Trang chủ Thời đại Xã hội Phật giáo và vấn đề an dân trợ quốc ở Việt Nam

Phật giáo và vấn đề an dân trợ quốc ở Việt Nam

81

Triết lý Duyên khởi của Phật giáo có câu:“ Cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt” Hay “Một là tất cả, tất cả chỉ là một”.


Thật vậy, trước sự kiện Việt Nam vừa gia nhập Hội W.T.O, lại thêm Phật giáo Việt Nam ngày càng có nhiều vị tu sĩ trẻ được đào tạo hoàn thành từ học vị Thạc sĩ cho đến Tiến sĩ từ các nước ngoài trở về Việt Nam ngày càng đông, đã làm cho hầu hết người dân Việt Nam phải chuyển mình nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề là chính quyền nhà nước Việt Nam, chư Tôn đức và tầng lớp tu sĩ trí thức Phật giáo Việt Nam cần phải nghĩ ra những giải pháp mới hay đường lối cải cách mới để dân tộc và đất nước Việt Nam cũng như Phật giáo Việt Nam thích ứng với chiều hướng phát triển văn minh hiện đại của toàn thế giới ngày nay.


Người xưa có nói: “Ôn cố tri tân”, nghĩa là muốn biết rõ cái mới thì nên ôn lại cái cũ, để rút ra những bài học cần thiết làm đà tiến thủ cho cái mới phát sanh được tốt đẹp hơn. Vì bài viết có hạn, ở đây chúng tôi chỉ đặt ra hai vấn đề chính: Một, đạo Phật đã đóng góp gì cho dân tộc Việt Nam và đất nước Việt Nam nói chung trong quá khứ và nguyên nhân từ đâu Phật giáo có được những kết quả đó? Hai, Giáo hội Phật gíao Việt Nam cần có những giải pháp mới về vấn đề tổ chức cơ cấu giáo dục của Phật giáo Việt Nam để thích ứng với tình hình của đất nước ta hiện tại nói riêng và trên thế giới nói chung.


Nhìn lại thời gian đã đi qua gần 2000 năm, kể từ ngày Phật giáo bắt đầu du nhập vào Việt Nam (khoãng cuối thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ hai Tây lịch), nói chung Phật giáo đã mang lại cho dân tộc Việt Nam và đất nước Việt Nam một ấn tượng tốt đẹp về truyền thống của mình, đó là tinh thần an dân, trợ quốc. Điều này được minh chứng trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam mà điển hình là qua các giai đoạn lịch sử Việt Nam ở các triều đại nhà Lý và nhà Trần. Ở đây, chúng tôi thiết nghĩ không cần để nêu ra nhiều chi tiết về vấn đề này, nhưng nhấn mạnh vào nguyên nhân gì đã tạo cho Phật giáo Việt Nam có được những thành quả đó?


1.Nội dung của Phật giáo


Triết lý hay tư tưởng đóng vai trò chủ đạo hướng dẫn hành động trên mọi lãnh vực. Do đó, kết quả của hành động hay hành vi đem lại tốt hay xấu là do chủ trương của đường lối tư tưởng hay triết lý đó và cũng do người thi hành có thực hiện đúng đường lối của tư tưởng triết lý đó hay không nữa.


Cũng vậy, sở dĩ Phật giáo có được tiếng như thế, trước hết phải nói là nhờ Phật giáo có được một hệ thống triết lý hay một đường lối giáo dục hết sức đặc thù và đa dạng, làm thích hợp và đáp ứng được nhu cầu học hỏi và thực hiện của quần chúng. Vì thế, trong quá khứ Phật giáo được đại đa số người dân Việt Nam, từ tầng lớp bình dân cho đến tầng lớp trí thức và vua chúa hết sức tin cậy.


 Điển hình về nội dung của Phật giáo: Trong kinh điển Pàli và trong tác phẩm Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo Luận) của Trưởng lão Buddhaghosa, đức Phật đã cung cấp rất nhiều phương pháp về luyện tập tinh thần và các đối tượng của Thiền phù hợp với nhiều cá tính, nhu cầu và khả năng của từng người. Tất cả những phương pháp thực hành này nhắm vào mục đích giải thoát mọi khổ đau của nhân loại. Các triết lý Luân-hồi, Nhân-quả, thực hành Ngũ giới, tích cực làm các công đức, làm lành, lánh dữ của Phật giáo đem lại cho xã hội loài người có được một nếp sống đạo đức làm nền tảng. Tinh thần Từ-Bi, Hỷ-Xả của Phật giáo tạo cho mọi người tình đoàn kết, xích lại gần nhau hơn. Triết lý Phật tánh bình đẳng của Phật giáo làm cho quần chúng tự tin ở khả năng của chính mình, từ đó nỗ lực dứt bỏ những hành vi xấu ác và thực hành những lời dạy của đức Phật để đạt đến sự an lạc, giải thoát và trí tuệ của chính Ngài. Triết lý Trung đạo xa lìa hai cực đoan của Phật giáo, đó là khổ hạnh ép xác và tham đắm dục lạc, triết lý này giúp cho con người có một cuộc sống quân bình về tinh thần và vật chất. Các triết lý về Nhân sinh quan và Vũ trụ quan, Vô thường, Duyên sanh, Vô ngã của Phật giáo đã làm cho nhiều nhà tư tưởng, triết gia, khoa học hết sức thú vị và để tâm học hỏi, nghiên cứu sâu hơn trong các lĩnh vực của họ.


Tư tưởng hay đường lối giáo dục của Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa chứa đựng trong ba tạng: Kinh, Luật, Luận, có nguồn gốc từ hai hệ thống cổ ngữ Ấn Độ, đó là ngôn ngữ Pàli và ngôn ngữ Sanskrit (Tiếng Phạn). Nội dung tư tưởng của Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa đã bổ sung lẫn nhau để duy trì và tồn tại suốt hơn 2500 năm Phật lịch và nội dung đó chưa hề chuyển đổi. Thiết nghĩ, Phật giáo vẫn còn tác động rất tích cực vào xã hội nhân loại trong nền văn minh hiện đại của thế giới nói chung và cho tình hình hiện nay của đất nước Việt Nam nói riêng.


2. Bối cảnh của con người và xã hội văn minh hiện đại ngày nay


Từ thời xa xưa, vấn đề nghiên cứu, khám phá và phát minh là những con đường tốt nhất để mang lại niềm hạnh phúc cho nhân loại luôn là chủ đề thách đố đối với những nhà tư tưởng, triết học, khoa học và các chính trị gia.


Ngày nay, chúng ta thừa nhận rằng con người có một mức sống cao hơn xã hội thời xưa về hai phương diện chính: công cụ lao động và sở hữu vật chất. Hai thành quả đạt được to lớn này là do kết quả của những người thông minh sáng tạo ra những lãnh vực tân tiến về khoa học và kỹ thuật, v.v… trong suốt nhiều thế kỷ qua. Họ hy vọng những thành quả đạt được của họ sẽ dập tắt tất cả những nỗi thống khổ của nhân loại. Tuy nhiên, ngày nay con người vẫn chưa hết những nỗi khổ về sanh, già, bệnh, chết, sầu khổ, ưu não, thất vọng; ngoài ra con người lại còn chuốc thêm những thảm hoạ do bởi nhiều loại siêu vi trùng gây ra bệnh ung thư gan ở người như: các loại siêu vi A, B, C, D, E ; các siêu vi trùng như H5N1, v.v…đang tấn công giết chết hàng loạt các đàn gia súc như: trâu, bò, heo, gà đang sống ở Việt Nam và các nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Indonexia, v.v…; lại thêm thảm hoạ ô nhiễm môi trường làm tác hại đến sức khoẻ của người dân do các chất khí và các chất hoá học thãi ra từ các khu công nghiệp, từ những người nghiện thuốc lá, v.v… Các trận động đất, thiên tai, bão lụt ngày càng gia tăng trầm trọng; con người ngày càng mất niềm tin lẫn nhau. Các cơ sở sản xuất chế biến đồ thực phẩm và đồ gia dụng đã  lạm dụng các chất hoá học trong quá trình sản xuất đưa đến tình trạng người tiêu dùng phải mang trong mình nhiều mầm bệnh ung thư, v.v… Đó là một thực trạng ngày nay, khi nến khoa học kỹ thuật của con người được phát triển cao và dễ dàng để cho quần chúng làm tràn đầy những điều khao khát của họ và những điều khao khát này nhữ họ đến với điều khao khát to lớn hơn trong cái vòng bản ngã bất tận. Vì thế, thực hành Thiền Tiểu thừa là có giá trị cao nhất cho thời nay khi con người theo đuổi quá nhiều điều khao khát. Hầu hết quần chúng bị ảnh hưởng quá mức do bởi những hoàn cảnh xung quanh họ, hoàn cảnh ngày nay thường trù hoặch để kích động lòng khao khát. Bởi vì không ai có thể nhận được điều mình ước muốn, vì vậy những hành động ác bị vi phạm và công đức bị mất đi để đạt đến cái cuối cùng được khao khát. Càng ngày công đức càng giảm dần và điều lầm lỗi càng ngày càng gia tăng và dẫn đến những cuộc chiến tranh về kinh tế, chính trị, thương mãi, giáo dục, v.v… tiếp tục xảy ra trên toàn thế giới.


3.  Vài giải pháp về sự phát triển của dân tộc và Phật giáo Việt Nam:


Theo cái nhìn của Phật giáo, tất cả những nỗi buồn khổ và các thảm hoạ của cá nhân hay của xã hội đều chung qui vào năm yếu tố tiêu cực của tâm, đó là: tham ái, sân hận, kiêu mạn, nghi ngờ và vô minh. Toàn bộ tiến trình tuần tự của Thiền Phật giáo từ Thiền Tiểu thừa, Thiền Đại thừa và Thiền Kim cang thừa có khả năng làm giảm bớt và giải phóng năm tâm triền phược nói trên. Phật giáo chú trọng giáo dục và rèn luyện nội tâm làm chính yếu. Khi tâm người được an ổn thì nó tác động tốt đến sức khoẻ của chính con người và hoàn cảnh bên ngoài. Như thế, nếu Phật giáo làm cho quần chúng được an ổn tinh thần, tức trong đó Phật giáo đã có phần đóng góp vào công cuộc xây dựng nền hòa bình của đất nước Việt Nam nói riêng và cho thế giới nói chung.


Tuy nhiên, chúng ta thấy những lời dạy của đức Phật được chứa đựng trong ba tạng Kinh, Luật, Luận của hai hệ thống Tiểu thừa và Đaị thừa thực tế chưa được phổ biến rộng rãi đến quần chúng trong nước cũng như ngoài nước. Vì thế, có không ít những quần chúng, Phật tử tại gia cũng như xuất gia, thật sự do vì thiếu kiến thức hiểu biết về giáo lý Phật giáo và đã thực hành một cách sai lạc các pháp Thiền, v.v… dẫn đến nhiều loại bệnh tâm thần và đánh mất niềm tin về Phật giáo. Lại có những quần chúng chưa thực sự nghiên cứu cũng như thực hành giáo pháp của đức Phật một cách rốt ráo đã vội buông ra những lời phê phán chỉ trích nặng nề về Phật giáo!


Do đó, các hình thức tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như về các cơ sở kiến trúc hạ tầng: Chùa, Tịnh xá, Tu viện, Trường lớp; các tôn tượng Phật, Bồ tát, Hộ pháp, v.v… nên được tạo dựng từ không đến có, từ ít đến nhiều là để đáp ứng cho nhu cầu học hỏi và tu tập của người dân về Phật giáo. Thiết nghĩ, thêm một ngôi Chùa, một trường Đại học Phật giáo được hình thành là dẹp bớt đi một nhà tù, một thảm họa chiến tranh; thêm một khoá giảng giáo lý Phật giáo, thêm một khoá tu tập về hành Thiền hoặc một khoá tu tập về Tịnh độ sẽ làm cho không ít người dân được an ổn tinh thần và giảm bớt các chứng bệnh trầm cảm hoặc tình trạng căng thẳng do áp lực từ công việc hoặc do hoàn cảnh gia đình và xã hội ngày nay gây ra.


 Ngang qua sự nhận xét và đánh giá chung về đạo Phật và vấn đề an dân trợ quốc đã nói trên, chúng ta có thể mở ra một hướng phát triển mới cho Gíao hội Phật giáo Việt Nam hiện nay nói riêng và cho dân tộc Việt Nam nói chung như sau:


– Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có những cơ sở giáo dục đào tạo về chương trình Đại học và hậu Đại học Phật giáo ở trong nước nhằm phổ cập giáo dục Phật giáo rộng rãi cho các sinh viên nói chung, mà không phải chỉ đáp ứng riêng nhu cầu về nghiên cứu Phật  học cho tầng lớp tu sĩ Phật giáo.


– Các nhà lãnh đạo Việt Nam cần quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam được mở nhiều khoá chuyên tu về Thiền, Tịnh-độ và Mật-tông cũng như việc xây cất thêm Chùa, Tự viện, cho thành lập các hội từ thiện Phật giáo;và bổ nhiệm các tu sĩ có trình độ Phật học cao, có đạo đức để giảng dạy, truyền giáo và trụ trì ở các ngôi Chùa chưa có Sư trụ trì. Ngược lại, tu sĩ Phật giáo, nhất là tầng lớp tu sĩ trẻ năng động, có tri thức, có đào tạo phải phát huy hết khả năng của mình để giúp nhà nước Việt Nam làm tròn sứ mệnh an dân, trợ quốc. Từ đó, chúng ta mới có thể đi đến kết luận “ Dân an thì nước mới an, tâm bình thì thế giới bình”.


Nói tóm lại, một nền văn minh hiện đại tân tiến của khoa học cần có bên cạnh nó nội dung của Phật giáo hay đạo đức của Phật giáo thì nền văn minh đó mới thật sự đóng góp tích cực cho nhân loại và tồn tại lâu dài. Cũng vậy, dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam muốn có được sự an bình thật sự thì nội dung của Phật giáo hay đạo đức của Phật giáo phải được phổ biến rộng rãi đến cho mỗi người dân Việt Nam. Lấy nội dung của Phật giáo hay đạo đức của Phật giáo làm nền tảng chỉ đạo trên mọi lãnh vực hoạt động của đất nước, nhất là biết kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố: khoa  học và nội dung Phật giáo, chúng ta hy vọng sẽ mở ra một tương lai tươi sáng, an bình và thịnh vượng lâu dài cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam nói riêng và cho toàn thế giới nói chung.


1.  Xem ba tạng: Kinh, Luật, Luận của Phật giáo đã được Hội Pàli Text (PTS.)dịch ra bằng Anh ngữ.


– Xem Thanh Tịnh Đạo Luận: Bhadantacariya Buddhaghosa, The Path of Purification (Visuddhi-Magga), tr. Bhikkhu Nanamoli, Malaysia: The Penang Buddhist Association, 1999.


Và một số Kinh và Luận tạng Phật giáo Đại thừa đã  được dịch ra Anh ngữ như:


– Kinh Lăng Gìa: The Lankàvatàra Sùtra, translated from the Sanskrit by D.T.Suzuki, Colorado, 1978.


– Kinh Kim Cang và Kinh của Lục Tổ Huệ Năng: Nanjio, The Diamond Sùtra and The Sutra of Hui-neng, two books, tr. A.F.Price and Wong Mou-Lam, Boston, 1969.


– Xem Luận án Tiến sĩ: Nguyên Hương, Lịch Sử Phát Triển của Thiền Phật Giáo, NXB. Tổng Hợp Tp. HCM., 2005 .


2. Thông tin từ Tin tức thời sự của Truyền hình Việt Nam và Đài BBC. đã loan tải trong thời gian qua.