Trang chủ Văn hóa Du lịch 'Phép lạ' trên hai cây bồ đề chùa Quán Sứ

'Phép lạ' trên hai cây bồ đề chùa Quán Sứ

143

Cây bồ đề to nằm bên trái tam quan được bao phủ bởi màu xanh nõn nà của muôn vàn lộc biếc. Nhìn vào cây, nhiều người có thể liên tưởng ngay đến một mùa xuân tràn trề sức sống.

Trái ngược lại, cây bồ đề nhỏ nằm bên phải tam quan nhuộm vàng cả một góc trời bằng sắc lá úa của mùa thu. Là vàng rụng đầy dưới gốc cây và tràn ngập cả một khoảng vỉa hè phía trước cổng chùa Quán Sứ…

Ở Hà Nội, dù không được trồng nhiều trên đường phố nhưng cây bồ đề thường có mặt ở những nơi tôn nghiêm như đền, chùa, đài tưởng niệm.

Trong quan niệm của người Việt Nam, loài cây này là biểu tượng của trí tuệ và tinh thần khoan dung của Phật giáo.

Theo sử tích, Thái tử Tất-đạt-đa Cồ đàm đã ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề và đạt tới sự giác ngộ, trở thành Đức Phật.

Trong thời điểm giao mùa, hai cây bồ đề trồng hai bên tam quan của chùa Quán Sứ bỗng mang hai màu lá hoàn toàn trái ngược.

Một cây nõn nà chồi biếc, cây chơi vơi lá vàng.
Như sự tương phản giữa mùa thu phai…
…và mùa xuân tươi xanh mơn mởn.
Sự trái ngược giữa vẻ đượm buồn, trống vắng…
…bên cạnh lại là nét tươi vui, viên mãn. 

Tưởng như đối lập hoàn toàn, nhưng cũng thể hiện mối quan hệ mật thiết trong giáo lý nhà Phật giữa sự tàn úa, cái chết…

…và sự tái sinh trong cõi đời.
Bánh xe vô thường cứ thế quay vòng giữa bốn mùa, giữa sự sinh và diệt.
Lá rụng đầy dưới cội.
Nhưng những chồi non vẫn nhú trên thân cây bồ đề tàn úa.
Và chỉ một thời gian nữa, lá vàng sẽ trút hết để nhường chỗ cho chồi xanh, lộc biếc.