Trang chủ PGVN GHPGVN Kỷ niệm 25 năm GHPGVN: Những dấu ấn không phai

Kỷ niệm 25 năm GHPGVN: Những dấu ấn không phai

118

Đây cũng là 25 năm đầy ý nghĩa trong cuộc đời tu tập và thực hiện lý tưởng Phật giáo của tôi trong thời đại hòa bình. Suốt 25 năm, tôi đã chứng kiến những khó khăn, thành tựu, những ưu tư, lo lắng và quyết tâm của Giáo hội.


Tôi sinh ra, lớn lên và đi xuất gia trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh. Từ khi còn tập sự, tôi luôn một lòng tu tập, hầu Thầy. Đến khi lớn lên, được thọ giới Sadi rồi Cụ túc giới (Tỷ khiêu), tôi vẫn theo hầu Thầy, nghe giảng Phật pháp và được Thầy, bạn dẫn dắt, khuyến khích, tôi trưởng thành dần với các Phật sự trên đường hoằng pháp. Thú thật, bấy giờ tôi chỉ lo việc tu học, thực hành Phật sự mà ít khi lưu tâm đến thế sự xã hội, đến tình hình Phật giáo chung. Những lúc thấy, nghe dân tình bị nạn, chết khổ trong đạn bom, tình hình Phật giáo biến động, tôi cũng chỉ biết âm thầm lo lắng, buồn đau. Tôi cảm nhận những khó khăn, lo lắng của nhân dân trước trang sử mới, và niềm phấn khích, hân hoan khi đất nước được hòa bình, độc lập và thống nhất.


 


Nhưng sau đó, gần 5 năm trôi qua, tôi vẫn là một tu sĩ Phật giáo, âm thầm lặng lẽ trong nếp sống đạo với nhiều ưu tư của hai giai đoạn đã qua và sắp tới. Thế rồi, như túc duyên hội tụ, tôi được cùng chư tôn túc giáo phẩm tiêu biểu Phật giáo ba miền tham dự cuộc họp mang dấu ấn lịch sử vào hai ngày 12 và 13/2/1980 tại TP. Hồ Chí Minh.


 


Sau phần mở đầu, tôi mới biết cuộc họp này là kết quả của một quá trình gặp gỡ và trao đổi của chư tôn túc từ 2, 3 năm trước về ý nguyện của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam muốn có một tổ chức Phật giáo thống nhất tập hợp tất cả 9 tổ chức giáo hội, hệ phái trong cả nước. Và đây là cuộc họp để thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam (BVĐTNPGVN).


 


Tôi thực sự hân hoan vì lần đầu tiên được diện kiến chư tôn giáo phẩm đại diện cho 9 tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo ba miền của đất nước. Nơi đây, tôi có cơ duyên được chiêm ngưỡng sắc tướng tôn quý của chư vị Đại lão hòa thượng Thích Đức Nhuận, Thích Đôn Hậu, Thích Trí Thủ, Thích Mật Hiển, Phạm Thế Long, Thích Giác Tánh, Thích Trí Nghiêm, Thích Giới Nghiêm, Châu Mun… cùng chư tôn giáo phẩm mà từ lâu tôi chỉ được nghe tôn danh qua báo, đài… hoặc chỉ được nghe các pháp hữu, Phật tử quen biết kể lại. Sau một ngày trao đổi, thảo luận, bàn bạc, có những lúc căng thẳng, gay go… để tìm ra hướng chung nhất, sáng ngày 13/2/1980, Ban Vận động Thống nhất được thành lập với 22 thành viên. Nhị vị Đại trưởng lão HT. Thích Đức Nhuận và HT. Thích Đôn Hậu được cung thỉnh làm cố vấn chứng minh. Đại lão HT. Thích Trí Thủ là Trưởng ban, chư tôn đức Hòa thượng đại diện các tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo… làm Phó ban, HT. Thích Minh Châu làm Chánh thư ký, chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ni sư và 4 cư sĩ còn lại làm Ủy viên Ban vận động, tất cả gồm 22 vị (trong đó có tôi và các cư sĩ mà tôi không bao giờ quên: cư sĩ Nguyễn Văn Chế (tiêu biểu cư sĩ miền Bắc), cư sĩ Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Nguyễn Hữu Thiện (tiêu biểu cư sĩ miền Nam)).


 


Sau cuộc họp, tôi cảm thấy niềm hỷ lạc, niềm thâm tín vào tiền đồ Phật giáo Việt Nam đang trào dâng trong lòng. Tôi cũng băn khoăn không biết mình sẽ làm gì để đóng góp tích cực hơn cho Phật giáo nước nhà. Buổi chiều, kết thúc cuộc họp, HT. Thích Trí Thủ nói với thầy Đạt Đạo cho tôi quá giang về. Cùng đi trên xe có HT. Thích Mật Hiển, HT. Thích Giác Tánh, HT. Thích Trí Nghiêm; chư vị tôn túc trao đổi tiếp về kết quả phiên họp… Bỗng HT. Thích Trí Nghiêm nhìn về phía tôi và nhẹ nhàng hỏi: “Suốt hai ngày qua, sao không thấy Đại đức phát biểu gì hết?”. Tôi chân thành thưa: “Bạch Hòa thượng, con được nghe quý Hòa thượng phát biểu những điều lợi ích trước mắt và lâu dài cho Phật giáo quá đầy đủ, trong lòng con rất mừng, cho nên con nghĩ chẳng còn gì phải nói thêm nữa”. Được gần gũi, hầu cận và được nghe biết rõ tâm tình, chí nguyện của các bậc trưởng thượng, mô phạm tòng lâm… vạch vẽ về hướng đi tới trong tương lai như là những bóng mát lớn chở che mưa nắng cho các thế hệ hậu học. Tôi tự nguyện sẽ nỗ lực nhiều hơn trong học hỏi tu tập, trong thực hành Phật sự để khỏi phụ lòng ái tín của chư tôn đức hầu góp phần phát triển Phật giáo trong thời kỳ đất nước kết thúc chiến tranh, xây dựng hòa bình.


 


Nối tiếp sau đó, hơn một năm liên tục, là thành viên BVĐTNPGVN, tôi được tháp tùng chư tôn giáo phẩm đi viếng thăm và làm việc với các tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo trên khắp ba miền đất nước. Tôi nhớ mãi những kỷ niệm, những dấu ấn không bao giờ phai, từ những chuyến hành trình Nam – Trung – Bắc của BVĐTNPGVN. Có lần, trên chuyến xe lửa đi từ TP. Hồ Chí Minh ra Huế, đến ga Mường Mán, đường ray bị nước lũ cuốn hư, tàu lửa phải dừng lại chờ sửa đường. Tại đây, các Phật tử phục vụ đoàn phải tìm những bóng cây mát chung quanh nhà ga trải chiếu, ni-long để ngồi gần quý Hòa thượng Thích Trí Thủ, Thích Trí Tịnh, Thích Minh Châu, Thích Giới Nghiêm, Thích Châu Mun giữa những bữa ăn rất đơn sơ với cơm, rong biển, muối tiêu, mì căn, cà chua và dưa leo… nhưng rất thấm đậm đạo vị, thân tình. Chờ sang ngày thứ hai, đường sửa chưa xong, đoàn phải chuyển qua đi ô tô. Lúc ấy, xe cộ rất hiếm, hợp đồng gặp chiếc xe cũ cũng mừng, không ngờ vừa qua khỏi đỉnh đèo Hải Vân thì bị gãy trục láp, xe kịp dừng lại, cả đoàn phải một phen “giật mình”. Chư tôn túc phải thêm một lần xuống xe đi bộ, chờ có xe đi ngang, xin quá giang về lại Đà Nẵng tạm nghỉ để ngày sau tìm xe đi tiếp ra Huế. Được cùng đi với chư tôn túc, được cảm nhận, chia sẻ những gian nan, thử thách… của buổi đầu, càng thương kính đức độ kham nhẫn, lòng từ bi của chư vị lãnh đạo PGVN tích lũy cho thế hệ mai sau.


 


Chùa Xá Lợi miền Nam, chùa Từ Đàm miền Trung, chùa Quán Sứ miền Bắc, chùa Linh Sơn cao nguyên…, những ngôi chùa lịch sử ấy lại một lần nữa là trung tâm của đạo tình, của hội tụ, thảo luận về các Phật sự trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và của PGVN, về mục tiêu trước mắt, về kế hoạch lâu dài, về hiến chương Giáo hội, về tổ chức Đại hội Phật giáo toàn quốc.


 


Từ tháng 4 đến tháng 12/1980, Ban vận động thực hiện những cuộc viếng thăm, lấy ý kiến và hiệp thương với các tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo. Sau đó là những cuộc bàn luận, bổ túc về các Phật sự trước mắt, tiến đến tổ chức Đại hội Phật giáo toàn quốc, thành lập GHPGVN. Thời gian trôi đi trong sự hàn gắn viết thương chiến tranh, tái thiết đất nước của toàn dân, trong sự nỗ lực thành lập Giáo hội của chư tôn đức giáo phẩm đáp ứng nguyện vọng của chư Tăng Ni Phật tử trong cả nước…. Cho đến ngày 7/11/1981, ngày cuối cùng của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ I, GHPGVN được chính thức thành lập, Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận được suy tôn làm Pháp chủ, Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu được suy tôn Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm giám luật, HT. Thích Trí Thủ được được suy cử làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự; đồng thời Hiến chương GHPGVN được Chính phủ nước CHXHCNVN chính thức công nhận và công bố; sau đó Giáo hội ban hành. Kể từ đó, GHPGVN có đầy đủ tư cách pháp nhân, pháp lý hoạt động trên toàn quốc trong thời đại đất nước xây dựng CNXH. Tại trung ương Giáo hội có hai Hội đồng: Hội đồng Chứng minh có 50 vị Hòa thượng, Trưởng lão và Hội đồng Trị sự có 50 vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức  Tăng Ni, cư sĩ tiêu biểu, có năng lực để phục vụ cho sự nghiệp phát triển PGVN.


 


Ngày nay, trải qua 5 nhiệm kỳ (7/11/1981 – 7/11/2006), 25 năm phục vụ Giáo hội, thầm nghĩ lại, thời gian trôi quá nhanh, những việc đã làm được tận lực, đong đầy… rồi đi vào quá khứ; những điều chưa làm được, chưa như ý… mỗi ngày thêm phát sinh, lúc nào cũng như còn giăng đầy phía trước. Trong sinh hoạt thường nhật, phục vụ đạo Pháp và dân tộc, tôi vẫn thường tâm niệm: “Đời một người có thiện tâm ví như ngọn lá, như bông hoa giúp tạo thành trái ngọt, như đám mây, ngọn gió đem mưa cho mùa màng, tuy ngắn ngủi, vô thường, nhưng nếu có hướng vào mục đích thiện lành thì có lợi cho mình và cho người.”.


 


Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập GHPGVN, hồi tưởng lại những tấm gương sáng về đức kham nhẫn trong sứ mạng “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” của Chư tôn đức tiền bối hữu công như là những bài học vô giá, là “dấu ấn không phai” trong tâm hồn các thế hệ hậu học của chúng ta, tạo nên sức bật mới trên lộ trình phụng sự Chính pháp và nhân sinh.