Trang chủ PGVN Nhân vật Lời Ôn thắp sáng đời con

Lời Ôn thắp sáng đời con

92

Kính lạy Giác linh Ôn!

Hôm nay đã hơn hai tuần thất rồi, kể từ ngày Ôn buông bỏ thân tứ đại để thong dong về miền an lạc, con mới có thể bình tâm gom góp chút ít lời lẽ thô thiển để kính dâng lên Ôn để biểu lộ tấc lòng thành của một kẻ hậu sinh từ vùng đất châu thổ sông Cửu Long.Ngưỡng mong Giác linh Ôn thuỳ từ chứng giám!

Kính lạy Ôn!

Từ những năm 70 thế kỷ trước, từ khi trở về nước với bằng Tiến sĩ đặc hạng danh dự sau 12 năm xuất dương tu học, Ôn là niềm tự hào của hết thảy Phật giáo đồ Việt Nam. Con thuộc một gia đình thâm tín Tam Bảo, luôn ngoại hộ đắc lực cho giáo hội thời bấy giờ cho nên niềm tự hào về một bậc tôn đức tài cao đức lớn như Ôn lại càng thêm sâu sắc, đậm đà. Bản thân con là đoàn viên GĐPT, một  tổ chức mà Ôn là một trong những hạt nhân đầu tiên gầy dựng, dưỡng nuôi, do vậy mỗi bước đi, hành trạng của Ôn, chúng con đều sung sướng dõi theo với biết bao niềm ngưỡng mộ, cung kính. Ngoài ra, cũng như mọiđoàn sinh GĐPT Việt Nam, qua những bài học về lịch sử của tổ chức, chúng conđều biết vềAnh Đinh Văn Nam (thế danh của Ôn) là một trong những thành viên đầu tiên năng nổ của Đoàn Thanh niên Phật Học Đức Dục rồi Gia đình Phật Hoá Phổ cho đến khi đổi thành Gia Đình Phật Tử, cùng với các Anh VõĐình Cường, chị Hoàng Thị Kim Cúc…

Ngày xưa, khi Ôn là Viện trưởng Viện đại học Vạn Hạnh, con chỉ mới lên 10, thế nhưng qua những điều được nghe, được kể về Ôn, về Đại học Vạn Hạnh, về mục tiêu, tôn chỉ của Đại học Vạn Hạnh do Ôn khởi xướng, xây dựng và vun bồi, đã khiến tâm hồn một đứa bé như con trào dâng niềm khao khát và phát khởi một ước muốn mãnh liệt : mai sau lớn lên, nhất định vào học Đại học Vạn Hạnh!Con đâu có biết rằng, vào đại học Vạn Hạnh cũng chính là nguyện vọng thiết tha của biết bao tăng, ni sinh các Phật học viện trong cả nước và một phần không nhỏ các thế hệ học sinh ưu tú thời bấy giờ. Dẫu rằng ước mơ ấy đã không thành hiện thực, thế nhưng sâu trong tâm khảm của con, con vẫn tự nhận mình là đệ tử của Ôn, là đứa học trò bé nhỏ của Ôn, bởi vì tuy không được vào giảng đường đại học để được học với ôn, tuy nhiên vì là đoàn viên GĐPT, cho nên hằng tuần con vẫn được học những bài Phật pháp do chính Ôn và Thầy Thiên Ân đồng soạn trong giáo trình Phật pháp dành cho GĐPT (thường được chúng con gọi là cuốn Phật Pháp 4 Bậc: Hướng Thiện – Sơ Thiện – Trung Thiện và Chánh Thiện).

Những ngày ấy, con chưa được đọc một trước tác nào của Ôn cả, cho đến những năm 80, đất nước rơi vào giai đoạn khó khăn, gian khổ. Đời sống tinh thần có lúc bịxem nhẹ, khiến cho một số thanh thiếu niên vốn từng được sinh hoạt trong GĐPT như chúng con trở nên hụt hẫng, chao đảo. Thực tế thời đại đã làm phát khởi nhiều lo âu, hoài nghi thậm chí bi quan đã khiến không ít các bạn trang lứa với con đánh mất lý tưởng, mục đích sống. Buông mình đến mức vong thân theo dòng xoáy cơm áo gạo tiền với niềm thống khổ vô biên trong tâm tư không cách giải trừ.

Riêng con, thật may mắn làm sao, con đã thoát ra được hố thẳm đó nhờ ánh sáng do viên ngọc “Minh Châu” đến từ Ôn chiếu rọi, như túc duyên từ ngàn đời, đã giúp con minh định lại lý tưởng, xác định rõ con đường, chấn chỉnh lại hành vi và nhờ đó, con đã đứng dậy để tiếp tục dấn bước, nối lại ngọn lửa tâm huyết ngày xưa.

Ánh sáng đó đến với con quả thật hết sức tình cờ, như ngọn lửa, như tia chớp khi trong một lần thơ thẩn tạisạp bán sách cũ ở nơi thị xã nhỏ bé thuộc miền đất cực Nam của đất nước con đã thoáng thấy trong mớ hỗn độn, nhàu nhò thượng vàng hạ cám các loại sách bày bán bên lềđường, một tia sáng loé lên hút chặt lấy con.Hầu như trong tình trạng vô thức, con vội cầm lên, dòng chữ tác giả và tác phẩm hiện rõ mồn một, một tác phẩm sẽin sâu vào tâm trí con, đánh dấu một bước chuyển hoá quan trọng trong đời con:TT. Thích Minh Châu “TRƯỚC SỰ NÔ LỆ CỦA CON NGƯỜI, Con Đường Thử Thách Của Văn Hoá Việt Nam”(Nha Tu Thư và Sưu Khảo Viện Đại Học Vạn Hạnh – 1970).

Cầm quyển sách trên tay mà con cứ ngỡ mình nằm mơ! Từng lời, từng chữ của Ôn lúc đó như nói riêng với con, như nhắn nhủ, động viên, khích lệ con,thỉnh thoảng lại như quở trách nhẹ nhàng. Con vui mừng rơi lệ hệt như kẻ nghèo bỗng dưng nhặt được của báu. Đời con chuyển sang bước ngoặt lớn từ đây. Từng lời của thầy như tiếng sấm động trong tâm thức con: “Chúng tôi ước mong rằng tập sách này sẽ gợi lại một niềm tin nào đó trong lòng người thanh niên Việt Nam hiện nay, một niềm tin quyết liệt vào vận mệnh thiêng liêng của dân tộc trong ý thức thể hiện và vượt qua nỗi phân ly bi đát của bản tính con người để mà có thể chịu đựng và bước tới một cách can đảm trên con đường của chân lý và sáng tạo” (Trích Lời TỰA – Sách đã dẫn). Ôi! Con làm sao tỏ bày nổi niềm của con đây? Đến bây giờ đây, mỗi lần đọc lại những giòng này, một giòng điện lại rần rật theo sống lưng con… Nổi gai, sởn ốc!

Xin hãy lắng tâm đọc lại lời Ôn ngày xưa để thâm cảm trí tuệ phi thường, sự thông đạt thế lý của Ngài: “… giáo dục cũng không phải là nghề nghiệp mưu sinh: con người giáo dục trước tiên phải là con người tự do toàn diện và giữ vai trò chủ động trong việc chuyển hướng văn minh nhân loại” (Sđd – Phần: “Ý nghĩa Giáo dục”). Qua lời dạy này của Ôn, con đã vượt qua được mặc cảm tự ti về bằng cấp, nhận thức được ý nghĩa đích thực của giáo dục để tự hoàn thiện mình, trở nên cóích đối với nhân quần, xã hội. Thực tế đời con về sau, đã minh chứng cho lời dạy của Ôn thật là sáng suốt và thâm sâu.

Từ sau cuốn sách quí giá ấy, như một hạnh duyên bất tư nghì, con lại tiếp tục nhận được nhiều trước tác khác của Ôn. Trong đó cuốn “Huyền Trang, nhà chiêm bái và học giả” được một người anh trong GĐPT gởi tặng như tiếp thêm sức mạnh cho con khi anh em chúng con quyết tâm cùng nhau gầy dựng lại mái nhà Lam GĐPT sau gần 10 năm bị đình chỉ sinh hoạt. Cứ thế, tuy rằng xa cách và chưa bao giờ đượcđủ duyên lành diện kiến đảnh lễ Ôn, nhưng con vẫn luôn cảm thấy cóÔn trong mỗi bước đi của mình, bước đi trên con đường phụng sự Đạo Pháp.

Được sự khích lệ mạnh mẽ từ lời dạy của Ôn, con đã vượt qua bao bão giông từ nội tâm đến ngoại cảnh, để dần chuyển hoá đời mình theo hướng Chân – Thiện – Mỹ, một ý hướng chủ đạo như sợi chỉ đỏ xuyên suốt tâm nguyện dấn thân vào đời thực hiện hạnh nguyện Phổ Hiền của Ôn.

Những năm về sau, như lẽ thường tình trong chốn bụi bặm Ta bà đầy uế trược, xung quanh Ôn dấy lên những dư luận, thị phi. Trong tất cả mọi nhốn nháo đó, Ôn vẫn an nhiên miệt mài dịch kinh. Một Phật sự mà Ôn hằng đau đáu ấp ủ từ những ngày còn là du học sinh nơi quê người.

Con nhớ có lần đọc bút ký của hoà thượng Huyền Vi trên tạp chí Hoằng pháp kể về chuyến chiêm bái Tứ Động Tâm trên đất Ấn Độ của hoà thượng với Ôn và hoà thượng Thiện Châu, trong đó cóđoạn hoà thượng Huyền Vi kể lại: khi quí ngài đến Câu Thi Na đảnh lễ tôn tượng Đức Thế Tôn, lúc ấy cũng có 1 đoàn các vị sưĐài Loan cũng đến chiêm bái, quí ngài bèn hỏi mượn một cuốn kinh Niết Bàn (bằng chữ Hán) để tụng. Đoàn các vị sư Đài Loan hết sức hoan hỉ và cùng tề tựu để tụng thì bị một phen chưng hửng vì…không hiểu quí ngài tụng bằng “cái thứ tiếng gì”! Một thứ tiếng mà quí ngài thường tự trào là “Tàu nghe như điếc, còn ta nghe cũng chẳng hiểu”. Con nghĩ có lẽ điều này đã thôi thúc Ôn quyết tâm dịch toàn bộ lời dạy nguyên thuỷ của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni ra tiếng Việt cho người Việt đọc tụng và tu tập. Có lần Ôn tỏ ra bức xúc khi nói đến việc người Anh đã dịch được Tam Tạng giáo điển ra Anh ngữ chỉ sau gần 200 năm đến Ấn Độ, còn nước ta tự hào có gần 2000 năm Phật giáo du nhập mà chưa có được Tam Tạng kinh bằng tiếng Việt. Thế nên, mặc cho bao chướng ngại, khó khăn; mặccho bao thị phi thấp thỏi, Ôn vẫn miệt mài hoàn thành chí nguyện của cả đời mình.Việc làmđã xong, Ôn nở nụ cười mãn nguyện, một nụ cười siêu thoát, thanh thản, an nhiên lạ lùng!

Để rồi ngày hôm nay, hàng triệu Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước nhờ công đức lớn lao của Ôn mà được gần gũi với lời dạy giản dị, sâu sắc của Đức Từ Phụ. Nhờ đó mà thâm hiểu để rồi áp dụng tu tập, hành trì một cách thiết thực và hiệu quả giáo huấn của Đức Thế Tôn. Biết bao cuộc đời, biết bao số phận nhờ vậy mà chuyển hoá từ khổ thành vui, từ nguy thành an. Biết bao niềm tin từng bị lung lay, nghiêng ngã giờ được vững vàng, bất động nhờ Lời dạy ân cần chí thiết của Đức Thế Tôn qua bản dịch chân xác, giản dị và uyển chuyển của Ôn. Công đức cao dày của Ôn, muôn đời Phật tử Việt Nam ắt hẳn khắc cốt ghi tâm. Có vị đã từng so sánh Ôn như “Huyền Trang của đất Việt” quả thật cũng không đến nỗi quá lời.

Kính bái bạch Giác linh Ôn!

Nhân tuần thứ hai ngày Ôn tạm rời cõi trần ai, về trú xứ của Đức Di Lặc Bồ Tát, để cùng kề cận với chư tôn giả Vô Trước, Thế Thân, Huyền Trang, Pháp Hiển nơi nội viện Đâu Suất, con kính dâng đôi lời gọi chút tri ân. Cúi xin Ôn ở nơi xa kia thấu nghe tiếng lòng con.

Ngưỡng mong Ôn tạm chỉ vui nơi cung nội Đâu Suất ít lâu, để rồi thị hiện Ta Bà, giáng hạ trên quê hương Việt Nam để tiếp tục hoằng pháp độ sinh. Con cũng lại xin được tiếp tục làm người học trò nhỏ nương oai đức, từ lực của Ôn, tiếp bước con đường Ôn đãchỉ lối ngõ hầu góp phần gầy dựng, vun bồi cho ngôi nhà Chánh pháp luôn bền vững, cho ngôi Tam Bảo trụ thế dài lâu.

Nam mô tự Lâm Tế Chánh Tông, Tứ thập tam thế, Tường Vân Tổ đình Trú trì, Vạn Hạnh Thiền viện khai sơn, Việt Nam Phật giáo Giáo hội Phó Pháp chủ, húy thượng Tâm hạ Trí, tự Minh Châu, hiệu Viên Dung, trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.

——————————————————————————————-

Cảm niệm nhân tuần thất thứ hai của Trưởng Lão Hoà Thượng thượngMinh hạChâu

Tiền Giang, ngày 29 tháng 7 Nhâm Thìn – PL 2556

Nhất Phi