Trang chủ Tuổi trẻ Gia đình Phật tử GĐPT truyền thống và truyền thống GĐPT

GĐPT truyền thống và truyền thống GĐPT

766

(bài 1)

1/ Tình hình sinh hoạt của G.Đ.P.T hiện nay: chủ trương giáo dục- đào tạo thanh thiếu niên; truyền thống giáo dục của tổ chức G.Đ.P.T.

Gia Đình Phật Tử được viết tắt là G.Đ.P.T., một tổ chức giáo dục Thanh Thiếu  đồng niên Phật giáo Việt Nam, được hình thành từ năm 1940 do bác sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám sáng lập, mục đích đào tạo một Phật tử chân chính đóng góp phát triển Đạo và xây dựng Đời (xã hội) trên căn bản đạo đức Phật giáo.

Sau khi thống nhất các đơn vị G.Đ.P.T của Giáo Hội Tăng già Bắc Việt, G.Đ.P.T. Trung Việt, G.Đ.P.T. thuộc Hội Phật học Nam Việt; Đến năm 1951 Đại hội thống nhất Phật Giáo ba miền được tổ chức tại chùa Từ Đàm gồm có 6 tập đoàn Tăng già và Cư sĩ:

G.Đ.P.T.V.N trải qua nhiều giai đoạn và danh xưng khác nhau để cuối cùng, năm 1951 danh xưng chính thức là G.Đ.P.T.

Năm 1964 một Đại hội Phật giáo thống nhất, gồm 11 tông phái, với danh xưng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, bấy giờ Gia Đình Phật Tử vụ trực nhiệm Viện Hóa Đạo, thuộc Tổng vụ Thanh niên, kể từ bấy giờ, điều hành sinh hoạt thống nhất 8 vùng miền :

  1. Vạn Hạnh (Bắc Trung Phần).
  2. Liễu Quán (Nam Trung Phần).
  3. Khuông Việt (Cao Nguyên Trung Phần)
  4. Khánh Hòa (Đông Nam Phần)
  5. Quảng Đức (Thủ Đô Sàigòn)
  6. Vĩnh Nghiêm (Phật tử Bắc Việt tại miền Nam).
  7. Khánh Anh (Hậu Giang Nam Phần).
  8. Huệ Quang (Tiền Giang Nam Phần).

Theo đơn vị hành chánh của Giáo hội. Tinh thần “tình lam” trở thành một khối thống nhất do Ban Hướng dẫn Trung ương cấp Miền, cấp Tỉnh, cấp quận điều hành nhịp nhàng về phương diện tu học cũng như chuyên môn.

Trước năm 1975, G.Đ.P.T phát triển mạnh từ Quảng Trị vào đến Cao nguyên và Sài Gòn. Riêng Miền Tây nam bộ tầm hoạt động của các đơn vị còn thưa thớt và yếu kém. Chương trình huấn luyện được thống nhất kể từ sau ngày điều chỉnh 01/8/1967.


Các bậc học Phật pháp của mỗi đơn vị gồm:

Ngành Oanh tuổi tuổi từ 7 đến 12, qua các chương trình:- mở mắt-cánh mềm-chân cứng-tung bay.

Ngành Thiếu tuổi từ 13 đến 17, chương trình học gồm: Hướng thiện-sơ thiện-trung thiện-chánh thiện. Ngành Thanh từ 18 tuổi trở lên học các bậc: Hòa-trực.

Huynh trưởng thì học: Kiên-Trì-Định-Lực.

Về kỹ năng, được đào tạo:

  1. Truyền tin: (Gồm kỹ năng truyền/nhận Morse, Semaphore, và các tín hiệu khác).
  2. Mật thư.
  3. Gút.
  4. Lều trại.
  5. Phương hướng.
  6. Ước đạc.
  7. Cứu thương.
  8. Các kỹ năng mưu sinh thoát hiểm.

 Ngoài ra có những công tác từ thiện xã hội như cứu trợ, ủy lạo, vệ sinh môi trường,sinh hoạt cộng đồng. Đơn vị cũng được tập luyện văn nghệ góp vui trong những lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan.

Đoàn thể áo lam giúp các em có tinh thần đồng đội, biết đoàn kết , lòng từ bi đối với mọi loài và đức tin Tam Bảo kiên cố. Người xuất thân từ G.Đ.P.T có một nhân cách đứng đắn và lòng trung thực; một mẫu người lý tưởng cho xã hội. G.Đ.P.T đã cung ứng cho Phật giáo nhiều tu sĩ cũng như nhân sĩ trong xã hội, là những cán bộ cần mẫn, liêm chính trong công việc của mọi ngành nghề.

Chính vì mục đích và hiệu quả đào tạo của một đoàn thể áo lam trong Phật giáo, G.Đ.P.T tồn tại và kiên định qua nhiều thời kỳ khó khăn từ thời Ngô triều đến sau 1975. Mặc dù sau 1975, G.Đ.P.T. không được chấp nhận như một đoàn thể độc lập ngoài các đoàn thể do Mặt Trận quản lý, nhưng không vì thế mà sinh hoạt của các đơn vị truyền thống bị mai một.

Theo chủ trương của đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, một trong những nhiệm vụ: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy, đội quân xung kích cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, là người đại diện chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của tuổi trẻ. Thì đoàn thể G.Đ.P.T.có nhiệm vụ giáo dục Thanh thiếu niên theo nếp sống đạo đức và bảo vệ niềm tin Phật pháp, năng động từ thiện xã hội, xây dựng một xã hội lý tưởng đặt trên nền tảng Bi-Trí-Dũng của nhà Phật.

Tuy căn bản là hành thiện, nhưng là một đoàn thể độc lập với Mặt Trận Tổ Quốc và Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ chí Minh, nên  G.Đ.P.T. không được chấp nhận hợp pháp.

Mãi đến sau 1981, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam hình thành, G.Đ.P.T. được xem là thành phần trong Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Cư Sĩ. Và rồi những nhiệm kỳ sau đó của GHPGVN,trong Hiến Chương – BHDNNCS được đổi danh xưng là Ban Hướng dẫn Phật Tử, trong đó có hai phân ban: phân ban cư sĩ Phật tử và phân ban Gia Đình Phật Tử.

Từ đó, có hai đoàn thể áo lam sinh hoạt song hành, cũng từ đó, danh xưng GĐPT truyền thống và GĐPT phân ban được ám chỉ – một đoàn thể được hợp pháp và một đoàn thể không hợp pháp.Tuy hai đoàn thể của hai cơ cấu tổ chức khác nhau, nhưng chương trình đào tạo trên căn bản vẫn là một và tình lam chỉ là một, cùng một mục đích và phương hướng như nhau.