Trang chủ Thời đại Giáo dục Thời thế và vấn đề giáo dục của Phật giáo Việt Nam

Thời thế và vấn đề giáo dục của Phật giáo Việt Nam

62

Thời gian qua, trong khi nhiều bài báo, bài nghiên cứu, sách của các tu sĩ đạo Ca tô La Mã ở Việt Nam liên tục đặt vấn đề cho yêu cầu “Giáo hội Công giáo Việt Nam” được tham gia vào hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, nói cách khác là yêu cầu Giáo hội này được mở lại trường học, bệnh viện, các hoạt động truyền thống văn hóa như trước năm 1975, thì phía Phật giáo hầu như không hề quan tâm đến vấn đề này.

Giáo dục xã hội, y tế… đối với nhiều nhà lãnh đạo Phật giáo là những lãnh vực dường như không hề có, không liên hệ, không quan tâm. Đơn vị phụ trách giáo dục của GHPGVN vẫn giữ nguyên tên Ban Giáo dục Tăng ni, tức là giữ giới hạn rõ ràng, dứt khoát trong hoạt động giáo dục. Phật giáo hầu như không có hoạt động gì hướng về giáo dục xã hội, y tế (đây nói về hoạt động của giáo hội, không phải là hoạt động của cá nhân nhân theo đạo, điều được coi là dĩ nhiên được phép).

Như vậy, một bức tranh đã hiện ra về nhận thức của 2 tổ chức tôn giáo lớn ở Việt Nam. Một bên quan tâm, ý thức được vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giáo dục xã hội và y tế, nhất là giáo dục xã hội. Còn một bên thì thờ ơ, lãnh đạm, xem như không cần, không quan trọng, không đề cập đến.

Điều này phù hợp với bản chất truyền thống của hai tôn giáo. Đạo Ca tô La Mã luôn quan niệm tu sĩ phải là một nhà sư phạm, giáo hội có chức năng tổ chức quản lý hoạt động giáo dục và thực tế đã sở hữu một hệ thống giáo dục được coi là tốt nhất thế giới trên phạm vi toán cầu.

Còn phía Phật giáo Việt Nam chỉ mới quan tâm nhiều đến giáo dục xã hội từ sau năm 1963, thành tựu đương nhiên là rất hạn chế, do vậy, tổ chức hoạt động giáo dục chưa thành truyền thống.

Trình độ của một số nhà lãnh đạo Phật giáo hạn chế, vì vậy chỉ thiên về cúng bái, không có ý thức phát triển hoạt động. Sự việc những hoạt động truyền thống trong lễ Phật đản còn bị một số Giáo hội Phật giáo địa phương tự cắt hủy, xóa bỏ, loại trừ, thì nói chi đến tầm nhìn chiến lược, tổ chức những hoạt động mới theo yêu cầu của thời đại.

Thế nhưng yêu cầu được thành lập tổ chức hoạt động giáo dục, y tế của phía đạo Ca tô La Mã tại Việt Nam có được kết quả gì? Thực chất, đây là yêu cầu khôi phục hoạt động giáo dục của họ, mà họ không bao giờ từ bỏ.

Việc hệ thống trường mầm non do các tu sĩ Ca tô La Mã được thành lập và phát triển trong thời gian đã là một kết quả. Dù phía Ca tô La Mã rất quan trọng và đầu tư nhiều cho các trường mầm non, nhưng ngoài mặt họ dường như không muốn gây chú ý về hệ thống này. Chỉ khi đến Noel mới biết nó phát triển đến mức nào!

Việc phía Phật giáo, trừ một số trường hợp cá biệt như GHPGVN tỉnh Long An, số đông vẫn không chú ý đến hoạt động giáo dục. Phải chăng là một thành quả đối với phía Ca tô La Mã? Như vậy, trong hoạt động giáo dục xã hội do tôn giáo thành lập, quản lý, hiện nay chủ yếu ở cấp học mầm non, phía Ca tô La Mã đã giữ vị trí dẫn đầu và gần như độc quyền. Kết quả này, nhìn từ sự phát triển các hoạt động tôn giáo, là một thành quả căn cơ của đạo Ca tô La Mã.

Cần phải thấy, đối với đạo Ca tô La Mã, giáo dục là phương tiện quan trọng để cải đạo con em tín đồ các tôn giáo khác. Rất tiếc là một số nhà lãnh đạo tôn giáo đã không thấy ra vấn đề có liên hệ đến Phật giáo. Điều nguy hiểm là ở chỗ này. Đây là một thất bại mà chính Phật giáo, người trong cuộc, không nhận thức được. Đây là một biểu hiện của tư duy “đóng cửa chùa đi ngủ”. Hệ quả đối với việc cải đạo của giáo dục mầm non, giáo dục đầu đời chắc chắn không hề nhỏ đối với Phật giáo và chắc chắn không thể thống kê được, vì phía Phật giáo cũng không hề có ý thức về tầm quan trọng của hoạt động thống kê.

Những bước tiếp theo của nỗ lực từ đạo Ca tô La Mã vẫn tiếp tục nhằm mục tiêu khôi phục “giáo dục công giáo”, gần đây đã có biểu hiện về những kết quả mới.

Các lớp đào tạo chuyên đề mở tại các trung tâm mục vụ vẫn kín đáo phát triển, nơi đã có sẵn những cơ sở lớp học khang trang, hệ thống máy tính nghe nhìn hiện đại, nhận đông đảo học viên trong các khóa đào tạo.

Dù hiện vẫn chưa thể khôi phục hệ thống giáo dục, nhưng quan điểm tu sĩ phải đồng thời là nhà sư phạm không thay đổi, nên hoạt động đào tạo tu sĩ theo hướng sư phạm hóa vẫn được duy trì và phát triển. Điều đó chuẩn bị cho bộ khung để đạo Ca tô La Mã phát triển ngay hệ thống giáo dục xã hội khi được phép. Đây là việc vẫn được tiến hành liên tục, không phải che giấu nhưng kín đáo không phô trương, và chắc chắn có kết quả, dù là ẩn.

Phía Phật giáo không có mục tiêu như vậy, dĩ nhiên không triển khai hoạt động và ắt không thể có kết quả như đạo Ca tô La Mã. Trong Phật giáo, một số tăng ni trẻ theo học trong nước du học các ngành ngoài Phật học ở bậc đại học, trên đại học đều là tự phát, không phải là hoạt động do Giáo hội lập kế hoạch, được giáo hội tổ chức trong khuôn khổ một tầm nhìn nào đó.

Mới đây, đã có tin đồn phía Ca tô La Mã sẽ từng bước nắm lấy cơ sở đào tạo đại học bằng cách mua lại toàn bộ hay từng phần các đại học tư thục đang gặp khó khăn tài chính và ráo riết vận động được phép được hoạt động giáo dục ở các cấp cao hơn. Tất nhiên, không thể tin các tin đồn.

Tuy vậy, trong hướng ngày càng cởi mở, thông thoáng trong hoạt động tôn giáo, xu hướng cho phép tôn giáo mở rộng phạm vi hoạt động giáo dục ra ngoài phạm vi giáo dục mầm non là điều không thể loại trừ, chỉ là mở rộng đến đâu và vào lúc nào.

Đây thoạt nhìn là cơ hội cho các tôn giáo, nhưng thực ra, trước mắt chỉ mang đến lợi ích cho đạo Ca tô La Mã theo hướng họ đã chuẩn bị từ lâu và đối với Phật giáo, đây là một thử thách nặng nề trước tư duy “đóng cửa chùa đi ngủ”, nhất là khi Phật giáo đã không có thêm nỗ lực gì sau thất bại vận động chư ni trẻ theo học ngành nầm non.

Trong Dự thảo sửa đổi Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Khoản 1, điều 33, phạm vi hoạt động giáo dục mà tổ chức tôn giáo được tham gia hoạt động đã được mở rộng:

Điều 33

1.Tổ chức tôn giáo được tham gia hoạt động hoặc thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục mầm non, lớp ngoại ngữ, lớp tin học, cơ sở dạy nghề theo quy định pháp luật


3.Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

Trong dự thảo nói trên “lớp ngoại ngữ, lớp tin học” là nội dung mới bổ sung.

Như vậy, cái hướng mà chúng ta đang bàn luận đây đã có một bước tiến. Bước tiến đó định hình trên văn bản dự thảo một Pháp lệnh, không còn là tin đồn, và có khả năng phát triển tùy theo quyết định của thủ tướng chính phủ.

Bước tiến này định hình rõ nét hơn thành một phác thảo, với việc Nguyệt san “Công giáo và Dân tộc”, số 231, tháng 3/2014 đăng lại bài viết của PGS. TS Nguyễn Hồng Dương, nguyên Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu Tôn giáo đã đăng trên Tạp chí Công tác Tôn giáo số 2 (91) tháng 3/2014. Việc một tạp chí đăng lại bài đã đăng ở một tạp chí khác là một điều rất đặc biệt. Chúng ta chú ý điểm này. Đoạn liên hệ nằm ở trang 115: “Về văn hóa-xã hội: tổ chức tôn giáo cần được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động như dạy nghề, giáo dục, y tế… dạy nghề không chỉ là những lớp ngắn hạn mà có thể tới cấp cao đẳng.

Ngoài việc tôn giáo mở trường lớp giáo dục hệ mầm non như đang làm, thời gian tới, nên cho tổ chức tôn giáo mở bậc giáo dục đại học. Những ngành học thuộc về khoa học tự nhiên như: y khoa, tin học, quản trị kinh doanh… cũng có thể là ngoại ngữ. Tuy điều kiện hiện nay chưa mở được trường riêng thì cho phép lập các khoa thuộc vào các trường đại học có ngành học tương ứng. Tổ chức tôn giáo nên được mở bệnh viện. Có thể là loại bệnh viện bình dân khám, chữa bệnh cho người nghèo, có thể là bệnh viện chất lượng cao. Có như vậy mới huy động tối đa nguồn lực tôn giáo vào xây dựng và phát triển đất nước. Được tham gia đóng góp cho đất nước, một mặt tôn giáo sẽ thấy có ích cho đời, mặt khác thêm tin tưởng vào Đảng, gắn bó mật thiết với dân tộc. Việc đa dạng hóa các loại hình văn hóa-xã hội còn để người dân có quyền lựa chọn, có điều kiện để hưởng lợi” (1).

Qua đoạn văn trên, chúng ta thấy mục tiêu vẫn như từ trước đến giờ mà đạo Ca tô La Mã tại Việt Nam mong muốn: tổ chức giáo dục ở mọi cấp học. Bước đi nêu lên trong bài viết có chặng đầu phù hợp với Dự thảo Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo, là mở những lớp không thuộc lãnh vực những ngành nhạy cảm, mà chúng ta thấy ở Dự thảo sửa đổi bổ sung Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo là ngoại ngữ và tin học. Chặng đường đầu được nói trong bài viết đã dẫn là khoa trong các trường đại học (có thể hiểu là dạng tổ chức nhiều lớp thuộc một ngành học). Đây là giai đoạn dẫn vào giai đoạn mở trường. Còn về ngành thì bài viết đã đề cập một bước mở rộng hơn, vẫn theo hướng tránh những lãnh vực nhạy cảm (nhưng vẫn gồm Khoa học xã hội, cụ thể là ngành ngoại ngữ).

Tiến trình khôi phục giáo dục xã hội của đạo Ca tô La Mã tại Việt Nam như thế tiến thêm một bước trên phác đồ định hình rõ ràng. Như đã phân tích, đây tưởng chừng là cơ hội chung cho các tôn giáo, nhưng chỉ có đạo Ca tô La Mã có chuẩn bị sẵn sàng đón nhận. Do đó, đối với Phật giáo, nó sẽ chuyển hóa thành thách thức.
Phật giáo chúng ta nên quan tâm đến những chuyển biến mới này, chú ý nhiều hơn đến giáo dục xã hội, không nên tự ràng buộc hoạt động giáo dục chỉ là hoạt động tăng ni, chủ động đón nhận thời cơ khi có chuyển biến.

Nếu vẫn tiếp tục thờ ơ với vấn đề, như từ trước đến nay, thì thực chất đó là tư duy “đóng cửa chùa đi ngủ”, sớm muộn gì cũng đưa đến sự suy thoái của Phật giáo, vì bị bỏ lại phía sau so với các tôn giáo khác trong những hoạt động văn hóa giáo dục, mà thu hẹp phạm vi hoạt động của Phật giáo chỉ trong hoạt động cúng bái.

MT

(1) PGS. TS Nguyễn Hồng Dương: “Những vấn đề cấp bách trong mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội hiện nay” Nguyệt san “Công giáo và Dân tộc”, số 231, tháng 3/2014.

Thông tin riêng: [email protected] hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh