Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Nhạc sĩ Phạm Duy "Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng"

Nhạc sĩ Phạm Duy "Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng"

184

Thật ra nội dung “Chàng Dũng Sĩ và Con Ngựa Vàng” nói về một sự đi tìm, trong ước vọng, tham vọng, cuồng vọng và mê đắm.vv… nhưng tất cả đều có tự trong tâm thức, bản thể của mỗi chúng ta.

Ở đây, người viết muốn nói đến bước ngoặc trong đời sống âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy đã rẽ sang hướng khác kể tử khi gặp được  nhà thơ Phạm Thiên Thư (khi ấy hãy còn là tu sĩ với pháp danh Tuệ Không). Một sự rẽ hướng mang ít nhiều yếu tố của tri thức Phật học, để từ đó về sau những tác phẩm của ông không còn là những đắng cay, chán chường và bế tắc của những Tâm Ca, Tâm Phẩn Ca, Vỉa Hè Ca.vv…

Đó là giai đoạn nửa đầu thập niên 70  của thế kỷ trước, giữa lúc bất ổn của chiến tranh, xáo động văn hóa dân tộc và băng hoại đạo đức.

Vì thế, ngưới viết ví nhạc sĩ Phạm Duy chính là Chàng Dũng Sĩ  thời ấy và Con Ngựa vàng là sự nghiệp âm nhạc của ông.

Ông đã ra đi vào lúc 14.30 trưa ngày 27/1/2013 nhằm ngày 16 tháng chạp năm Nhân Thìn. Một cây đại thụ trong làng âm nhạc VN đã rũ bóng tà dương. Một mất mát lớn lao khó có gì bù đắp nổi.

Nhà báo Giao Hưởng (báo Thanh Niên) có kể lại trong một lần gặp gỡ tại nhà riêng, ông tâm sự về những tác phẩm ban đầu đều mang dấu ấn buồn đau của kiếp người (Một Kiếp Hoa). Nhà báo kể:

“Khi ông nói, ngoài trời vẫn mưa lớn lắm. Ông chợt nhìn vào pho tượng của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đặt trước mặt ông, ngay chỗ tiếp khác. Chúng tôi không hiểu do tình cờ hay do nhắc đến “kiếp người” mà ông nhìn vào pho tượng Bồ Tát Quan âm cứu khổ cứu nạn như thế…”

Ý thức giác ngộ bao giờ cũng phải đánh đổi bằng ý chí trước rất nhiều thử thách, đôi khi phải bằng cả sinh mạng một đời người. Nhạc sĩ Phạm Duy vì có nguồn năng lượng phước báu tích tụ tự bao đời nên khi chỉ cần gặp nhà thơ Phạm Thiên Thư  lần đầu khi cả hai đều đến thăm ông Nguyễn Đức Quỳnh trong bệnh viện, đã nhanh chóng kết thân nhau ngay.

Nhạc sĩ Phạm Duy cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng hơn mỗi khi đọc những bài thơ của Phạm Thiên Thư gởi đến, và Phật học đã tuần tự đi vào tâm thức ông bằng chính những bài thơ như thế.

Từ Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng đến Em Lễ Chùa Này đã dẫn từng bước chân âm nhạc tài hoa của ông nhập vào thế giới của Đạo Ca Giữa Thành Vách Sương Mù, để từ đây người ta đã thấy một Phạm Duy cao hơn hẳn giữa đời thường.

Phải chăng chính vì  những ý nghĩa mang tính quyết định quan trọng cho bước rẽ ngoặc đó mà ông phải đích thân đọc cho từng lời tựa mỗi bài Đạo Ca của mình?

Những người ái mộ ông và cả bạn bè đều rất ngạc nhiên về điều này. Nhờ vậy, giờ đây, khi ông đã Nghìn Trùng Xa Cách thanh âm từ giọng đọc có mang dấu ấn uy lực mạnh mẽ ấy vẫn còn đang dõng dạc với thời gian.

Không phước báu lớn sao được khi trong vô số nhà thơ thời bấy giờ và bằng danh tiếng, tài năng của ông có thể dễ dàng kết thân cùng nhau cho ra đời nhiều tác phẩm hay, nhưng phài đợi đến một vị tu sĩ  bình thuờng ở chùa Vạn Thọ  như Tuệ Không (Phạm Thiên Thư) mới lay chuyển được tâm hồn một nhạc sĩ tầm cỡ.

Có thể nói, cảm nhận ban đầu của ông rất chính xác khi nhìn một vị tu sĩ bình thường ấy có ẩn chứa bên trong một kho tàng văn chương nhân sinh mang đậm triết lý  duy thức Phật giáo. Một vị tu sĩ mà nếu sức hiếu tinh thần tu học thì khó có được một thành quả đáng nể thời bấy giờ và khi phát hiện thêm điều này chính nhạc sĩ Phạm Duy cũng giật mình thán phục.

Phạm Thiên Thư là người Việt Nam duy nhất đã thi hóa 7 bộ kinh Phật bằng ngôn gnữ thuần Việt, sáng tác Từ Điển Cười (Tiếu liệu pháp) bằng thơ, làm Từ Điển châm ngôn, viết 3320 câu lục bát kể chuyện lịch sử trong Hát Ru Việt Sử Thi, và thi sĩ duy nhất “giỡn mặt” đại thi hào Nguyễn Du để viết lại truyện Kiều (Đọan Trường Vô Thanh) tất cả đều Việt hóa.vv…(nguồn Thiên Ca-Blog Người Nổi Tiếng).

Gặp Nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ Phạm Thiên Thư ví “Tôi gặp nhạc sĩ Phạm Duy như ngọn núi gặp một đám mây”. Mây và núi  hòa quyện nhau bằng chất liệu tư duy Phật học nhưng bay bổng thi vị giữa đời thường, ai cũng có thể nắm bắt được.

Cũng chính vì gặp nhau do nhân duyên tác hợp, dù sau này khi chính thức trở về VN sinh sống, nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Phạm Thiên Thư khi nào, mỗi sáng thứ bảy hàng tuần vẫn gặp nhau uống cà phê ở đường Ngô Đức Kế, nhưng sự tác hợp nghệ thuật  bằng thơ ca  như thuở Đạo Ca chỉ dừng lại nơi đó.

Bậy giờ đám mây đã bay đi, ngọn núi còn ở lại, đứng cô đơn giữa trời mà hát khúc vô thường không mong đợi.

Xin gởi nén tâm hương kính viếng hương linh nhạc sĩ Phạm Duy. Nhạc sĩ  ra đi nhưng tác phẩm  Đạo Ca còn  ở lại với đời. Nhiều người sau lấy đó làm buớc chuẩn cho sáng tác thơ nhạc phụng sự chánh pháp như  khi Phạm Thiên Thư còn là tu sĩ đã dốc lòng đem hết sở học Phật pháp của mình trả nợ ơn Tam Bảo, ơn chúng sinh.

Nếu  nhạc sĩ Phạm Duy là Chàng Dũng Sĩ thì nhà thơ Phạm Thiên Thư chính là Một Gã Từ Quan, Lên Non Tìm Động Hoa Vàng…Ngủ Say. Rất đẹp hình ảnh sau cùng ấy của một kiếp nhân sinh, biết chấp nhận  vô thường, lẽ sinh diệt thường hằng và những dòng thơ ấy chỉ có những nốt nhạc tài tình của Phạm Duy mới khắc họa thêm sâu nặng  tính triết lý ngàn đời ấy của nhà Phật:

Đưa nhau ra tời bên cầu nước xuôi

Sông này đây chảy một dòng thôi

Mấy đầu sông thẳm, khóc người cuối sông.