Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Trà Vinh với những ngôi chùa Khmer

Trà Vinh với những ngôi chùa Khmer

78

Hệ thống chùa Khmer ở ĐBSCL khá dày đặc, nhất là ở tỉnh Trà Vinh. Có những ngôi chùa được xây dựng từ trước thế kỷ 16 nhưng cũng có ngôi chùa mới xây dựng hoặc trùng tu trong thế kỷ 19, 20. Về kiến trúc, mỗi ngôi chùa Khmer đều là một công trình nghệ thuật. Ngoài chức năng tôn giáo, tín ngưỡng, chùa còn đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, văn hóa tinh thần của cộng đồng. Từ cổng chính, ngôi sa-la, ngôi chính điện, đến các tháp đều cách xa nhau nhưng vẫn có sự liên kết chặt chẽ, gắn bó về bố cục. Trong tổng thể kiến trúc, ngôi chính điện quan trọng nhất.

Đây là nơi thờ Đức Phật, nơi tôn nghiêm, linh thiêng. Chính điện nằm ở trung tâm, là ngôi nhà đồ sộ được xây, đắp công phu. Cấu trúc chính điện bao giờ cũng theo nguyên tắc thống nhất: hướng đông tây, rộng rãi, cao và thoáng mát. Bao quanh là bốn dãy hành lang rộng với hàng cột dày đặc. Mỗi đầu cột đều có gắn tượng Krud (người chim): một nửa thân là chim, nửa là người hoặc là tiên nữ trong tư thế đứng dang hai tay đỡ mái, trông rất khỏe khoắn, sinh động.

Cấu trúc bộ vì kèo của chính điện được chia làm nhiều phần: đơn hoặc kép tùy theo mái. Riêng bộ mái có kiến trúc khá phức tạp và độc đáo. Khung thường làm bằng gỗ quý và lợp ngói. Có khi toàn bộ mái được đổ bêtông thành mặt phẳng nghiêng và gắn thêm ngói nam cho giống vảy rắn thần Naga. Bộ mái chia làm ba cấp, mỗi cấp lại chia làm ba nếp. Nếp giữa lớn nhất. Hai mái trước và sau hợp thành một góc 60 độ. Các mái vừa so le vừa có độ dốc khác nhau nên tránh sự đơn điệu, tạo ra nét đẹp và vui mắt. Để tạo nét duyên dáng, ấn tượng, các nghệ nhân đã đắp chạm hình rồng và hoa lá cách điệu ở góc đao.

Còn ở các đầu kìm, các góc bờ nóc bao giờ cũng được chạm trổ hoặc đắp những "đuôi rồng" nhọn dần, trơn, lượn vút lên khá cao. Bờ dải các mái là thân rồng nằm thoai thoải như đang trườn mình từ nóc xuống bờ hiên, với những vây tỉa rõ từng cái, đều đặn uốn cong lên như những ngọn lửa cuồn cuộn cháy. Đầu rồng (tức rắn thần Naga) được gắn ở góc đao mỗi mái trong tư thế nhìn lên. Đây cũng là hình ảnh chiếc thuyền đang bơi.

Điêu khắc là bộ phận thiết yếu làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ từng ngôi chùa. Điêu khắc ở đây phong phú về đề tài, thể loại và chất liệu. Tượng Phật trong các ngôi chùa đều có chung tư tưởng, triết lý Phật giáo, đó là cách mô tả cơ thể siêu tự nhiên. Nhưng các nghệ nhân không đi vào đặc tả mà dùng mảng khối, đường nét ước lệ trần tục để thể hiện cái thần, cái siêu thoát của hình tượng.

Dù được thể hiện bằng nhiều hình thức, kiểu dáng, tư thế khác nhau như: tượng Phật ngồi thiền định, tượng đứng cứu độ chúng sinh, tượng khất thực… song đều khoác tấm áo cà sa màu vàng của nhà Phật (phủ kín hai vai hoặc một vai). Hình thái, nét mặt được khắc họa biểu cảm những đặc trưng tinh thần của dân tộc Khmer. Ngoài tượng Phật, nghệ thuật điêu khắc dân gian – dân tộc còn được thể hiện ở hàng loạt loại tượng khác tại ngôi chùa như: tượng đầu thần Mahaprum, tượng Hanuman, Kayno, Krud… mà mỗi hình tượng đậm tính đặc thù dân tộc.

Chùa Âng: được dựng vào khoảng thế kỷ 10 năm 990 và được trùng tu năm 1842. Cổng chùa được trang trí tượng chằn, tiên nữ, chim thần theo môtíp truyền thống. Trong chùa các gò mái được tạc hình rắn Naga, đuôi cong vuốt tượng trưng cho sự dũng mãnh vĩnh cửu. Bên dưới là tượng người đầu chim Krud với hai tay dang ra chống đỡ mái. Cửa chùa mở về hai hướng là đông và tây, sáu cây cột trước chính điện có khắc hình tiên nữ và chim thần. Mái chùa lợp ngói ba tầng, được chống đỡ bởi 12 cột bằng gỗ quý sơn son thếp vàng, hình rồng. Mái trên có cùng dốc và cao hơn hai mái kia… Bên trong chính diện có phòng thờ Phật Thích Ca, là nơi tiến hành các nghi lễ tôn giáo. Tượng Phật Thích Ca cao 2,1m, xung quanh có 50 tượng phật khác nhỏ hơn.

Chùa Hang: tọa lạc trên 10ha đất, được bao bọc bởi những cây cổ thụ: sao, dầu…, xưa nơi đây là vùng đất hoang vắng, có cây đa bên cạnh bến đò. Dân trong vùng đóng góp công sức xây dựng ngôi chùa nên gọi là chùa Cây Đa. Qua nhiều lần tu sửa chùa được xây dựng lại khang trang.

Một điều hấp dẫn ở ngôi chùa Hang là những đàn chim đông đúc, đông nhất là họ nhà cò và bồ câu. Sự tĩnh mịch của cảnh chùa với Đức Phật từ bi quyện chặt vào thời gian bởi tiếng chim ríu rít như bản nhạc độc nhất vô nhị làm nên bản sắc của người Khmer.

Chùa Cò: tên gọi khác là chùa Nodol hay Giồng Lớn. Chùa được xây dựng năm 1677. Đây là ngôi chùa cổ to lớn có nét kiến trúc đặc sắc của nền văn hóa Khmer, bao gồm cổng chùa, ngôi chính điện, tháp đựng cốt, nhà tăng, nhà hội… Khu chính điện với những mái uốn cong theo hình đuôi rồng, có những đỉnh tháp nhọn hình núi Xôme và những hình tượng quen thuộc như tượng thần Riehu, thần bốn mặt Mhabrom, chim thần Kâyno… Chùa được bao bọc bởi những rặng tre, hàng cây sao, dầu… quanh năm tỏa bóng mát.