Trang chủ Văn hóa Du lịch Hà Nội xưa và nay

Hà Nội xưa và nay

86

Cột cờ Hà Nội xưa: ảnh chụp vào năm 1890 (theo nhật ký của ông Sadoul – tác giả bức ảnh). Trước cột cờ là hồ Voi, hồ này sau đó bị lấp vào khoảng năm 1897

Cột cờ Hà Nội hôm nay: các cô gái Hà Nội trên đường Điện Biên Phủ. Con đường này ngày xưa chính là hồ Voi trước cột cờ – Ảnh: Việt Dũng

 

Văn Miếu của thời điểm vào khoảng năm 1901. Phía trước có hai tấm bia Hạ mã, mà xưa kia dù công hầu, khanh tướng đều phải xuống ngựa khi đến đây

Văn Miếu ngày nay: tấm bia Hạ mã vẫn còn đó trong góc trái của ảnh – Ảnh: Việt Thanh
Cảnh sinh hoạt ở Hàng Đồng vào khoảng năm 1880-1890.

Hàng Đồng ngày nay vẫn còn bán đồ đồng như ngày xưa nhưng người làm nghề trên phố chỉ còn mỗi anh Nguyễn Phương Hùng – Ảnh: Việt Thanh

Hồ Gươm xưa: chụp vào năm 1890. Trên tháp Rùa ở giữa hồ có tượng Nữ thần tự do mà người VN lúc ấy gọi là tượng “bà đầm xòe” …

Và hồ Gươm ngày nay – Ảnh: Hoài Linh
Cảnh phụ nữ làng Bưởi làm giấy vào khoảng những năm 1910

Làng Bưởi ngày nay được gọi là làng Võng Thị. Một bà mẹ trẻ đẩy xe nôi đưa con đi hóng mát và bên đường vẫn còn dấu vết của kiến trúc xưa – Ảnh: Việt Thanh

Sinh hoạt mua bán trong chợ Đồng Xuân, được chụp vào năm 1901
Một người bán hoa quả ở chợ Đồng Xuân hôm nay – Ảnh: Hoài Linh

 

Những đứa bé tắm ven hồ Trúc Bạch, ảnh được chụp vào khoảng năm 1893

Ven hồ Trúc Bạch ngày nay là nơi mà người Hà Nội chiều chiều ra thư giãn bằng vài cốc bia – Ảnh: Việt Dũng

 

Hàng Mã vào năm 1925
Rực rỡ ánh đèn ở phố Hàng Mã trong đêm khai hội 1.000 năm Ảnh: Việt Dũng

Ông Đoàn Thịnh nâng chén trà khói bốc lên thơm ngọt tại quán nước bên kia bờ hồ Gươm. Tiếng vụn than trong lò đun nước reo tí tách. Người bán hàng cũng trạc tuổi ông – lứa tuổi đã trải qua những ngày kháng chiến phải sơ tán xa nhà, rồi cười muốn vỡ tung lồng ngực khi trở lại thủ đô.

“Ông có nhớ chỗ đài cảm tử xưa trước đó là gì không?” – ông giáo già hỏi. Bàn tay ông lão bán nước ngập ngừng theo cái nhíu mắt hồi tưởng, rồi rất nhanh đập bộp xuống đùi: “Sao quên được. Trước đó có một bức tượng Tây, còn hai bên là hai cái cầu trượt. Tôi ăn bao nhiêu trận đòn của bố vì mải trượt sơ ý rách cả quần”. Đôi mắt ông lão bán hàng ngấn nước, rồi nước mắt rất khẽ đọng lại trên làn da mồi vì tuổi tác, trông thoáng qua sẫm như một vài giọt trà.

Những cuộc trắc nghiệm ký ức như thế chính là cảm xúc mà ông Thịnh và cậu con trai Đoàn Bắc muốn mang tới cho người xem…

Chúng tôi thì muốn có thêm một cảm giác nữa cho những ai xem hai trang báo này. Đó là một nỗi bồi hồi khi bên cạnh những hình ảnh của Hà Nội cách đây trăm năm nay đã ố màu thời gian là những hình ảnh của một Hà Nội hôm nay đầy màu sắc rực rỡ, bừng bừng sức sống.

Và từ những hình ảnh cách nhau một thế kỷ ấy, cùng một địa điểm ấy, ắt sẽ có những câu hỏi đầy ngỡ ngàng: Sao lại có tượng Nữ thần tự do trên đỉnh tháp Rùa ngày xưa? Ông giáo Đoàn Thịnh kể về cuộc phiêu lưu không phải ai cũng biết của tượng Nữ thần tự do ở Hà Nội: một phiên bản tượng Nữ thần tự do cao chừng 2,5m được đưa sang triển lãm năm 1887 tại hội chợ đấu xảo Hà Nội. Đây là phiên bản nhỏ của bức tượng đã được người Pháp tặng nước Mỹ.

Người VN ngày ấy gọi là tượng “bà đầm xòe”. Đầu tiên tượng được đặt ở đỉnh tháp Rùa, ngay lập tức nó bị phản đối kịch liệt. Do đó chỉ một thời gian ngắn, tượng được chuyển về vườn hoa Chí Linh ngay bên hồ, đúng vị trí giờ là tượng Lý Thái Tổ. Rồi “bà đầm” ở đó cũng không lâu, do phải nhường chỗ cho ông Tây Paul Bert – toàn quyền Đông Dương. Cuối cùng, tượng có mặt tại vườn hoa Cửa Nam. Cả ba bức ảnh về vị trí của tượng đều có mặt trong bộ sưu tập.

“Sau Cách mạng Tháng Tám, nghe nói cả hai bức tượng ông Tây, bà đầm này đều bị phá bỏ và mang sang Ngũ Xã đúc thành tượng Phật A Di Đà” – ông Thịnh cho biết