Trang chủ Thời đại Giáo dục Phật giáo và bức tranh đại học tư tôn giáo ở miền...

Phật giáo và bức tranh đại học tư tôn giáo ở miền Nam trước năm 1975

452

1. Thông qua  việc ghi nhận diện mạo đại học tư tôn giáo ở miền Nam trước 1975, bài viết lưu ý đến việc Phật giáo Việt Nam cần tích cực chuẩn bị cho hệ thống giáo dục xã hội, trong bối cảnh đạo Ca tô La Mã tích cực chuẩn bị và vận động khôi phục việc tôn giáo tổ chức, điều hành hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, từ mầm non đến đại học. Trong đó, việc chuẩn bị nhân sự là rất khẩn trương, dù chỉ mới có những bước tiến chậm.

Hiện nay, việc đào tạo người tu sĩ đạo Ca tô La Mã ở mọi cấp, mọi cơ sở đều căn bản hướng đến mục tiêu người tu sĩ luôn luôn đồng thời là một trí thức, một nhà sư phạm, điều mà Phật giáo Việt Nam hiện đại chưa xác định. Hơn nữa, mục tiêu nói trên được thực hiện một cách âm thầm, kể cả đưa người theo học ở diện rộng các ngành đào tạo thế học (sinh viên tu sĩ mặc thường phục khi đến trường) và đào tạo ở nước ngoài. Trong khi đó, nhiều vị hòa thượng Phật giáo lại vẫn không đồng ý để đệ tử mình học những ngành ngoài Phật học, gồm cả sư phạm, vì lo ngại ảnh hưởng đến tu tập.

2. Bức tranh chung của đại học tư miền Nam trước năm 1975 là bức tranh của các đại học do các tôn giáo thành lập, quản trị điều hành. Đã có các đại học tư như sau:

–    Viện Đại học Đà Lạt: thành lập năm 1957, do đạo Ca tô La Mã.
–    Viện Đại học Vạn Hạnh: thành lập 1964, do Phật giáo.
–    Viện Đại học Phương Nam: thành lập năm 1967, do Phật giáo khối Việt Nam Quốc Tự.
–    Đại học Hòa Hảo: thành lập năm 1970.
–    Đại học Cao Đài: thành lập năm 1971.
–    Đại học Minh Đức: thành lập năm 1972, do Đạo Ca tô La Mã.

Đạo Tin Lành cũng xúc tiến thành lập một đại học, lấy tên Tri Hành, nhưng chỉ ở mức độ sơ khai ban đầu.

Như vậy, các đại học tư tại miền Nam trước 1975 đều do các tôn giáo thành lập và điều hành. Chúng ta lý giải ra sao về hiện tượng này, khi bức tranh đại học tư miền Nam trước 1975 có vẻ như là một cuộc chạy đua giữa các tôn giáo trên lãnh vực giáo dục. Giáo sư Lê Xuân Khoa, một nhà lãnh đạo đại học miền Nam trước 1975, cho rằng hiện tượng này “có vẻ biểu hiện nhu cầu xác lập vai trò và ảnh hưởng của mỗi tôn giáo trong xã hội hơn là nhu cầu thật sự về giáo dục đại học” (Bài “Đại học miền Nam trước 1975: hồi tưởng và nhận định”, đăng tải trên internet). Theo chúng tôi, không còn là “có vẻ” gì hết, mà đây thực sự là điều rõ ràng. Gần 20 năm lịch sử giáo dục đại học tư thục ở miền Nam trước 1975 cho thấy giáo dục đại học tư thục không phải hình thành trực tiếp từ tự thân nhu cầu giáo dục, mà từ nhu cầu ngoài giáo dục, nhu cầu tôn giáo.

Hệ thống giáo dục trung và tiểu học được đạo Ca tô La Mã phát triển rất sớm, có thể ngay từ khi đạo này có mặt rộng rãi tại Việt Nam, đã là một công cụ cải đạo hữu hiệu, một phương tiện ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội, được sớm tiếp nối lên bậc cao hơn, ngay khi có hoàn cảnh thuận lợi ở miền Nam sau 1954. Đó là Đại học Đà Lạt. Đại học tư đạo Ca tô La Mã này là sự tiếp nối đương nhiên của hệ thống các trường đạo cấp trung học, một bước phát triển của việc dùng giáo dục để tạo những tác động tôn giáo.

Đại học Đà Lạt, một viện đại học tổng hợp, đa ngành, còn là sự thể hiện đẳng cấp tôn giáo của đạo Ca tô La Mã. Sở hữu một viện đại học như thế là một món trang sức quý báu vô giá về mặt học thuật. Điều này kích thích việc xây dựng các đại học tư tôn giáo trong thập niên tiếp theo. Sở hữu đại học trở thành một phần diện mạo tôn giáo và các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó rất quan tâm tới điều này.

Đại học tư tôn giáo đầu tiên ở miền Nam là Viện Đại học Đà Lạt, nhưng đại học tư tôn giáo thành công nhất có lẽ là Viện Đại học Vạn Hạnh. Cả 2 tạo thành hình mẫu và chất xúc tác để thành lập các đại học tư tôn giáo tiếp theo trong những năm sau đó.

Tập họp, tạo mối quan hệ và gây ảnh hưởng lên giới trí thức tinh hoa cũng là một trong những mục tiêu của các tôn giáo trong việc thành lập các đại học tư. Trước hết, đó là tác động đến với các vị giáo sư mà đại học quy tụ trong ban giảng huấn. Tiếp đó, là ảnh hưởng tất nhiên đối với các cử nhân được các viện đại học đào tạo.
Các viện đại học tư tôn giáo ở miền Nam trước năm 1975 còn là cơ sở cung cấp kiến thức thế học cho tu sĩ các tôn giáo, thúc đẩy sự phát triển của chính giáo dục xã hội của các tôn giáo.

Việc ở miền Nam trước 1975 các tôn giáo đã có quan tâm đặc biệt đến giáo dục đại học tư thục đã là nguyên nhân khiến đại học tư thục ngoài tôn giáo không thể phát triển. Ngoài viện đại học tư thục của 4 tôn giáo lớn, đã không có một viện đại học tư thục nào khác do các tổ chức ngoài tôn giáo thành lập.

Qua trên, chúng ta có thể phần nào thấy được vai trò của giáo dục đại học trong hoạt động tôn giáo trước năm 1975 ở miền Nam, giáo dục đại học là một phần không thể tách rời khỏi hoạt động tôn giáo. Thành công của giáo dục đại học tư thục tôn giáo phản ánh kết quả chung trong hoạt động tôn giáo, thể hiện vai trò vị trí của tôn giáo trong xã hội.

Hiện nay, phía Ca tô La Mã, ngoài những nỗ lực chuẩn bị chủ quan cho việc tái triển khai giáo dục tư thục đại học tôn giáo như đã nói ở trên, còn có thuận lợi quan trọng là hệ thống các trường đại học tư thục đạo Ca tô La Mã trên toàn thế giới sẽ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho đạo Ca tô La Mã một khi tôn giáo ở Việt Nam được phép thành lập, điều hành đại học tư thục. Giáo dục đại học tư thục đã là một yếu tố tính đến trong hoạt động tôn giáo tương lai. Quan điểm tu sĩ đồng thời là trí thức, là nhà sư phạm không hề trái ngược với sinh hoạt Phật giáo, nên sớm được chấp nhận rộng rãi trong Phật giáo. Tinh thần chuẩn bị cho việc tái triển khai hệ thống giáo dục tư thực tôn giáo đủ các cấp cũng là điều cần thiết đối với giới lãnh đạo Phật giáo, nếu không muốn rơi vào tình trạng bất ngờ, bị động, bỏ lại phía sau.

MT