Nhiều ý kiến nhận định đó có thể do hoàn cảnh khách quan , hoặc do có một bàn tay nào đấy thọc sâu vào nội tình Phật giáo, cố tình làm nguội lạnh ngọn lửa Bồ Tát Thích Quảng Đức và và chuyển hướng ý nghĩa cuộc đấu tranh bất bạo động ấy sang một lối rẽ đen tối khác. Nếu không thì có lẽ do chính kiến thức non kém của mình còn chưa đủ nhận ra dược những vấn đề chung quanh đó.
Có lẽ là vậy!
Vẫn biết rằng , từ sau Pháp nạn nắm 1963 đó trở về sau Phật giáo miền Nam còn phải trải qua nhiều giai đoạn lận đận, truân chuyên nữa với nhiều hình thức đấu tranh khác.
Đó là xu thế tất yếu một khi PG khi ấy đã trở thành một khối thống nhất , có hiến chương, có đường lối rõ ràng của một tổ chức Phật giáo thời đại.
Nhưng với thiển ý mình, tôi vẫn xem tất cả mọi diễn biến đều nằm trong một đường dây xuyên suốt, không có đứt quãng. Tất cả đều từ sức mạnh của ngọn lửa Bồ tát Thích Quảng Đức mà có được.
Đó là việc lớn.
Tôi rất tự hào mình thuộc thời đại Quảng Đức, là một công dân Phật tử thuộc Miền Quảng Đức (khu vực phân lập của Giáo Hội là Sàigòn- Chợ Lớn- Gia Định) và đương nhiên Pháp danh đầu tiên của tôi cũng là từ họ Quảng – theo mong mỏi của chư tôn lãnh đạo Phật giáo thời bấy giờ là tất cả các cư sĩ Phật tử đều sẽ mang”họ” Quảng của Bồ Tát Quảng Đức.
Chính tinh thần ngọn lửa Bồ Tát Thích Quảng Đức đã un đúc nên sức mạnh của Tăng Tín Đồ Phật giáo trên từng cửa đời tu tập và giữ gìn ngọn cờ ngũ sắc thiêng liêng trong một quảng thời gian khá dài, phần lớn đều chạm mặt với nghịch duyên mang nhiều tên gọi.
Với riêng tôi, tinh thần ấy đã giúp vững bước và tin yêu cuộc sống thiết tha trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vì vậy, nhờ có niềm tin đó mà mỗi năm nhân mùa Phật Đản, tôi và gia đình đều lấy làm tự hào khi treo lên trước nhà lá cờ Phật giáo tươi sắc, điểm xuyết với một góc trời xanh, dù chung quanh đò không có ai treo như mình!
Một lá cờ mà vì nó một triều đại phải tan tành; và một lá cờ như vậy mà vẫn có người ngây ngô hỏi rằng “Anh treo cờ nước nào vậy?”. Mấy chục năm trường rồi đến giờ vẫn vậy. Sư ngây ngô vẫn còn.
Cái tinh thần ấy đã hòa quyện vào từng máu thịt, hơi thở. Nó len lỏi theo từng ngày thàng bôn ba lận đận, thậm chí khi thi vẽ tôi cũng chọn hình ảnh Bồ Tát Thích Quảng Đức thể hiện. Nhất là ảnh Bồ Tát ngồi viết Lời Nguyện Tâm Huyết với câu nói dõng mãnh của Ngài "Tôi thiết tha kêu gọi Đại đức , Tăng Ni và Phật Tử, nên đoàn kết nhất trí, hy sinh để bảo tồn Phật pháp”.
May mắn làm sao cho đến hôm nay được sự giúp đỡ của đạo hữu Đức Quảng, tôi mới biết tác giả chụp bức ảnh đó năm 1963 là huynh trưởng GĐPT Hồ Quang Thanh (làm kỷ thuật trong phòng tối thời bấy giờ).
Năm 1965 bức ảnh được VHĐ chọn in thành lịch và phổ biến rộng rãi. Đạo hữu Đức Quảng đã chụp lại từ những tờ lịch đó và trau chuốc cho sắc nét hơn như chúng ta đã thấy.
Cuộc sống trong tôi, dù ngoài xã hội hay trong môi trường đạo, cuộc trải nghiệm sâu sắc nhất chính là tinh thần Bồ Tát Thích Quảng Đức. Vì thế cả một quảng đời thanh xuân của mình , tôi luôn sống bằng tâm nguyện dấn thân , không ngại khó, không ngại khổ (vì đã từng là con nhà nghèo rồi có chi mà phải sợ khổ).
Trong môi trường hoạt động thanh niên Phật giáo, những kết hợp đó còn giúp cho tôi một ý chí quyết đóan, chấp nhận phần khó về mình với một tâm hồn hoan hỷ để hoàn thành trách nhiệm hướng dẫn đàn em. Có lẽ vì thế mà trong Tổng Vụ Thanh Niên có sáu Vụ, tôi đã có thời gian lăn lộn sinh hoạt hết ba Vụ (Gia Đình Phật Tử-Sinh Viên Phật Tử và Học Sinh Phật tử).
Ảnh đính kèm theo đây năm tôi 18 tuổi trong màu áo Học Sinh Phật Tử khi được biệt phái sang hỗ trợ xây dựng.
Về trường hợp này có không ít lời ra tán vào không đồng tình cái sự “năng nổ” ấy của tôi, thậm chí có cả những lời miệt thị. Nhưng cho đến tận bây giờ tất cả đều cho thấy câu trả lời vô ngôn bằng những diễn bày thế sự trước mắt, không theo mong muốn bất kỳ ai.
Tinh thần dấn thân của mình vẫn còn nguyên giá trị.
Những ngày Phật đản này , nhiều lớp anh chị huynh trưởng cùng thời, dù đã bước vào cái độ tuổi “hồi đó” nhưng cũng thường hay gặp nhau để nhắc chuyện…hồi đó ! Nhiều anh chị tỏ ra tiếc nuối , thầm tự trách mình rằng sao hồi đó không hoạt động, không làm nhiều như Nó (tôi DKT) để bây giờ có muốn làm cũng không còn sức lực mô mà làm.
Cũng có nhiều anh chị khác thì khẩn khoản, rụt rè , ngại ngùng vì khi xưa đã xài hết vốn liếng chợ đời để “tặng “ tôi .
Nói chung thì thương lắm. Bây giờ mà còn trách ai được nữa và có ích lợi chi. Thôi thì hãy kể lại với thế hệ đàn em rằng hãy sống và cống hiến hết mình khi sức lực và nhân duyên còn mở lối. Hãy mang trong mình con tim và tinh thần của Bồ Tát Thích Quảng Đức để phụng sự đạo pháp – dân tộc.
Câu trả lời là cách sống tự tại của mình trong hiện tại, nhỏ nhất là qua hình ảnh tại sao vẫn hiên ngang treo cờ Phật giáo mừng Phật đản giữa trùng vây bị gán cho là xa lạ ! Việc treo cờ ấy tôi quan niệm rằng nếu mình chưa hay không làm được việc gì lớn cho đạo pháp thì ít ra một lá cờ treo lên nhân ngày Phật đản cũng không phải khó khăn gì và không tốn một giọt mồ hôi nào.
Chính tinh thần Bồ Tát Thích Quảng Đức đã khơi dậy trong tim mình dòng nhiệt huyết BI TRÍ DŨNG , cái vốn sống vô giá trong mọi thời đại. Nếu tôi thiếu vắng đi điều ấy thì có lẽ hôm nay không có những dòng này , không có những mùa Phật đản lá cờ Phật giáo âm thầm tung bay nơi góc cao mái nhà mình hằng năm.
Và đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi Tại sao mỗi năm vào dịp Phật đản và kỷ niệm ngày Bồ Tát thích Quảng Đức thiêu thân tôi thường có bài viết mà chủ đề không hề thay đổi (các bài “…NĂM XIN ĐỪNG QUÊN).
Tưởng Niệm 49 năm ngày Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu