Trang chủ Diễn đàn Những bước mà Đại học Vạn Hạnh bị bỏ lại phía sau

Những bước mà Đại học Vạn Hạnh bị bỏ lại phía sau

255

1. Đối thoại dẫn vào giới thiệu

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Sau bài giới thiệu về trường cao đẳng kỹ thuật đầu tiên của tôn giáo được mở lại từ sau năm 1975, đề nghị ông lại viết bài nhắc lại về những thành tựu Viện Đại học Vạn Hạnh để “khích tướng” quý hòa thượng, thượng tọa, đại đức tiến sĩ quan tâm nhiều hơn đến hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo, để không thua kém các tôn giáo khác.

MINH THẠNH: Tôi nghĩ là để “khích tướng” quý hòa thượng, thượng tọa, đại đức tiến sĩ quan tâm đến giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo, thì đối với Viện Đại học Vạn Hạnh, nên nói về những chỗ bị vượt mặt, bị bỏ lại phía sau, những hạn chế trong phát triển, thì có lẽ sẽ có tác dụng “khích tướng” hơn là ca tụng những thành tựu, dù trong quá khứ.

Nếu quý hòa thượng, thượng tọa, đại đứ tiến sĩ có lòng tự trọng, thì sẽ không để giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo thua kém các tôn giáo khác.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Sao? Viện Đại học Vạn Hạnh thành công rực rỡ, kỳ tích, vượt bậc, là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam hiện đại, sao lại có những hạn chế, bị vượt mặt?

MINH THẠNH: Câu hỏi của ông sẽ được trả lời chi triết. Trước tiên, tôi xin giới thiệu bài viết dưới đây về hoạt động giáo dục của các tôn giáo ở miền Nam Việt Nam trước 1975. Đọc kỹ, ông sẽ thấy giai đoạn từ khoảng năm 1970 đến 1975, Viện Đại học Vạn Hạnh dần dần bị thu hẹp khoảng cách so với đại học của các tôn giáo khác.

Còn bây giờ, do khuôn khổ giới hạn của bài giới thiệu tư liệu, tôi có thể trả lời ông một câu hỏi có liên hệ đến nội dung đề tài đang được đề cập.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Trong những bài viết trước đây, Minh Thạnh đều khẳng định Viện Đại học Vạn Hạnh là một thành công lớn của Phật giáo Việt Nam hiện đại, là kết quả sống động của chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Ông đã cho rằng Viện Đại học Vạn Hạnh là một cú bứt phá ngoạn mục của Phật giáo Việt Nam, so với bước đi tính sai về Viện Đại học Đà Lạt của đạo Ca tô La Mã? Nay sao ông lại nói về những hạn chế, thua kém?

MINH THẠNH: Tôi khẳng định những thành quả của chấn hưng Phật giáo Việt Nam với Viện Đại học Vạn Hạnh, nhưng không cho rằng những thành quả đó là tuyệt đối, là “siêu việt”.

Trong thành quả của Viện Đại học Vạn Hạnh, có sự may mắn. Tức là Phật giáo nhờ vào việc “ăn may”, chứ không hẳn là do tính toán vượt trên đạo Ca tô La Mã.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Sao vậy, ông đã từng cho rằng, Hội đồng Giám mục Việt Nam tính sai trong đề án Viện Đại học Đà Lạt, còn Giáo hội Phật giáo Việt Nam tính đúng trong đề án Viện Đại học Vạn Hạnh kia mà?

MINH THẠNH: Đúng là tôi đã có nhận định như vậy và bây giờ cũng khẳng định như vậy.

Nhưng không nên hiểu sai đi rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1964 cao kiến hơn Hội đồng Giám mục Việt Nam.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Minh Thạnh nói mâu thuẫn. Tính sai mà cho rằng vẫn là khôn ngoan à?

MINH THẠNH: Đúng vậy. Vì Giáo hội Ca tô La Mã Việt Nam vào năm 1957 triển khai đề án Viện Đại học Đà Lạt của mình trong quy hoạch chung về hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam thời đó. Giáo dục đại học công lập Việt Nam Cộng hòa sẽ nắm hai viện đại học là Viện Đại học Sài Gòn và Viện Đại học Huế, còn Viện Đại học Đà Lạt giao cho Giáo hội Ca tô La Mã.

Dưới sự lãnh đạo của tổng thống đạo Ca tô La Mã, đó là một cuộc chia phần, không thể có một viện đại học khác ở Sài Gòn cạnh tranh với Viện Đại học Sài Gòn của nhà cầm quyền được.

Đó không phải là một bài tính sai, tính ngu, mà rất đúng trong hoàn cảnh 1957-1963. Chỉ đến cuối thập niên 1960 nó mới bộc lộ nhược điểm và đạo Ca tô La Mã đã nhanh chóng khắc phục nhược điểm đó vào năm 1970 với Viện Đại học Minh Đức qua bài giới thiệu dưới đây.

Cho nên, nếu đạo Ca tô La Mã có tính sai trong đề án giáo dục đại học của họ thì chỉ sai trong khoảng có… 4 năm, khi Viện Đại học Vạn Hạnh bứt lên dẫn đầu, và đạo Ca tô La Mã vẫn chỉ có mỗi một Đại học Đà Lạt thôi.

Cái may mắn của Phật giáo là Ngô Đình Diệm đã quy hoạch Viện Đại học Ca tô La Mã ở Đà Lạt. Những quan điểm của tôi không mâu thuẫn nhau.

Ông có thể hỏi về những điều mà tôi cho là hạn chế của Viện Đại học Vạn Hạnh trong những bài sau.

Những thông tin, số liệu cần thiết để tìm hiểu vấn đề, xin đọc trong bài được giới thiệu ở đây. Tôi nghĩ là đáng tin cậy.

2. Xuất xứ tư liệu:

2.1. Tên tư liệu: “Các tổ chức tôn giáo và giáo dục đại học ở miền Nam trước 1975”.

2.2. Tác giả: PGS-TS Đỗ Quang Hưng, Đại học Quốc gia Hà Nội.

2.3. Thông tin xuất bản: Tạp chí Công tác Tôn giáo, số 8-2017, từ trang 11.

3. Tư liệu giới thiệu: 

“Mặc dù trong điều kiện có chiến tranh, nền giáo dục Đại học ở miền Nam cũng khá phát triển, từ 22.000 sinh viên năm 1964 tăng lên khoảng 100.000 năm 1974; từ chỗ chỉ có 4 Viện Đại học, 2 công lập (Sài Gòn và Huế), 2 Đại học tư (Đà Lạt, Vạn Hạnh) năm 1964 tăng lên tới 18 Viện Đại học và Cao đẳng, trong đó có 7 trường công lập và 11 trường tư thục năm 1974. Điều đáng chú ý, phần lớn các Viện Đại học tư thục đều liên quan đến tổ chức tôn giáo như: Viện Đại học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Hòa Hảo, Cao Đài,… Bài viết này muốn giới thiệu thực trạng, rút ra một số kinh nghiệm thực tiễn của các loại hình Đại học tư thục liên quan đến tôn giáo khi mà hiện nay chúng ta đang chuẩn bị triển khai thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016.

1. Các tổ chức tôn giáo và Đại học tư thục ở miền Nam trước năm 1975

Chính quyền Sài Gòn ngay từ những văn bản luật pháp đầu tiên của họ (sau năm 1954) đều khẳng định tính cách nhà nước thế tục trong giáo dục. Nguyên tắc cơ bản nhất mà họ áp dụng đó là sự tách biệt về giáo dục công lập ra khỏi quyền lực của tôn giáo. Nói cách khác, giáo dục công lập chịu sự chi phối của Luật Dân sự cũng như Luật Giáo dục của Nhà nước. Tuy vậy, cũng giống như thực tiễn giáo dục ở các nhà nước thế tục Âu-Mỹ, dần dần, chế độ Sài Gòn cũng nới rộng quyền lực pháp lý để các tổ chức tôn giáo cũng như các cá nhân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác được quyền đầu tư vào Giáo dục Đại học, ở đây là các đại học tư thục.

Năm 1974, Hội đồng Đại học Tư lập Việt Nam được thành lập do Thượng tọa Thích Minh Châu làm Chủ tịch, từ Niên khóa đầu tiên 1973-1974 với 5 Viện Đại học tư thục là Hội viên gồm: Đại học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Hòa Hảo, Minh Đức và Cao Đài nhằm mục đích nâng cao khả năng thu hút nhân lực cũng như nâng cao chất lượng giáo dục Đại học. Trong bài phát biểu ra mắt hội đồng ngày 05-12-1974, Thượng tọa Thích Minh Châu đánh giá, Đại học tư thục có mong muốn: “Gia tăng hiệu năng đóng góp của các Đại học tự lập trong việc xây dựng nền Giáo dục Đại học Việt Nam, đồng thời tiếp tay với Chính phủ trong việc cải tiến nền giáo dục nước nhà, góp phần tích cực trong việc phát triển quốc gia” (1).

Vào thời điểm đó, số sinh viên của 5 viện đại học tư thục nói trên của các tổ chức tôn giáo đã có tới trên dưới 30.000 sinh viên và họ đi tiên phong trong việc mở các ngành học mới như: quản trị, thương mại, báo chí,… Theo báo cáo của Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn những năm đó, với số lượng sinh viên tăng mạnh và đều đặn, gần 20 lần từ năm 1957 đến năm 1974, đã cho thấy các đại học công đã không kịp thời thiết lập các chương trình huấn luyện để cung ứng cho nhu cầu lớn lao đó của xã hội. Trước thái độ gần như thụ động và bảo thủ của các đại học công, sĩ số sinh viên trên toàn quốc vẫn tiếp tục gia tăng nhanh chóng gây áp lực nặng nề trên các Đại học công… Trong khi đó, ngân sách Bộ Giáo dục chỉ ở mức 5% ngân sách quốc gia và ngân sách Đại học chỉ vào khoảng 10% ngân sách giáo dục (2).

Mặc dù đại học tư thục ở miền Nam hình thành tương đối chậm nhưng dư luận xã hội ở miền Nam không ít người cho rằng: “Đại học tư đã gánh vác đến 2/3 nền giáo dục Đại học cho Quốc gia Việt Nam” (3).

2. Tính cách, địa vị pháp lý của các Đại học tư thục liên quan đến các tổ chức tôn giáo

Như đã nói ở trên, giáo dục công cơ bản là thẩm quyền của Nhà nước thể hiện qua Luật giáo dục. Khi các tổ chức tôn giáo được tham gia giáo dục công ở đây là giáo dục đại học thì cách tìm hiểu tốt nhất là nghiên cứu lại các nghị định do Tổng trưởng Quốc gia Giáo dục (tức Bộ trưởng Bộ Giáo dục) ban hành. Chẳng hạn, Nghị định ngày 17-10-1964 của Bộ này về việc cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, ghi rõ như sau:

– Điều 2. Viện Đại học Vạn Hạnh được giảng dạy và cấp phát những văn bằng về các môn học đặc biệt có tính cách tôn giáo.

Ngoài ra, Viện này có thể giảng dạy về những môn học không có tính cách tôn giáo và cấp phát những văn bằng có giá trị tương đương với văn bằng Đại học Quốc gia.

– Điều 3. Đối với những môn học không có tích cách tôn giáo, học chế tại Viện Đại học Vạn Hạnh được quy định như sau:

Điều kiện ghi danh nhập học: có bằng Tú tài toàn phần hoặc văn bằng tương đương.

a. Chương trình học thời gian học: do Viện Đại học Vạn Hạnh đề nghị và được Bộ Quốc gia Giáo dục chấp thuận bằng Nghị định.

b. Việc tuyển lựa Giáo sư: Viện Đại học Vạn Hạnh sẽ tuyển lựa những vị có đủ điều kiện văn bằng như các giáo sư Đại học Quốc gia.

c. Thành phần hội đồng giám khảo các kỳ thi: do Viện sơ quan đề nghị và Bộ Quốc gia Giáo dục ấn định.

– Điều 4. Thể lệ cấp phát những văn bằng có tính cách tôn giáo sẽ do Viện Đại học Vạn Hạnh tùy nghi quyết định. Riêng việc cấp phát loại văn bằng của Viện không có tính cách tôn giáo, phải theo đúng thể lệ cấp phát các văn bằng Đại học Quốc gia” (4).

Như vậy, qua Nghị định này, có thể rút ra 2 kinh nghiệm sau đây:

Thứ nhất, để đảm bảo tính chất thế tục trong giáo dục thì việc các tổ chức tôn giáo tham gia mở giáo dục Đại học tư thục ngoài việc xây dựng khung chương trình cho các môn học kết hợp giữa những môn học “có tính cách tôn giáo” và những môn không có tính cách tôn giáo.

Thứ hai, điều quan trọng hơn, đó là việc cấp phát văn bằng: Nhà nước cho phép các tổ chức tôn giáo, ở đây là Viện Đại học Vạn Hạnh được giảng dạy và cấp phát một số văn bằng các môn “đặc biệt có tính cách tôn giáo” nhưng chỉ có những môn học không có tính cách tôn giáo mới được cấp phát những văn bằng có giá trị tương đương với những văn bằng của nhà nước cấp.

Phải chăng điều này có ý nghĩa thực tiễn khi hiện nay chúng ta mới thành lập Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa có chức năng nghiên cứu và đào tạo.

Ngoài ra, ở Điều 3 cho thấy một kinh nghiệm khác. Viện Đại học Vạn Hạnh khi mở các ngành học “không có tính cách tôn giáo” (từ năm 1968, Đại học Vạn Hạnh đã có các phân khoa mới như: Khoa học Xã hội, Giáo dục Khoa học ứng dụng và 1 trung tâm ngôn ngữ học bao gồm: tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán văn, tiếng Pali và Sanskrit).

Tương tự như vậy, trường hợp của Viện Đại học Minh Đức của Công giáo. Trong Quy chế thành lập của Viện này đầu năm 1970, có ghi rõ: “Viện không mở phân khoa nào có tính cách tôn giáo ngoài hai phân khoa Thần học và Triết học do Hiệp hội Tu sĩ Công giáo đảm nhiệm từ đầu” (Điều 5. Từ năm 1970, Viện Đại học Minh Đức lần lượt mở các phân khoa: Thần học, Triết học, Đông – Tây Y học; Kinh tế Thương mại, Khoa học Canh nông; Khoa học Thực dụng; Xã hội Nhân bản và Văn ngữ (Cổ văn và Sinh ngữ).

Điều kiện tuyển sinh của Viện Đại học này tương tự như nhau. Muốn là sinh viên chính thức của Viện Đại học Minh Đức, “tối thiểu phải có bằng Tú tài Việt Nam hay bằng cấp ngoại quốc được Viện công nhận tương đương và qua một kỳ thi tuyển nếu Viện thấy cần (Điều 6). Riêng sinh viên Triết học “phải có chứng chỉ La văn (tiếng Latinh) và Nho văn (Hán văn)” (Điều 10).

Riêng Quy định thi tốt nghiệp để có văn bằng Cử nhân, sinh viên phải có chứng chỉ của chương trình đào tạo 4 năm bên cạnh một số chứng chỉ các môn đặc thù của mỗi ngành; chương trình Cao học là 3 năm. Nếu không có bằng Tú tài, sinh viên có thể dự học với tính cách dự thính nhưng vẫn phải đóng học phí như sinh viên chính thức (Điều 14).

Trở lại Chương trình Đào tạo của Viện Đại học Vạn Hạnh, chẳng hạn với phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn là những thí dụ tiêu biểu của việc thực hiện Luật Giáo dục của Nhà nước thế tục. Sinh viên học ở các phân khoa này ngoài những Chứng chỉ dự bị (nhập môn Văn học, Triết học, Sử-Địa,…) còn có các tín chỉ Ngoại ngữ (bắt buộc với một trong ba ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức; Tín chỉ Ngoại ngữ tự chọn một trong 4 thứ tiếng: Nhật, Hán, Pali và Sanskrit). Đặc biệt Chứng chỉ của chuyên khoa ngoài các môn Văn học Việt Nam, Văn học Đông Phương, Văn học phương Tây được giảng dạy bằng tiếng Việt, tuy vậy, khi thi chứng chỉ sinh viên có thể làm bài bằng tiếng Anh, Pháp hoặc Việt ngữ. Chương trình cũng dành vị trí thích hợp cho các môn học: Văn minh Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Riêng môn Triết học hết sức coi trọng. Ngoài Triết học đại cương, còn có các môn chuyên ngành Triết học Đông phương và Triết học phương Tây, trong đó đặc biệt đi sâu vào các tác giả và tác phẩm.

Ở miền Nam lúc đó, hai tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ xuất hiện từ nửa đầu thế kỷ XX là đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo cũng có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị-xã hội và văn hóa. Nhận thấy điều đó, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ cuối năm 1963, Đệ nhị Cộng hòa tiếp nối đã nới rộng thêm với các Đại học tư thục tôn giáo, đặc biệt là với Cao Đài và Hòa Hảo.

Ngày 24-9-1971, Bộ Giáo dục của chế độ Sài Gòn đã “tạm chấp thuận cho quý tòa thánh (tức Tòa thánh Tây Ninh của Cao Đài) được phép thành lập 1 Viện Đại học tư thục với chương trình đào tạo 2 năm, lấy tên là “Viện Đại học Cao Đài” tại Tây Ninh. Trong giai đoạn đầu, Viện Đại học Cao Đài sẽ có hai phân khoa: Phân khoa Thần học Cao Đài giáo, và Phân khoa Nông-Lâm-Mục (Điều 1). Văn bản này cũng yêu cầu Tòa thánh Tây Ninh cần đáp ứng thêm 1 số điều kiện như: “(a). Một chương trình học để thấy được mục đích giảng huấn làm cơ sở Đại học tương lai; (b). Danh sách đầy đủ nhân viên giảng huấn cơ hữu với điều kiện họ không phải là nhân viên giảng huấn của 3 Đại học công (Sài Gòn, Huế và Cần Thơ) Quốc gia hiện hữu; (đ), nguồn tài chính đảm bảo sự điều hành và hoạt động” (5).

Một tài liệu khác cho thấy, khi khai giảng Khóa đầu tiên của Viện Đại học Cao Đài, người ta thấy có thêm Khoa Sư phạm.

Trường hợp Phật giáo Hòa Hảo lại có nét đặc biệt khác. Nghị định ngày 8-9-1981 của Bộ Giáo dục chính quyền Sài Gòn ghi rõ: “Điều 1. Để hợp thức hóa, nay cho phép Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo mở tại tỉnh lỵ Long Xuyên, tỉnh An Giang, một Viện Đại học Tư thục lấy danh hiệu là “Viện Đại học Hòa Hảo”. Điều 2. Viện Đại học Hòa Hảo tổ chức ba phân khoa là: Phân khoa Đại học Văn khoa và Sư phạm; Phân khoa Đại học Thương mại và Ngân hàng; Phân khoa Đại học Bang giao Quốc tế (6).

Điểm đặc biệt đầu tiên của Viện Đại học Hòa Hảo là không có các phân khoa có tính tôn giáo mà được cấu tạo các khoa quen thuộc của các trường thế tục như: Văn khoa, Sư phạm, Thương mại, Tài chính Ngân hàng,… Dấu ấn của Nhà nước với Viện Đại học Hòa Hảo in rõ trong Nghị định này nằm ở Điều 4, một vị Thứ trưởng của Bộ Giáo dục sẽ đặc trách các phân khoa về Kỹ thuật, Sư phạm, Thương mại,…

Cắt nghĩa điều này, một tài liệu đầy đủ hơn về Viện Đại học Hòa Hảo Khóa 1970-1971, đối với khu vực miền Tây “Viện Đại học Cần Thơ chưa đủ để đáp ứng dân chúng miền Tây… Vì thế, thiết lập thêm một Viện Đại học tư thục ở Long Xuyên trên bình diện xã hội và tôn giáo là rất cần thiết” (7). Mục đích thành lập Đại học này có nét khác các viện đại học tư thục tôn giáo khác ở miền Nam ở chỗ, Viện Đại học Hòa Hảo không có các phân khoa có tính tôn giáo như đã nói ở trên. Viện Đại học Hòa Hảo chỉ tập trung đào tạo “các chuyên viên cho các Nông, Lâm, Ngư, Thủy lợi, Thượng mại, Ngân hàng, Quản trị xí nghiêp, Bang giáo dịch vụ và Đào tạo các giáo sư để dạy từ lớp 1 đến lớp 12 trong các trường công lập và tư thục theo như chính sách của Chính phủ và nhu cầu của xứ sở” (8).

Như vậy, trường hợp Viện Đại học Hòa Hảo là tiêu biểu cho mẫu hình Đại học tư thục của tổ chức tôn giáo (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo) nhưng có sự tham gia điều hành trực tiếp nhất định của Nhà nước để đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực Tây Nam Bộ.

3. Một số các quy định khác về quy chế hoạt động của các Viện Đại học tư thục tôn giáo

3.1. Cơ cấu Ban Giám đốc của các Viện Đại học

Nói chung, Ban Giám đốc của các Viện Đại học tư thục nói trên thường có Viện trưởng, 1 Phó Viện trưởng, 1 Quản lý và 1 Tổng Thư ký, chủ yếu do các Tổ chức tôn giáo lựa chọn và Hội đồng của Viện đề nghị với nhiệm kỳ là 5 năm. Hệ thống các Phân khoa do Viện trưởng bổ nhiệm với nhiệm kỳ 3 năm.

Các biệt, như trường hợp của Viện Đại học Hòa Hảo có sự tham gia trực tiếp của Bộ Giáo dục trong Ban Giám đốc Viện.

3.2 Đội ngũ Giáo sư giảng dạy

Quy định về bằng cấp ở các Viện Đại học này giống như của Giáo dục Nhà nước, đặc biệt còn có quy định cho sự “lưu thông” nhân lực giữa các trường công và tư. Điều 18 của Viện Đại học Minh Đức ghi rõ: “Sau 3 năm dạy liên tiếp, ngoài các Giáo sư hay viên chức của Chính phủ hoặc những người có cam kết với một cơ quan nào, giáo sư nào muốn thì có thể làm giấy cam kết làm việc toàn thời gian cho Viện để vào ngạch giáo sư của Viện, với lương bổng thường xuyên, phụ cấp gia đình, hưu liễm và các khoản bồi hoàn bệnh phí”. Đã là trường đại học, nhất là trường đại học tư thục thì thành phần các Giáo sư xuất sắc luôn là yếu tố đảm bảo uy tín. Thực tế ở miền Nam trước năm 1975, các trường đại học tư thục đều có mối lo âu về đội ngũ người dạy mà bản thân các tôn giáo tự nó không thể cung cấp đầy đủ. Trong khi đó, như điều 18 nói trên chỉ rõ, số khá lớn giáo sư đại học tư đều là những giới chức trong chính quyền, các giáo sư của nhà nước. Vì thế, nếu có “sự cấm cản không cho công chức giảng dạy tại các đại học tư thì thậm chí các đại học tư phải ngừng hoạt động”. Điều 18 nói trên có khả năng giải quyết việc đó và là việc tốt.

3.3. Vấn đề tài chính

Khoan hãy nói đến chuyện khi các tổ chức tôn giáo tham gia giáo dục công cộng thì đó là “pháp nhân phi thương mại” hay không. Thực tế ở miền Nam trước năm 1975, chắc hẳn ban đầu phải tùy thuộc vào sự đầu tư, bảo trợ của các tổ chức tôn giáo nhưng cũng đã đòi hỏi sự bảo trợ, tạo điều kiện vật chất và tinh thần của chính quyền và của các cơ quan văn hóa, giáo dục, tôn giáo của nước ngoài. Trên thực tế, dù kinh nghiệm hoạt động ngắn ngủi của đại học tư có tính tôn giáo, ở miền Nam cho thấy, nếu không có sự tài trợ của giới doanh nghiệp, tư nhân và các thành phần xã hội rộng lớn kể cả chi phí học tập của sinh viên.

Nhận thấy điều này, nhiều viện đại học tư thục có liên quan đến tôn giáo ở miền Nam trong quy chế về tài chính đã xác định: “Tài chính của Viện do số tiền trợ cấp của Chính phủ và quý vị ân nhân cùng tiền học phí của sinh viên và các nguồn lợi tức khác”. Quy định này đôi khi vấp phải một nghịch lý vì như nhận xét của những người trong cuộc cho thấy: “Sự đóng góp của giới công thương, kỹ nghệ hằng quan tâm đến vấn đề giáo dục cũng chưa có gì đáng kể, mà một trong những lý do chính yếu là vì theo luật lệ hiện hành, dù số tiền họ đã tặng cho Đại học rồi họ vẫn còn bị nhà nước đánh thuế lợi tức” (9).

Chủ trương xã hội hóa các hoạt động của các tổ chức tôn giáo đã có từ lâu trong sự đổi mới đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Ở thời điểm này, chúng ta lại đang hướng tới chuẩn bị những điều kiện, kể cả nhưng điều kiện về pháp lý cho việc thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua tháng 11-2016 và có hiệu lực từ đầu năm 2018. Thực tiễn của giáo dục Đại học tư thục có liên quan đến tôn giáo ở miền Nam chưa nhiều, chỉ trong khoảng trên dưới 10 năm nhưng cũng đã có thể cung cấp cho chúng ta một số kinh nghiệm lịch sử.

Thứ nhất, sự có mặt của hệ thống giáo dục Đại học tư thục, trong đó có sự tham gia của các tổ chức tôn giáo là phù hợp với thực tiễn ở miền Nam trước năm 1975.

Thứ hai là với số lượng các Viện Đại học tư thục chưa nhiều (05 Viện Đại học của 4 tôn giáo chính), thời gian hoạt động có hạn nhưng đã để lại kinh nghiệm về những mô hình Đại học tư này. Đó là mô hình những Viện Đại học hoàn toàn phụ thuộc vào các tổ chức tôn giáo cũng như có những mô hình kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với sự đầu tư của các Giáo hội. Song mọi mô hình đều hoạt động trong khuôn khổ của Luật Giáo dục.

Thứ ba, mục tiêu đào tạo của các Viện Đại học tư thục về tôn giáo thường có sự kết hợp giữa mục tiêu đào tạo có thế tôn giáo nhất định với mục tiêu rộng lớn hơn là đào tạo phục vụ xã hội thế tục. Cũng có những trường hợp, loại trường này lại hoàn toàn chỉ dành cho việc ngành nghề có tính thế tục, tổ chức tôn giáo chỉ có ý nghĩa là chủ thể đầu tư mà thôi.

Thứ tư, về nội dung chương trình giảng dạy và học tập của phần lớn các Viện Đại học này đều đáp ứng được những yêu cầu chung của các giáo dục Đại học nói chung, tùy mục tiêu của mỗi trường, mỗi phân khoa có thể có những môn học chuyên biệt. Song điều quan trọng, Nhà nước vẫn nắm vị thế của đầu ra trong việc cấp, phát các văn bằng chứng chỉ cũng như giá trị của văn bằng.

– Chú thích:

1. Xem Thích Minh Châu, Hội đồng Đại học Tư lập miền Nam, Tạp chí Tư tưởng, Viện Đại học Vạn Hạnh, số 2 tháng 12-1974.

2. Xem Nguyễn Thanh Trang, Đại học Tư lập và vấn đề phát triển, trong Tư tưởng Viện Đại học Vạn Hạnh chủ trương năm thứ VIII, Bộ mới tháng 02-1974 do TT. Thích Minh Châu là Chủ nhiệm, tr.43.

3. Cao Thế Dung, Trần Triệu Việt, hình ảnh các Đại học tư Việt Nam, Chính Luận số 3170 ngày 07-9-1974.

4. Xem Nghị định 17-10-1964 do Tổng trưởng Quốc gia Giáo dục Bùi Tường Quân ký, Lưu trữ Quốc gia 2, TP.HCM, phông lưu trữ PTTG/30686. Trong Nghị định này, còn có một số Điều khoản khác về việc thực thi Nghị định này cũng như những tài liệu Phụ lục về Chương trình giảng dạy, thể chế thi cử, các chứng chỉ và tín chỉ cũng như việc học tập, nội quy hoạt động của Nhà trường và sinh viên.

5. Thư của Tổng trưởng Bộ Giáo dục gửi ông Phạm Tấn Đãi, Tòa thánh Đại đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tây Ninh, ngày 24-9-1971. Ký hiệu Lưu trữ Quốc gia 2, TP.HCM: DIICH/4398.

6. Xem Nghị định ngày 8-9-1971 của Tổng trưởng Bộ Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh ký, ký hiệu lưu trữ quốc gia II TP.HCM: DIICH/4398.

7,8. Văn bản đệ trình Bộ Giáo dục của Viện Đại học Hòa Hảo, khoa 1970-1971, ký hiệu lưu trữ quốc gia 2 TP.HCM: DIICH/6172, tr.2, tr3.

9. Xem Nguyễn Thanh Trang, Tài liệu đã dẫn, tr.57.”