Trang chủ Thời đại Xã hội Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển

Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển

118

Chúng ta đang sống trong thời kỳ “hậu hiện đại”, và vì thế, những cụm từ “hội nhập”, “toàn cầu hóa”… đang ngày một trở nên phổ biến và thông dụng.


Toàn cầu hoá là xu thế tất yếu và đang cuốn hút các quốc gia trên thế giới tham gia. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, toàn cầu hóa đã diễn ra từ khá lâu trong lịch sử, còn xu hướng toàn cầu hóa mà hiện nay chúng ta đang bước vào là khác hẳn với những gì đã có trong quá khứ, bởi nó diễn ra ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.


Về bản chất, đó là kết quả của sự phát triển của lực lượng sản xuất, cụ thể, tâm điểm của lần toàn cầu hóa này là cuộc cách mạng khoa học công nghệ và nền kinh tế thị trường.


Toàn cầu hoá kinh tế tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các quốc gia mở rộng thị trường, tìm hiểu cơ hội kinh doanh, kết hợp có hiệu quả các nguồn nội lực và ngoại lực để phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia. Nhưng toàn cầu hóa cũng còn được thể hiện ở các mối quan hệ song phương, đa phương ngày càng sâu rộng trong các lĩnh vực khác.


Là một thành tố thuộc kiến trúc thượng tầng, lẽ tất yếu, tôn giáo không chỉ ảnh hưởng từ sự chi phối của kinh tế mà còn phụ thuộc vào mối quan hệ bang giao về chính trị, văn hoá, xã hội giữa các quốc gia.


Với tôn giáo, toàn cầu hóa sẽ dẫn đến sự có mặt của nhiều tôn giáo trong một quốc gia. Nói cách khác, các tôn giáo đều có cơ hội để mở rộng phạm vi, ảnh hưởng của mình ở nhiều nơi hơn trên thế giới.


Có thể nói, toàn cầu hóa mở ra cơ hội nhưng cũng đem đến nhiều thách thức cho các tôn giáo, trong đó đáng lưu ý nhất là quá trình xâm thực và đào thải tôn giáo diễn ra hết sức quyết liệt.


Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là: khi trình độ dân trí được nâng cao, không gian xã hội ngày một mở rộng, con người sẽ không chỉ tiếp cận với một tôn giáo truyền thống vốn có của mình, không chỉ tiếp thu một cách thụ động mà còn biết phê phán, tiếp thu có chọn lọc và hệ quả là sẽ dẫn đến xu thế đa dạng hoá trong tôn giáo.


Như vậy, ngoài quy luật chung mang tính biện chứng của thế giới khách quan mà mọi thực thể trong thế giới đó phải tuân thủ là: có xuất hiện, có phát triển thì chắc chắn cũng sẽ có biến đổi, thậm chí diệt vong.


Ngoài ra, các tôn giáo (trong đó có Phật giáo) còn phải đối mặt với những thách thức mà toàn cầu hóa đem lại. Điều đó đã và đang đặt ra cho các đệ tử Phật nói chung, Tăng Ni Phật giáo Việt Nam nói riêng những sứ giả của Như Lai- một trách nhiệm to lớn và nặng nề để có thể giữ vững và phát triển ngôi nhà Phật pháp.


Là một tôn giáo có mặt sớm nhất ở Việt Nam, với khả năng dung hợp, uyển chuyển và năng động, luôn đề cao tư tưởng “từ bi hỉ xả, vô ngã vị tha”, trên tinh thần giải thoát và giác ngộ; Phật giáo đã nhanh chóng hòa nhập, gắn bó với dân tộc và để lại những dấu ấn sâu đậm trong nhiều lĩnh vực.


Trong lĩnh vực văn hóa: Phật giáo và văn hóa Phật giáo đã là một bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam. Còn tinh thần từ bi hỉ xả và vô ngã vị tha của Phật giáo đã tạo nên tình yêu thương đồng loại – “thương người như thể thương thân” của người dân Việt từ ngàn đời nay.


Tương tự như vậy, đồng hành với dân tộc Việt, dù có lúc thăng lúc trầm nhưng Phật giáo luôn biết phát huy tư tưởng đoàn kết của mình ở cung bậc cao nhất, tạo ra một sợi dây liên kết bền chặt, để cả dân tộc cùng đồng lòng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước trong suốt hơn 2000 năm qua.


Hai mươi sáu năm qua, kể từ khi hợp nhất 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn tăng cường tiếp xúc, mở rộng quan hệ và tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp, tích cực tham gia, đóng góp vào việc phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, vận động quần chúng cùng tham gia hoạt động xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động từ thiện khác.


Trong thời kỳ đổi mới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang cố gắng mở rộng hoạt động giao lưu quốc tế trong tinh thần hoà bình, hữu nghị và đoàn kết với các tổ chức Phật giáo ở nhiều quốc gia và nhiều tôn giáo khác.


Các hoạt động quốc tế ngày càng được mở rộng và phát triển đã giúp tăng cường trao đổi thông tin, góp phần hiểu biết lẫn nhau, mở rộng giao lưu, thể hiện tình đồng đạo của những người cùng chung đức tin và tinh thần yêu hoà bình, thiện chí hợp tác hữu nghị vì lợi ích của đất nước và Phật giáo.


Việc làm này đồng thời góp phần làm cho các nước trên thế giới hiểu rõ hơn về chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế cũng như pháp luật của Việt Nam về tôn giáo.


Nhờ có các quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tạo được uy tín nhất định với các quốc gia có chung đạo Phật, đào tạo được đội ngũ tăng tài có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và một số lượng khá lớn Tăng Ni đang theo học đại học Phật học ở nước ngoài.


Tuy nhiên, trước sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực như hiện nay, Phật giáo Việt Nam thực sự cần thiết có một định hướng cho phù hợp nếu muốn bắt kịp trào lưu của xã hội, bởi sự bất cập sẽ khiến chúng ta tự đào thải.


Như vậy là sẽ phải hội nhập xã hội với một cách tiếp cận mới, mà trong đó, những tri thức mới, tri thức tiến bộ là điều không thể thiếu. Song, vấn đề đặt ra là cần như thế nào và bằng cách nào?


Một xã hội năng động và phát triển khó có thể chấp nhận những gì không phù hợp với nó. Chỉ những cá thể nào ưu tú mới có khả năng tồn tại và phát triển.


Có thể nói, sự tùy thuận là công thức luôn được đặt ra để các thành tố vận hành theo một trật tự của một chỉnh thể xã hội. Và, Phật giáo cũng bắt buộc chuyển mình theo quỹ đạo ấy.


Thật ra, phương thức này đã rất quen thuộc trong tư tưởng của Phật giáo và được các bậc tiền bối vận dụng thành công, mà người đầu tiên chính là Đức Phật với tư tưởng “tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên ”.


Hiện nay, trong nhận thức của nhiều người (kể cả một bộ phận Tăng sĩ), Phật giáo thường đồng nhất với việc lễ bái, cầu nguyện.


Bởi vậy, để có thể hội nhập với xã hội ngày nay, Phật giáo không thể chỉ quan tâm những việc cúng lễ hay công việc từ thiện nào đó, mà phải làm cho nhân dân thấy được những giá trị thiết thực của Phật giáo trong đời sống hàng ngày.


Muốn vậy, cần phải đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực giáo dục, bởi giáo dục chính là con đường, là phương tiện để con người có thể tiếp cận với những giá trị ấy.


Vì vậy, công tác đào tạo Tăng tài cần được chú ý về cả chiến lược và sách lược để đào tạo được những Tăng Ni có cả kiến thức và đạo hạnh, có khả năng phục vụ Giáo hội, phục vụ nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.


Có thể nói, đây là công việc quan trọng và có ý nghĩa nhất, bởi để có thể định hướng đúng cho Phật tử, giúp họ hiểu đúng những giáo lý, tư tưởng của Phật giáo thì Tăng Ni là người trực tiếp thực hiện thông qua hoạt động hoằng pháp.


Do đó, để đạt được hiệu quả cao nhất, công tác hoằng pháp cũng cần đổi mới cho phù hợp với điều kiện hiện tại: những buổi giảng kinh, khoá tu nên tính đến những thời gian thuận tiện cho Phật tử, quần chúng nhân dân như trước hoặc sau giờ làm, ngày cuối tuần…


Bên cạnh hình thức thuyết giảng truyền thống tại các đạo tràng, các chùa cần đẩy mạnh hoạt động hoằng pháp trong các dịp lễ hội, nhất là các lễ hội lớn như lễ hội Yên Tử, chùa Hương…


Nên tổ chức hoằng pháp ngay trong các hoạt động của thanh thiếu niên Phật tử (như ngày quốc tế thiếu nhi, tết trung thu, tư vấn mùa thi…) và trong các sự kiện văn hóa – xã hội của mỗi địa phương.


Việc đa dạng và hiện đại hóa các công cụ, phương tiện hoằng pháp, nhất là phương tiện truyền thông đa phương tiện cũng góp phần làm tăng hiệu quả cho hoạt động này.


Cần tranh thủ và phát huy sức mạnh của tứ chúng trong hoạt động hoằng pháp, đặc biệt khuyến khích Phật tử trẻ, Phật tử vùng sâu, vùng xa tham gia hoạt động hoằng pháp.


Ngoài ra, đẩy mạnh phong trào tu học Phật pháp qua các đợt thi giáo lý, thi thuyết trình Phật pháp, các buổi tọa đàm, hội thảo về Phật pháp, mở rộng và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của các đạo tràng tu học Phật pháp…


Đặc biệt là mở những khóa tu phù hợp cho giới trẻ và doanh nhân, nhằm giúp họ thanh lọc tâm hồn, loại bỏ gánh nặng công việc để mang lại sự thăng bằng giữa thân và tâm cũng là việc cần phải làm ngay hôm nay.


Khi người Phật tử đã nắm rõ các nguyên lý duyên khởi, vô thường, vô ngã của đạo Phật thì họ có thể tiếp cận, thích nghi và chuyển hoá một cách nhanh chóng và dễ dàng những quy luật vốn khắt khe của nó trong nền kinh tế thị trường.


Những đường hướng hoạt động này cũng phù hợp với chương trình hoạt động nhiệm kỳ VI của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2007- 2012).


Theo nhiều nhà khoa học, thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của tôn giáo và hòa bình. Nếu bắt kịp với sự phát triển và hội nhập của xã hội, chắc chắn Phật giáo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đem lại hòa bình, an lạc cho thế giới bởi những giá trị trường tồn của mình, đúng như nhận định của nhà bác học lỗi lạc Albert Einstein: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu được với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại các quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học.


Phật giáo không cần từ bỏ những quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học. Phật giáo là chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học.


Cây cầu Phật Giáo đã kích thích con người khám phá những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính con người và trong môi trường sống xung quanh. Phật giáo, vượt thời gian và mãi mãi có giá trị”.