Trang chủ PGVN Nhân vật Lý Công Uẩn vài nét chấm phá

Lý Công Uẩn vài nét chấm phá

67

Nét đậm trước tiên cần phải được vạch ra khi phác họa chân dung Thái tổ Lý Công Uẩn, ấy là việc ông có liên quan rất mật thiết với Phật giáo – một tôn giáo vốn đã phát triển mạnh và có sức ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội và trong bộ máy chính quyền của các triều Đinh, Lê trước đó.

Sử chép rằng: thân mẫu Lý Công Uẩn là người họ Phạm, một lần đi chơi chùa Tiêu Sơn đã gặp thần linh, giao hoan và sinh ra ông năm Giáp Tuất (năm Thái Bình thứ 5, đời Đinh, tức năm 974), ngày 12 tháng 2. Khi lên ba tuổi, ông được sư chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi (vì vậy mà có họ Lý), sau đó trở thành học trò của sư Vạn Hạnh chùa Lục Tổ.

Sự kiện Lý Công Uẩn ra đời – như sử đã chép – thuộc về motif “sự sinh nở kỳ diệu” vốn rất phổ biến trong truyền thuyết dân gian về các bậc anh hùng xuất chúng. Nó thần thánh hóa nguồn gốc của vị hoàng đế, nhưng lại khiến cho các sử quan về sau, khi lấy lại chi tiết này, vẫn phải băn khoăn trước nỗi “lý lịch không rõ ràng”!

Dù sao đi nữa, các tư liệu biên niên sử chép về Lý Công Uẩn đều cho thấy rằng vị hoàng đế mở ra triều Lý chính là một đại biểu của Phật giáo, được thế lực tăng lữ Phật giáo chọn lựa cho việc hướng tới và giành lấy quyền lực thế quyền tối cao. Với sự tiến cử của sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn đã nhập triều, trở thành người thân tín bên cạnh Thái tử Lê Long Việt và được sự bảo trợ của nhiều nhà sư lúc này đang giữ những chức vụ cao trong triều đình.

Khi Lê Ngọa Triều chết, vua kế tự thì còn thơ ấu, Lý Công Uẩn đã được các quan trong triều – đứng đầu là Đào Cam Mộc – suy tôn lên ngôi Hoàng đế: thiên hạ đã về tay nhà Lý mà không có bất cứ một sự đổ máu nào.

Biên niên sử còn ghi lại một câu Lý Công Uẩn hỏi Đào Cam Mộc khi ông quan này khuyên ông soán ngôi nhà Lê: “Tôi biết ý ông không khác ý thầy Vạn Hạnh. Nếu quả như lời, thì mưu tính sao?”

Câu hỏi cho thấy vị hoàng đế tương lai không hề thờ ơ với ngai vàng, quyền lực tối thượng mà ông có được chắc chắn không phải là món quà trời cho! Và ở đây, chúng ta cũng không nên quên nhắc lại một chi tiết chứng tỏ sự khôn ngoan đầy dũng cảm của Lý Công Uẩn lúc chưa lên ngôi, nó vừa khiến ông được cất nhắc rất nhanh trên chính trường, vừa khiến ông “tranh thủ” được cảm tình của các đồng liêu: khi vua Lê Trung Tông bị Lê Long Đĩnh (tức Lê Ngọa Triều) giết, các quan đều chạy hết, duy có Lý Công Uẩn ôm xác vua mà khóc; Ngọa Triều khen là người trung, thăng cho làm Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ!

Khi Lý Công Uẩn tức vị, ông tiến hành một loạt biện pháp nhằm truyền bá đạo Phật ở trong nước, tu bổ chùa chiền, tăng cường ảnh hưởng học thuyết Phật giáo trong nhân dân. Thậm chí có thể nói, với việc thành lập triều Lý, đã bắt đầu một thời kỳ thống trị của Phật giáo trong đời sống tôn giáo của xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, trong các nguồn sử liệu hiện có lại không thấy ở đâu ghi chép về việc ông ban thưởng chức vụ hay tước vị cho bất kỳ nhà sư nào, như các triều Đinh – Lê đã làm trước đây. Có thể giả định rằng Lý Công Uẩn không muốn để ảnh hưởng của các nhà sư trong triều đình lên cao quá mức, không muốn có sự can thiệp của họ vào việc trị nước; điều ông thực sự muốn là khẳng định vị trí tối thượng của mình trong chính quyền trung ương.

Và nếu là như vậy thì việc ông hoằng dương Phật giáo không chỉ đơn giản là hành động của một ông vua sùng đạo nữa, mà đó là động thái của một nhà cai trị có tầm nhìn chiến lược: nhà nước trung ương tập quyền cần phải có một ý thức hệ thống nhất như là điều kiện cho sự thống nhất quốc gia, ý thức hệ ấy sẽ làm giảm ý nghĩa của các tín ngưỡng địa phương – là cái thường xuyên được/bị các thế lực cát cứ lợi dụng.

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XI, ý thức hệ ấy chỉ có thể là Phật giáo. Và, cho dù là người nhờ thế lực Phật giáo mà nắm quyền, Lý Công Uẩn đã không “vô tư” phục vụ Phật giáo, mà căn bản là ông sử dụng tôn giáo này như một phương tiện để đáp ứng đòi hỏi bức thiết của tiến trình lịch sử: xây dựng và củng cố một nhà nước độc lập, một chế độ trung ương tập quyền vững mạnh.

Chân dung của một vị minh quân nơi Lý Công Uẩn sẽ trở nên cụ thể hơn bằng việc chúng ta vạch ra nét đậm thứ hai, ấy là sự kiện ông dời kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Trong Thiên đô chiếu, thoạt tiên Lý Công Uẩn biện minh cho quyết định dời đô của mình bằng những tiền lệ dời đô của nhà Thương, nhà Chu trong sử Trung Quốc, bằng cả cái kết cục “không được hưởng nước lâu dài” của nhà Đinh, nhà Lê do sự “ở đâu yên đấy” mà ra.

Tuy nhiên, luận cứ thực sự vững chắc của ông là: “… Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không thể thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Lý lẽ rất hùng hồn, xác đáng, nhưng hẳn là khi soạn thảo chiếu thư, Thái tổ Lý Công Uẩn đã phải trải qua không ít lần cân nhắc nâng lên đặt xuống quyết định lịch sử này. Bởi lẽ, mặc cho sự thuận lợi hiển nhiên về yếu tố địa hình địa vật ở thành Đại La, nơi này vẫn là một vùng đất quá trống trải, không tiện cho việc phòng thủ (thực tế lịch sử sau đó đã chứng minh: ngay trong thời Trần, ít nhất có ba lần binh lực của Nguyên Mông và Chiêm Thành đã theo đường biển đánh thốc vào Thăng Long, khiến chúa tôi nhà Trần phải bỏ kinh đô mà tháo chạy).

Trong khi đó, không ngẫu nhiên mà hai vua Đinh Bộ Lĩnh và Lê Đại Hành lại cùng chọn Hoa Lư làm kinh đô, vì đây là vùng đất có địa thế hiểm trở, rất hiệu quả trong việc chống lại sức tấn công từ bên ngoài – và thực tế thì Hoa Lư chưa khi nào bị thất thủ vì ngoại lực. Thế nhưng, chính sự mạo hiểm đã làm nên tính vĩ đại của một quyết định: đặt kinh đô ở Hoa Lư, nước Việt sẽ chỉ có sự an toàn của một tiểu quốc; dời kinh đô tới thành Đại La, nước Việt mới thực sự có cơ hội để trở thành một nước Đại Việt.

Bởi khi ở trung tâm, nơi giao nhau của các tuyến giao thông thủy bộ, chính quyền trung ương mới có khả năng chi phối hiệu quả toàn bộ hoạt động của đất nước. Rõ ràng trong trường hợp này – dời đô hay không dời đô – Thái tổ Lý Công Uẩn phải đứng trước sự lựa chọn giữa hai khả năng: an toàn tạm thời cho một chính quyền quân sự, hay mạo hiểm vì sự phát triển lâu dài cho một nhà nước trung ương tập quyền mang tính chất dân sự? Lý Công Uẩn đã chọn khả năng thứ hai. Có thể nói, đó là sự lựa chọn đại hồng phúc cho dân tộc Việt!

Tháng 9 năm Giáp Tý, năm thứ 15 trong giai đoạn trị vì của Thái tổ Lý Công Uẩn (1024), ông cho dựng chùa Chân Giáo trong thành Thăng Long. Hẳn ông vua khai triều không thể nào lường trước được rằng 102 năm sau (1226), cũng tại ngôi chùa này, vị vua cuối cùng của triều Lý (tức Lý Huệ Tông) sẽ bị ép đi tu rồi bị Trần Thủ Độ bức tử: quyền lực của họ Lý chuyển sang tay họ Trần. Người mở đầu một triều đại đã vô tình chuẩn bị sẵn cái kết cục cho nó chăng? Có lẽ, đây còn là một nét bí ẩn mà kẻ hậu nhân không thể phác ra được trên bức chân dung tinh thần của Thái tổ Lý Công Uẩn.