Trang chủ Văn học Thầy giáo của tôi

Thầy giáo của tôi

94

Còn tôi, mãi đến giờ đây tôi mới nhớ đến những kỷ niệm về Thầy.

Thầy  tôi  không giống hàng vạn các Thầy Cô khác về trang phục, về trường lớp, về cuộc sống thường nhật hàng ngày. Thầy tôi không đứng trên bục giảng cho vài chục trò, không có trường lớp khang trang, không có tiếng trống trường, không có ban Giám hiệu, cũng không có thầy Hiệu Trưởng mà đặc biệt là Thầy, cô tôi không được lĩnh lương bao giờ.

Ngày ấy, trường lớp của ba đứa nhóc chúng tôi lúc là mái hiên nhà chùa, lúc dưới gốc mít , lúc lại trước cửa Tam Bảo có lúc lại là trước cửa hầm tránh bom đạn.

Với tấm bảng đen là mấy miếng cót ép được cô ghép thành tấm bảng và đem sơn, hay là viết ngay xuống nền gạch, có khi cả Thầy trò lấy que làm phép tính cộng trừ ngay trên nền đất.

Có những buổi học xong mặt mũi, tay chân Thầy trò chúng tôi nhem nhuốc dính đầy đất cát. Lại có những buổi học không giống ai của mấy thầy trò chúng tôi ngay trên mảnh đất vườn chùa.

Bài toán Cô cho chúng tôi là đếm những cây rau, những trái chanh, trái bưởi, những thùng nước nhỏ được cộng trừ, nhân, chia ra làm nhiều phần hay đã tưới cho mỗi luống rau, mỗi gốc cây bao nhiêu thùng nước cộng lại là bao nhiêu, cứ thế sáng nào cũng vậy.

Bảng cửu chương chúng tôi học thuộc trong lúc Thầy trò chúng tôi ngồi xe nhang. Chỉ có khi luyện chữ thì Cô mới viết trên bảng và chúng tôi mới được viết bằng bút chì trên giấy.

Giấy viết của chúng tôi được Cô  không biết kiếm đâu ra tập giấy mầu đất, mặt trang giấy thì sần sùi. Sách giáo khoa thì cũ ơi là cũ, bìa bọc sách là giấy gói của bao đựng xi măng.

Có những ngày tháng chiến tranh ác liệt quá, Thầy trò chúng tôi tranh thủ học luôn trong hầm tránh bom. Ấy vậy mà đứa nào cũng sáng dạ, tiếp thu rất nhanh và đặc biệt là rất vui, mặc dù cả thầy trò chúng tôi thiếu thốn đủ mọi thứ, bữa ăn sáng là rổ khoai sắn Cô trồng ở vườn chùa.

Áo của Thầy trò có khi đầy miếng vá, mùa đông đến trời ét căm căm mà trên người Thầy trò chúng tôi cũng chỉ có mong manh cái áo vải, lúc đó cả xã hội đều nghèo như thế, nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười.

Các buổi học của chúng tôi là thế. Nhưng không phải ba trò chúng tôi lúc nào cũng chăm chỉ nghe theo lời Cô. Có những lúc ba trò chúng tôi cũng bày ra bao nhiêu trò ma mãnh dại dột làm cho Cô cũng bao phen hết hồn như có lần trò Hòa bày ra trò giả vờ chết đuối Nó thấy Cô đi tới giả vờ nằm úp mặt xuống và nín hơi, nổi lềnh bềnh trên mặt nước làm cho Cô tưởng thật ném luôn chiếc cuốc trên tay để nguyên cả dép nhảy ùm xuống, khi tới nơi thì nó vùng dậy cười sằng sặc, trên bờ chúng tôi reo hò “cô tẽn tò rồi”.

Có những buổi học chúng tôi rủ nhau trèo lên cầy mít và ngồi nín thinh trên đó, đến giờ học như mọi khi mà Cô không thấy bóng dáng trò đâu bèn đi tìm, tìm hết tất cả trong chùa không thấy. Cô tất bật đi tìm khắp nơi với khuôn mặt lo âu, còn chúng tôi vẫn thi gan ngồi trên cây mít khúc khích cười ra điều thích thú lắm.

Có khi cả bức tường nhà chùa sạch như thế ba chúng tôi nhặt luôn cục than củi thi nhau vẽ, viết đến hết tầm với tay thì mới thôi, làm cho cả thầy trò một phen tẩy rửa cả tiếng đồng hồ vẫn không hết vết, sau đó thì chúng tôi được Cô cho một bài học về ý thức giữ sạch đẹp nơi công cộng… từ đó không đứa nào dám vẽ bậy nữa.

Có một lần Cô ra đề bài tập làm văn tả người, trò Lan lấy luôn hình ảnh Cô để tả “… Cô tớ có đôi mắt to đen như hạt nhãn, Cô có cái đầu nhẵn thín, trọc lốc cốc như cái trái bưởi xanh, nhưng nó lại không tròn mà còn nhô ra ở đằng sau, trông xấu ơi là xấu. Không  thấy cô phải gội đầu bao giờ vì vậy mà tóc cô không mọc được …” đã thế nó còn minh họa Cô luôn trong bài văn đó bằng một hình vẽ đến tức cười ( vì trò này có năng khiếu về vẽ mà), ở thời đó chứ ở thời này chắc bài văn  này đã được lên mạng liệt vào bài văn “bất hủ” rồi. 

Ngoài giờ học văn hóa, chúng tôi còn thỉnh thoảng được cô cho ngồi cùng Cô trên chính điện để nghe kinh Phật nhưng rất hiếm hoi, vì ngày đó nhà Chùa đâu được phổ biến kinh Phật cho bọn trẻ vì sợ “đầu độc”. Ngay đến việc người dân đi lễ chùa cũng gần như không có ai. Cô còn dạy chúng tôi học khâu vá, thêu thùa, dạy cả chúng tôi nấu cơm, nhặt rau nữa.

Rồi những ngày tháng đi sơ tán cũng kết thúc ba chúng tôi cũng đến ngày phải tạm biệt thầy ra về. “Yến tiệc” chia tay của thầy trò chúng tôi là rổ khoai lang cô bới lên từ vườn chùa, mấy trái bưởi hãy còn non nên nó còn vị đắng và rổ táo bé xíu chua loét, ngày thường chắc chúng tôi ăn ngấu nghiến nhưng hôm đó không đứa nào buồn ăn, Cô hối mãi mỗi đứa mới cầm lên cho vào miệng mà không buồn nuốt.Trò Hòa hàng ngày nó ăn nhiều nhất mà hôm đó nó cũng không  sao ăn được.

Hôm đó Cô chỉ ngồi ngắm chúng tôi, mà không nói gì nhiều, gần đến giờ về cô gói hết chia cho ba đứa chúng tôi và bảo là mang đi ăn đường. Trước khi đi cô ngồi tết tóc cho tôi và trò Lan, giờ chia tay cũng đến trò Lan và tôi khóc nức nở còn trò Hòa thì mím chặt môi cố tỏ vẻ ta đây là nam nhi không mít ướt như bọn con gái, nhưng mắt thì đã rơm rớm nước. Trước khi chia tay ai cũng hữa là sẽ viết thư cho Cô .

Được một vài tháng đầu chúng tôi còn viết thư cho nhau, cho Cô, thư viết vài chữ đơn sơ của con trẻ viết cho Cô, Cô viết lại bảo nhớ chúng tôi lắm, mỗi lần nhớ ba chúng tôi quá, Cô chỉ còn biết tụng kinh thôi và hàng ngày Cô vẫn xin Phật phù hộ độ trì cho chúng tôi. Cô căn dặn chúng tôi đủ điều y như một bà mẹ lo cho con khi ở xa nhà ấy.

Con trẻ chúng tôi nhớ là thế, nhưng cũng lại quên nhanh lắm, chúng tôi theo cha mẹ thay đổi nơi ở, rồi mãi chơi đùa với bạn bè mới, mỗi chúng tôi rồi cũng dần quên mất cả Cô, còn Cô thì chắc không bao giờ quên chúng tôi, chỉ tại chúng tôi không gửi địa chỉ mới cho Cô, Cô gửi thư mãi cho ba đứa mà không có hồi âm. Ba chúng tôi cũng không còn liên lạc gì với nhau.

Bao năm mải mê với học hành, cơm áo gạo tiền, tôi đã quên Cô, kể cả lúc tôi đã thành danh, và  những ngày tháng no đủ. Tôi đã quên một Sư Cô đã là Cô giáo của tôi vậy mà tôi đã quên hết, quên đi những bài học Cô đã dạy. Quên người Nhà Giáo như người mẹ tôi ấy, để mãi đến hôm nay khi mà đã quá mệt mỏi với chuyện đời, tôi mới ngồi nhớ đến người Thầy đáng lý ra người mới là Nhà Giáo mà chúng tôi phải tôn vinh nhất “Thầy nhà giáo” đặc biệt của ba đứa chúng tôi.
 
Sài Gòn tháng 11 năm 2011
Giác Hạnh Hoa