Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Nhạc lễ Phật giáo: Nên hiện đại hóa

Nhạc lễ Phật giáo: Nên hiện đại hóa

88

Thế kỷ XXI, cũng là thời kỳ đất nước ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu, bên cạnh sự phát triển kinh tế xã hội, vai trò tâm linh, mà trong đó Phật giáo có vị trí không nhỏ trong việc góp phần giáo dục tinh thần từ bi bác ái, cứu nhân độ thế, sống trong sạch giản dị, cải sửa thực trạng đạo lý làm người của xã hội.


Và trong tương lai không xa lắm, theo tiên đoán của Enstein nói về Phật giáo: “Phật giáo của tương lai sẽ là tôn giáo hoàn vũ. Nó vượt qua vị thượng đế có nhân trạng và xa những học thuyết lẫn giáo điều. Bao gồm cả khoa học tự nhiên và tâm linh, nó phải được đặt trên một ý thức tôn giáo phát khởi từ cảm nghiệm về tất cả mọi sự vật khoa học tự nhiên lẫn tâm linh. Và đây được xem như là một hợp nhất đồng nghĩa,… Phật giáo là câu trả lời cho sự mô tả này. Nếu bất kỳ một tôn giáo nào có thể đáp ứng được những nhu cầu của nền khoa học đương đại thì đó chính là Phật giáo”…


1- Nhạc lễ là một phương tiện hành đạo quan trọng trong các nghi lễ Phật giáo


Sự hiện đại hóa nhạc lễ Phật giáo không chỉ là sự biến đổi từ nhạc cụ truyền thống thành nhạc cụ điện tử hiện đại. Tính hiện đại của nhạc lễ, theo tôi nghĩ là tìm mọi phương cách đưa yếu tố thời đại vào nghi lễ Phật giáo, mà tất cả những gì về âm nhạc của nhạc lễ đều là phương tiện góp phần tích cực cho mục đích hành đạo.


Trước khi bàn sâu vào vấn đề, xin nói một ít về giới luật của Phật có liên quan. Chúng tôi biết, trong Phật giáo có 10 giới luật; giới luật thứ 7 là: “Không ca, múa, xem, nghe”. Giới luật này không chỉ dành cho các Tăng, Ni mà cả cư sĩ tu tại gia. Tôi nghĩ, mục đích của giới luật này là một trong 10 biện pháp ngăn chặn, không tạo cơ hội cho Tăng, Ni rơi vào tham dục, tình ái, làm xao nhãng việc tu hành.


Có lẽ, nhờ 10 giới luật mà số lượng Tăng, Ni có thể trọn đời hiến dâng cho sự giác ngộ và để trở thành Bồ tát, họ không quản ngại ngày đêm đi giúp chúng sinh vượt bể khổ. Cũng chính giới luật nghiêm khắc cùng với mức sống không xa hoa hưởng thụ nhiều vật chất, tiện nghi làm cho các tu sĩ trở thành con người bình dị, thánh thiện, sống quên mình, chuyên đi giúp huệ ân cho đời. Cách tu hành và sống khổ hạnh như vậy ngày càng có thêm điều kiện thời gian nâng cao trình độ tri thức, khám phá nhiều chân lý mới cho cuộc sống, tạo được sự kính nể của chúng sinh.


Thông thường lâu nay, nhiều người chỉ nói nhạc lễ, mà không thấy đầy đủ bản chất của quá trình hành lễ, trong đó đâu chỉ duy nhất là sử dụng nhạc cho nghi lễ; mà đúng hơn là bao gồm các yếu tố của nghệ thuật biểu diễn – ca, nhạc, múa, sân khấu, trang trí, y trang… Cho dù mỗi yếu tố nghệ thuật biểu diễn có vai trò nhất định trong quá trình hành lễ.


Thí dụ: Từ mờ sáng tiếng chuông (nhạc) báo chúng cho Tăng Ni chuẩn bị vào giờ công phu, rồi đến lúc đọc bài kệ Ngũ canh dị đáo (hát). Đến tiếng đại hồng chung thong thả ngân nga cho các sư niệm dâng hương, tụng kinh Lăng Nghiêm (thanh nhạc), tụng kinh Bát Nhã; niệm tên Phật, tên các vị Bồ tát… Thời kinh dâng hương chiều, đọc kinh A Di Đà; sau bài Phát nguyện đọc bài Tam tự quy (quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng). Thời kinh tối bắt đầu bằng chú Đại bi, cúng dường, chú Biến thực biến thủy khẩn cầu có đủ món ăn nước uống cho chúng sinh. Sau kinh Bát Nhã kết thúc bằng bài Tam tự quy.


Hàng tháng các đêm 29, 30 rạng mặt mùng một, đêm 14 rạng mặt 15, ngoài những bài kinh thông thường còn tụng kinh Hoa Nghiêm, lễ chúc thánh, chúc quốc thái dân an, lễ thụ ân, nhớ ơn cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Có thời Sám hối đặc biệt cho Tăng Ni lạy (một cách biểu diễn thể hình) trước bàn thờ Phật. Ngoài ra còn các lễ đặc biệt như: Phật đản, Lễ Thành đạo, Vu lan có chẩn tế.


Trong tất cả các lễ, hay tụng, tán, trì, niệm, bạch, xướng, thỉnh, đọc, hô… đến những thao tác gõ mõ, đánh thanh la, đánh chuông, đánh trống rồi dộng tích trượng xuống sàn trong lễ Đàn quang, hay Kinh đàn, Sấm chủ, tùy theo mỗi loại kinh, loại lễ, mà có cách sử dụng một hay nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn khác nhau. Nghệ thuật biểu diễn trong nghi lễ vừa là hình thức nghi lễ vừa là cách hỗ trợ làm cho sự trang nghiêm, tôn kính càng rực rỡ, lộng lẫy, gợi cảm. Chính sự khai thác tổng hợp các loại hình nghệ thuật biểu diễn đã khắc họa đậm nét, đúng quy cách của nghi lễ Phật giáo.


Một vị sư đã nói: “Ngày xưa Phật không cho hát nhạc đời, hát nhạc đạo thì không cấm”. Nhạc đời hàm ý là nhạc của tình yêu đôi lứa, những ngang trái éo le của những chuyện tình tay ba, tay tư trong đời sống thường ngày. Xét cho cùng, bản thân loại hình nghệ thuật biểu diễn chỉ là những phương tiện biểu lộ cái nội dung có thể là của cuộc đời hay biểu lộ niềm tin đạo lý; sự bị tác động khi tham gia, nghe, xem nghệ thuật biểu diễn chính là con người có làm chủ được mình hay không. Khi cái tâm đã kiên định thì không gì cám dỗ được. Ngay khi dùng nó sáng tạo thành tác phẩm nghệ thuật vì mục đích truyền bá đạo cũng không có gì phải lo sợ.


Ngay các nhà giáo dục, các nhà sư trong thời kỳ hiện đại không chỉ dùng phương thức thuyết giảng, mà đã khai thác phương thức hoạt động của các loại hình nghệ thuật biểu diễn, trong khi giảng chen, đệm thêm câu hát, bài thơ, câu hò, có khi biến triết lý thành những câu chuyện cụ thể có tính cách nhân vật, cách giảng giải bằng kể chuyện tạo hưng phấn cho công chúng dự nghe. Nhưng dù câu chuyện kể có hấp dẫn, đột biến thần kỳ đến đâu thì sự thu hút sức chú ý của cử tọa, cũng vẫn có lúc gây cảm giác nhàm chán, nhất là triết lý khó hiểu, cao siêu, những ý niệm sâu sắc mà trừu tượng so với trình độ tiếp nhận của công chúng…


2- Thế kỷ XXI, Phật giáo cần có thêm nhiều phương thức truyền đạo, để trở thành Đạo hoàn vũ của thế giới


Một đặc điểm trong thời đại phương tiện truyền thông trở thành đại công nghệ sản xuất hàng loạt cho đại chúng, khắp hang cùng ngõ hẻm ngày càng bị tràn ngập, rẻ tiền mà lại có sức hấp dẫn mọi lứa tuổi. Chưa nói đến trên thế giới còn bao nhiêu tôn giáo khác, có số lượng tín đồ đông hơn Phật giáo, họ cũng đang tích cực sử dụng nhiều phương thức hiện đại để hoạt động cho sự nghiệp truyền giảng đạo lý của mình. Thời đại mới thật sự là một cuộc cạnh tranh công chúng dữ dội.


Những người yêu thương, trung thành với lý tưởng của Phật cần suy nghĩ về sự cải tiến bổ sung phương thức quảng bá ý tưởng Phật giáo. Nếu các vị Tăng Ni của Phật giáo không tích cực tìm thêm những phương thức hành đạo mới, thích hợp với thời đại mới, tất sẽ bị mất dần bá tánh. Nhất là lớp trẻ, đối tượng chính của sự phát triển Phật giáo thành một đạo hoàn vũ của thế giới tương lai.


Có người nói rằng: Phật tử tuy đa số là người lớn tuổi, nhưng những đạo lý của Phật dạy, họ có thể đem về truyền dạy lại cho con cháu. Xin thưa đó cũng là một cách truyền đạo, nhưng là một con đường phải vòng qua một trung gian; mặt khác, thời đại ngày nay, vai trò người lớn tuổi kể cả cha mẹ cũng dần dần khó quản lý dạy bảo trực tiếp với con cái. Mặt khác, thường xuyên người Phật tử bị làn sóng văn hóa nghệ thuật đại chúng thu hút nhiều thời gian trong các chương trình truyền hình, mỗi ngày nhiều bộ phim nhiều tập liên tục tỏa ra vô vàn sự hấp dẫn về những số phận con người trong đời thường. Sự cạnh tranh của thời đại bùng nổ thông tin không chỉ riêng đối với nhạc lễ Phật giáo mà còn tác động, thách thức khắc nghiệt đến nền văn học nghệ thuật truyền thống của dân tộc.


Chúng tôi nghĩ: Nghệ thuật biểu diễn là con đường đi vòng qua sự chuyển hóa tình cảm từng con người rồi tự nó tác động vào ý thức sâu lắng; đó lại là con đường trực tiếp tác động tức thì, nhanh chóng, chắc ăn và bền vững nhất. Đó chính là sức mạnh, là sự ưu việt của các loại hình nghệ thuật biểu diễn. Bằng cách sáng tạo ra nhiều tác phẩm mang nội dung thánh thiện của ý tưởng “từ bi bác ái” của Phật, với những “tình thương” thiết thực cụ thể đối với cha mẹ, gia đình, bè bạn, “lòng bao dung vị tha” với đồng loại, nhất là tinh thần từ thiện đối với những số phận con người đang phải sống vất vưởng trong bể khổ trầm luân.


Cách làm đó không chỉ là cách truyền đạo của thời kỳ hiện đại mà còn là thành quả của những nhà sư, nhạc sĩ, nghệ sĩ cùng những người thành tâm với đạo Phật, sẽ khám phá ra những cách phát triển nền âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn của Phật giáo. Phương cách đó vừa làm sâu sắc, tươi sáng ý tưởng của đạo Phật, mà còn góp phần tích cực làm tốt đẹp cho cuộc sống toàn dân tộc.