Trang chủ Thời đại Xã hội 'Quảng cáo' không sát sinh trên TV: Phóng sinh gián tiếp

'Quảng cáo' không sát sinh trên TV: Phóng sinh gián tiếp

52

Tu hạnh bất sát, ngoài việc không sát sinh, còn là việc theo đuổi các việc làm phóng sinh, trợ sinh, đồng thời làm tất cả để ngăn cản việc giết chóc đối với muôn loài..

Tựa đề của bài viết này là “Quảng cáo” không sát sinh trên TV”… Từ “quảng cáo” được dùng cho dễ hiểu, thực phải nói cho chính xác là truyền thông, nên từ quảng cáo được đặt trong hoặc kép.

Thực tế, việc truyền thông không sát sinh khó có thể đặt trong mục quảng cáo của các đài truyền hình. Và không sát sinh cũng chưa thể trở thành một dạng truyền thông công cộng có tính chất cổ động như tiết kiệm điện, phòng chống dịch bệnh…, vì chưa trở thành một tập quán xã hội, dù đây là việc công ích.

Nếu chúng ta thực hiện những video clip quảng cáo vận động không sát sinh, thì phần chắc, các đài truyền hình trong nước sẽ không chấp nhận, vì quảng cáo vẫn được hiểu là phải nhắm vào sản phẩm nào đó. Nếu chỉ kêu gọi không sát sinh nói chung (dù không phải là lý do tôn giáo), cũng vẫn là điều quá xa lạ, chưa thích hợp với cách làm truyền hình trong nước hiện nay.

Nhưng cách giải quyết vấn đề lại nằm ở ngay chỗ này, tức là đưa nội dung không sát sinh vào các video clip quảng cáo. Thông qua việc quảng cáo một sản phẩm nào đó để truyền tải nội dung truyền thông không sát sinh đến công chúng rộng rãi.

Chẳng hạn, nội dung truyền thông vận động không sát sinh chẳng hạn có thể được lồng vào video clip quảng cáo mì chay chẳng hạn, thì có thể dễ dàng đưa lên sóng truyền hình trong nước.

Trong lý luận về truyền thông, để vận động, quảng cáo hay tuyên truyền cho một mục tiêu nào đó, thì một trong những lựa chọn thường dùng là đưa những nội dung tương phản, từ đó hướng công chúng theo nội dung ngược lại.

Thí dụ, quảng cáo thuốc nhức đầu, giảm đau thì đưa những hình ảnh khổ sở của nhưng cơn đau đầu; quảng cáo kem đánh răng thì đưa những hình ảnh đau đớn của bệnh sâu răng; quảng cáo xà bông thì đưa những hình ảnh quần áo tay chân dơ bẩn, hoặc giặt rửa không sạch, nếu không dùng loại xà bông được quảng cáo.

Cách làm như trên chúng ta vẫn thường thấy trên sóng truyền hình.

Như vậy, quảng cáo mì gói chay chẳng hạn, thì có thể đưa những hình ảnh gây đau khổ cho súc vật từ việc sát sinh làm thức ăn mặn (như cắt cổ gà, thọc huyết heo…) để khơi dậy ở khán giả lòng thương yêu chúng sinh, không ăn mặn mà ăn chay và ăn mì chay.

Tác động vào tình cảm, lòng từ bi của con người, một bản tính tự nhiên, chắc chắn, sẽ đưa tới kết quả nhất định, dù mức độ có thể tùy theo từng người.

Chẳng hạn, một người có thể ăn thịt chó thoải mái, vì cho là thịt chó ngon, nhưng chắc chắn họ sẽ ăn thịt chó không như trước sau khi thấy cảnh đập đầu chó, thọc huyết chó man rợ, gây nên nỗi đau cho một loài vật thân thiết với người, một loài vật thông minh và có tình cảm.

Chúng tôi được biết trường hợp cả một gia đình ăn chay, dù không phải Phật tử, chỉ vì họ ở gần một lò mổ heo và kế một tiệm bán thịt mèo. Nỗi bất nhẫn, thương tâm do việc chứng kiến thường xuyên nỗi đau do sát sinh gây ra khiến người ta không dễ gì ăn thịt bình thường như những người chưa bao giờ thấy nỗi đau của việc giết hại.

Cũng nghe kể lại trong một đám cưới ở quê, thực khách không còn muốn ăn thịt bê khi thấy cảnh bò mẹ tìm thấy bê con khi bê đang bị đập đầu giết thịt, khiến bò mẹ hóa điên, lồng lộn kêu la thảm thiết, bi thương.

Cho dù không theo đạo Phật, nhưng lòng nhân từ, bi mẫn thì ai cũng có. Vấn đề làm sao khơi dậy tấm lòng nhân từ bi mẫn để hướng tới việc hạn chế sát sinh. Chiếu những đoạn video clip quảng cáo có tác dụng khơi gợi lòng thương yêu loài vật, gây xót xa trước cái chết của loài vật là một cách làm hiệu quả. Và như đã nói có thể  dễ dàng đưa lên sóng truyền hình hàng ngày cách lồng vào việc quảng cáo thức ăn chay.

Năm 1988, chính phủ Hàn Quốc muốn cải thiện hình ảnh đất nước trước Thế Vận Hội Seoul 1988, vốn hoen ố ít nhiều vì người phương Tây ác cảm với việc ăn thịt chó của người Hàn, đã vận động người dân không ăn (đúng ra là bớt ăn) thịt chó đồng thời với việc cấm bán, thịt chó, cấm giết chó để ăn trong thời gian trước và trong Thế Vận Hội, bằng cách cho chiếu trên truyền hình quốc gia những hình ảnh gây xúc động về những con chó bị giết thịt để ăn. Kết quả là không những trong mà sau Thế Vận hội Seoul, việc ăn thịt chó ở Hàn Quốc giảm hẳn.

Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường cũng làm cách tương tự. Thí dụ vận động hạn chế việc giết thịt cá voi bằng cách thuê chiếu những hình ảnh tàn ác của việc săn cá voi, vận động hạn chế dùng những sản phẩm từ hải cẩu bằng cách chiếu thường xuyên cảnh thương tâm của những con hải cẩu bị giết, hải cẩu mẹ giãi gụa trong vũng máu trước mắt hải cẩu con…

Một trong những cách làm khác trong hướng đưa những video clip khai thác sự tương phản là thể hiện vấn đề an toàn vệ sinh của thực phẩm giết thịt.

Cuối tháng 11/2010 vừa qua, sau khi Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin người ta có thể dùng hóa chất giá rẻ biến một tảng thịt thối đã ôi thiu từ lâu, thành một tảng thịt tươi bắt mắt và ngon lành về mùi vị, thì được biết nhiều người không dám ăn thịt heo, hoặc ăn không thấy ngon như trước. Đây là điều đương nhiên, ai cũng vậy.

Một số hộ, dù ở thành phố, do e ngại vấn đề vệ sinh thực phẩm đối với rau xanh, đã tạo vườn vườn rau riêng để gia đình ăn. Nhưng điều chắc chắn là việc tự nuôi bò, nuôi heo, nuôi gà,… để ăn trong gia đình quanh năm là điều hầu như không thể thực hiện.

Kinh sợ trước thịt ôi thiu làm tươi bằng hóa chất, rất rẻ và rất nhanh, ai làm cũng được, thì chỉ có cách trông cậy vào thức ăn chay chế biến tinh khiết, hợp vệ sinh. Truyền thông cho điều này, nằm trong tay các nhà sản xuất thực phẩm chay.

Còn về phía Phật tử tu hạnh bất sát, từ bi, thì phóng sinh gián tiếp bằng cách truyền thông không sát sinh, có thể làm ngay với những video clip quảng cáo, có thể có tác dụng nhiều hơn, cứu được nhiều sinh mạng chúng sinh hơn, và với chi phí thấp hơn, so với phóng sinh trực tiếp bằng cách thả chim, thả cá, thả rùa…

Những nhà hảo tâm tu hạnh từ bi, phóng sanh có thể hỗ trợ cho những nhà sản xuất thực phẩm chay đưa lên truyền hình những video clip quảng cáo có nội dung vận động không sát sinh.

Còn chính những Phật tử có thể đưa những video clip đánh thức lòng tư bi, thương yêu muôn loài bằng cách tài trợ cho những chương trình ca nhạc video chẳng hạn đổi lại việc đưa video clip truyền thông nội dung không sát sinh vào dĩa DVD chẳng hạn, theo các thể hiện tương phản.

Các tờ báo in Phật giáo có thể vận động các nhà sản xuất thực phẩm chay, thí dụ mì chay chẳng hạn, thay thế quảng cáo sản phẩm bằng hình ảnh gói mì, bằng những hình ảnh có tác động hạn chế sát sinh tích cực hơn có hiệu quả đưa tới phóng sinh gián tiếp, như dùng mì chay là bớt đi cảnh (bằng hình ảnh gạch chéo phủ nhận) đập đầu cá, cắt cổ gà, thọc huyết heo… chẳng hạn.

Các vị tôn đức lãnh đạo giáo hội, bằng uy tín, bằng đạo cao đức trọng có thể đứng ra tích cực vận động lãnh đạo chủ quản các đơn vị truyền thông có những chương trình truyền thông công ích với nội dung bất sát, như vận động không săn bắn thú rừng chẳng hạn. Các nhà hoạt động môi trường vận động dưới quan điểm đa dạng sinh học, còn các nhà lãnh đạo Phật giáo có thể vận động dưới quan điểm từ bi nhằm hạn chế nỗi đau của những thú rừng khi bị bắn giết.

Tại hội nghị chuyên đề bảo vệ hổ trước nguy cơ bị săn giết diệt chủng vừa mới được tổ chức tại Saint Petersburg, Nga hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Putin một số kênh truyền hình Nga đã chiếu các video clip vận động không bắn giết hổ. Nhưng thủ tướng Nga không chỉ vận động có những video clip không hạn chế việc bắn giết động vật, mà chính ông chỉ đạo chiếu đi chiếu lại video clip mà chính thủ tướng giữ vai trò chính. Đó là video clip ông Putin đang cầm bình sữa cho một con nai mồ coi mẹ bú vì nạn săn bắn. Đây cũng là một cách truyền thông phóng sinh gián tiếp và tất nhiên rất có hiệu quả vì nhân vật cổ động lại chính là một vị thủ tướng.

Thả chim, thả cá hay sử dụng truyền thông vận động bớt giết gà, mổ heo cùng đều đưa tới việc cứu cho, giúp càng nhiều cho mạng sống muôn loài, tùy theo hoàn cảnh đều có thể khai thác, vì mục tiêu từ bi, bất sát của đạo Phật.

MT