Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Hoài bão của một vị thượng tọa trên giường bệnh

Hoài bão của một vị thượng tọa trên giường bệnh

102

Đây là nơi thượng tọa đang điều trị, sau một thời gian dài nằm nhiều bệnh viện, từ đầu năm Âm lịch, chỉ trừ khoảng thời gian thượng tọa bất chấp bệnh tật, lao vào góp sức cùng chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tổ chức Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2011 tại Bình Dương. 

Sau khi hội thảo thành tựu viên mãn, thượng tọa đã trở bệnh nặng vì lao lực, kiệt sức trong quá trình chuẩn bị hội thảo, trong công việc nặng nề, trách nhiệm.
 
Hạ tuần tháng 5, trên đà hồi phục, vẫn còn gầy guộc xanh xao sau thời gian bệnh duyên kéo dài, thượng tọa vẫn lạc quan dành hàng giờ chia sẻ tâm tư về Phật sự.
 
Thấy đây cũng là vấn đề mà tăng ni Phật tử Việt Nam cùng quan tâm, chúng tôi ghi cuộc nói chuyện thành bài viết để chia sẻ cùng bạn đọc Phattuvietnam.net.
 
Thượng tọa Thích Tấn Đạt (TTTTĐ): Bệnh tật là chuyện bình thường của kiếp người sinh lão bệnh tử. Trải qua một cuộc phẫu thuật đầy đau đớn, thầy càng nghiệm rõ rằng mình cần phải tu nhiều hơn nữa, để không còn trôi lăn trong luân hồi đầy đau khổ. Bệnh tật thì chỉ là việc trả nghiệp, những món nợ đã vay mà không biết trả giờ nào.
 
Nhiều lần thầy nghĩ đến cái chết. Nếu nghiệp vận đã tới thì cũng là chuyện thường tình. Nhưng phải ra đi, thì chỉ tiếc cho những hoài bão còn chưa thực hiện được.
 
Cư sĩ Minh Thạnh (CSMT): Thưa thầy, thầy vừa góp phần tổ chức thành công Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2011 thành công rực rỡ, vượt trên cả dự kiến. Thầy còn nghĩ đến Phật sự nào nữa?
 
TTTTĐ: Hội thảo chỉ là một sự kiện, trong một thời gian. Thầy nỗ lực góp phần cũng vì trách nhiệm, bổn phận, thành công là do công lao của toàn thể tăng ni Phật tử.
 
Còn sự nghiệp mà một trưởng tử Như Lai ấp ủ, đối với thầy, đều còn ở phía trước, nhất là với chức vụ mà đại chúng và Giáo hội đã tin tưởng giao phó.
 
CSMT: Là Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Từ thiện Xã hội, Phó Trưởng Ban Kinh tế Tài chính Trung ương, con thấy thầy đã làm hết trách nhiệm của mình trong Phật sự, phục vụ đạo pháp và dân tộc, không phụ lòng tin cậy của Tăng ni Phật tử. Vậy là tốt rồi, sao thầy lại cứ băn khoăn, e rằng ảnh hưởng đến quá trình hồi phục!
 
TTTTĐ: Đạo hữu Minh Thạnh, làm tròn trách nhiệm như đạo hữu nói là việc đương nhiên, ắt phải rồi, đó không thể được coi là hoài vọng, là mục tiêu phấn đấu và sự nghiệp của trưởng tử Như lai.
 
Cuối đời, để lại vài ngôi chùa, đào tạo vài trăm đệ tử xuất gia, vài chục ngàn đệ tử tại gia cũng là trách nhiệm đương nhiên của người ăn cơm cửa Phật từ nhỏ như thầy.
 
Thầy không muốn dừng lại ở đó, khi chư Phật gia bị thầy vượt qua cơn bệnh nặng này. Trở về và làm việc bình thường như một người làm công tác quản lý hành chính Giáo hội thì chưa phải đã ra sức báo đáp xứng đáng hồng ân chư Phật.
 
CSMT: Vậy thầy hướng đến những mục tiêu cụ thể ra sao?
 
TTTTĐ: Trong cương vị một người làm Phật sự Hoằng pháp, thầy hướng đến xây dựng một Trung tâm hoằng pháp lớn ở khu vực Nam Bộ. Nếu chỉ được bằng một phần của trung tâm Phật Quang Sơn (Đài Loan) hay Trung tâm Phật giáo Dhammakaya (Thái Lan) là tốt lắm rồi.
 
Hiện nay, nhiều chùa đã hình thành những trung tâm tu học lớn, như ở TPHCM có chùa Hoằng pháp, ở Hà Nội có chùa Bằng…. Nhưng diện tích đất, cơ sở vật chất đã được huy động hết công suất. Nếu muốn phát triển hơn nữa thì Giáo hội phải đứng ra, hoặc hỗ trợ, xây dựng một trung tâm hoằng pháp hàng chục mẫu đất trở lên, có thể phục vụ việc tu tập liên tục thường xuyên của hàng mấy chục ngàn người, bảo đảm không gian thông thoáng, thanh tịnh, nâng cao chất lượng tu học của tăng ni Phật tử.
 
Không gian cơ sở hoằng pháp mà thầy hướng đến đảm nhiệm vai trò đáp ứng nhu cầu tu học tập trung thường xuyên, dài ngày của Phật tử trong tình hình những trung tâm đã có bắt đầu tiến tới ngưỡng quá tải, vừa có chức năng thúc đẩy hoạt động hoằng pháp phía Nam, với ý nghĩa cơ sở vật chất phải đi trước để làm động lực.
 
Hoài bão thứ hai của thầy là một bệnh viện Phật giáo, theo hình mẫu các bệnh viện Phật giáo ở Đài Loan.
 
Theo hình mẫu đó, bệnh viện Phật giáo vừa đảm bảo chất lượng điều trị, vừa đảm bảo tính chất từ thiện xã hội. Bệnh nhân nghèo có thể được hỗ trợ một phần hoặc trọn vẹn viện phí bằng nhiều hình thức, thí dụ từ một hội bảo trợ.
 
Điều này, Phật giáo Đài Loan, với số tín đồ ít hơn Phật giáo Việt Nam họ đã làm được, thì nếu đồng tâm hợp lực Phật giáo Việt Nam vẫn làm được.
 
Có ngay một bệnh viện lớn là điều rất khó, nhưng xây dựng một bệnh viện nhỏ, vừa làm vừa học tập và thực nghiệm cách làm, từ đó xây dựng nhiều hơn bệnh viện nhỏ, hay một bệnh viện lớn là điều có thể nghĩ đến.
 
Hiện nay, nhiều vị bác sĩ Phật tử là chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý sẵn sàng đóng góp sức lực cho Phật sự từ thiện xã hội này.
 
Bệnh viện từ thiện Phật giáo là mô hình phát triển nâng cấp, chính quy hóa, quy mô hóa, hiện đại hóa mô hình Tuệ Tĩnh Đường mà nhiều chùa đã duy trì hoạt động có hiệu quả.
 
CSMT: Thưa thầy, còn hoài bão thứ ba?
 
TTTTĐ: Đó là hoài bão đưa Phật giáo tham gia vào hoạt động xã hội hóa giáo dục hiện nay, cụ thể là mở hệ thống giáo dục do Phật giáo tổ chức, quản lý, điều hành.
 
Chắc chắn, đây phải là nỗ lực của toàn thể tăng ni Phật tử Việt Nam. Ở hoạt động này các cơ quan liên hệ của giáo hội chỉ giữ vai trò chỉ đạo, hướng dẫn thúc đẩy, vì điều cần là một mạng lưới, bắt đầu từ bậc học mầm non, triển khai đều khắp trên cả nước, không phải chỉ là một vài trường ở một vài thành phố lớn.
 
CSMT: Thưa thầy, không biết thầy đã có đọc qua loạt bài “Trường học trong chùa, chùa trong trường học” của con đăng trên Phattuvietnam.net chưa?
 
TTTTĐ: Có. Nhưng thầy suy nghĩ về vấn đề này rất lâu trước khi có loạt bài đó. Thầy thấy loạt bài đã đề cập đến một số vấn đề, nhưng do viết theo đặc thù của dạng bài viết trên mạng, nên các bài thường là ngắn, nhiều vấn đề chỉ mới đi phớt qua, chắc chắn là bạn đọc không thỏa mãn. Mong đạo hữu đầu tư nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn.
 
Nhu cầu Phật giáo tham gia, đóng góp vào hoạt động xã hội hóa giáo là điều ai cũng thấy, không chỉ riêng gì thầy hay đạo hữu. Nhưng thực hiện là điều khó. Đó là điều thầy trăn trở.
 
Một số chùa đã mở lớp mầm non, nhưng chưa mở rộng được. Thầy không nghĩ là Phật giáo Việt Nam chúng ta mấy năm qua chỉ làm được tới đó mà thôi. Đạo hữu nghĩ như thế nào?
 
CSMT: Con cũng nghĩ như Thượng tọa. Thượng tọa băn khoăn cũng phải. Sự phát triển Phật giáo chúng ta là không đồng bộ, và những điều Thượng tọa nghĩ là những vấn đề gai góc nhất.
 
TTTTĐ: Nằm trên giường bệnh, thầy cứ nghĩ mãi về những điều như vừa nói. Thầy định là nếu bệnh trở nặng, thì sẽ để lại lời nhắn nhủ để sau này đệ tử tiếp nối.
 
Bây giờ, nhờ hồng ân chư Phật, thầy đã trên đà hồi phục. Thầy phát nguyện là để báo đáp sự gia hộ, ra viện là bắt tay ngay vào việc.
 
CSMT: Thưa thầy, theo thứ tự mà thầy chia sẻ, thì có lẽ trung tâm hoằng pháp là điều thầy ưu tiên hàng đầu?
 
TTTTĐ: Thầy thiết tha hơn hết với sự nghiệp hoằng pháp, nên chú trọng đến việc hoằng pháp trước tiên. Còn ý đạo hữu ra sao?
 
CSMT: Thưa thầy, con là người làm việc trong xã hội, nên thấy hoạt động giáo dục là quan trọng hơn.
 
Hoằng pháp thì dù sao Phật giáo chúng ta đã có những hoạt động rất hiệu quả, dù là ở những quy mô nhỏ. Tuy nhiên, nếu cộng lại thì thành quả cũng là đáng kể.
 
Bệnh viện Phật giáo thì cũng rất cần, nhưng Phật giáo Việt Nam cũng đã có hệ thống Tuệ tĩnh đường, tức là đã có một sự khởi động ở chừng mực nào đó.
 
Riêng vấn đề giáo dục xã hội, thì Phật giáo chúng ta tuy là tôn giáo chủ yếu ở Việt Nam hiện nay, nhưng hiện nay, ở bước khởi đầu giáo dục mầm non, dường như, Phật giáo chúng ta vẫn còn chưa thực hiện được như một số tổ chức khác.
 
Giáo dục lại có liên hệ đến vấn đề tư tưởng, nên vai trò của nó rất quan trọng.
 
TTTTĐ: Thầy lưu tâm đến ý kiến của đạo hữu và sẽ suy nghĩ thêm. Nhưng bắt đầu từ lĩnh vực nào cũng đều cần sự chung sức chung lòng của toàn thể Tăng ni Phật tử.
 
CSMT: Con nghĩ để huy động được nguồn lực của toàn thể Tăng ni Phật tử, trước hết cần làm tốt công tác truyền thông. Trang tin Phatttuvietnam.net có thể góp phần với giáo hội.
 
TTTTĐ: Như thế thì còn gì bằng. Phatttuvietnam.net làm công quả giúp cho những Phật sự nói trên nhé. Thầy cũng thúc đẩy việc thực hiện những chương trình nói trên trong cương vị một thành viên trong ban lãnh đạo giáo hội, vì sự phát triển chung của Phật giáo Việt Nam.
 
Trong một thời gian nữa, nếu việc hồi phục tiến triển như hiện nay, các tăng ni Phật tử có tâm huyết, có cùng chí hướng có thể gặp thầy ở Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa,Q3, TPHCM để bàn bạc cụ thể.
 
Riêng với đạo hữu Minh Thạnh, chúng ta có thể tiếp tục thảo luận vấn đề và thể hiện dưới dạng bài viết, đăng tải trên Phatttuvietnam.net để khởi động công tác truyền thông cho chương trình.
 
Phattuvietnam.net đã hoạt động như một kênh thông tin hiệu quả, góp phần không nhỏ cho thành công của nhiều Phật sự, như các Hội thảo Hoằng pháp, Đại lễ Phật Đản PL 2555, nâng cao tín tâm, giữ gìn người Phật tử trong tôn giáo truyền thống của dân tộc…
 
Vì vậy, với tư cách là một chức sắc của giáo hội, và cũng trong tư cách của một bạn đọc, thầy ủng hộ, tin cậy Phattuvietnam.net. Điều đó cũng có nghĩa là thầy trông mong vào sự đóng góp của Phattuvietnam.net.
 
CSMT: Xin kính cảm ơn thầy về sự tin cậy đối với trang tin Phattuvietnam.net. Con sẽ làm nhiệm vụ mà thầy tin tưởng mà nhờ cậy, trong khuôn khổ loạt bài “Theo dòng Phật sự”.
 
TTTTĐ: Nhân dịp Phattuvietnam.net kỷ niệm 5 năm thành lập, cho thầy gởi lời chúc sinh nhật tốt đẹp nhất đến với các đạo hữu phụ trách và cộng tác với trang tin.
 
Cảm ơn trang tin đã cho thầy được đọc những bài viết rất hay.
 
CSMT: Xin kính chúc thầy sớm bình phục hoàn toàn.