Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Một vài ý kiến cho sự phát triển bền vững của Giáo...

Một vài ý kiến cho sự phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (*)

80

Thời gian này, Hà Nội đang từng bước chuẩn bị cho kỷ niệm 1000 năm thủ đô Thăng Long, thủ đô của một thời hoà bình và phát triển của đất nước cũng như của đạo Phật. Thời kỳ mà Phật giáo được xem là vàng son nhất, ánh hào quang của đức Phật rọi khắp non sông, tinh hoa giáo lý của đạo Phật thấm nhuần khắp mọi giai tầng xã hội từ vua quan đến dân dã.


Và cũng trong những ngày cuối năm này, Thủ đô đang chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản do Unessco tổ chức. Trong không khí tưng bừng phấn chấn ấy, với cờ hoa rực rỡ, Hà Nội đón chào Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI nhiệm kỳ 2007-2012.


Với niềm vui được sống trong đất nước yên bình, với tinh thần phấn khởi được về thủ đô dự Đại hội như máu chảy về tim, và rất vinh dự được đại hội cho phép chúng tôi đại diện Phật tử cả nước trình bày phát biểu ý kiến trước Đại hội.


Trước hết chúng tôi xin thành kính chào mừng và đãnh lễ chư Tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kính chào quý vị quan khách và toàn thể đại biểu dự đại hội. Kính chúc chư Tôn đức, quý Liệt vị sức khoẻ dồi dào, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.


Kính bạch chư Tôn đức,


Kính thưa đại hội,


Qua bản báo cáo Phật sự nhiệm kỳ V của Ban Thường Trực Hội đồng Trị sự và phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VI (2007-2012) đã được trình bày trước Đại hội, xin cho phép chúng tôi đại diện số đông Phật tử Việt Nam có vài nhận định như sau:


– Hơn 2000 năm thịnh suy cùng dân tộc, đạo Phật đã trở thành đạo của dân tộc Việt Nam, trở thành nguồn cảm hứng sâu sắc cho nguồn dân tộc Việt, đạo đức và triết lý của đức Phật đã hoá thành đạo đức văn hoá Việt Nam, hoà quyện trong dòng tư tưởng sống động của dân tộc bất khả phân ly dù mang danh xưng là gì đi nữa.


– Hơn 25 năm thống nhất các hệ phái, tổ chức để trở thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nguyện vọng của các tầng lớp Tăng Ni, Phật tử nhiều đời ấp ủ là thống nhất thành một tổ chức duy nhất nhằm tiếp nối công cuộc hoằng pháp độ sanh của chư vị tiền bối. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã từng bước phát triển vững mạnh. Nếu so sánh những nhiệm kỳ qua thì những Phật sự của nhiệm kỳ V là chứng minh cụ thể.


– Đường hướng phụng sự đạo pháp và dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đúng đắn, phù hợp với nhu cầu thiết yếu về tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha và khoan dung độ lượng của dân tộc Việt Nam để đủ sức tiếp thu chọn lọc các nền văn hoá ngoại nhập. Có thể có một số ít người do cố chấp hoặc cố tình xuyên tạc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng thực tế, sự phát triển và thành tựu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam 5 nhiệm kỳ qua đã chứng minh hoạt động của Giáo hội là đúng với Bát Chánh Đạo, đúng với Chánh pháp của đức Thế Tôn và hợp với tinh thần đại đoàn kết dân tộc.


Từ những nhận định trên, chúng tôi hoàn toàn thống nhất bản báo cáo tổng kết công tác Phật sự đã trình bày, dù chỉ là báo cáo tóm tắc những Phật sự to lớn và nỗi bật. Chúng tôi tin tưởng những Phật sự nhiệm kỳ VI sẽ đạt được trọn vẹn viên mãn.


Kính bạch Chư tôn giáo phẩm, thưa Đại hội,


Suốt cả thời gian dài khổ luỵ vì chiến tranh và chia cắt, nhân dân Việt Nam ngày nay đang sống trong hoà bình và xây dựng. Mọi người, mọi thành phần đều chung tay góp sức giữ gìn nền hoà bình và phát triển sự hưng thịnh của đất nước trong đó có Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, muốn đóng góp sức mình cho công cuộc phát triển đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước hết cần phải vững mạnh. Để đóng góp cho sự phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ tới, nhân đại hội này, chúng tôi xin mạo muội có đôi ý kiến thô thiển, xin được trình bày:


1. Xây dựng giáo quyền:


Hiện nay toàn quốc rất đông Tăng Ni có khả năng phụng sự Giáo hội, hoằng pháp lợi sanh, nhưng Giáo hội không thuyên chuyển, điều động được các vị ấy ra tham gia công tác Giáo hội các cấp và đến những vùng miền thiếu Tăng Ni.


Có những Tăng, Ni nếu ở yên nơi cũ thì không phát triển được sự tu tập cho tự thân và không đóng góp được sức của mình cho đạo Pháp vì những vướng mắc nho nhỏ. Nếu thuyên chuyển các vị này đi chỗ khác thì đôi đường đều có lợi. Nhưng chúng ta không thuyên chuyển được, hoặc vì lý do không chấp hành, hoặc vì vướng mắc pháp lý.


Có những tỉnh, huyện cần có sự chỉ đạo, sự điều động nhân sự mới có thể làm cho Giáo hội vững mạnh, nhưng Giáo hội chúng ta hoặc không sâu sát hoặc vướng chỗ nọ chỗ kia không điều động hoán đổi được nhân sự nên Phật sự nơi ấy bị trì trệ.


Chúng tôi mong rằng Trung ương giáo hội từng bước xây được quyền hạn của lãnh đạo cấp trung ương cũng như cấp tỉnh, thành.


2. Kết hợp hoạt động:


Các Ban, Ngành của Giáo hội trong thời gian qua làm được rất nhiều Phật sự, nhưng ngành nào làm ngành ấy, chưa có sự kết hợp. Ví dụ: Ban Giáo dục Tăng Ni nếu kết hợp được với Ban Tăng sự và Ban Trị sự Tỉnh, Thành thì việc giáo dục sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Chính vì chưa kết hợp được mà hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh có không ít Tăng Ni sinh của Học Viện chỗ ở chưa được ổn định.


Ban Giáo dục và Ban Tăng sự bàn bạc thảo luận để tìm ra đường hướng giáo dục hợp với truyền thống và phát triển tâm đức của một tu sĩ đồng thời đáp ứng được nhu cầu thiết thực cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, nhất là không để mất tính truyền thống của Tăng sĩ Phật giáo Á Đông


Ban Tăng Sự cần phối phối hợp với các Ban Trị sự các Tỉnh, Thành và chính quyền địa phương để đưa các Tăng, Ni sinh sau khi tốt nghiệp ở các trường trở về địa phương, hoặc những vùng thiếu Tăng, Ni hành đạo.


Các Trường Phật học làm thế nào cho Tăng Ni sinh có tinh thần phụng sự đạo pháp, dân tộc, xây dựng Giáo hội, đặt công tác hoằng dương chánh pháp lợi lạc quần sinh lên hàng đầu và không nên tách mình ra khỏi xã hội vì “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”.


Ban Hướng dẫn Phật tử và Ban Hoằng pháp là hai Ban rất quan hệ chặt chẽ. Bởi lẽ Hoằng pháp là cho Phật tử. Thời gian qua, chúng ta chưa có sự kết hợp, có những hoạt động của ngành Hoằng pháp mà lẽ ra do Ban Hướng dẫn Phật tử tổ chức. Có những đạo tràng học tập giáo lý, những tổ chức trại học tập của Gia đình Phật tử thiếu thầy giảng dạy chuẩn, có nơi do Phật tử đảm nhiệm. Nếu hai ngành này kết hợp với nhau thì việc học tập giáo lý sẽ hiệu quả nhiều hơn.


Nên chăng, chúng ta thành lập một Tiểu ban Hoằng pháp vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào thiểu số. Hiện nay, việc hoằng dương Phật pháp miền núi còn bỏ trống, ngành nào chịu trách nhiệm việc này?.


Cần có sự liên kết thông cảm giữa trụ trì và Gia đình Phật tử. Lâu nay có nhiều nơi việc sinh hoạt của Gia đình Phật tử chưa được sự giúp đỡ của Tăng, Ni. Mong rằng Ban Tăng Sự sẽ có sự hướng dẫn chỉ đạo.


3. Ban Hướng dẫn Phật tử:


Triển khai thành lập Phân ban Thanh niên Phật tử và đề nghị Hội đồng Trị sự chỉ đạo các Tỉnh, Thành hội Phật giáo có thanh niên Phật tử đăng ký sinh hoạt vào phân ban này đúng Hiến chương Giáo hội.


Thành lập Ban liên lạc Phật tử hải ngoại để các Phật tử ở hải ngoại liên hệ việc sinh hoạt tu học, trao đổi giao lưu với Phật tử trong nước.


Chúng tôi mong rằng sau Đại hội này, Trung ương Giáo hội sẽ có sự  nghiên cứu cụ thể để tạo nên mối liên kết nhằm đẩy mạnh công tác hoằng pháp độ sanh, làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng thêm vững mạnh. Rất mong nhận được sự đồng cảm của chư Tôn Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử đại biểu trong và ngoài Đại hội.


Nguyện cầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam hưng thịnh như thời kỳ Lý – Trần thuở trước, Phật pháp thấm nhuần đến tận vùng sâu vùng xa. Cung chúc chư Tôn Giáo phẩm, quý Liệt vị an lạc, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành tựu viên mãn.


(*) Tham luận của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN do Hòa thượng Thích Thiện Duyên – Trưởng ban trình bày tại Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần VI