Trang chủ Diễn đàn Lễ cầu thỉnh ở chùa Ba Vàng: Nên thận trọng việc phổ...

Lễ cầu thỉnh ở chùa Ba Vàng: Nên thận trọng việc phổ biến ý kiến từ ''Chư thiên''(?)

100

Một Phật tử có gởi đến tôi “Thông báo chùa Ba Vàng trân trọng kính mời quý Phật tử về tham dự lễ cầu thỉnh Bậc thánh giáng trần hộ trì và tuyên dương chính pháp”. Tất nhiên, là không thể dự được, nhưng vì cuộc lễ có tên quá lạ, nên tôi cũng tìm hiểu thêm, qua trang nhà chùa Ba Vàng.

Thực ra, tên lễ cầu thỉnh có lạ, nhưng xét về mặt Phật pháp, thì cũng không sai.

Nguyện vọng cầu thỉnh chư thiên hộ trì, tuyên dương chính pháp là điều bình thường của mọi Phật tử chân chính.

Trong kinh tụng Phật giáo Bắc tông lẫn Nam tông đều có những đoạn văn gửi lời đến chư thiên mong cầu sự ủng hộ Phật pháp của chư vị. Tôi còn nhớ đoạn văn dịch: “Thiên, Atula, Dược xoa thảy/ Đến đây nghe Pháp nên chí tâm/Ủng hộ Phật pháp khiến thường còn/Các vị thường hành lời Phật dạy…”.

Tôi tin rằng chư thiên luôn phù hộ cho người giữ gìn Phật Pháp. Vì vậy, khi viết bài đề tài Phật giáo, tôi cũng thường cầu chư thiên ủng hộ cho mình được bình an, thuận lợi, phước báu. Quả thật là cũng có nhiều lần tai qua nạn khỏi.

Trên trang nhà chùa Ba Vàng cũng nêu nhiều đoạn văn kinh làm căn cứ tinh thần cho việc cử hành “lễ cầu thỉnh bậc thánh giáng trần hộ trì và tuyên dương chính pháp”.

Cụm từ bậc thánh ở đây, trong thư mời giải thích, là “chư thiên cõi trời Đao Lợi”. Bậc thánh giáng trần là điều tốt. Cầu nguyện bậc thánh, xác định rõ là chư thiên cũng tốt, “cầu hộ trì và tuyên dương chánh pháp” cũng rất tốt.

Nhưng trong thư mời có điều mà thiết tưởng cần lưu ý và đề nghị cẩn trọng.


“Ngày 24 tháng 10 năm Bính Thân, Tăng chúng chùa Ba Vàng được “chư thiên cõi trời Đao Lợi” (cụm danh tử trong thông báo thể hiện bằng màu đỏ, trên nền vàng chữ đen của văn bản thông báo) “báo cho biết và khuyên thỉnh lập đàn cầu nguyện bậc thánh giáng sinh xuống trần gian để tuyên dương Chính pháp và cứu độ quần sanh”.

Tôi suy nghĩ khá nhiều về việc này. Tổ chức lễ căn cứ nền tảng lý luận từ kinh Phật là đúng, cầu chư thiên hộ trì tuyên dương chính pháp là đúng, nhưng theo “chư thiên cõi trời Đao lợi báo cho” biết và khuyến thỉnh thì lạ và rất đáng băn khoăn.

Thư mời không nói rõ chư thiên đã liên lạc với tăng chúng bằng cách nào? Bay xuống tỏa hào quang cho tăng chúng chùa Ba Vàng tiếp kiến như kiểu thường miêu tả trong kinh Phật?

Nhập xác và phán truyền qua cơ thể ai đó như nhiều trường hợp vẫn được đồn đại?

Báo mộng?

Cầu cơ?

Ngoại cảm?

Nói chư thiên “báo cho biết khuyến thỉnh lập đàn” là điều có thể chấp nhận về nội dung nhưng không thể chấp nhận việc nói chung chung về phương thức truyền tải nội dung.

Câu chuyện người từ cõi trên, cõi trời, thiên đình liên lạc xuống là chuyện mà chúng ta quen thuộc… trong tấu hài!

Các vở diễn kịch hề, tấu hài thường dùng các cụm từ gây cười như “Cơ quan thường trú cõi trên”, “Cơ quan đại diện Ngọc hoàng thượng đế”, “Văn phòng đại diện thiên đình”… Còn những nhân vật liên hệ: “lãnh sự nhà trời”, “đại sứ đặc mệnh toàn quyền thiên đình”… thường là những kẻ hành nghề mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, bất lương, lừa đảo…

Trong bối cảnh như vậy, thì nội dung kiểu ““chư Thiên cõi trời Đao Lợi” báo cho biết…” dùng trong các văn bản nhà chùa cần hết sức thận trọng, tránh xa tình thế nhà chùa, từ căn cứ giấy trắng mực đen như thế, tự đưa mình trở thành đối tượng gây cười, để thiên hạ chế giễu, bêu riếu, đùa cợt.

Trong phần tiếp theo của thông báo được phổ biến rộng rãi mà chúng ta đang đề cập, ý kiến của chư Thiên còn được trích dẫn gián tiếp chi tiết, định lượng: “theo chư thiên cho biết thì những ai có mặt tại buổi lễ cầu thỉnh này đều sẽ được duyên lành lớn và còn rút ngắn được tám kiếp tinh tấn trên lộ trình đạo quả giải thoát”.

Vì Chư Thiên nói chi tiết quá, nên lời phát biểu trích dẫn thành ra có hai mặt. Một mặt sẽ là nghi ngờ việc truyền đạt ý kiến đó đã được thực hiện như thế nào. Ngoại trừ việc hiện xuống trực tiếp để nói thẳng, còn việc qua trung gian ai đó, nhập xác hay mộng mị đều dẫn câu chuyện đến gần với những vở hài kịch, tấu hài cười giỡn chuyện mê tín dị đoan. Hơn nữa, mê tín dị đoan ở đây lập thành văn bản gửi đi rộng rãi.

Không nên coi thường chuyện này, ở Hàn Quốc, việc hàng nhiều chục năm trước, một thầy pháp nói là gặp linh hồn người mẹ đã chết của người sau này là tổng thống đã bị lôi ra để mà bêu xấu và kích động lật đổ tổng thống.

Trong tình thế Phật giáo Việt Nam là đối tượng của những vụ tập kích truyền thông, thì những sự kiện có thể bị khai thác đấu tố mê tín rất nhạy cảm và nguy hiểm.

Việc chùa Long Hưng, Đồng Nai chữa bệnh bằng Đông y chưa gây tác hại gì, mà chỉ có tiếng tốt thu hút người đến điều trị, cũng bị lôi lên báo mà kẽ vạch như chuyện lừa đảo, thì phổ biến câu chuyện tiếp xúc chư Thiên có thể dẫn đến hậu quả thế nào?

Ở đây, không bình luận thực hư chuyện chư Thiên cho ý kiến, mà chỉ nói đến những hệ quả có thể có của nó, xét trong cục diện sinh hoạt tôn giáo.

Điều chắc chắn là khi xảy ra tập kích truyền thông vào Phật giáo Việt Nam, chư thiên không thể bay xuống mà trợ giúp giải quyết, dù là Phật giáo bị hàm oan, bị vu khống.

Có tôn giáo trước đây sinh hoạt chủ yếu dựa vào việc cầu thông với cõi trên, nhận chỉ thị bằng cơ bút, giờ cũng thôi cử hành những nghi thức như thế. Huống chi, Phật giáo một tôn giáo chánh tín, sao lại bước đầu có chuyện tiếp nhận phổ biến ý kiến từ “Cung trời Đao Lợi”?


Tôi không bác bỏ một sự thiêng liêng có thể có nào đó.

Nhưng khi truyền đạt đến công chúng rộng rãi, thì lưu ý rằng hoạt động truyền thông hết sức phức tạp và một trong những mũi nhọn tập kích truyền thông vào Phật giáo và các tín ngưỡng truyền thống là mê tín, hủ tục, phù thủy. Mục tiêu cuối cùng của việc tập kích truyền thông như thế là cải đạo.