Trang chủ Quốc tế Phật giáo tại Ba Lan (*)

Phật giáo tại Ba Lan (*)

80


Bài thuyết trình đầu tiên về Phật giáo đã được tổ chức tại Đại học Wroclaw năm 1876, và nó đã chịu ảnh hưởng bởi sự gia tăng mối quan tâm đến văn hóa và tư tưởng phương đông (như ngã – attà và vô ngã – anattà), vốn đã được báo cáo tại châu Âu giữa thế thế XIX.


Các báo cáo đầu tiên về giáo lý của đức Phật cũng đã được xuất bản vào khoảng thời gian này. Tuy nhiên, những giáo lý ấy (của đức Phật) đã được giải thích như là bi quan, yếm thế và hư vô ngay từ trong bản chất của những giáo lý này. Chẳng hạn như, Niết-bàn (Nibbàna) đã được giải thích là không có gì, v.v …


Đầu thế kỷ XX, các bản dịch đầu tiên về kinh điển nguyên thủy Phật giáo và các chú giải về các bản dịch ấy đã xuất hiện ở Ba Lan. Những kinh sách kết hợp giữa khái niệm của Phật giáo nguyên thủy với tư tưởng Ki-tô giáo và Ấn giáo cũng đã được ấn tống, và đã là nguyên nhân của rất nhiều sự ngộ nhận.


Theo dòng thời gian, các học giả Ba Lan – các nhà đông phương học tiên phong – cũng đã tiếp tục thuyết trình về truyền thống Phật giáo. Trong thập niên 30 của thế kỷ XX, Đại học Warsaw đã tổ chức nhiều buổi thuyết trình về triết học Phật giáo. Nhiều sách được viết bởi các tác giả nổi tiếng trong nước và trên thế giới như: Stanislaw Schayer, Konstanty Regamey, hay Arnold Kunst cũng đã được xuất bản.


Tuy nhiên, cộng đồng hành giả Phật giáo đầu tiên, thuộc Nam tông (Theravàda), được thiết lập ở Ba Lan ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến. Cộng đồng Phật giáo ấy hoạt động trong sự ngấm ngầm, lén lút và bị các cơ quan an ninh theo dõi.


Các đoàn thể Thiền tông (Zen) xuất hiện hoạt động một thời gian ngắn trong thập niên 60, 70. Về phương diện thực hành tâm linh, các đoàn thể Thiền tông này thực hành theo những hướng dẫn đã lãnh thọ từ các vị thầy qua bưu điện.


Vị thầy Phật giáo đầu tiên đến Ba Lan là người Nhật Bản – Roshi Sasaki. Tuy nhiên, sự vân du của vị thầy này không có bất kỳ một ảnh hưởng có ý nghĩa nào đối với sự tiếp nhận Phật giáo ở Ba Lan. Lúc bấy giờ, khoảng 10 năm sau đó, sự cuốn hút vào Phật giáo Tây Tạng bắt đầu.


Kể từ đó, nhiều hội đoàn Phật giáo xuất hiện, một vài trong số các hội đoàn ấy tan rã ngay sau đó, trong khi những hội đoàn khác đã phát triển và gia tăng hoạt động của họ (cũng trong phạm vi xuất bản).


Do những hạn chế đối với việc qua lại biên giới đã được thuyên giảm ở trong nước, nên phật tử Ba Lan bắt đầu du lịch đến các trung tâm Hoằng Pháp được thành lập trong các quốc gia phương Tây khác hay các quốc gia châu Á. Những vị thầy trình bày các truyền thống Phật giáo khác nhau cũng đã bắt đầu đi đến chỗ bão hòa.


Đầu thập niên 80, những đại biểu của các cộng đồng Phật giáo đã tổ chức các cuộc hội họp thường xuyên để từ đó sinh ra ý tưởng về “đại tăng-già – mahasangha” hay “liên tăng-già – intersangha”. Họ đã cử hành chung các lễ hội Phật giáo.


Người ta khó mà xác định con số các hành giả Phật giáo Ba Lan nếu dựa vào các tiêu chuẩn định sẵn. Con số những cá nhân biểu lộ sự quan tâm của họ đến triết học hay thỉnh thoảng tham gia vào các lễ nghi tôn giáo và các buổi thuyết trình mở rộng trên quy mô lớn về số lượng người thì đã đăng ký chính thức trong các cộng đồng tín đồ. Vì thế, con số có thể dao động từ vài trăm cho đến gần ngàn người.


Điều quan trọng đáng lưu ý là, cộng đồng Phật giáo Ba Lan không chỉ giới hạn đối với người Ba Lan bản xứ, mà còn bao gồm cả những người đại diện các cộng đồng dân tộc thiểu số khác. Chẳng hạn như, tiếp theo những thay đổi chính trị chỉ trong một thời gian ngắn của thập niên 80, 90, dòng người nhập cư Việt Nam đã được ghi nhận ở Ba Lan.


Chỉ riêng ở Warsaw, cộng đồng người Việt tha hương bao gồm gần 40,000 người, phần lớn trong số họ là phật tử. Những người Việt tha hương này đã xây dựng một ngôi chùa ở Ba Lan, mà trong ngôi chùa ấy, họ cử hành các lễ nghi tôn giáo và tổ chức các lễ hội có liên quan đến những lễ hội Phật giáo hay những nhu cầu cá nhân.


Cũng có các nhà quản lý đang làm việc tại các chi nhánh Daewoon – Ba Lan hay công ty Hyundai đi cùng với gia đình tham quan trung tâm Thiền Hàn Quốc ở Ba Lan gần thủ đô.


Một trong những trở ngại đối với sự tiếp nhận và phát triển Phật giáo ở Ba Lan – ngoài khuynh hướng chung hướng đến thế tục hóa và sự đánh giá quá cao các giá trị vật chất trong xã hội hiện nay – là ưu thế vượt trội của truyền thống Công giáo.


Xa hơn nữa, sự thiếu các nguồn tài chính và những người bảo trợ, cũng như con số tương đối ít các vị thầy tinh thần ( ví dụ: không có các vị thầy đến từ châu Á cư ngụ tại một cơ sở hợp thức ở Ba Lan) là những nhân tố phụ hạn chế sự phát triển của cộng đồng Phật giáo.


Không có một đoàn thể Tăng cũng không có một đoàn thể Ni nào của Phật giáo ở Ba Lan, mặc dù một vài hành giả đã quan tâm đến vấn đề này. Chúng ta đã báo cáo những trường hợp của các cá nhân ban đầu phát nguyện xuất gia, nhưng sau đó đã hoàn tục.


Trường hợp này có thể được hiểu ngầm trong ý nghĩa thiếu vắng một người gương mẫu trong sáng soi đường dẫn lối – họ không biết làm cách nào để cư xử và để có thể tìm thấy chút ít sự ủng hộ và sự thông cảm từ chính gia đình họ hay từ những thành viên trong xã hội.


Họ vẫn buộc phải giữ sự độc lập trong sự tìm kiếm những con đường để tự duy trì chính họ. Đó là vì trong xã hội phương Tây chúng ta thiếu đi một mô hình giống với mối quan hệ truyền thống giữa một người bảo trợ và một người được bảo trợ, rất tiêu biểu ở châu Á.


Khi đi vào vấn đề giáo dục Phật giáo ở Ba Lan, tôi phải nhấn mạnh rằng, đã có thế hệ phật tử thứ hai ở đây, và bố mẹ tự nhận thấy trong một tình thế, mà qua đó, trên thực tế, họ rất ít đem lại gì cho con cái họ về phương diện xã hội hóa tôn giáo.


Chắc chắn là không có một cuốn sách nào dành cho trẻ em, những lễ hội riêng biệt hay những ngày nghỉ được tổ chức một cách cụ thể, rõ ràng dành cho chúng. Cũng thế, không có một tổ chức thích hợp để tạo ra những cuộc hội ngộ dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng – các nhóm cùng trang lứa mà ở nơi chúng, những khái niệm và tư tưởng Phật học có thể được thảo luận, được hiểu, được thực hành.


Ki-tô giáo là tôn giáo duy nhất cung ứng một nền giáo dục chính quy ngay trong cơ cấu tổ chức hệ thống các trường tiểu học và trung học cơ sở. Để giới thiệu một chương trình tương tựa chỉ tập trung vào giáo lý Phật học cơ bản có thể được tổ chức tại các trung tâm Hoằng Pháp.


Chương trình Phật học cơ bản này có thể làm cho trẻ em hiểu rõ về cuộc đời của đức Phật, những câu chuyện về những bậc thầy vĩ đại, những ý nghĩa ẩn sau các ngày lễ Phật giáo khác nhau, những phương pháp phát triển lòng từ (mettà), sự tập trung v.v … Tôi tin rằng, đây hẳn là vấn đề hệ trọng để phát triển mô hình hoạt động này ở Ba Lan.


Cũng còn thiếu một chương trình Phật học toàn diện tại các trường đại học, ngoại trừ rất ít, những khóa học riêng lẻ về giáo lý, về lịch sử, về văn hóa hay về ngôn ngữ đã được đề cập đến trong các quốc gia Phật giáo tiêu biểu.


Những khóa học này là một phần của chương trình giảng dạy trong các đề tài nghiên cứu văn hóa đại cương, các đề tài nghiên cứu tôn giáo, và ngữ văn học phương đông. Hơn nữa, do thực tế, hầu hết các từ điển được viết hoặc do bởi các học giả thuộc triều đại nữ hoàng Victoria, hoặc do bởi các nhà truyền giáo Ki-tô từ thế kỷ XIX, nên có đôi chỗ nhầm lẫn mà nguyên nhân chính là do dịch thuật không chuẩn xác các thuật ngữ hay do dịch thuật các nghĩa lý không xác thực.


Khi đi vào vấn đề liên quan đến thực hành tôn giáo, có vẻ như rằng, đa phần người Ba Lan có rất ít thời gian và sự rảnh rỗi để tập trung vào nhu cầu tâm linh của họ. Sự tập trung hoàn toàn vào tu tập Chánh Pháp (Dhamma) hay nghiên cứu cổ ngữ là một thách thức thật sự đối với phần lớn trong số những người Ba Lan. Tình trạng mà tôi đã mô tả phản ánh sự thiếu đi nền giáo dục có thẩm quyền và những điều kiện thuận lợi.


Tuy nhiên, thực tế đó không ám chỉ rằng, không có các hoạt động trong lĩnh vực này. Một vài nhà xuất bản nhỏ được thành lập để ấn tống những dịch phẩm kinh điển truyền thống và sách viết về triết học Phật giáo, để trung tâm Hoằng Pháp cung cấp cho một số lớp học về lý thuyết và thực hành.


Mô hình giới thiệu Phật Pháp cho những người không phải là người châu Á, như người Ba Lan chẳng hạn, có thể là đặc thù do bởi những kỳ vọng và thái độ của họ. Người sinh ra ở phương Tây vốn tiếp nhận sự đào tạo giáo dục chính quy tại trường lớp thì dường như thích hợp với thói tò mò, tọc mạch, thắc mắc nhiều vấn đề, hay tập trung vào những chi tiết, và kỳ vọng sự tiếp thu thông qua giải thích.


Người phương Tây thích thảo luận và phân tích phê bình giáo lý, xác nhận chúng dựa trên cái mà họ đã lĩnh hội và được dạy để nhìn thấy như là những sự kiện khách quan. Những khái niệm của Phật giáo thực sự là hoàn toàn mới mẻ đối với người phương Tây, và vì vậy mà họ có thể thắc mắc về những khái niệm ấy.


Ví dụ như, một vài trong số những vị thầy mà tôi đang làm phiên dịch cho họ thì hết sức ngạc nhiên khi người phương Tây đã nghi ngờ sự tái sinh hay khái niệm về Niết-bàn (Nibbàna), điều mà trái lại, đã được hướng dẫn cứ chấp nhận như thế bởi đa số những người châu Á mà bối cảnh tinh thần và văn hóa của họ thì rất khác biệt.


Những miêu tả của truyền thống A-tỳ-đàm về vũ trụ vạn hữu cũng bị bác bỏ hay bị cho là trái ngược với khám phá Trái đất tròn và không phẳng, không có núi ở trung tâm và không có bốn châu, v.v…


Vấn đề này tạo ra thách thức nữa đối với giáo dục Phật giáo truyền thống. Người ta hẳn chỉ chọn những khái niệm và những tư tưởng thuận với lý thuyết vật lý và địa lý hiện đại, hay thuận với khoa học về não bộ vốn tiết lộ cho biết khả năng uyển chuyển của thần kinh trong cơ quan này để thích nghi với sự thay đổi của tình huống và thói quen, cải thiện năng lực của con người về phương diện nhận thức, tri giác, óc sáng tạo, và sự chú ý v.v…


Vị trí của người phụ nữ trong xã hội phương Tây khác rất nhiều so với văn hóa châu Á. Sẽ là sự bất như ý đối với người phụ nữ và có thể tạo ra phản ứng tiêu cực nếu người nào đó xác quyết rằng, sự tái sinh của người nữ thì ít và khuyên bảo họ nên cầu nguyện để được tái sinh thành một người nam.


Những cơ hội như nhau của cả nam lẫn nữ nên được khẳng định trong các trung tâm Hoằng Pháp hay trong các cơ sở giáo dục. Vả lại, có nhiều nữ nhân quan tâm đến Phật giáo và chú tâm đến các sự kiện tôn giáo hơn là nam nhân.


Trong những năm gần đây, Ba Lan đã trải qua quá trình toàn cầu hóa một cách sinh động nhiều hơn nữa. Sự nhập cư càng ngày càng gia tăng và sự giao lưu đã bắt đầu làm thay đổi tình trạng thuần nhất này thành tình trạng đa văn hóa hơn nữa.


Tiến trình tiếp nhận và biến đổi về văn hóa tác động cả người mới đến lẫn quốc gia chủ nhà là điều không tránh khỏi. Mặc dù Ba Lan phần lớn theo đạo Ki-tô giáo, thế nhưng có khá ít định kiến chống lại các phật tử nếu so sánh với tín đồ Hồi giáo hay Do thái giáo là một ví dụ.


Thái độ của nhà thờ Ki-tô giáo đối với những tôn giáo khác được bộc lộ bằng chủ nghĩa độc tôn – cho rằng, Ki-tô giáo là tôn giáo duy nhất có khả năng đích thực cứu rỗi Linh hồn con người.


Một cách tiếp cận nữa được gọi là chủ nghĩa bao biện tất thảy – xác nhận rằng, những tôn giáo khác có thể cũng có một vài yếu tố cứu rỗi, tuy nhiên, sự cứu thế có thể đạt được chỉ bằng quyền năng của chúa Giê-su Ki-tô.


Một vài lập trường đa nguyên có thể được tìm thấy xác nhận rằng, những tôn giáo phi Ki-tô giáo khác cũng có thể là chân chính và sở hữu tiềm năng cứu rỗi. Một trong cách tiếp cận căn bản nhất ở đó quả quyết rằng, thực tại tối hậu thì rất khác với kinh nghiệm của con người chúng ta, mà thực tại ấy thì không thể biểu lộ bằng một thứ giáo nghĩa độc tôn kiểu như thế.


Nó ngụ ý rằng, tất cả mọi tôn giáo đều chân chính nhưng chẳng tôn giáo nào có quyền khẳng định quyền bá chủ của mình . Những cách tiếp cận phóng khoáng này đã mở ra một cánh cửa dành cho một cuộc đối thoại giữa các tôn giáo. Những cuộc hội nghị giữa các tôn giáo và các khóa thiền chung đã được tổ chức kể từ năm 1987. Một vài đạo sư châu Á cũng đã tham gia các buổi hội nghị và khóa tu này.


Các cuộc hội nghị và những sáng kiến khác thì rất hữu ích trong việc nâng cao văn hóa và truyền thống Phật giáo, không chỉ trong giao lưu tôn giáo. Phật Pháp đang dần trở nên được nhiều người ngưỡng mộ hơn và thỉnh thoảng cũng được đánh giá như là một truyền thống tâm linh đích thực hiện đang góp phần vào hạnh phúc cá nhân và vào tiềm năng xây dựng một xã hội hòa hợp nhiều hơn nữa.


Một số người Ba Lan cảm thấy bị lôi cuốn bởi các đạo sư như Hòa thượng Thích Nhất Hạnh và đức Thánh sống Đạt-lai Lạt-ma, và những vị thầy khác.


Đại học Jagiellonian ở Krakow đã trao tặng cho đức Thánh sống Đạt-lai Lạt-ma học vị tiến sỹ danh dự tháng 11 năm 2007. Các cá nhân bị cuốn hút vào vũ trụ quan Phật giáo, bao gồm trách nhiệm cá nhân nằm trong luật nhân quả nghiệp báo (kamma), sự thân thiện môi trường sinh thái, hay sự tôn trọng đối với muôn loài chúng sinh.


Điều này chứng tỏ rằng, Phật giáo, trong phạm vi đề cập trên đây, có nhiều cống hiến cho cuộc sống con người trong thế giới hiện đại ngày nay. Giáo dục là công cụ chính trong sự thăng tiến của con người.


Trong khi giáo dục thế học trang bị cho con người những kỹ năng để tiếp cận với các nghề nghiệp chuyên môn, thì giáo dục Phật giáo lại quan tâm đến sự chuyển hóa nhân cách của con người. Vấn đề này tạo thành nền tảng để trở nên mẫu người tốt hơn, có xã hội và gia đình tốt đẹp hơn.


(*) Tham luận Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 lần thứ V, tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam từ 13-17/5/2008


Tác giả làm việc tại Đại học Jagiellonian, Krakow, Ba Lan


Thích Nữ Hương Nhũ dịch