Trang chủ Diễn đàn Mong những khoá lễ cầu an trong mùa thiên tai

Mong những khoá lễ cầu an trong mùa thiên tai

93

Nếu chúng ta lấy một chuỗi tin bất kỳ trên Phattuvietnam.net, trong một khoảng thời gian nhất định, thí dụ 30 ngày chẳng hạn, lọc ra những bản tin cầu an và cầu siêu để so sánh, thì sẽ đi đến kết quả là các khoá lễ cầu siêu từ Trung Ương giáo hội đến các chùa nhiều hơn các khoá lễ cầu an.

Trong một số thời gian, tỷ lệ các khoá lễ cầu siêu được đưa tin đạt đến mức áp đảo so với khoá lễ cầu an, phỏng tính sự chênh lệch có thể là 8 cầu siêu/2 cầu an.

Chúng tôi nghĩ rằng, hiện tượng được ghi nhận như trên quả là một điều không hay cho Phật giáo Việt Nam, nếu không muốn nhắc lại nguy cơ “đạo của người chết”.

Chí ít, thì hiện tượng trên cho thấy trong các khoá lễ cầu nguyện, thiên về cầu siêu nhiều hơn, là thể hiện hiện trạng thiên về phần “âm” nhiều hơn. Đây rõ ràng là một điều không nên, vì trong tất cả mọi hoạt động, âm dương có cân bằng  thì đương nhiên kết quả  mới tốt.

Nếu quy vấn đề về cho xã hội, cho Phật tử, rằng yêu cầu từ phía xã hội (có thể gồm cả chính quyền, các cơ quan) và từ  Phật tử thiên về thỉnh cầu các khoá lễ cầu siêu nhiều hơn thì việc mất cân đối đó cũng là điều không bình thường, đối với đạo Phật và đối với xã hội, đặc biệt là khi chư tăng ni không điều chỉnh được.

Nếu tin vào khả năng linh ứng của các khoá lễ cầu nguyện, bằng sự chí thành, toàn tâm, thì có thể đạt được kết quả mong cầu, thì cầu an hay cầu siêu đều cần thiết.

Trong cuộc sống, thì thiết tưởng nhu cầu về việc cầu an, ở một góc độ nào đó, có thể lớn hơn cầu siêu. Thiên tai, tai nạn, dịch bệnh, rủi ro luôn luôn rình rập chúng ta, những người đang sống.

Nói đến vấn đề cân bằng giữa cầu an và cầu siêu lúc này, giữa lúc đỉnh cao của mùa mưa lũ, khi những cơn lũ khốc liệt ào ào đổ xuống các tỉnh miền Trung, con số người chết tăng lên hàng ngày, thậm chí hàng giờ, nhiều người sống trong cảnh màn trời chiếu đất, bệnh tật đe doạ, mọi thứ đều bị nước cuốn đi, đến cả cái nồi để nấu, chén bát để ăn cơm cũng không còn, trong lúc ngoài khơi những cơn bão hung hãn đang tiếp tục rình rập, chực chờ gây tai hoạ, thì với lòng tin Phật vào sự linh ứng của Phật pháp, chúng tôi mong đọc được tin các khoá lễ cầu an cuả Phật giáo Việt Nam từ khắp các chùa trong cả nước, cầu cho mảnh đất khúc ruột miền Trung sớm tai qua nạn khỏi.

Ngày xưa, trong các quốc gia thời Phật giáo hưng thịnh, khi đất nước gặp thiên tai như hạn hán, lũ lụt, mất mùa, động đất, dịch bệnh…, thì vua chúa thường cung thỉnh các vị cao tăng đạo cao đức trọng tổ chức đàn tràng cầu an. Hạn hán thì cầu mưa, mưa gió thì cầu trời quang mây tạnh, “phong điều vũ thuận”.

Ngày nay đối với Phật giáo Việt Nam, truyền thống cầu siêu phần nào phục hồi, nhưng truyền thống cầu an vẫn còn chưa được khôi phục ở mức độ tương xứng, nhất là lúc tai ương bão lũ như thế này.

Đối với người Phật tử, thì cầu an, nếu chí tâm, chí thành, ắt sẽ có kết quả, tai ách được giảm nhẹ hay qua khỏi. Đó là niềm tin tôn giáo. Đối với xã hội, thì việc Phật giáo Việt Nam các địa phương may mắn không bị bão lũ hoành hành tổ chức cầu an cho người dân vùng đang gánh chịu thiên tai., là sự thể hiện tình cảm thương yêu đồng bào, cảm thông chia sẽ, máu chảy ruột mềm.

Cầu an là hoạt động chia sẻ, an ủi, có thể diễn ra tức thời, ngay khi thiên tai vừa ập đến trong khi chuẩn bị hoạt động cứu trợ diễn ra sau đó.

Trong các khoá lễ cầu an dịp tai ương lũ lụt này, phía Phật giáo chúng ta có thể mời đại diện chính quyền tham dự, thể hiện tinh thần đoàn kết, như ở các buổi lễ cầu siêu cho liệt sĩ như chúng ta vẫn thường thấy.

Người viết quả thật băn khoăn khi nhận thấy tin cứu trợ từ phía Phật giáo vẫn còn thưa thớt, và hầu như vắng hẳn các khoá lễ cầu an, trong lúc chờ đợi vận động. Trong khi các đài nước ngoài ra rả đưa tin một tôn giáo có cơ sở trung tâm địa phương tại Vinh đã liên tục tổ chức cứu trợ ngay khi lũ lụt đang diễn ra với những số tiền rất lớn. Nhiều chức sắc cao cấp tôn giáo đó về ngay tại các địa phương đang trong tình trạng ngập lụt, sống bên tín đồ đang bị thiên tai để bày tỏ sự hậu thuẫn về tinh thần, bên cạnh sự trợ giúp về vật chất.

Như vậy, lẽ nào, Phật giáo Việt Nam, với các khoá lễ cầu an đều khắp các chùa hướng về đồng bào miền Trung cũng không có? Lẽ nào Trung ương GHPGVN vẫn còn đang dư âm Hội thảo nghi lễ Phật giáo mà không nhận thấy rằng một nghi lễ cầu an được tổ chức đồng loạt vào cùng một ngày giờ kết hợp với hội thu từ thiện là điều vô cùng ý nghĩa lúc này?

Mong rằng đây là lúc Phật giáo chúng ta tái khởi động một truyền thống tốt đẹp của đạo Phật, là cầu an bày tỏ sự quan tâm chia sẻ, cầu tai qua nạn khỏi cho đồng bào mỗi khi gặp thiên tai, nguy hiểm đe doạ.