Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ NV Nguyễn Xuân Khánh: Viết cũng “tùy duyên”

NV Nguyễn Xuân Khánh: Viết cũng “tùy duyên”

73

Ngôi nhà của ông nằm trên một con ngõ nhỏ đường Trần Khát Chân. Ông ở đây từ khi mẹ góa chồng, lâu lắm rồi, năm 1938. Ngày xưa, đây là cái làng Thanh Trì, làng nghèo ven rìa kinh thành. Ngôi nhà lá của mẹ con ông cheo leo bên bờ ao rau muống. Ông nói, cả nhà ông mấy đời sống nhờ cái ao ấy, thả rau, nuôi lợn, bắt tôm cá. Bây giờ thì chẳng còn dấu vết cái ao đâu nữa. Ngôi nhà trải qua hơn 70 năm dâu bể đời người, cũng đã được thay thế bằng nhà tầng. Vợ chồng ông bươn bả nuôi bốn người con trai trưởng thành từ ngôi nhà ấy. Vài lần tôi đến, lần sau thấy nhà sửa sang đẹp hơn lần trước. Ông bảo, nhờ tiền nhuận bút tái bản sách đấy.

Tiểu thuyết Hồ Quý Ly tái bản đến lần thứ 15, mỗi lần hai ngàn cuốn. Mẫu Thượng Ngàn mấy năm nay cũng tái bản liên tục, đã đến lần thứ sáu. Tính ra, sách của ông mỗi cuốn in đến hàng vạn bản, chưa kể sách lậu. Lặng lẽ thế thôi, nhưng ông là nhà văn thuộc hàng được đọc nhiều nhất ở Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết vừa mới ra lò- Đội gạo lên chùa – cũng do NXB Phụ nữ ấn hành làm kinh ngạc nhiều bạn đọc và cả bạn nghề bởi sức viết “kinh khủng” của ông. Con người mảnh khảnh, gương mặt xương xương, hiền lành, thỉnh thoảng thấy ông đạp xe đến các kỳ cuộc của giới văn nghệ, ít nói, chỉ mủm mỉm cười. Mấy năm từ sau Mẫu Thượng ngàn, cứ tưởng ông nghỉ ngơi, hóa ra đùng một cái cho ra mắt cuốn tiểu thuyết dày cộp mà cầm lên là đọc một hơi không dừng được.

Khi ông ra sách, các nhà phê bình và bạn đọc nói nhiều đến văn hóa Việt đầy tiếc nuối, đến những tư tưởng cao xa như “cuộc chiến giành bản sắc”. Nhưng ông thì vẫn chỉ mủm mỉm cười, “toàn chuyện thật cả đấy”.

Phật giáo là một lối sống

14376.jpg

Sau "Hồ Quý Ly" đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2003, thì đến năm 2006, "Mẫu Thượng ngàn"  đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội.

– Vì sao ông lại lấy điểm tựa cho câu chuyện của mình là một ngôi chùa làng, để rồi nhìn bao quát cả một thời kỳ lịch sử thăng trầm của dân tộc trong suốt từ Cách mạng Tháng Tám cho đến tận kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ?

– Kể ra thì cũng hơi dài. Chỉ đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp là đã đủ cho một cuốn tiểu thuyết rồi. Nhưng tôi muốn viết về một cái làng trải dài theo lịch sử như thế, để người đọc có thể hình dung cái làng nguyên sơ xưa ấy cho đến nay nó có khác không. Quê nội tôi là làng Cổ Nhuế, tục gọi Kẻ Noi, là một làng cổ ngay kề Hà Nội. Bây giờ thì khác rồi chứ chỉ độ vài chục năm về trước nó là cái làng chân quê lắm. Tôi sống ở Hà Nội từ nhỏ, nhưng thời gian ở quê rất nhiều. Tôi chứng kiến nhiều chuyện ở cái làng đó. Những chuyện tôi viết trong “Đội gạo lên chùa” và cả trước đó, trong “Mẫu Thượng ngàn” đều dựa vào các câu chuyện có thật cả. Bắt đầu từ ngôi chùa làng, gọi là tôi muốn “lạ hóa” góc nhìn cũng được, mà muốn dựa vào tư tưởng của đạo Phật để lý giải con người, xã hội cũng được. Chủ yếu là tôi muốn viết về đạo Phật. Đạo Phật là một thành tố lớn trong văn hoá Việt Nam. Bất cứ người Việt Nam nào, dù không tôn giáo cũng đều mang chút tính cách, tâm hồn của đạo Phật. Với người Việt, Phật giáo là một lối sống.

– Trước đây, trong cuốn “Mẫu Thượng ngàn” ông cũng viết về một cái làng với đạo Mẫu. Giờ là viết về đạo Phật, vậy cái làng quê ấy về bản chất có khác gì không?

– Cũng là một làng quê Việt cả thôi. Làng quê ấy không hề yên ả, bởi số phận của cái làng đó cũng là thu nhỏ của xã hội Việt trong thời kỳ lịch sử dài dặc ấy. Trong cuộc chiến đấu chống lại những thành tố ngoại lai, và cả tự đấu tranh nội tại, thì cái phẩm chất đẹp đẽ của tâm hồn Việt, sức sống của tinh thần Việt, văn hóa Việt ấy còn lại gì. Có lẽ là tôi muốn lý giải điều đó. Mẫu Thượng Ngàn viết về sự giao lưu văn hóa Đông Tây, trong đó để thấy dù bị “khai hóa” và áp chế thế nào, thì văn hóa Việt vẫn mạnh mẽ. Tuy nhiên, mình phải nhận ra cái hay của họ, đồng thời cũng nhận ra cái yếu của mình để mà tiếp nhận, mà thay đổi.

– Về cơ bản, đạo Mẫu và đạo Phật khác nhau chỗ nào trong tâm thức người Việt?

– Đạo Mẫu độc đáo, nhưng chưa được tạo nên triết lý tôn giáo sâu sắc. Chưa được trí thức đón nhận và đúc kết thành tư tưởng, đạo Mẫu chỉ mới dừng lại ở những tín ngưỡng dân gian. Hạt nhân đạo Mẫu thì đẹp đẽ nhưng chưa phát triển được thành hệ thống tư tưởng, triết lý, thành những tầng sâu văn hóa. Đạo Mẫu bây giờ vẫn phát triển trong dân gian, thôi thì nó cũng là an ủi cho người lao động. Nó để lại di sản âm nhạc, vũ đạo trong những sinh hoạt tín ngưỡng, rất có giá trị. Tuy nhiên, không thể so sánh sự thâm sâu, trí thức như ở đạo Phật.

 

Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam, tuy có lúc phát triển huy hoàng có lúc lắng xuống, nhưng chưa bao giờ đứt đoạn. Ở làng quê nào cũng có một ngôi chùa. Ngôi chùa tồn tại trong cộng đồng làng Việt ấy, không phải là để cho người ta đi tu, mà để gìn giữ một lối sống. Người dân Việt mang đậm tính cách Phật giáo, sức bền bỉ chịu đựng rất ghê, mà tính năng động cũng rất lớn, đó là sức sống và sự cân bằng trong tính cách Việt, chủ yếu được người phụ nữ gìn giữ và truyền từ đời này sang đời khác. Kể cả khi đã tu hành đắc đạo, thì tư tưởng nhập thế ở Phật giáo cũng rất lớn.

 

Tiếng kêu cứu văn hóa?

 

14363.jpg

Vừa phát hành vào tháng 6-2011, cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã nhận được nhiều lời ca ngợi từ giới phê bình.

Những điều đó được ông thể hiện rất rõ qua những nhân vật trong tác phẩm của mình, từ sư cụ Vô Úy, sư thầy Khoan Độ, chú tiểu An, bà vãi Thầm, rồi cả những người phụ nữ làng Sọ…

– Ít nhiều những nhân vật đó của tôi đều bắt nguồn từ một nguyên mẫu có thật ngoài đời. Như sư cụ Vô Úy là hình ảnh của một cư sĩ ở làng, tự học mà thông thạo chữ Hán, biết cả quốc ngữ, kiến văn sâu rộng, thâm thúy, đầy lòng nhân. Sư thầy Khoan Độ là ông anh họ tôi. Còn chú tiểu An, nhân vật chính, là có lần tôi nằm viện, ở cùng một vị sư có lẽ vào bậc đại chân tu, thấy một anh bộ đội đến chăm sóc. Hỏi ra mới biết, anh ấy vốn là chú tiểu theo hầu cụ, rời chùa đi bộ đội và khi ra trận thì cứ bắn đạn lên trời… Đấy, toàn chuyện có thật. Cái tư tưởng Phật giáo hội tụ nhiều nhất ở hành vi và lời dạy của sư cụ Vô Úy.

-Vâng, những nhân vật của ông cũng vậy, như thể là những con người xa lắm rồi, đẹp từ cái tên, như bà Thầm- chị Thì, cô Rong – em Rêu, cậu Trắm – cô Chép, chị Nấm, chị Khoai, chắc hẳn ông có chủ ý khi đặt cho họ những cái tên như vậy?

– Toàn là những cái tên có thật ở làng quê tôi đấy. Tôi thích những cái tên đó. Những con người ở làng từng trải qua nhiều thời đoạn lịch sử, có lúc họ bị chà đạp, rồi có lúc chính họ bị tha hóa. Đẹp nhất có thể nói là thời kỳ chống Pháp, khi đó khung cảnh còn êm đềm từ thành thị đến thôn quê, con người vô cùng trong sáng, vô cùng tử tế. Rồi cải cách ruộng đất làm cho con người trở nên hung hãn, bạc bẽo, nó kích động cái phần tối tăm nhất của con người. Nhưng cốt lõi của tâm hồn Việt vẫn là trong sáng, đẹp đẽ, thuần khiết. Như hình ảnh cái giếng thơm trong vườn chùa, nơi cô Rêu không chịu nổi sự vẩn đục của đời đã gieo mình tự vẫn. Rồi như bà cụ làm hương, tắm rửa thanh sạch, chết trong căn phòng đẫm mùi hương, quyết không để tổn thương tâm hồn, nhân cách.

– Vâng, đọc sách của ông, cảm giác như thấy lại một thế giới đã mất, rất khó hình dung trong cuộc sống hiện tại, cũng không lạ khi có nhà phê bình nói rằng, tác phẩm của ông, như là tiếng kêu cứu về văn hóa?

– Bây giờ thì ở những làng quê cũng không còn nhiều những phong tục, biểu hiện văn hóa như thế nữa. Những con đom đóm lập lòe trong vườn chùa, trò chơi và tiếng hát đồng dao của bọn trẻ, chuyện bắt ve lột rang ăn, chuyện mấy phụ nữ ngồi cặm cụi hân hoan làm cái bánh phồng mật to gần bằng cái nong… có lẽ xa lạ với bọn trẻ bây giờ. Nên có nhiều người đọc sách của tôi mà kêu không hiểu. Tôi thấy kỳ lạ quá.

Ngay cả nhà chùa bây giờ cũng khác, lớp tu mới không còn như xưa nữa. Các vị chân tu như sư cụ Vô Úy, làu thông kim cổ, thấu mọi lẽ đời, nhưng luôn biết giữ cho tâm an tĩnh. Bây giờ các vị ấy “hiện đại hóa” lắm. Tôi là người đi chùa rất nhiều, hầu như các ngôi chùa miền bắc tôi đều đi hết. Và tôi thấy bây giờ họ khác xưa lắm.

Nhà văn phải nói lên những khao khát ẩn ngầm của thời đại

Ngoài trải nghiệm thực tế, đặc điểm của thế hệ nhà văn như ông còn là tự học, đọc nhiều sách đông tây. Ông có ảnh hưởng nhà văn nào không?

– Tôi mê đọc sách từ bé. Hồi mới 9, 10 tuổi tôi đã đọc hết Tự lực văn đoàn. Tôi với nhà thơ Dương Tường, nhà văn Châu Diên là những người bạn cố tri từ thời trai trẻ. Ông Dương Tường giao du rộng rãi với các vị trí thức, văn nghệ sĩ khắp trong ngoài nước, nên ông ấy có nhiều sách tiếng Pháp, tiếng Anh. Chúng tôi cứ chia nhau đọc. Thế mà đọc nhiều lắm. Nhưng nếu nói ảnh hưởng nhà văn nào rõ rệt thì có lẽ là không.

– Cái cách mà ông lý giải con người, cao hơn thế, là kiến giải tâm thức một dân tộc qua biến thiên lịch sử ấy, có ảnh hưởng từ một quan điểm triết học nào không?

– Cái đấy thì có. Tôi đọc Freud và nghiên cứu về phân tâm học. Nhưng triết học và tư tưởng Phật giáo vẫn ảnh hưởng tôi nhiều nhất. Tôi luôn lấy đạo Phật làm điểm tựa để lý giải con người và xã hội.

Đạo Phật, đạo Mẫu, nhân vật lịch sử, xuyên suốt các tác phẩm của ông ẩn chứa một mạch ngầm bản sắc dân tộc, không chỉ là văn chương, mà đôi khi còn là tư liệu. Nên đọc sách của ông không thể đọc nhanh, cũng không chỉ đọc một lần. Nhưng ông có cho rằng nhà văn, không chỉ viết là đúc kết những trải nghiệm, mà cần phải viết gì đó nhiều hơn thế, như một sự tác động đột phá về tư tưởng đối với thời đại mà mình đang sống?

– Cái tư tưởng nhập thế của đạo Phật, thực ra là rất mới. Tôi viết về đạo Phật, nhưng không phải khuyến khích đi tu, mà chính là nói về cái lối sống Phật giáo. Con người sống không rời xa hoan lạc, nhưng lại phải an tĩnh. Trong xã hội hiện đại, hiểu và sống cho được cái lối sống Phật giáo đấy, đã là sự tốt đẹp rồi. Nhà văn, dẫu muốn hay không cũng không thể thoát được thời đại. Nhà văn nào giỏi nhất là viết ra được những vấn đề thẳm sâu của xã hội, nói ra được những khao khát ẩn ngầm của thời đại, của dân tộc. Nhưng cũng như lời Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông mà sư cụ Vô Úy dặn chú tiểu An khi xuất gia nhập thế: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”. Viết văn, cũng cần hai chữ “tùy duyên” ấy.

– Vâng, tùy duyên, nhưng ông còn dự định nào cho văn chương nữa?

– Nếu trời còn cho sức khỏe, thời gian, tôi còn muốn viết một cuốn tiểu thuyết về Hà Nội. Nhưng năm nay 79 tuổi rồi, tôi cũng thấy “chán” mình lắm rồi.

– Vâng, bạn đọc vẫn mong chờ những tác phẩm của nhà văn. Xin cám ơn ông.