Trang chủ Văn hóa Du lịch Du tăng đến xứ chùa tháp

Du tăng đến xứ chùa tháp

73

Là người con Phật, ai cũng mong muốn giáo lí đạo Phật được trường tồn và phát triển, để ánh sáng chân lí ấy soi rọi ngàn đời cho chúng sinh. Trên thực tế, ngày nay, tầm ảnh hưởng của đạo Phật đã bị hạn chế bởi dị giáo, bởi sự nhận thức cạn cợt của người con Phật và một số nguyên nhân khách quan khác…

Điển hình như Ấn Độ – cái nôi của đạo Phật, nhưng chỉ có 0.8% dân số theo đạo Phật.

Hạnh phúc biết bao, một đất nước mà nền văn hoá Phật giáo ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến đời sống sinh hoạt của người dân; đạo Phật như mạch sống của con người trên quốc gia này và ngay cả tên gọi cũng mang đầy âm hưởng Phật gia – Đất nước chùa tháp – Campuchia.

Trong tâm tưởng của mỗi người, Campuchia là một đất nước nghèo nàn và lạc hậu. Nếu có đi du lịch nước ngoài ít ai nghĩ tới sẽ đi Campuchia. Thế nhưng với những người xuất gia như chúng ta, được tham quan, chiêm bái chùa chiền cũng như tìm hiểu về tình hình phát triển và tầm ảnh hưởng của Phật giáo trên đất nước chùa tháp này là một điều đáng trân trọng.

Cuối cùng, sư phụ cũng cho phép huynh đệ chúng tôi được tháp tùng theo đoàn làm kí sự để sang Campuchia.

NGÀY 13/09/2010:

Đúng 5h35 sáng, ngày 13/09, xe của công ty du lịch SAGOTOUR xuất phát, đưa chúng tôi đến tham quan đất nước nổi tiếng về chùa tháp.

Chúng tôi ăn điểm tâm tại một quán ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Đến cửa khẩu Mộc Bài của Việt Nam và Ba Vet của Campuchia, sau một số thủ tục xuất cảnh và nhập cảnh, chúng tôi chính thức đặt chân xuống đất nước Campuchia lúc 8h15.

Đây là tỉnh Svay Rieng, tỉnh này giáp với Tây Ninh. Một điều ấn tượng là chúng tôi thấy có rất nhiều Casino. Ở đây, Casino như là một nghề nghiệp kinh doanh bình thường được nhà nước cho phép. Có lẽ sự nghèo khó cũng như tính cầu may đã khiến con người phải đặt vận mạng của mình vào những con số đỏ đen.

Do lịch trình của chúng tôi là đi đến Thành phố Siem Reap, đoạn đường từ Mộc Bài đến đó khoảng 500km, nên chúng tôi đi qua bốn tỉnh của Campuchia: Svay Rieng, Prey Veng, Campong Cham, Campong Thom.

Một chặng đường khá dài để chúng tôi có thể tìm hiểu một số thông tin từ hướng dẫn viên ChinShen. Qua sự hướng dẫn của anh, chúng tôi được biết, Campuchia rộng khoảng 181035km2, gồm 24 tỉnh thành, dân số khoảng 14 triệu người. Kinh tế chủ yếu là dệt, du lịch và nông nghiệp.

Đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Chúng tôi cảm nhận được sự nghèo đói và lạc hậu của họ qua những vùng đồng quê hoang sơ và quạnh vắng, đâu đó thấp thoáng những ngôi nhà sàn và mấy con bò đang gặm cỏ trên những cánh đồng bao la sâu hút đến chân trời.

Càng đi sâu vào lãnh thổ Campuchia, chúng tôi mới cảm thấy thật sự cảm phục và trân trọng con người nơi đây. Cứ khoảng một, hai km là có một ngôi chùa. Ngôi chùa như là nét riêng và chốn bình yên cho con người chốn này. Mặc dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn nhưng trong họ vẫn không quên chốn nương náo tâm linh và hun đúc tinh thần, tìm lại chính mình qua lời kinh tiếng kệ.

Đúng là:

Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông
.

Đạo Phật du nhập Campuchia vào khoảng thế kỉ XII, nhưng mãi đến thế kỉ XV – XIV  thì sự ảnh hưởng của đạo Phật mới gọi là đáng kể.

Theo anh Shen, phong tục ở Campuchia là cứ một người nam nào muốn được xã hội công nhận là công dân tốt, được xem là người có đạo đức thì trước hết người đó phải trải qua quá trình giáo dục của nhà chùa, có nghĩa là đi tu. Không bất luận thời gian tu là bao lâu, nhưng bắt buộc phải có sự hướng dẫn và dạy dỗ của chư Tăng.

Thế mới biết một nền giáo dục tâm linh không đơn thuần chỉ tồn tại trong phạm vi Tăng viện mà nó còn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống nhân dân.

Đến trưa, chúng tôi dùng cơm chay tại một nhà hàng của tỉnh Kom Pong Cham. Nó đến vấn đề ăn uống thì đa phần chư Tăng ở đây dùng đồ ăn mặn. Họ đi khất thực và giữ nguyên bản chất nguyên thuỷ của Phật giáo thời đức Phật còn tại thế.

Hoàng hôn buông xuống, xe chúng tôi dừng lại tham quan địa điểm đầu tiên là cầu Kom Pong Kdie – cầu đá cổ nhất Đông Nam Á, lúc này là 4h45. Cầu được làm bằng đá tổ ong, gồm 22 chân trụ và 23 ô để nước chảy qua. Cầu dài khoảng 85 mét, cao 14 mét, mặt cầu rộng chừng 14 mét. Ở hai đầu cầu có tượng rắn thần Naga 7 đầu linh thiêng, được người dân tôn thờ như thần thánh.

Nhằm mục đích bảo tồn cây cầu nên khi cho xây dựng lại quốc lộ số 6, người ta đã làm một con đường tránh để không cho xe tải nặng qua cầu. Giờ đây chúng ta chỉ còn thấy mấy vũng nước nhỏ và có rất nhiều cây cối rậm rạp. Một thời huy hoàng vàng son, cây cầu đã mở lối cho biết bao người trong mọi hoạt động sống, thế mà giờ đây nó chỉ nằm đó đìu hiu quạnh vắng và được những viễn khách như chúng tôi tham quan, đến đi một cách chóng vánh.

Những tia nắng cuối cùng như muốn lôi kéo những viễn khách tha hương lưu lại chốn này. Nhưng thời gian không cho phép, chúng tôi lại phải lên đường đến Siem Riep.

Xe chúng tôi dừng bên vệ đường gần một gian hàng nhỏ bán cơm lam. Đây là một loại cơm bán cho khách du lịch, người thưởng thức như nếm hết cái vị tinh khôi của những hạt cơm chưa hề nhuốm hoá chất.

Cách nấu cũng đơn giản, họ cho nếp vào ống tre, sau đó nhấn thật chặt và lấy rơm rạ nhém lại rồi vùi vào trong tro lửa, muốn cơm ngon thì cho thêm nước cốt dừa. Chúng tôi thưởng thức thấy cũng bùi bùi và như trở về với một vùng quê yên bình ở nước nhà.

Thành phố Siem Riep đón chúng tôi trong một buổi tối mưa bay lất phất. Sở dĩ có cái tên Siem Riep nghĩa là “Xiêm bại trận”. Lúc trước vùng này bị người Thái Lan (Xiêm) xâm lược. Sau khi được giải phóng, nhà vua muốn ghi lại khoảnh khắc lịch sử này nên mới lấy tên là Siem Riep.

Đêm Siem Riep, chúng tôi cảm nghe được sự bình yên và vẻ đẹp quyến rũ của vùng đất cố đô. Ở đây, khách sạn mọc lên nhiều vô kể. Theo kiến trúc, các khách sạn không được cao hơn Angkor Wat. Người ta cho rằng Angkor Wat là nơi linh thiêng, là chốn cư ngụ của thánh thần, cho nên nhà cửa của người dân không được cao hơn nhà của chư Thánh.

Như đã đề cập, nhà cửa ở Campuchia được thiết kế mái cong cong như kiểu chùa tháp. Ở Siem Riep cũng vậy, kiến trúc ở đây pha lẫn phong cách Tây phương nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của xứ chùa Phật đất tháp. Chúng tôi đến khách sạn Monoreach Angkor Hotel lúc 18h35. Một ngày đã trôi qua, thời gian mau chóng không luyến lưu, nhưng trong lòng mỗi lữ khách còn nhiều sự bồi hồi và khắc khoải.

NGÀY 14/09/2010:

Hôm nay là ngày đầu tiên chúng tôi đi tham quan trên đất Siem Riep. Nói đến Siem Riep là người ta nghĩ đến quần thể khu di tích Angkor, bao gồm Angkor Thom, Angkor Wat và đền Bayon.

Đúng 6h55, sau khi dùng điểm tâm, chúng tôi lên đường để đến khu di tích Angkor Thom. Đây là một trong những kinh đô cổ xưa của người Khmer.

Vì đường vào khu di tích nhỏ nên chúng tôi phải đổi xe để thuận tiện đi vào, ở đây du khách cũng có thể đi bằng voi hoặc xe tuk tuk.

Hai bên đường vào thành Angkor Thom là hai dãy dài tượng các vị thần ôm rắn bảy đầu Naga, khoảng vài trăm mét. Trung tâm thành phố Angkor Thom là đền Bayon với bốn cửa theo bốn hướng. Chúng tôi vô cùng xúc động và ngỡ ngàng bởi khó có thể tin những ngôi đền đồ sộ và tầm cỡ như thế này mà được xây dựng bởi bàn tay con người.

Hiện nay, thành phố Angkor Thom chỉ còn là phế tích, bên trong là rừng rú dày đặc cây cao, dây leo khắp nơi. Thế mới biết lúc mới xây dựng nó hùng vĩ như thế nào.

Angkor Thom có nghĩa là Thành phố vĩ đại. Giữa quang cảnh đổ nát, đi quanh những tảng đá lớn nằm ngỗn ngang ở Bayon, nhìn lên khắp nơi mọi hướng lúc nào ta cũng thấy tượng đầu người mỉm cười. Cảnh tượng hùng vĩ nhất chính là rễ của các cây tùng và các cây cổ thụ ôm gọn cả ngôi đền như nuốt trọn công trình cổ, rễ của chúng lan ra khắp nơi như muốn chiếm lĩnh cả một khu vực cố đô.

Trong lòng trung tâm Bayon, có tôn trí một tượng Phật Bổn Sư lớn. Điều này chứng tỏ Bayon là đền thờ Phật giáo chứ không phải Ấn giáo như người ta nghĩ.
Toàn bộ kiến trúc cũng như nghệ thuật điêu khắc ở đây đều thực hiện trên đá tổ ong.

Tất cả như bị phá mòn bởi sự vô tình của thời gian và dần dần đi vào quên lãng. Một thời vàng son, một kinh đô kì vĩ, một hoang thành phế tích, tất cả như một định luật chung cho cuộc sinh tồn…

Trong quần thể Angkor còn có quảng trường đấu voi là nơi tổ chức các lễ hội và nơi để vua chúa giải trí. Giờ đây quãng trường này chỉ còn lại là một khu vực đi lại, buôn bán hàng hoá cho khách du lịch. Xung quanh gồm 14 tháp bao quanh, tượng trưng cho 12 con giáp và 2 tháp của vua và hoàng hậu.

Gần quảng trường là kinh đô cũ của nước Campuchia.Ở giữa kinh thành là tháp Viminacat, đức vua thường lên tháp cầu sự gia hộ của chư thần trong việc trị quốc an dân.

Vào khoảng TK XII-XV, do đấu tranh nội bộ, nên kinh thành bị đốt cháy và vua phải dời đô về Phnom Pênh. Kinh đô là đây, một thời huy hoàng là đây, thế mà giờ chỉ còn là một khu phế tích hoang tàn và hiu quạnh.

Chúng tôi rời khỏi Angkor Thom trong tiếng mời chào mua quà lưu niệm của các em nhỏ. Tiếp theo, xe chở chúng tôi đến tham quan tháp TaProng. Đây cũng là quần thể kiến trúc bằng đá nằm tận sâu trong một khu rừng nguyên sinh. Trên đường đến tháp, chúng tôi bắt gặp một đoàn nhạc công đã hát chào đoàn chúng tôi. Tất cả họ đề bị tàn tật do chiến tranh hoặc tai nạn.

Muốn đến tháp, chúng tôi phải đi qua một cây cầu treo bằng gỗ. Thuở xa xưa ắt hẳn đây là một hoàng thành tráng lệ và nguy nga. Trong tháp có tôn trí tượng Phật Bổn Sư.

Càng chiêm ngưỡng chúng tôi càng cảm thấy kính nễ nghị lực cũng như sức sáng tạo của người dân Khmer. Trong quần thể tháp, có rất nhiều cây cổ thụ to lớn, nó vươn những bộ rễ của mình ôm gọn những ngôi tháp như giữ gìn và bao bọc quần thể kiệt tác này.

Theo sự quan sát của chúng tôi, toàn bộ những công trình kiến trúc nơi đây hình như gắn liền với rừng núi và cỏ cây. Có phải đây là sự lựa chọn của các vị vua chúa thời xưa, nhằm bảo vệ kinh thành khỏi giặc ngoại xâm?

Thế là một buổi sáng đã trôi qua, chúng tôi đi dùng cơm và nghỉ ngơi chuẩn bị cho chuyến tham quan buổi chiều. Ngoài trời mưa bay lất phất từng hạt nhỏ…

Đúng 15h, đoàn chúng tôi lại tiếp tục lên đường tham quan quần thể di tích được xem là một trong những kì quan của thế giới: Angkor Wat.

Khu Angkor Wat có chu vi gần 6 km và diện tích khoảng 200 ha, nơi cao nhất là đỉnh tháp của ngôi đền chính, có độ cao 65m. Angkor Wat là đền núi duy nhất ở Campuchia có lối vào chính ở hướng tây, hướng Mặt Trời lặn. Xung quanh ngôi đền, có hào rãnh bao bọc.

Muốn đến trung tâm thánh điện  phải qua mấy cửa, một bậc thềm cao và một sân rộng. xung quanh là rừng cây bao bọc. Hình như sự thiêng liêng đã bảo tồn được phần nào quần thể kiến trúc nơi đây. Nói thế nhưng dưới sự tác động của con người và thiên nhiên, Angkor Wat cũng dần trở nên hiu quạnh và có phần hư hoại.

Quần thể kiến trúc nơi đây điêu khắc rất tinh xảo thể hiện sử thi cũng như đời sống sinh hoạt của người Khmer cổ.

Đền Angkor Wat là một quần thể kiến trúc huy hoàng và tráng lệ, thể hiện được nét tinh xảo cũng như nghệ thuật điêu khắc của người dân Campuchia xưa. Và tất cả đều là sự cố gắng và nỗ lực mà những người Khmer cổ đã dùng chính sức mạnh của bàn tay mình làm nên.

Sau một hồi mải miết tham quan, chúng tôi được hướng dẫn viên hối thúc leo núi Bakheng để ngắm hoàng hôn. Bakheng là một ngọn đồi nằm giữa Angkor Wat và Angkor Thom, là trung tâm của vương quốc Khmer đầu tiên ở Angkor.

Toàn bộ kiến trúc ngôi đền xây dựng trên một ngọn đồi cao, đường lên trắc trở đủ để khiêu khích sự tò mò cũng như khám phá hoàng hôn ở Siem Riep. Đứng ở Bakheng, chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ quần thể kiến trúc Angkor kì vĩ và huyền bí. Hoàng hôn buông xuống, những tia nắng cuối cùng tiễn chân những lữ khách, mọi người dần ra về.

Một ngày nữa lại trôi qua, bao cảm xúc và niềm hân hoan trong mỗi chúng tôi, Angkor thật hùng vĩ.

NGÀY 15/09/2010:

Hôm nay, đoàn chúng tôi đi tham quan và chiêm bái những ngôi chùa nổi tiếng ở thành phố Siem Riep.

Đúng 7h00, đoàn chúng tôi đến chùa Wat Chact. Đoàn chúng tôi được gặp sư trụ trì và tặng quà Pháp bảo cũng như có lời cảm ơn về sự tiếp đón của chùa. Sau đó chúng tôi di tham quan chùa.

Như đã nói, phong cách kiến trúc chùa tháp ở Campuchia là mái cong. Chùa Wat Chact cũng vậy. Hai bên đường vào chùa là nhữn tháp thờ tro cốt. Theo sư trụ trì cho biết, chùa này hồi xưa là nhà tù của Khmer đỏ, về sau, bộ trưởng bộ quốc phòng Campuchia hỗ trợ trùng tu lại cho chư Tăng ở.

Trong chùa có trường tiểu học do Phật tử Nhật tài trợ dành cho chư Tăng học. Khuôn viên chùa khá rộng, có khu giảng đường trưng bày nhiều hình Phật và các nhạc cụ truyền thống của Campuchia. Chánh điện cũng khá rộng, trên các bức tường là những hình vẽ về lịch sử của đức Phật từ đản sinh đến thành đạo. Xung quanh chùa là thất của chư Tăng. Chùa này còn lưu lại rất nhiều hài cốt của những người dân bị hại dưới chế độ Khmer đỏ.

Rời chùa Wat Chact, chúng tôi tiếp tục lên đường đến chùa Keo Saram. Đặc điểm nổi bật của chùa này là có một tháp rất cao. Theo sư trụ trì, đây là tháp thờ hài cốt của vị hoà thượng trưởng Sư sãi tỉnh Siêm Riep. Và một điều khiến chúng tôi bất ngờ là trong một nhà thờ nhỏ có thờ nhục thân của một vị hoà thượng.

Theo phong tục nơi đây, một vị hoà thượng tịch thì chưa đem thiêu liền mà để nguyên nhục thân của ngài khoảng vài tháng tuỳ theo mỗi chùa rồi mới đem di thiêu.

Chùa này có khoảng 70 vị Tăng tu tập. Có một điều lạ là cổng Tam Quan không nằm thẳng với chánh điện mà nằm về một bên. Tất cả kiến trúc cũng như sự bài trí mang đậm phong cách Khmer.

Chúng tôi tiếp tục lên đường đến chùa Wat Praphrom. Chùa này tương đối lớn hơn hai chùa trước. Tường xung quanh được sơn màu đỏ. Chùa cũng có nhiều tháp thờ tro cốt ở hai bên. Hàng tường thành bao quanh chùa là những hình ảnh của đức Phật từ sơ sinh đến thành đạo. Kiến trúc tổng quan khá sắc sảo. Chùa đang tiếp tục xây dựng và mở rộng thêm.

Có đến những ngôi chùa này chúng tôi mới cảm thấy hết sự ảnh hưởng và ưu tiên của chế độ hoàng gia đối với Phật giáo Campuchia. Sau khi tham quan xong, đoàn chúng tôi đi dùng cơm trưa và chuẩn bị cho chuyến tham quan buổi chiều.

Đúng 14h30, đoàn chúng tôi tiếp tục tham quan địa điểm tiếp theo là Biển Hồ. Đây là một hồ nước ngọt rộng lớn, mùa mưa có khi lên tới 10000km2. Dân cư ở đây sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Trong hồ có hơn 2000 loài cá sinh sống. Chủ yếu chuyến tham quan này là chúng tôi tặng quà cho cộng đồng người Việt sinh sống ở đây.

Đời sống của họ vô cùng khó khăn. Nhà của họ chỉ là những chiếc ghe nổi trên mặt nước, không có đất đai. Cuộc sống mưu sinh lênh đênh không chốn dừng, không biết cuộc sống của họ rồi đây sẽ như thế nào.

Khi thấy đoàn chúng tôi đến họ vô cùng mừng rỡ. Ở đây có ba thầy giáo người Việt dạy cho trẻ em, chủ yếu là từ lớp 1 đến lớp 4. Chúng tôi tặng quà và đĩa pháp bảo cho đồng bào nơi đây.

Nhìn cuộc sống của họ chúng tôi có phần nào đau xót cho số phận con người và nhất là đồng bào ta.

Hoàng hôn buông xuống phủ một thứ ánh sáng thê lương và hiu quạnh, sông nước mênh mông biết đâu là bến bờ…

Một ngày nữa lại trôi qua, bao niềm xúc cảm bao nỗi buồn vui nơi chốn này…

NGÀY 16/09/2010:

Hôm nay, chúng tôi phải xa thành phố Siem Riep thân thương để đến thủ đô Phnom Penh – nơi hội tụ của kinh tế, khoa học và tôn giáo lớn nhất nước Campuchia.

Trên đường đi chúng tôi bắt gặp một đoàn sư đang đi khất thực. Với nghi lễ truyền thống, chúng tôi đã cúng dường cho họ. Chúng tôi lại ghé vào một gian hàng nhỏ ven đường. Nơi đây, họ giã lúa để làm cơm dẹp bán cho khách du lịch. Lúa mới gặt xong, họ đem rang trên bếp than hồng, sau đó đem giã liền để giữ lại cái vị ngọt cũng như cái tinh khôi của trời đất hoà quyện vào trong từng hạt lúa.

Vẫn là con đường que thuộc với cánh đồng bát ngát, với những căn nhà sàn quen thuộc, với hàng cây thốt nốt xa xa hoà quyện vào mây trời…

Chúng tôi đến Phnom Penh lúc 11h50 và dùng cơm tại một nhà hàng gần sông Mê Kong. Sau khi nhận khách sạn và nghỉ ngơi, đúng 3h00, đoàn chúng tôi đi tham quan cung điện của hoàng gia và chùa Vàng, chùa Bạc.

Cung điện Hoàng gia Campuchia ở thủ đô Phnôm Pênh là một tổ hợp các tòa nhà dành cho Hoàng gia Vương quốc Campuchia, cung điện được xây dựng từ hơn một thế kỷ trước để phục vụ việc ăn ở, sinh hoạt của quốc vương cùng gia đình và các quan khách nước ngoài, nơi đây còn là nơi diễn ra các cuộc thiết triều, các nghi thức ngoại giao và lễ nghi hoàng gia.

Thời đại trị vì hiện tại là vua Norodom Sehamuni. Theo chúng tôi được biết, vua không có quyền hoạt động chính trị, nhưng vua giữ nhiệm vụ ngoại giao. Theo quy đinh của hoàng gia, mỗi người phục vụ trong cung điện phải mặc đúng trang phục của mỗi ngày. Ví dụ, chủ nhật phải mặc áo màu đỏ…

Toàn bộ công trình được xây dựng với một tổ hợp tháp cao chót vót, với nhiều hoa văn sắc sảo. Cung điện được bao quanh bởi một lớp tường thành với nhiều hoạ tiết độc đáo.

Muốn vào tham quan, du khách phải mặc áo quần kín đáo, cấm mặc quần ngắn trên đầu gối, áo thun sát nách, hở hang, cấm mang theo súc vật, vũ khí và mang dép lê.

Toàn bộ khu hoàng cung sẽ đóng cửa khi tổ chức các nghi thức ngoại giao hoặc ngày lễ truyền thống.

Phía bên tay trái hoàng cung từ ngoài nhìn vào là chùa Vàng (chùa Bạc). Sở dĩ chùa có tên như vậy vì toàn bộ nền nhà được lát hơn 5000 miếng bạc. Trong chùa có rất nhiều tượng Phật và chủ yếu là bằng kim loại quý hiếm. Điển hình là bức tượng Phật ngồi trên ngọn tháp trung tâm ngôi đền là bức tượng ngọc cẩm thạch. Đứng trước tượng lục bảo là tượng Phật Di-lặc đúc bằng 90 kg vàng ròng và được gắn 2086 viên kim cương.

Theo chế độ chính trị ở đây, một vị vua khi lên ngôi thì phải xây cho mình một ngôi đền hoặc một ngôi chùa tuỳ theo tín ngưỡng của vị vua đó. Vua Norodom Sehamuni hiện theo đạo Phật, nên chùa Vàng này là dành cho vua.

Vua có thói quen là mỗi buổi sáng phải cúng dường vật thực cho chư tăng xong mới làm việc.

Trong khuôn viên chùa có rất nhều công trình kiến trúc. Một sảnh đường rộng trang trí băng những bức tranh tường nói về sử thi Ramayana, có một giảng đường để các vị hoà thượng giảng đạo và tổ chức các nghi lễ Phật giáo, có thư viện và một bức chân dung vua Norodom cưỡi ngựa… còn rất nhiều công trình kiến trúc phụ.

Phải công nhận, ngoài sự thiết thực cũng như giáo lí huyền diệu của đạo Phật thì cần phải có sự hỗ trợ của hoàng gia thì Phật giáo ở đất nước này mới phát triển và có tầm ảnh hưởng lớn như vậy.

Kết thúc chuyến viếng thăm quần thể kiến trúc cung điện cũng đã kết thúc một ngày tham quan thủ đô Phnom Penh của chúng tôi.

NGÀY 17/09/2010:

Đúng 7h30, đoàn chúng tôi đi tham quan cố đô OuDong. Đây là thủ đô cuối cùng của đế chế Khmer trước khi các vị vua quyết định dời đô về Phnom Penh.

Kiến trúc và quy mô của OuDong khá khiêm nhường so với các quần thể khác. Nó nằm sâu trong rừng già, quần thể được bao phủ bởi nhiều câu cổ thụ. Hiện nay trên núi OuDong có tháp thờ Xá-lợi của đức Phật. Đường lên núi khá cao nhưng cũng không làm chùng chân những viễn khách đi chiêm bái Xá-lợi.

Lúc trước, Xá-lợi được thờ tại thủ đô Phnom Penh, nhưng đức vua thấy Phnom Penh không xứng đáng và chưa trang nghiêm nên ngày bỏ tiền ra xây ở núi này một bảo tháp tôn trí Xá-lợi.

Ở đây, có rất nhiều em nhỏ bán hàng lưu niệm, các em vừa đi bán vừa quạt cho những du khách. Chúng tôi cảm thấy xót xa cho số phận các em, đâu đâu cũng thấy sự nghèo đói và cực khổ. Chia sẻ một phần nào những khó khăn, chúng tôi tặng cho các em một ít tiền như là niềm động viên và khích lệ các em trong cuộc sống.

Rời núi OuDong, chúng tô đi tham quan chùa Wat Wen Chat. Vào chùa đúng lúc quý sư đang dùng cơm. Sau khi lễ Phật, chúng tôi có cúng dường Pháp bảo cho chùa. Được biết chùa hiện đang có hơn 1000 chư Tăng tu học và có hơn 500 Phật tử. Đây là trung tâm tu tập thiền định của vùng. Chùa rộng hơn 16ha, khuôn viên chùa khá khoáng đãng và phong cách kiến trúc mang đậm tính chất của người bản xứ.

Trên đường về khách sạn, chúng tôi đi ngang qua chùa Phước Thành. Đây là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên chúng tôi gặp trên xứ người. Những bức tượng thân quen, nét kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc bổng làm gợi lên trong lòng chúng tôi nỗi nhớ quê nhà. Rời chùa Phước Thành chúng tôi trở về nhà hàng dùng cơm trưa và chuẩn bị chuyến tham quan buổi chiều.

Đúng 3h00 chúng tôi tiếp tục đi tham quan. Địa điểm tiếp theo là nhà tù Toul Sleng, đây là  một bảo tàng tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ trong thời gian cầm quyền từ 1975 đến 1979. Đây đã là trường phổ thông trung học trước khi nó trở thành nhà tù.  Xung quanh được bao bọc bằng kẽm gai, tường rào cao và rậm rạp.

Nơi đây giam giữa khoảng 17.000 người, phần lớn là những người có liên quan đến chính trị và những người đối lập với chế độ đương thời. Từ những phòng học, chính quyền Khmer Đỏ đã biến chúng thành những phòng tra tấn với những hình thức rất dã man. Một trong những hình thức tra tấn phố biển ở đây là rút móng tay, móng chân; đổ axít vào mặt, khoét ngực để thả rết, dùng búa, rìu, roi đánh đập…

Người ta thường nói, cuộc đời mỗi con người thường được kết thúc bằng một dấu chấm lặng. Thế nhưng khi nhìn những hình ảnh này, chúng tôi không biết những nạn nhân đã ra đi một cách đau đớn và tàn khốc như vậy liệu họ có về với cảnh giới bình yên hay không?

Một chốn đìu hiu và quạnh vắng, vang vọng đâu đây tiến rên xiết ngàn đời…

Rời nhà tù Toul Sleng, chúng tôi đi đến tham quan học viện Preah Sehanouk RaJa. Đây là một trong bốn trường đại học Phật giáo lớn của thủ đô Phnom Penh.

Trường được xây dựng từ năm 1953, hiện có 1357 vị tăng theo học. Theo quy định của nhà trường, những ai tốt nghiệp lớp 12 mới được vào học. Muốn vào học phải thi ba môn và môn bắt buộc là Anh văn. Trường gồm có bồn khoa: Sanritk, Phật học, Văn học, Pali. Trường chỉ đào tạo tới trình độ cử nhân. Tất cả kinh phí đều do chính phủ và hoàng gia tài trợ. Ở trường vẫn có hình thức hoằng pháp như đĩa VCD, Radio, TV…

Trường đại học Preah Sehanouk Raja cũng đã kết thúc một ngày tham quan của chúng tôi. Thời gian trôi đi một cách vô tình, mới đó mà chúng tôi chỉ còn một ngày nữa trên xứ chùa tháp, nhiều nơi chưa đến, nhiều chốn chưa qua, bao luyến lưu và những xúc cảm dâng trào, chợt đến chợt đi.

NGÀY 18/09/2010:

Hôm nay chúng tôi đi thăm một ngôi chùa Việt Nam ở Campuchia. Đây là ngôi chùa thứ hai của quê hương đất Việt trên xứ người.

Chùa có tên là Hưng Thạnh do đại đức Thích Minh Đức trụ trì. Chùa thuộc một huyện ngoại ô của thủ đô Phnom Penh. Chùa hiện đang trong thời kì xây dựng và phát triển.

Từ ngoài đường vào chúng tôi đã nghe văng vẳng tiếng nệm Phật quen thuộc và cứ ngỡ như mình đã về đến quê nhà. Đoàn chúng tôi đén thăm và cúng dường pháp bảo.

Thầy Minh Đức tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến chúng tôi, chúng tôi cũng cảm thấy có niềm hứng khởi khi có một ngôi chùa của người Việt trên đất khách quê người.

Sau chuyến viếng thăm chùa Hưng Thạnh, chúng tôi có dịp đi mua sắm quà lưu niệm ở Chợ Ngang, cộng đồng người Việt sinh sống ở đây thường hay gọi là chợ Sài Gòn. Trong chợ bán rất nhiều quà lưu niệm liên quan đến xứ chùa tháp, như đền Bayon, tháp Angkor,.. và chúng tôi được hướng dẫn viên giới thiệu hai thứ đặc sản ở đây là đường thốt nốt và dầu cù là lửa.

Thời gian như hối thúc, chúng tôi cuối cùng đã phải lên đường. Rời xa Campuchia, rời xa bao kĩ niệm mà mới ngày nào mình còn háo hức và phấn khởi đi từng nơi, xem từng thánh tích. Có một cái gì đó nghẹn lòng khiến bao viễn khách phải nhìn lại một lần cuối, nhìn lại cái nắng chói chang, nhìn lại những con người thân thiện, nhìn lại những mái chùa cong cong xa xôi và diệu vợi. Tất cả như những thước phim mà giờ chỉ còn đời…