Trang chủ Quốc tế Hội thảo quốc tế đầu tiên tại Tích-lan: “Đường hướng Phật giáo...

Hội thảo quốc tế đầu tiên tại Tích-lan: “Đường hướng Phật giáo cho một thế giới tốt hơn”

76

TIỀN HỘI THẢO


Ngày 10-8-06, tất cả đại biểu quốc tế đã được thị trưởng Kandy, ông Diyawadana Nliame, tiếp đón tại tháp đồng hồ, thành phố Kandy. Sau khi đi diễu hành trung tâm của thành phố Kandy, đoàn đại biểu quốc tế viếng Xá-lợi Răng Phật tại ngôi chùa mang tên này và thăm viếng hai vị tăng thống của hai giáo hội đại chúng nêu trên. Tối cùng ngày, đoàn đại biểu đã được tổng thống Tích-lan chiêu đãi cơm tối tại tư dinh của ông, trong bầu không khí trang nghiêm và tôn kính. Tất cả đại biểu được đãi các thực phẩm chay, đậm đà hương vị của 22 nước tham dự. Chư tôn đức tăng ni quốc tế đã tụng thời kinh ngắn bằng tiếng Pali và tiếng Hoa, cầu nguyện thế giới hoà bình, Tích-lan an lành và chúc phúc cho gia quyến tổng thống.


CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO


Hội thảo chính thức khai mạc vào sáng ngày 11-8-06 tại Hội trường vừa khánh thành của Trung tâm Phật giáo quốc tế, tại Kandy, bằng lễ thắp đèn của tổng thống và thời kinh nguyện Tam bảo của toàn thể đại chúng.


Sau lời phát biểu của bốn vị tăng thống của bốn giáo hội Phật giáo là diễn văn của tổng thống Tích-lan. Trong diễn văn của tổng thống có đoạn nhấn mạnh: “Sự thành công của hội thảo Phật giáo quốc tế đầu tiên này không chỉ được đánh giá bằng sự hiệu quả của các tổ chức, mà quan trọng hơn là kết quả thảo luận của hội thảo phải được chuyển dịch vào cuộc sống hằng ngày. . . Tôi xin đảm bảo với quý vị rằng các đề xuất của hội thảo như kết quả của tuệ giác tập thể sẽ được ứng dụng, ít nhất trong phạm vị nước Tích-lan…”


Để tìm kiếm đường hướng Phật giáo cho các vấn nạn thời đại, bốn chủ đề phụ đã được thảo luận nhóm: 1) Phật giáo và các vấn đề xã hội, 2) Phật giáo và khoa học, 3) Phật giáo và hoà hợp liên tôn, 4) Phật giáo và sức khoẻ.


Sau phần thuyết trình chính về các chủ đề là phần nhận xét và chất vấn. Nhiều vấn đề đã được các cử toạ đặt ra cho các thuyết trình viên, trong bối cảnh toàn cầu hoá và đa bản sắc văn hoá, đã làm cho nội dung hội thảo thêm phần sinh động. Ngày cuối cùng của hội thảo dành cho thảo luận nhóm, nhằm phân tích rộng về các vấn đề liên hệ đến bốn đề tài từ nhiều góc độ khác nhau, bao gồm từ lý thuyết và cho đến các ứng dụng thực tiễn.


Nhóm thảo luận 1 – Phật giáo và các vấn đề xã hội – đã đề cập đến các vấn nạn từ gia đình đến xã hội trong các bối cảnh văn hoá khác nhau, Đông cũng Tây, mà con người đang đối đầu như một thực tại, vốn cần đến những giải pháp Phật giáo thích ứng. Từ các vấn nạn xã hội mang tính quốc tế như chiến tranh và bạo động, cho đến các vấn nạn gia đình như trộm cắp, lừa gạt, tham nhũng, ly dị, cờ bạc, rượu chè, ma tuý, hưởng thụ v.v… đã được truy nguyên gốc rễ của những tâm lý âm tính và nhận thức sai lầm về bản chất và giá trị hạnh phúc. Các tham dự viên đã đề xuất phương thức truyền bá lời Phật dạy thích ứng với văn hoá bản địa và ứng với lứa tuổi, để người nghe dễ dạng cảm nhận được giá trị đạo đức và tâm linh của đạo Phật. Các cách thức thể hiện hành trì trong Phật giáo cần được canh tân để thích ứng với nhu cầu của thời đại. Cần khuyến khích tuổi trẻ tham gia các hoạt động văn hoá Phật giáo để giảm bớt các tệ nạn xã hội. Giới trẻ cần tập sự xuất gia ngắn hạn để trải nghiệm đời sống thanh cao. Ngăn chận các hình thái truyền thông đại chúng bóp méo văn hoá Phật giáo.


Nhóm thảo luận 2 – Phật giáo và khoa học: Bài thuyết trình về chủ đề này chỉ mới đào sâu vào phương diện thực nghiệm của khoa học đối với người thực tập thiền quán với các kết quả tích cực trong cuộc sống. Chủ đề thì lớn nhưng các thảo luận viên lại chưa đào sâu vào mối liên hệ về học thuyết giữa lời Phật dạy và các nguyên lý khoa học hiện đại, để nhằm xác quyết tính thích ứng của Phật giáo về phương diện khoa học. Các tham luận viên đề nghị cần có một tập chí Phật giáo quốc tế nhằm nghiên cứu so sánh Phật giáo với các khám phá khoa học hiện đại. Tăng cường nhiều hơn nữa các nghiên cứu thực nghiệm cũng như các kỹ năng trị liệu và kinh nghiệm thiền hành. Các trường công và tư thục Phật giáo nên giới thiệu môn khoa học và khám phá khoa học gắn liền với học thuyết Phật giáo bằng ngôn ngữ địa phương.


Nhóm thảo luận 3 – Phật giáo và hoà hợp liên tôn – xác quyết lời Phật dạy như đường hướng thiết lập hoà bình thế giới và giải quyết các vấn đề xung đột, bằng các nguyên lý hiểu biết, hoà hợp và độ lượng. Để mở rộng con đường hoằng pháp và hoá độ, các cử toạ đã đề xuất việc giảng dạy môn tỷ giảo tôn giáo ở cấp đại học, để tăng ni và Phật tử nắm vững học thuyết căn bản của các tôn giáo khác, trên cơ sở đó, đáp ứng hơn nữa nhu cầu tinh thần của giới trẻ Phật giáo, góp phần nâng cao dân số Phật giáo. Phật giáo cần chủ động tổ chức các hội thảo liên tôn để quần chúng Phật tử thấy rõ những khác nhau căn bản của các tôn giáo, nhờ đó, niềm tin vào Phật giáo như lý tưởng sống được phát triển vững chải hơn. Chính phủ của các nước Phật giáo là quốc giáo nên thành lập uỷ ban đặc trách về đối thoại và hoà hợp liên tôn, để ngăn chận tình trạng đổi đạo phi pháp bằng con đường cưỡng bức, dụ dỗ và lừa đảo. Đồng thời giới thiệu các hình thái hành trì Phật giáo giản dị, ứng với căn tính của người học, để mọi người thấy được giá trị hạnh phúc và an vui khi theo đạo Phật, dù hình thức tổ chức của nó có vẻ kém hơn các tôn giáo khác. Ngôi chùa phải trở thành trung tâm văn hoá và giáo dục con em Phật tử. Khuyến khích cha mẹ chịu trách nhiệm giáo dục con em họ về Phật pháp.


Nhóm thảo luận 4 – Phật giáo và sức khoẻ – đề cập đến mối tương quan của sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần và sức khoẻ tâm linh, cũng như những biện pháp trị liệu theo tinh thần Phật dạy. Phật giáo cần mở rộng các hoạt động tư vấn sức khoẻ, trị liệu tâm lý Phật giáo và các bệnh viện, bệnh xá Phật giáo để góp phần mang lại sức cho con người. Các tham dự viên đề nghị tăng ni và các tổ chức Phật cần tham gia tích cực các chương trình phòng chống HIV/AIDS và đặc biệt hỗ trợ người sống chung với căn bệnh trầm kha của thời đại. Cần giảng dạy các phương thức ứng dụng lời Phật để điều chỉnh hành vi và thái độ tiêu cực, để con người sống lạc quan và có ý nghĩa. Cần giáo dục để con người thấy rõ bản chất của đời sống hạnh phúc không lệ thuộc vào chủ nghĩa hưởng thụ vật chất, mà tuỳ thuộc rất nhiều đến phương pháp và thái độ sống lành mạnh của con người. Hướng dẫn mọi người các phương pháp phòng ngừa bệnh tật và chuyển hoá các thói quen tiêu cực và có hại cho sức khoẻ và tuổi thọ.


***


Sau hai ngày làm việc, hội thảo Phật giáo quốc tế lần thứ nhất tại Tích-lan đã khép lại trong tinh thần hoà hợp và đoàn kết. Tất cả các tham dự viên đại diện các tông phái Phật giáo đã nhất trí các đường hướng hợp tác cụ thể để phát triển Phật giáo trong bối cảnh các tôn giáo khác muốn thay thế vai trò Phật giáo tại châu Á. Mong sao các nghị quyết Phật giáo về sự hoằng pháp bằng các phương tiện hiện đại, thích ứng với các nền văn hoá, lứa tuổi và giới tính sẽ làm cho đạo Phật trở thành sự lựa chọn đúng đắn của nhiều người, vì lợi ích và an lạc cho chính họ.