Ngôi chùa với nhiều truyền thuyết
Chùa Thiên Ứng nằm trên địa bàn xã Trân Châu, huyện Cát Hải từng là một ngôi chùa lớn với lịch sử tồn tại nhiều thế kỷ.
Theo như tương truyền được truyền lại từ đời này sang đời khác của người dân nơi đây, vào khoảng giữa thế kỷ thứ 13, đời vua Trần Thái Tông (1232-1250), trong một chuyến vi hành thăm giang sơn bờ cõi, nhà vua đã đặt chân đến nơi đây.
Một góc đảo Cát Hải. (Ảnh: Quang Chiến)
Đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt ra xa, nhà vua có một vùng đất rộng dưới chân một dãy núi hình cánh cung trông ra biển Đông sơn thủy hữu tình, vị thế “long chầu hổ phục” biết đây là vùng đất thiêng. Đêm đó, hạ giá tại vùng biển đảo, trong giấc mơ của mình nhà vua đã gặp một vị thần biển. Vị thần biển nói rằng ở vùng đất thiêng này phải có một ngôi chùa thật lớn để cúng tế hàng năm thì sẽ mưa thuận gió hòa, yên ổn bờ cõi.
Trở về kinh đô, nhà vua hạ lệnh cho xây một ngôi chùa lớn tại vùng đất thiêng đó. Người dân trong vùng vui sướng, đã xin nhà vua được lấy tên hiệu của ngài đặt tên cho chùa là chùa Thiên Ứng.
Khi chùa xây xong, người dân vô cùng lo lắng vì chưa tìm được các nhà sư về tu hành và trông nom ngôi chùa thì thật kì lạ, trong một lần mưa bão mịt mù, biển động dữ dội, nhà nhà phải đóng kín cửa tránh cơn bão biển trái mùa. Sáng hôm sau, tại chùa Thiên Ứng bỗng xuất hiện một vị thiền sư về tu tập, tiếng chuông chùa đã lanh lảnh vang khắp cả vùng đảo. Ai cũng cho rằng chính vị thần biển đã mang vị cao tăng về tu hành tại chùa Thiên Ứng.
Cụ Hội bên tấm bia cổ quí ghi dấu tích ngôi chùa và những trụ cột đá nằm rải rác quanh ngôi chùa cổ
Cũng từ đó, vị thiền sư thường theo bà con ra tận các làng chài ven biển để hàng ngày cầu nguyện. Kết quả cầu gì được nấy, dân chài đi biển vào sông được bình an vô sự. Vị cao tăng trụ trì chùa khi ấy đã tu nhân tích đức, làm nhiều việc thiện giúp đời được con ngư dân trên đảo mang ơn đời đời.
Vào khoảng thế kỷ 13 -15, các vị thiền sư cũng đã giúp đỡ nhiều lần vua quan và các nghĩa quân chiến đấu chống giặc ngoại xuân gìn giữ quê hương, biển đảo. Sau khi vị cao tăng trụ trì chùa viên tịch, nhân dân địa phương đã góp công sức xây dựng lại chùa Thiên Ứng khang trang, làm nơi cầu nguyện sóng yên biển lặng cho ngư dân mỗi lần ra biển. Hay khi có giặc ngoại xâm, thiên tai hạn hán, các vị chức sắc đều đến cầu nguyện và được linh nghiêm.
Cây đa mười chín gốc và nhà sư trụ trì mới
Ngoài những tương truyền của lịch sử, người dân trong vùng còn kể rằng tại ngôi chùa Thiên Ứng từng có một cây đa cổ thụ kì lạ có tới 19 gốc xum xuê, che rợp cả một vùng rộng lớn. Trải qua bao cuộc bể dâu, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa là nơi ẩn náu và cất giữ nhiều tài liệu bí mật, vũ khí của cán bộ và du kích địa phương chính vì thế đã bị quân giặc tàn phá.
Người dân và bà con phật tử thường xuyên đến với chùa vào những ngày rằm lễ và đầu tháng
Đến nay, dù trên khuôn viên chùa Thiên Ứng xưa chỉ còn một ngôi nhà nhỏ được dựng tạm đặt ban thờ tam bảo thờ cúng. Thế nhưng, những vết tích về một ngôi chùa thiêng đồ sộ nhiều thế kỉ vẫn còn được lưu giữ lại qua tấm bia đá cổ còn lại một nữa, những chân cột đá rải rác và nguyên vẹn một dãy chân móng chùa bằng đá tảng đồ sộ.
Mới đây, thể theo nguyện vọng của đông đảo bà con, phật tử xã Trân Châu, huyện Cát hải, thành hội Phật giáo Hải Phòng đã chính thức bổ nhiệm Đại đức Thích Tục Khang – Ủy viên Văn hóa TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên thường trực Ban trị sự kiêm Chánh ban thư ký Thành hội phật giáo Hải Phòng về nhận bổ nhiệm trụ trì chùa Thiên Ứng.
Trong niềm vui đặc biệt ấy của bà con cả vùng biển đảo, có lẽ cụ Vũ Thị Hội là người vui mừng nhất. Bước vào tuổi 75, cụ đã có 31 năm tự nguyện trông nom, thờ tự, giữ từng thước đất, từng di vật còn lại cho ngôi chùa thiêng này.
Đại đức Thích Tục Khang – nhà sư mới nhậm chức Trụ trì chùa Thiên Ứng
Trong buổi lễ bổ nhiệm nhà sư trụ trì, Thượng tá Phạm Văn Thảo – Trưởng phòng PA 38, TP Hải Phòng cũng đã chia vui với bà con huyện đảo và Đại đức Thích Tục Khang: “Chúng tôi rất vui mừng tham dự buổi đại lễ này. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để Đại đức làm tròn trách nhiệm của mình mà Thành hội Phật giáo Hải Phòng đã giao phó và các tín đồ phật tử tin cậy”.
Chia sẻ với chúng tôi về dự định tôn tạo chùa Thiên Ứng, Đại đức Thích Tục Khang đã cho biết: “Để tôn tạo lại chùa, tôi dự định sẽ xây dựng một Thạch thư viên tại chùa với hơn 3.000 bài thơ, khổ thơ, châm ngôn, ca dao, lời hay ý đẹp…được chọn lọc từ kho tàng văn hóa Việt Nam khắc trên các phiến đá với đủ các hình dáng khác nhau sẽ lưu truyền mãi mãi cho thế hệ mai sau, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước truyền thống của dân tộc Việt Nam”.