Trang chủ Quốc tế Sanchi (Xrilanca) – Di sản cổ nhất của nghệ thuật Phật giáo

Sanchi (Xrilanca) – Di sản cổ nhất của nghệ thuật Phật giáo

138

Cũng tại Sanchi, vào khoảng năm  250 trước công nguyên, vị vua sùng Phật Asôka đã cho dựng một ngôi tháp lớn (tháp Sanchi I). Một thế kỷ sau, dưới vương triều Sunga (180-150 năm trước công nguyên), ngôi đại tháp Sanchi này được tu bổ và làm lớn gấp đôi so với trước đó. Hiện nay ngôi tháp cao 16 mét và có đường kính là 36 mét.


Đại tháp Sanchi là một trong những di tích kiến trúc tháp Phật giáo cổ nhất hiện còn. Qua ngôi tháp này, người ta biết được  những ý niệm và những biểu tượng nguyên thủy của môn kiến trúc tháp của đạo Phật. Tương truyền khi còn sống các môn đồ của Phật đã hỏi Phật về ngôi mộ tương lai của ngài. Đức Phật không nói gì mà chỉ đặt tấm áo cà sa xuống đất rồi úp ngược chiếc bát xin cơm lên đó.


Từ mô hình ban đầu đó tới tháp Sanchi, tính biểu tượng và chức năng của tháp Phật giáo đã được phát triển lên thành một triết lý: khối bán cầu của thân tháp là bầu trời, biểu tượng của sự bao la vô tận của cõi Niết bàn, chiếc trụ trung tâm là hình ảnh của trục Vũ Trụ nối liền trời đất với nhau những chiếc ô phía trên là biểu tượng cho quyền uy và các nấc thang dẫn tới Niết bàn.


 


Đến thời Sunga, đại tháp Sanchi không chỉ được làm lớn hơn mà còn được bổ sung thêm một số chi tiết: làm thêm con đường chạy đàn (Pradaksina) quanh chân tháp, lối rào gỗ bao quanh và bốn cổng gỗ được thay thế là hàng rào làm bằng đá (veđika) và các cổng đá (tôrana), chân của cán ô được thay bằng khối đá vuông (harmika).


 


Ngoài ngôi đại tháp do vua Asôka xây dựng ở Sanchi hiện nay còn có một vài ngôi tháp Phật giáo được xây dựng ở thế kỷ II và thế kỷ I trước công nguyên (tháp Sanchi II và tháp Sanchi III). Trong hai ngôi tháp này, có giá trị hơn là tháp Sanchi III với các cổng đá đẹp của thế kỷ I trước công nguyên. Trong lòng ngôi tháp Sanchi III, người ta đã tìm thấy hai hòn xá lỵ có ghi tên hai môn đồ của Phật: ngài Sariputra và ngài Mahamôgalana. Hai ngôi tháp này đều có hình dáng và cấu trúc giống ngôi đại tháp nhung kích thước nhỏ hơn.


 


Các tháp Sanchi, đặc biệt là đại tháp, ngoài giá trị kiến trúc còn là những nơi lưu giữ cho muôn đời sau những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ. Đại tháp với bốn  chiếc cổng được tạo nên trên mặt các thanh đá, bao phủ kín bằng những hình ảnh chạm khắc thể hiện nhiều chủ đề khác nhau: các biểu tượng Phật giáo, truyền thuyết Phật giáo, cỏ cây, hoá lá, chim thú, thần linh…Quả thật, hầu như mảng điêu khắc nào của đại tháp Sanchi cũng đều xứng đáng là kiệt tác nghệ thuật.