngài đã phiên dịch là:

1. Tứ Phần Luật Tạng……………………………….60 quyển

2. Luật Học …………………………………………….01 quyển

3. Tỳ Kheo Ni Sao ……………………………………03 quyển

4. Luật Học Cương Yếu …………………………….01 quyển

5. Tỳ Kheo Giới Bổn Sớ Nghĩa …………………..01 quyển

6. Phạm Võng Lược Sớ………………………………10 quyển

7. Tỳ Kheo Tăng Sao…………………………………03 quyển

8. Luật Tứ Phần Như Thích………………………..

9. Yết Ma Đại Cương…………………………………01 quyển

10. Phật Học Diễn Giảng…………………………..

11. Tỳ Kheo Giới Bổn Lược Giải …………………01 tập

12. Tỳ Kheo Ni Giới Bổn Lược Giải …………….01 tập

Ngài là vị Giám Luật nghiêm minh mẫu mực, giới đức và công hạnh của ngài là tấm gương sáng ngời xứng đáng cho đàn hậu tấn kính ngưỡng noi theo.

 Với 90 năm trên cuộc đời hạnh nguyện vị tha vô ngã, cống hiến cho đạo pháp và xã hội, Hòa thượng là bậc đại thọ của Tăng già, nào ngờ vô thường một thoáng, kiếp sống tạm bợ mong manh như sương như khói, Hòa thượng lâm bệnh tuổi già sức yếu. Mặc dù môn đồ pháp quyến và chư Tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tăng ni các nơi nhất tâm cầu nguyện, với sự tận tâm chữa trị của bác sĩ cầu mong ngài sớm bình phục, nhưng vô thường vẫn là định luật nghìn xưa.

 Vào những ngày cuối cùng, Đại giới đàn Thiện Hòa VI được khai mạc, trên giường bệnh, Hòa thượng luôn luôn nhắc nhở và sách tấn theo dõi từng ngày cho đến khi Đại giới đàn bế mạc và thành công.

Ngài đã thuận theo lý vô thường, xả báo thân an nhiên thị tịch vào lúc 18 giờ 45 ngày 03 tháng 01 năm 2010 (nhằm ngày 19 tháng 11 năm Kỷ Sửu) tại tu viện Vạn Hạnh, làng Vạn Hạnh, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành. Trụ thế: 90 năm – Hạ lạp: 55 năm.

Nam Mô Khai Sơn Vạn Hạnh Đường thượng Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tam Thế huý Thượng Đồng Hạ Huy Hiệu Trí Thắng Hòa thượng Giác Linh.

—————–

– Tiểu sử do đệ tử Tỳ kheo Thích Minh Thiện soạn.

– Tỳ kheo Thích Đồng Bổn biên tập lại.