Trang chủ Văn hóa Người đúc đại hồng chung lớn nhất Đông Nam Á

Người đúc đại hồng chung lớn nhất Đông Nam Á

80

Quan trọng nhất là  âm thanh 

Tác giả của ĐHC – con người tài hoa ấy chính là nghệ nhân nổi tiếng của nghề đúc đồng Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sính, năm nay 72 tuổi, hiện ở phường Đúc, thành phố Huế. Ông là hậu duệ đời thứ 12 trong một dòng họ có truyền thống gần 5 thế kỷ đúc đồng. ĐHC ở chùa Bái Đính được ông Sính bắt đầu đúc cách nay 2 năm. Ông Sính thừa nhận mình phải gửi cả tâm hồn vào tác phẩm thì mới hoàn thành được công trình để đời.

Ông Sính nhớ lại: “Khi nhận đơn đặt hàng của ông Nguyễn Xuân Trường (chủ doanh nghiệp Xuân Trường) ở Ninh Bình tôi biết ông đã dạm đặt nhiều nơi rồi nhưng không ai dám nhận lời, vì yêu cầu của ông Trường phải đúc cho được ĐHC lớn nhất Đông Nam Á. Làm công trình này tôi đã đem vốn liếng, ngón nghề đúc đồng của tổ tiên gần 500 năm qua ra “đặt cược” với ông Trường”.

Trước đó, ông Sính đã nhiều lần đúc ĐHC song chưa có cái nào lớn đến 36 tấn. Khi tôi hỏi vì sao lại là 36 tấn? Ông Sính giải thích 3+6=9. Có lẽ ông Xuân Trường thích số 9, con số ấn tượng và mang đầy tính cách văn hoá của người phương Đông. Ông Sính cho biết từ ngày bắt đầu làm khuôn đúc ĐHC 36 tấn đến lúc hoàn chỉnh phần thô tác phẩm mất thời gian đến 5 tháng, tốn 3.000 công thợ. Chất liệu đồng dùng để nấu là đồng đỏ, được sản xuất trong nước. Muốn đúc thành công ĐHC 36 tấn cần đến hơn 44 tấn đồng.

Tất cả được chia thành 12 nồi nấu đồng, thời gian nấu kéo dài 3 tiếng đến khi đo được độ nóng chảy đến 1.400oc thì mới đạt chuẩn, rót vào khuôn. Để đạt đến nhiệt độ này cần phải có 12 cái máy nổ D8 nhằm tạo gió và tăng nhiệt lúc cần thiết. Sau khi đồng đủ nhiệt độ phải dùng cần cẩu 20 tấn lần lượt nâng các chảo đồng đổ vào khuôn. Cái khó là không được để cho xỉ đồng tràn ra ngoài, hoặc bị xì thì xem như mất cả chục tỷ đồng. Ngày đổ đồng vào khuôn cần đến 100 thợ đúc rành nghề giúp việc.

Cái tài là ông Nguyễn Văn Sính hoàn toàn dùng phương pháp thủ công và bí quyết nghề nghiệp để đúc thành công tác phẩm nghệ thuật này. Bên ngoài ĐHC được trang trí bằng nhiều hoa văn hình lá đề, hình chim hạc và hoa văn hình sóng nước và đặc trưng mỹ thuật Phật giáo. Trên thân ĐHC được khắc bài Tâm kinh Bát nhã bằng chữ Hán.

Ông Nguyễn Văn Sính nói: “Tôi chắt lọc những tinh hoa của văn hoá dân tộc để đưa vào tác phẩm nghệ thuật của mình. Làm sao hoa văn trên đó đừng quá cầu kỳ nhưng phải mang tính độc đáo. Cái quan trọng nhất đối với một ĐHC là âm thanh. Nếu tay nghề không vững rất khó tạo ra được tiếng chuông hay. Người nghệ nhân giỏi không những đúc được ĐHC lớn mà phải tạo ra âm thanh thật tốt để khi ngân lên thức tỉnh được lòng người”.

Truyền bí quyết cho con trai 

Tôi hỏi bí quyết nào giúp ông thành công vang dội với những tác phẩm văn hoá nghệ thuật như những chiếc ĐHC. Ông Nguyễn Văn Sính từ tốn: “Ngoài kinh nghiệm ra thì để đúc thành công một ĐHC người nghệ nhân phải có ý chí, nghị lực. Điều này liên quan đến hai mặt đó là kinh tế và danh dự”. ĐHC 36 tấn có vốn đầu tư hơn 8 tỷ đồng.

Dòng họ Nguyễn Văn ở phường Đúc, thành phố Huế đã mất gần 500 năm để xây dựng nên thương hiệu đúc đồng như hôm nay. Bảo vệ được thương hiệu ông cha đã dày công vun đắp không phải là chuyện dễ. “Khi đồng ý đúc ĐHC điều quan trọng tôi không nghĩ đến chuyện lời lãi (lỗ 500 triệu đồng). Tôi cố gắng đúc thành công để xem đó là một di sản văn hoá quý báu của quốc gia, niềm kiêu hãnh của dân tộc. Vì tôi biết rằng chưa nước nào trong khu vực Đông Nam Á đúc được ĐHC lớn như vậy”, ông Sính tự hào. 

Tại khuôn viên 171 Bùi Thị Xuân, thành phố Huế, có một ngôi nhà khang trang thờ tổ tiên của dòng họ Nguyễn Văn ở Kinh Nhơn, phường Đúc, thành phố Huế. Ông tổ của ông Sính có quê quán ở Cầu Nôm, xã Đồng Xá, thuộc xứ Kinh Bắc xưa, nay là tỉnh Bắc Ninh. Ông theo chúa Nguyễn vào Thuận Hoá, lập đội thợ rèn đúc vũ khí giúp Chúa mở mang bờ cõi. Những người ở Cầu Nôm đầu tiên vào Huế trú ngụ tại ấp Kinh Nhơn để đúc đồng.

Ấp này dành riêng cho những người thợ đúc đồng có nguồn gốc từ Kinh Bắc. Tên gọi phường Đúc Cầu Nôm trở thành địa danh cho vùng đất này. Từ ngày dựng nghiệp ở Đàng trong, những người thợ đúc đồng của dòng họ Nguyễn Văn ở Kinh Nhơn đã làm ra nhiều sản phẩm nổi tiếng còn tồn tại đến bây giờ như: cửu đỉnh, cửu vị thần công, đại hồng chung chùa Thiên Mụ… ở Huế.

Hiện tại ông Sính đã truyền bí quyết đúc đồng cho người con trai tên Nguyễn Trường Sơn. Ông rất tự hào về người con trai nối dõi tông đường của mình. Chỉ vào Trường Sơn, ông nói: “Bây giờ tôi chuyển giao tất cả bí quyết, kinh nghiệm nghề nghiệp cho Sơn hết rồi. Có Sơn, tôi mới đúc thành công được những chiếc ĐHC liên tục phá vở kỷ lục”.

Gác chuông để đặt ĐHC được xây dựng kiên cố với các trụ bê tông ốp gỗ lim, đường kính một người ôm không hết. Trên đỉnh gác có một sợi xích rất to treo ĐHC. Bên cạnh là chiếc chày gỗ dài lớn bằng thân người để thỉnh chuông. Những ngày thời tiết tốt, âm thanh từ ĐHC vọng ra đến hàng chục kilomet, người dân sống trong vùng nghe rất rõ.

Đại công trình chùa Bái Đính mới được xây dựng trên khuôn viên rộng 700ha của núi Bái Đính có độ cao 187m. Cùng với chùa Bái Đính cổ nổi tiếng linh thiêng, chùa Bái Đính mới sẽ là một trung tâm văn hoá tâm linh Phật giáo, không chỉ lớn nhất Việt Nam, mà còn ngang tầm khu vực. (theo ANTĐ)