Trang chủ Tin tức Lễ tế cô hồn ngày thất thủ kinh đô

Lễ tế cô hồn ngày thất thủ kinh đô

133

 

Nghĩa địa và chùa Ba Đồn ở phía đông nam đàn Nam Giao. Chữ Ba Đồn đọc trại từ chữ ba đàn (bàn thờ ở giữa trời). Nghĩa địa gồm 3 đàn lớn và 5 đàn nhỏ chôn cất khoảng 6 ngàn thi hài.

Năm 1803, khi xây dựng kinh thành Huế, vua Gia Long cho giải tỏa 8 ngôi làng ở bờ bắc sông Hương. Những mồ mả vô chủ của 8 làng được triều đình cho di dời lên khu vực này và dựng bia đề Ân Tứ Hiệp Táng Vô Tự Chi Mộ (Vua cho hợp táng những người không người thờ tự).

Sau biến cố thất thủ kinh đô (khoảng hơn 2 ngàn người bị chết do trúng đạn pháo, bị giặc giết hoặc dẫm đạp lên nhau mà chết khi cố vượt ra khỏi kinh thành) người Pháp bắt dân chúng phải cất bốc hết các mồ mả chôn trong và ngoài kinh thành đưa lên đây hợp táng, hình thành thêm một số cồn mồ nữa.

Nghĩa địa Ba Đồn vì vậy, có thể xem là một nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên trong những ngày đầu chống giặc Pháp xâm lược. Lễ cúng cô hồn tại Nghĩa trang và chùa Ba Đồn bắt đầu từ ngày 23 âm lịch và kéo dài đến cuối tháng ở các gia đình trên khắp thành phố Huế.

Lễ vật cúng cô hồn thịnh soạn hay đơn sơ thường tùy theo gia cảnh. Nét đặc biệt nhất là phải có một một thùng nước chè đầy hoặc nước tinh khiết, một đống lửa đốt bên cạnh bàn thờ để các âm hồn đến uống nước và sưởi ấm.

Người dân quan niệm vì nhiều người trong khi chạy loạn đã chết do khát, hoặc do lạnh khi ngã xuống dưới sông, hào nên đây là 2 lễ vật không thể thiếu. Lễ cúng cô hồn ở Huế đã thành một tục lệ mang tính nhân văn sâu sắc.

Người ta không chỉ cúng cho người thân mà còn cúng cho những cô hồn vô chủ bị chết oan ức trong biến cố thất thủ kinh đô .

Theo Lê Đình Dũng (Lao Động)