Trang chủ Tu học Ý nghĩa lễ Phật Đản

Ý nghĩa lễ Phật Đản

354

Lễ Phật Đản

Lễ Phật Đản là một trong những lễ hội quan trọng của Phật giáo, cũng như mọi tôn giáo khác, ngày sinh của đấng giáo chủ luôn tạo động lực cao nhất cho sự thực hành hành vi tôn giáo . Đối với người Phật tử, lễ Phật đản là cơ hội ôn lại cuộc đời của Đức Phật nhằm khích lệ nghị lực của người con Phật  trên lộ trình tu tập.

Là dịp cho người Phật tử bày tỏ lòng thành tín của mình đối với bậc giáo chủ vẹn toàn và đầy uy đức. Sự tôn vinh đức Phật, một lần nữa tô đậm lên dòng sông tâm thức dấu ấn tôn kính và phục tùng của người tín đồ, không để cho hình ảnh của Phật phai mờ trong tâm trí.

Là cơ hội để người Phật tử khẳng định giá trị của Phật và lập trường tôn giáo của mình đối với mọi người . Từ đó nói lên giá trị tinh thần, lý tưởng mà một người theo đuổi trong suốt cuộc đời.

Cũng là cơ hội để người Phật tử thực hiện vai trò truyền bá Phật pháp, tổ chức một lễ Phật đản đúng mức và tạo nên lực hút và thuyết phục rất hiệu quả cảm xúc tôn giáo, nhất là đối với tầng lớp thanh thiếu niên.

Biểu tượng Đản sinh

Bất cứ một tôn giáo nào, bậc giáo chủ luôn được đệ tử tôn sùng như một con người siêu việt. Tùy theo tôn chỉ, mục đích và triết lý của tôn giáo ấy mà người ta sẽ giới thiệu đấng giáo chủ của mình đặc biệt như thế nào. Ngay cả khi một người ái mộ một thần tượng nào đó thì họ sẽ xây dựng chung quanh thần tượng của mình những hiện tượng khác thường để nói lên giá trị siêu việc của đối tượng. Đó là chuyện thường tình ở đời.


Biểu tượng Đức Phật đản sinh của đạo Phật rất đặc biệt : Một Thái tử sơ sinh đi bảy bước trên hoa sen, một tay chỉ trời một tay chỉ đất, nói câu : “Trên trời dưới trời chỉ có ta là tối thượng” ( Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn). Biểu tượng Đản sinh này nói lên những yếu tố linh diệu của một vĩ nhân siêu việt sinh ra  giữa cuộc đời. Biểu tượng Đản sinh này đã được nhiều kinh sách đề cập đến với nhiều sự sai khác, cho đến nay, nó vẫn là đề tài bàn luận chưa xong. Trên cơ sở kinh tạng và một số kinh nghiệm hoằng pháp, người viết xin đề xuất ý nghĩa  như sau :

– Con số bảy là con số thành của hệ thống số học Aán độ cổ đại, thường thì được coi là một chu kỳ sinh thành của một hiện hữu. Ở đây muốn nói về sự thành tựu viên mãn.

– Hoa sen là một loài hoa tượng trưng cho sự thanh khiết, không ô nhiễm dù ở trong bùn. Ở đây là sự thanh tịnh của tâm thức. Biểu tượng hoa sen trong Đạo Phật rất phổ biến, được coi là nền tảng của mọi hành hoạt của chư Phật, Bồ tát, Thánh tăng…thường được đặt làm tòa ngồi, hay dưới bước chân đi. Như vậy bảy hoa sen , ý nghĩa là sự thanh tịnh viên mãn, hoàn toàn thánh thiện, vô nhiễm tuyệt đối. Ở đây chỉ cho một vị Phật.

– Bảy bước chân đi, có Kinh nói là biểu tượng cho bảy giác ý ( Thất giác chi), như kinh Phật bản hạnh nguyện nói : “ Hiện bảy giác ý, dứt sạch phiền não, nên đi bảy bước…” (trích dẫn theo Đào Nguyên, bài báo GN). Các nhà nghiên cứu thường thuận theo ý này. Tôi nghĩ rằng, bảy yếu tố giác ngộ chưa đủ ý nghĩa thuyết phục, vì chưa rõ giữa mối quan hệ bảy bước với câu nói “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Tôi cho là bảy bước chỉ cho bảy bước đến Niết bàn, sự giác ngộ tối hậu , không còn tái sinh nữa. Bảy bước đến Niết bàn được trình bày trong Kinh Trạm xe (Trung Bộ Kinh), Kinh Thất xa ( Kinh Trung Aham), như sau :

1. Giới thanh tịnh : Hành vi đạo đức chuẩn mực, các giác quan được bảo hộ một cách an ổn vững chắc. Đây là bước đầu, là hòn đá tảng để thiết lập lộ trình tâm giải thoát.

2. Tâm thanh tịnh : tâm thức an định, vắng mặt năm yếu tố làm mờ tối tâm thức, đó là tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử và hoài nghi. Tiến trình tâm thức thăng hoa qua bốn cấp độ (Tứ thiền). Đây là bước an tịnh nội tâm.

3.  Kiến thanh tịnh : Nhận thức sâu sắc và sáng tỏ về bản chất của sự vật hiện tượng, tức là quán chiếu bản chất vô ngã trong tiến trình tâm lý , vật lý. Sự quán chiếu dựa trên tâm thức định tỉnh.

4.  Đoạn nghi thanh tịnh : Tuệ quán đã xác định, một sự thật được phơi bày, đó là sự thật duyên sinh, vô ngã của cuộc đời. Niềm hỉ lạc tràn ngập như một sự bùng vỡ trong tâm thức mà ta quen gọi là Ngộ. Nhận thức vô ngã lúc nầy tự trãi ra trước mặt, không cần ai chỉ cho. Vì vậy mọi nghi ngờ về pháp đều chấm dứt.

5.  Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh : Sự biết rõ điều gì là đúng và điều gì là không đúng. Điều không đúng ở giai đoạn nầy là sự chấp trước vào lạc thọ do cái thấy vô ngã đưa tới. (tương tự như phá bỏ khái niệm chấp pháp).

6. Tri kiến thanh tịnh : Nhìn thấy mọi sự vật, sắc pháp hay tâm pháp đều hiển lộ tự tánh vô ngã. Ngã tướng bị tan rã dẫn đến tác dụng làm tan rã lần lượt mười kiết sử, phiền não, đạt được thanh tịnh hoàn toàn.

7. Vô thủ trước Niết bàn : Không còn vướng mắc bất cứ cái gì kể cả khái niệm hay tướng trạng Niết bàn. Một sự giác ngộ viên mãn, tự do, tự tại. (Thành tựu đạo quả).

– Câu nói : “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”(Trên trời, dưới trời chỉ có Ta là tôn quý) là câu khái quát về giá trị cao quý của một bậc giác ngộ viên mãn (Buddha), giá trị ấy biểu thị ở nơi sự chấm dứt sinh tử luân hồi , như câu nói tiếp theo : “Thử sinh cùng thế vô hửu hậu lai”(Đời sống nầy là đời sống sau cùng, không còn tái sinh nữa),(Kinh Phật bản hạnh tập, trích dẫn như trên). Thực ra, lời nói nầy do Đức Phật thốt ra sau khi Ngài thành tựu đạo quả dưới cội Bồ đề. Trên đường đến vườn Lộc uyển, Ngài gặp một vị Đạo sĩ Upaka hỏi Ngài là ai. Đức Phật trả lời :

“Như lai là người đã vượt qua tất cả, đã thông suốt tất cả.

Như lai đã vượt bỏ mọi trói buộc,

Như lai đã thoát ly tất cả…

Không ai là Thầy của Như Lai,

Không ai đứng ngang hàng với Như lai.

Trên thế gian nầy, kể cả chư Thiên và Phạm thiên,

Không ai có thể sánh với Như lai…”

Chúng ta nhận thấy , đặt một lời nói sau khi Thành đạo vào bối cảnh Đản sinh, có ngụ ý rất rõ rằng, giới thiệu một vị Phật xuất hiện. Biểu tượng Đản sinh không phải là hình ảnh của một Thái tử Tất Đạt Đa con Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Magia, mà là biểu tượng của một vị Phật, một biểu tượng của sự thành tựu đạo quả , giải thoát tối hậu.

Như vậy, biểu tượng Đản sinh giới thiệu với chúng ta về : Giá trị cao tột của Phật (Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn), về phẩm chất của một vị Phật là hoàn toàn thanh tịnh, vô nhiễm (Bảy bước trên hoa sen), về con đường thành tựu quả vị giác ngộ ( Bảy bước đến Niết bàn).

Trong ý nghĩa giới thiệu một vị Phật thì Đức Phật sơ sinh phải đứng vào vị trí hoa sen thứ bảy và đằng sau là sáu hoa sen. Không thể cách điệu đức Phật sơ sinh đang đi trên các hoa sen, mà phải là đứng yên trên hoa sen cuối cùng.

Hình ảnh đức Phật được biểu tượng hóa là Thái tử sơ sinh với các động tác khác thường đối với hiện thực của con người, điều đó làm cho nhiều người Phật tử lầm tưởng Đức Phật là một vị thần linh. Do đó, giảng giải ý nghĩa đằng sau biểu tượng là điều cần thiết trong dịp tổ chức lễ hội Phật Đản.Tôn vinh Đức Phật.


Với tất cả những gì mà Đức Phật đã cống hiến cho nhân loại, Ngài xứng đáng được tôn vinh nhất và kính trọng nhất của loài người. Con người xã hội thời Ngài đã từng tôn vinh Ngài rằng: “Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối…” (Trung bộ kinh). Nhân loại thế kỷ 21, đã tôn vinh Đức Phật một cách sâu sắc qua việc Đại hội đồng LHQ, lấy ngày sinh của Phật làm ngày Văn hóa và tôn giáo thế giới, khẳng định giá trị văn hóa mà Đức Phật đã cống hiến cho nhân loại.

Vì vậy, tổ chức lễ hội Phật Đản trong bối cảnh xã hội mới, cần phải tôn vinh đức Phật bằng cách, làm sáng tỏ giá trị mà Phật giáo đã đang và sẽ giúp cho nhân loại thoát khỏi khổ đau.

Việc cần làm là giới thiệu cuộc đời Đức Phật một cách gần gủi với con người thực tiển, bớt đi sự thần thánh hóa. Đức Phật phải là một tấm gương cho mọi người noi theo, như  một bài giáo lý sống động, trực quan.

Tôn vinh Đức Phật như tôn vinh một đấng cha lành, nghĩa là qua Đức Phật, chúng ta tạo sự đoàn kết, thống nhất hệ thống giáo lý và mục tiêu giải thoát cũng như lý tưởng phụng sự chúng sinh. Thống nhất mọi tông phái, nghĩa là sự khác biệt về hình thức, sự sinh hoạt nhưng nội dung tu hành không có sai khác. Đức Phật là của chúng ta, uy đức của Phật là năng lượng tập hợp tứ chúng để làm rạng danh Phật giáo.

Tóm lại, tổ chức một lễ hội như Đại lễ Phật Đản là một sứ mệng thiêng liêng của người con Phật, là một phương thức truyền đạo hấp dẫn, tạo nét văn hóa cho đời sống tinh thần của con người xã hội. Đồng thời tạo sự phấn khích cho cảm xúc tôn giáo thánh thiện,  góp phần xây dựng cuộc sống có ý nghĩa.

Thích Viên Giác