Trang chủ Thời đại Xã hội Kinh tế học Phật giáo (Phần 2 – cuối)

Kinh tế học Phật giáo (Phần 2 – cuối)

122

C.   TĂNG TRƯỞNG TẠO NGUỒN TÀI CHÍNH.


Căn cứ vào nguyên lý kinh tế  học Phật Giáo thì tăng trưởng nguồn tài chính phải xây dựng trên nền tảng sáng tạo nguồn nhu cầu căn bản của con người.


Phật Giáo chia phương pháp tăng trưởng nguồn tài chính có ba loại:


1.    Bạo lực và phi pháp.


2.    Bạo lực hợp pháp và phi bạo lực nhưng phi pháp.


3.    Phi bạo lực hợp pháp.


Tiền của phải được tích góp một cách chính đáng. Phật Giáo phản đối vịêc dùng bạo lực và thủ đoạn phi pháp để làm giàu và thủ đắc nguồn tài chính.


Đức Phật từng dạy rằng “Tiền của phi nghĩa dù có được dùng trong việc chính đáng như hiếu thảo với cha mẹ thì sau khi chết vẫn bị đoạ vào địa ngục”. Đức Phật nhấn mạnh có năm hoạt động kinh tế cần bị ngăn chặn là:


1.    Liên hệ đến vũ khí.


2.    Liên hệ đến ma tuý.


3.    Liên hệ đến các độc tố


4.    Nuôi thú lấy thịt.


5.    Mua bán thịt động vật.


Có một số hoạt động kinh tế không có chỗ đứng trong Phật Giáo dù cho hoạt động kinh tế ấy có được nguồn lợi tự nhiên phong phú, sản xuất dễ dàng vẫn không được khuyến khích. Bởi vì những hoạt động kinh tế này sẽ tác hại đến sức khoẻ và việc nâng cao đời sống tinh thần của con người. Phật Giáo ngăn cấm việc sản xuất những sản phẩm có hại và không thuộc nhu cầu cần thiết của con người.


Trong kinh điển Phật Giáo đã đề cập đến rất nhiều những phương pháp chính đáng để tăng nguồn tài sản như nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, chính trị, bảo an, kinh tế cá thể và kế toán…


Nói về sách lược phát triển kinh tế trong kinh “Kutadanta Sutta” chỉ ra bốn bước quan trọng để phát triển kinh tế là:


1.    Những nhà sản xuất kinh doanh về nông nghiệp và công nghiệp phải được nhà nước khuyến khích và  dành cho họ những điều kiện ưu đãi, cung cấp vốn và nhu cầu sản xuất căn bản như giống, sức kéo, đất đai, phân bón, nguồn nước cùng hệ thống thuỷ lợi để họ phát triển. Nói tóm lại phải nâng cao địa vị và coi trọng những ai sản xuất kinh doanh về nông nghiệp và công nghiệp căn bản những ngành tạo nên và phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của nhân dân.


2.    Nhà nước cần khuyến khích hộ trợ các nhà đầu tư vào lĩnh vực thương mại phải giúp họ có được nguồn vốn kinh doanh. Nhà nước cần ngăn cản hiện tượng bóc lột trong hoạt động kinh tế nhưng phải tạo điều kiện dễ dàng thuận lợi để các nhà mậu dịch thương mại được vay vốn mà không nên thiết lập những rào cản trên phương diện này.


3.    Những người là công nhân viên hành chính, người làm việc chính sự nhà nước cần  bảo đảm tiền lương đầy đủ cho họ, chính phủ có chính sách khuyến khích những nhân viên cần mẫn trong công vịêc, có tâm và có trách nhiệm mà không phải là dung túng và bao che tạo điều kiện cho những kẻ tham ô, móc ngoặc không có tinh thần và cái tâm lo cho dân cho nước. Đồng thời nhà nước cũng cần bảo đảm được quyền tự chủ và quyền lợi mà người công chức phải có.


4.    Nhà nước phải tận lực khuyến khích đầu tư cho sự truyền bá và tăng trưởng món ăn tinh thần, văn hoá và tín ngưỡng cho người dân.


Con người là nhân tố quan trọng trong hoạt động kinh tế do vậy vịêc sử dụng thích ứng nguồn nhân lực cũng cần được chú trọng. Công ăn vịêc làm cho người dân cũng rất quan trọng và cần được bảo đảm vì mọi mặt phát triển đều dựa vào yếu tố căn bản này. Đức Phật dạy “Nếu mọi người đều có vịêc làm ổn định thì nghèo khó sẽ được cải thiện và đất nước sẽ được phồn vinh.”


Chính phủ phải giúp đở những người thất nghiệp cho đến khi nào họ tìm được việc làm, những người tàn tật phải được chăm sóc đó là trách nhiệm của chính phủ. Nếu người thất nghiệp nhiều sẽ tạo thành gánh nặng cho đất nước nhưng đây cũng là kết quả của xã hội tạo nên. Trong kinh Phật dạy:”Tiêu chuẩn đơn giản nhất để nhìn thấy được sự phồn vinh của đất nước đó là người dân trong nước có được nguồn thu nhập ổn định hay không?”.


Trong kinh điển Phật Giáo có câu chuyện kể rằng có người hỏi những người trộm cướp vì sao lại làm vịêc ấy. Họ nói rằng vì họ nghèo đói. Vua nghe được chuyện này phát lòng thương xót nên ra lệnh chu cấp cho họ tiền bạc và vật phẩm nên vịêc trộm cướp đựơc tạm thời chấm dứt nhưng một thời gian sau khi dùng hết số tài vật được chu cấp họ lại tiếp tục  trộm cướp bởi vì họ không có cách nào duy trì cuộc sống ổn định của họ. Điều này cho thấy tạo ra công ăn việc làm cho người dân quan trong hơn nhiều và có giá trị hơn nhiều so với việc chu cấp viện trợ.


Nhu cầu công ăn việc làm cho người dân là rất quan trọng nhưng cần phải nâng cao phẩm chất và tay nghề cho họ. Phật dạy nông dân , công nhân viên chức, thương nhân cần phải tinh chuyên và nỗ lực trong công việc của mình,  mặc khác mở trường đào tạo, đào tạo lại và dạy nghề cho nhân dân là điều mà nhà nước cần làm tốt để người dân có đủ điều kiện làm tốt công việc của mình. Phải căn cứ vào năng lực , sở trường và nghề nghiệp để phân công công việc thích ứng cho họ. Người giỏi về nông nghiệp không thể cho họ đi buôn, người biết kinh  thương không thể để họ là nông. Phật dạy một thương nhân giỏi cần có ba đức.


1.    Có trí tuệ phân biệt chất lượng tốt xấu của hàng hóa.


2.    Có khả năng kinh thương.


3.    Có chữ tín và được người khác tin tưởng.


Trong một bộ kinh khác Đức Phật lại khẳng định người thương nhân tạo ra nguồn lợi nhuận bằng phương thức chính đáng, nguồn vốn kinh doanh phải rỏ ràng, hợp pháp, không được “Treo đầu dê bán thịt chó”, kinh doanh phải biết nghĩ đến nhu cầu của khách hàng, phải có đạo đức kinh thương, cùng tính chuyên cần.


Cần biết rằng lao động có hai dạng là lao động chân tay và lao động trí óc. Khi Phật còn tại thế từng có người ngoại đạo từng chỉ trích Phật không làm gì cả Phật đã trả lời:”Ta cũng giống ông, cũng làm ruộng bằng hạt giống tín ngưỡng, nguồn nước khổ hạnh, lưỡi cày lý giải, mương nước khiêm tốn, nguồn phân thâm tư để tạo nên hạt quả trí tuệ. Công vịêc ấy với mục đích là làm lợi lạc quần sinh, tạo phúc muôn loài.”. Con người ngoài cuộc sống vật chất cần có cuộc sống tinh thần cho nên lao động chân tay và lao động trí óc đều quan trọng như nhau trong cuộc sống không thể thiếu một được.


Đức Phật khẳng định mục đích của lao động không chỉ nhằm sáng tạo ra vật chất mà còn nhằm phát triển cuộc sống tinh thần cho con người. Đức Phật hy vọng rằng thông qua lao động thân tâm và đạo đức của con người ngày thêm tiến bộ. Hay như Lục tổ Huệ Năng dạy:”đi, đứng, nằm, ngồi đều là thiền, lao động cũng là một phương thức thiền”.


D.   PHÂN PHỐI NGUỒN TÀI CHÍNH.


Phân phối nguồn tài chính không phải là khái niệm mới nhưng vốn là vấn đề mấu chốt của kinh tế học.


Theo quan điểm của Phật Giáo thì một sự phân phối tuyệt đối bình quân là điều không thể làm được. Bởi vì con người khi mới sinh ra vốn đã khác nhau nên điều kiện tổng hợp của từng con người vốn là không đồng nhất. Nhưng một sự phân phối hợp lý là điều có thể làm được. Trong Phật Giáo không chấp nhận sự bóc lột, Phật Giáo cho rằng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nghèo khó là sự phân phối không hợp lý, thiếu công bằng. Theo Phật Giáo giải quyết những mâu thuẩn nãy sinh từ sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội có thể làm được bằng chế độ thuế khoá hợp lý, giảm thiểu sự bóc lột trong lao động, đẩy mạnh hoạt động từ thiện, phúc lợi xã hội. Trong kinh ghi lại nhiều bậc quân vương, hào phú ngày xưa thường làm vịêc bố thí cho người lỡ đường, khách phương xa, người bệnh, người gặp nạn, bậc tu hành y phục cùng vật thực.


E.   SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CỦA CON NGƯỜI.


Từ những nhận định trên chúng ta thấy rằng nghèo khó là tai nạn, để đáp ứng nhu cầu căn bản của cuộc sống tiền tài là cái cần phải có, Phật Giáo không phản đối tư hữu tài sản, Phật Giáo khuyến khích mọi người phát triển sự nghiệp tư và sự nghiệp công bằng phương thức chính đáng, khuyến khích vịêc tích luỹ tài sản bằng con đường phi bạo lực và những thủ đoạn hợp pháp nhưng Phật Giáo cho rằng một khi tiền của vượt quá nhu cầu căn bản của cuộc sống thì không có ý nghĩa. Bởi vì bất kể nam, nữ, giàu, nghèo, da trắng, da đen…mọi người đều phải chết, chết và huỷ diệt là kết cục của tất cả mọi sinh vật. Có người nhầm lẫn khi cho rằng có tiền là có tất cả, dù là tiền non bạc bể cũng không thể đổi được cái chết cùng sự trường thọ. Phật dạy tiền bạc không đi theo con người khi chết nhưng người chết không mang theo được tài sản của mình. Mọi người đều biết tiền có thể mua được”giường đẹp nệm êm” nhưng không mua được giấc ngủ cho chúng ta, dùng tiền để mua sách nhưng không mua được trí tuệ cho ta, tiền có thể mua được “sơn hào hải vị” nhưng mua không được sự ngon miệng, tiền có thể mua ngọc ngà trang sức nhưng mua không được sắc đẹp tự nhiên, tiền có thể mua được nhà cao cửa rộng nhưng đó chưa chắc đã là gia đình, tiền có thể mua được sự hào hoa nhưng không phải là niềm an lạc, tiền có thể mua được sự sung túc nhưng không phải là hạnh phúc đích thực, tiền có thể mua được thánh kinh nhưng không phải là sự giải thoát. Do vậy, Đức Phật cảnh giác chúng ta không nên trở thành nô lệ của đồng tiền. Cần biết rằng con người không phải sống vì tiền, con người không phải là động vật kinh tế đơn thuần, tiền của vượt quá nhu cầu căn bản thì mất hết ý nghĩa. Mục tiêu cao cả của cuộc sống là phát triển thế giới tinh thần của con người. Sự cao quí của con người không do dòng dõi quyết định, cũng không phải do giàu có. Trong kinh”Esutari Sutta” Phật dạy : ”này chư sa môn ta không tuyên bố con người cao quí được quyết định bởi lượng tiền của người ấy có được, sự cao quí của họ đựơc quyết định bởi cuộc sống thanh cao đạo đức của họ.”. Lại trong kinh “Vaddhi Sutta” Phật dạy chúng ta cần tuân theo năm phẩm chất đạo đức là bác ái, tu trì, trí tuệ, thuần khiết, tín ngưỡng vì năm phẩm chất đạo đức này quí giá hơn tiền của và là tài sản chân chính của con người.


Nói tóm lại Phật Giáo xem trọng cuộc sống vật chất nhưng không xem đó là mục đích của cuộc sống. Phật Giáo khẳng định tài vật nhằm duy trì sự sống và sự phát triển của con người. Mục đích chung nhất là phát triển thế giới tinh thần của con người, vì sự phát triển toàn diện của con người. Con người dựa vào chính mình để phát triển toàn diện chứ không phải chỉ dựa vào Phật. Đức Phật dạy Ngài chỉ là bậc đạo sư chỉ dạy đường đi và phương hướng cho chúng ta còn chúng ta phải tự mình bước đi. Quyết định vận mạng của chúng ta là do bởi chính mỗi người chúng ta, nếu chúng ta không mở mắt nhìn và cất bước đi thì không bao giờ có thể đi đến đích được. Chúng ta là chủ nhân của chính mình Đức Phật chỉ cứu những ai biết tự cứu mình.


Đây là khái lược về kinh tế học Phật Giáo nếu biết đem nguyên lý kinh tế học Phật Giáo áp dụng vào nền kinh tế thì mọi người có đựơc cuộc sống đạo đức, mọi người làm tròn bổn phận của mình, đất nước phát triển, an ninh, hoà bình, người dân hạnh phúc, gia đình an lạc, cuộc sống thanh bình.


(Hết)


Thích Giải Hiền, Thạc sĩ Đông Nam Á học, Nghiên cứu sinh