Trang chủ PGVN Cửa thiền Những đứa trẻ mồ côi nơi cửa thiền

Những đứa trẻ mồ côi nơi cửa thiền

132

“Người mẹ” đó có tên tục là Lại Thị Gấm (SN 1968), Phật danh là Thích Nữ Trung Châu, sinh ra và lớn lên trên miền lúa Thái Bình, 18 tuổi, bà vào Tp. Hồ Chí Minh học tập, sinh sống. Ban đầu, bà học ngành y với ước mong sau này làm vợi đi nỗi đau bệnh tật của con người. Lúc đó, bà cũng chẳng bao giờ nghĩ sau này mình sẽ dành cả phần đời còn lại để tu hành. Tất cả mọi chuyện chỉ bắt đầu vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi bà lui tới một số ngôi chùa trên địa bàn thành phố để tìm chút an bình nơi cửa Phật. Và rồi, bà dần giác ngộ Phật pháp và tịnh thân.

 

Cổng ngôi chùa Phúc Bì, nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa



Năm 1996, bà theo sư phụ Thích Nữ Lệ Phát tu ở chùa Châu An, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh. Nghiệp tu của bà có cơ duyên từ đó. Sau này, cơ duyên lại đưa bà về đây, chùa Phúc Bì (xã An Thọ, huyện An Lão, Hải Phòng). Chuyện vạn bất đắc dĩ “làm mẹ” của bà nó cũng như cái “duyên tiền định”. Đứng trước những mảnh đời côi cút, bất hạnh, bà không thể cầm lòng. Đến hôm nay, sau 10 năm gom nhặt, bà đã “làm mẹ” của gần 20 đứa trẻ.



Giờ đây, trong số những “đứa con” của bà, không ít đứa đã trưởng thành. Như cô bé Vũ Thị Hồng Vân, cơ cực mưu sinh nơi đất mỏ Quảng Ninh vì cha mẹ bỏ nhau. Em được sư thầy đưa về dưỡng dục và trở thành sinh viên Cao đẳng Hải Phòng hay cậu bé Vũ Đức Cường ngày nào còn lấm lem cóc cáy, lang thang, vạ vật nơi thành phố Cảng, giờ đã là sinh viên trường Cao đẳng QTKD Tp. Hồ Chí Minh…



Trong số những đứa trẻ được sư thầy đưa về nuôi dưỡng tại ngôi chùa nằm khuất nẻo giữa cánh đồng quê lộng gió này, có lẽ hai cậu bé người Mông đến từ xã Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) là Ly Seo Xoáng và Ma Seo Phừ khiến “mẹ Trung Châu” vất vả nhất.



Xoáng SN 1995. Bố mất. Mẹ đi lấy chồng Trung Quốc. Hai anh em Xoáng sống lắt lay, bơ vơ giữa núi rừng như cỏ dại trong căn nhà tạm bợ. Các thầy cô ở trường dân tộc nội trú xã Nậm Chảy thương tình đón về nuôi ăn học. Năm 2010, đoàn từ thiện của sư thầy Trung Châu lên đây tặng quà. Xót xa trước những thân phận mồ côi, sư thầy đã xin đưa Xoáng, Phừ về chùa Phúc Bì nuôi dưỡng.

 

Đang sống ở cái xứ rừng thâm u, mù mịt, ra đường phải vịn cây, vịn đá mà đi, giờ đây, Xoáng xuống ở ngoại ô thành phố Cảng. Ra đường, nhìn xe cộ cuốn nhau đi như đám lá tre rơi vào vùng nước xoáy, Xoáng chóng mặt, không dám đi. Suốt một thời gian dài về chùa, sư thầy phải trực tiếp đưa đón em đến trường.

 

Sư thầy Thích Nữ Trung Châu cùng bé Lại Nhật Đức Thành



Chuyện đường đi riết rồi Xoáng cũng quen. Khó nhất là cái chuyện học và giao tiếp với bạn bè. Vốn tiếng Kinh bập bẹ, mỗi giờ học ở trường THCS Lê Khắc Cẩn (An Lão, Hải Phòng) đối với cậu bé người Mông này nó đều giống học… ngoại ngữ. Biết vậy, sư thầy lại chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm kiếm gia sư bổ trợ kiến thức. Tìm đã khó, nhưng gia sư phải biết “song ngữ” Kinh – Mông lại càng khó hơn. Mất ngót nghét gần hai tháng trời sư thầy lặn lội, Xoáng có thầy mới. Một thầy, một trò. Mỗi buổi Xoáng học, “ngân sách” nhà chùa vơi đi trăm ngàn. Sư thầy bảo, “tốn kém thế nào cũng phải học, học lấy cái đức, cái tài sau này phụng sự cho xã hội”. Nhưng, có lẽ cũng chính vì cái rào cản ngôn ngữ vô hình kia mà lượng kiến thức Xoáng thu được trong những tháng ngày ngắn ngủi đó chẳng là bao. Kỳ thi lên lớp 10 vừa rồi, Xoáng trượt.



Trong khi chờ đợi “mẹ Trung Châu” tìm cho mình một trung tâm bổ túc văn hóa nào đó để học tiếp, Xoáng ở nhà lo quét dọn, trông em và làm… phiên dịch cho Ma Seo Phừ, người bạn Mông cùng “hạ sơn” dạo trước.



Phừ cũng giống Xoáng. Giống đến lạ kỳ ở chỗ: Cùng là người Mông đến từ vùng núi cao Nậm Chảy, bố mất, mẹ lấy chồng, không nơi nương tựa, chỉ có điểm khác, Phừ còn quá nhỏ. Khi về chùa, Phừ mới lên 5, bé như con mèo.



“Có lần Phừ ôm bụng kêu khóc dữ dội, tôi tưởng cháu bị đau ở đâu đó, vội tất tả đêm hôm đưa lên tận phòng khám quen trên Tp. Hải Phòng. Chiếu chụp mãi bác sỹ mới phát hiện cháu bị… bí tiểu. Hóa ra cả ngày ở lớp, cháu buồn nhưng không nói được với thầy cô, bởi không biết tiếng Kinh nên đành nhịn. Thương quá…!”, sư thầy kể.



Cũng trong năm 2010, chùa Phúc Bì còn nhận nuôi một cậu bé chưa tròn ngày tuổi. Cậu được người ta bọc trong tấm khăn mỏng, rốn chưa rụng, kiến bâu đầy. Sư thầy mang về nuôi và đặt tên là Lại Nhật Đức Thành. Không phụ công lao ngày đêm chăm sóc của “mẹ Trung Châu”, ân đức nhà chùa và sự hảo tâm của phật tử, Đức Thành lớn lên không hề ốm đau, sài đẹn, khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú.



Từ đó đến nay, đã gần hai năm đã trôi qua, kể từ lúc sư thầy Trung Châu nhận được duy nhất cuộc điện thoại của một cô gái vào lúc nửa đêm. Giọng đứt quãng vì tiếng khóc và tiếng nấc, người con gái đó nhận là mẹ Đức Thành, chỉ vì đang là sinh viên, trót mang thai với một người bạn cùng lớp. Người bạn trai đó “cao chạy, xa bay” nên cô đành lén lút sinh con rồi ôm gửi cửa chùa, những mong Đức Phật từ bi cứu giúp. Sau đận đó cũng bặt vô âm tín, sư thầy không còn nhận thêm thông tin gì nữa.



Sư thầy bảo: “Sau này Đức Thành lớn lên, nếu cháu có muốn tìm lại bố mẹ, gia đình mình, tôi cũng không ngăn cản. Bởi “cây có cội, nước có nguồn”, Đức Phật phổ độ chúng sinh, cốt sao con người ta hạnh phúc. Đến ngay như hai cậu bé người Mông, ăn Tết Nhâm Thìn xong giờ cũng không còn nương tựa cửa chùa nữa. Phừ được bên chùa Tây Sơn xin về nuôi dưỡng, còn Xoáng thì ông chú ruột trên Nậm Chảy đón về. Trốn mãi không được, hôm chia tay tôi, chia tay nhà chùa, cháu vừa ôm bọc quần áo, vừa khóc lên tận bến xe…”.



Nói đến đây, sư thầy ngừng lại. Tôi cảm nhận được nỗi nhớ nhung của một người mẹ ở bà. Dù không có công sinh thành nhưng gần 20 đứa trẻ kia, bà đã chăm lo, nâng giấc cho chúng từng li, từng tí như một người mẹ thực thụ trong suốt 10 năm đằng đẵng. Để giờ đây, chúng như đàn chim đang sải cánh trên cao, còn bà ngồi đây cóp nhặt ký ức, và lại gom về những mảnh đời bất hạnh bên tiếng chuông chùa.