Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Lễ hội Chùa Giám

Lễ hội Chùa Giám

258

Tương truyền, chùa Giám có từ thời Lý, đến cuối thế kỷ XVII, chùa được tôn tạo với quy mô lớn theo kiểu nội công ngoại quốc. Các công trình bố cục theo một trục dọc, hướng tây, gồm: Tam quan, tiền đường, tam bảo, nhà phẩm, nhà tổ, hai bên là hành lang. Phía bên trái là nghè Giám. Những công trình này được xây dựng công phu với tư duy nghệ thuật cao. Tuy bị chiến tranh tàn phá nhưng những công trình chính vẫn còn đến nay như: Tiền đường, tam bảo, nhà phẩm, nghè Giám, do vậy được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia từ năm 1974.

Năm 1971, do yêu cầu giải phóng dòng chảy, xã Cẩm Sơn phải di chuyển về địa điểm mới cách xã cũ 7 km về phía tây. Chùa Giám cũng được nhà nước cho di chuyển về địa điểm mới, tôn tạo hoàn chỉnh như trước chiến tranh, nhưng quay hướng nam. Đây là một kỳ công của ngành văn hoá và nhân dân địa phương.

Chùa Giám, Đền Bia và Đền Xưa là ba di tích quan hệ mật thiết đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại danh y Tuệ Tĩnh. Lễ hội chùa Giám là một hình thức kỷ niệm Đại danh y.

Lễ hội chùa Giám trước cách mạng không lớn, chỉ có quy mô làng xã. Chỉ từ khi di tích được xếp hạng và vai trò của Tuệ Tĩnh được đề cao, hội mới lớn dần lên. Năm 2001, được tổ chức với quy mô quốc gia. Hội do Bộ Y tế, Hội Đông y Việt Nam và chính quyền địa phương tổ chức.

Từ khi về địa điểm mới, hội được tổ chức trong ba ngày, từ 13 đến 15-2. Tuy hội chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng công tác chuẩn bị  phải làm trước hàng tháng. Ban tổ chức do UBND xã trực tiếp chỉ đạo.
           
Ngày 13-2, rước tượng Tuệ Tĩnh từ chùa về nghè, đặt  tại gian giữa. Lễ rước trịnh trọng theo nghi thức cổ truyền. Dân các nơi đến dự hội suốt 3 ngày có tới hàng vạn lượt người. Hàng quán chật kín hai bên đường trục của xã. Trên sân hội trường  và sân chùa , các trò vui dân gian diễn ra suốt 3 ngày đêm.

Ngày 14-2 là ngày trọng hội. Buổi sáng tiến hành lễ tế danh y tại nghè. Đội tế gồm 17 cụ có khả năng về tế lễ, có uy tín và ngoại hình tốt. Sau khi tế tất, bắt đầu đến hội rước. Đoàn rước thường rất đông, gồm nhiều đội hình.

– Đi đầu là đội múa kỳ lân, làm nhiệm vụ cổ động và dẹp đường.
– Thứ hai là đội hình thanh niên đồng phục, cầm vòng hoa, vừa đi vừa múa như trong hội thể thao.  
– Thứ ba là đội rước hồng kỳ.
– Thứ tư là đội trống.
– Thứ năm, đội rước ảnh Bác Hồ.
– Thứ sáu là đội siêu đao, chấp  kích, bát bửu. 
– Thứ bẩy là kiệu thuốc nam.
– Thứ tám là đoàn tế nam.
– Thứ chín là đoàn tế nữ.   
– Thứ mười là kiệu rước tượng Tuệ Tĩnh đặt trên đòn bát cống, có lọng che hai bên.
– Thứ mười một là đoàn tăng ny, phật tử, trang phục theo nhà phật.
– Tiếp đó là đoàn các già làng và thập phương. Cuối cùng là dân chúng.
           
Tại nghè Giám ngày thường cũng như ngày hội đều có phòng khám bệnh và cắt thuốc nam, thuốc bắc.

Lễ hội chùa Giám là sự kết hợp hài hòa giữ yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại một cách hiệu quả.  Nó được xem là một niềm tự hào của ngành Văn hoá và nhân dân địa phương.