Trang chủ Thời đại “Part Buddha, part Madonna” – Vấn đề Phật giáo và các tôn...

“Part Buddha, part Madonna” – Vấn đề Phật giáo và các tôn giáo mới

143

“Part Buddha, Part Madonna” (“một phần Phật, một phần Madonna”)

Đây là nhận định về giáo chủ đạo Thanh Hải – lời của một nhà báo được dẫn lại trên Wikipedia bản tiếng Anh (Madonna là tên một ca sĩ, diễn viên nổi tiếng với trang phục nóng và những màn trình diễn cũng nóng…không kém!).

Ở đây, chúng tôi không nhầm vào việc bàn về một tôn giáo mới nào cụ thể, mà chỉ hướng về vấn đề tôn giáo mới nói chung và liên hệ của nó đối với đạo Phật, tức là nội dung “Part Buddha”. Còn nếu lập tôn giáo mới với nội dung hoàn toàn mới, không liên hệ gì đến đạo Phật, thì đó hoàn toàn là việc của họ.

Nhấp vào mục từ các phong trào tôn giáo mới (“new religious movements”) trên Từ điển bách khoa Wikipedia, chúng ta sẽ thấy một dãy danh sách dài dằng dặc.

Tìm hiểu một vấn đề lớn của tín ngưỡng thế giới hiện đại nhưng chỉ căn cứ vào Widipedia thì rõ ràng là hạn chế, cơ sở thông tin có thể chưa hoàn toàn chính xác, thông tin có thể sơ lược, mất cân xứng…

Tuy nhiên, thông tin từ Wikipedia là thông tin tương đối bao quát. Vì vậy, có thể hữu dụng khi được dùng như ở bước gợi ý, tổng quan.

Xem qua và tổng hợp nhiều nội dung thì thấy có không ít tôn giáo mới là loại “Part Buddha”, tức là một phần nội dung giáo lý có liên hệ đến Phật giáo. Có thể kể đến các “đạo” như:

– Adidam
– Pháp luân công (Falun Gong)
– Ching Hai (Thanh Hải)
– Movent of Spiritual Inner Awareness
– I – Kuan Tao
– BKWSU
– Burkhanism
– Ananda Marga
– AUM…

Hai tôn giáo mới bản địa Việt Nam cũng có trong danh sách trên là Cao Đài và Hòa Hảo.

“PART BUDDHA”

Các tôn giáo mới xuất phát từ Phật giáo đương nhiên phải có phần Phật giáo – “Part Buddha”. Ở đây chúng ta tìm hiểu các “Part Buddha” đó. Vấn đề khó khăn ở chỗ tài liệu, nên chỉ có thể tìm hiểu qua những thông tin trên mạng.

Đã gọi là “Part Buddha”, thì phần lớn Buddha trong các tôn giáo mới là Buddha thật. Nhìn chung, giáo lý tương đối không đi quá xa so với giáo lý Phật giáo. Đây là trường hợp thứ nhất

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là “Part Buddha” trong các tôn giáo mới chỉ có liên hệ từ một phần giáo lý đạo Phật, lại cũng chỉ là một kiểu “Part Buddha” tức một phần của Phật giáo. Phật giáo không có mặt một cách trọn vẹn trong các tôn giáo mới, cũng không phải là một phần tương đối, mà là một lát cắt nhỏ, rất nhỏ.

Người ta tách từ Phật giáo phần rất nhỏ đó và chọn lựa theo chủ quan khiến mọi người đều có thể chấp nhận. Có khi những khái niệm này được dẫn rõ xuất xứ, tức là xác định là tư tưởng Phật giáo, nhưng cũng có khi không. Có thể do vô tình và có thể là cố ý, né tránh.

“Part Buddha” có tác dụng làm các tôn giáo mới trở nên gần gũi, có người lầm tưởng tôn giáo mới là một tông phái mới của đạo Phật, là một kiểu đạo Phật hiện đại hóa, đạo Phật cách tân, đạo Phật trong thời kỳ mới, thậm chí đạo Phật làm mới của địa phương (như lập luận “Bouddhisme indochinois renové” của một tôn giáo mới ở Việt Nam).

Nhưng có một số trường hợp tệ hại hơn, “Part Buddha” chỉ có mỗi cái tên Phật, mà nội dung đã biến đổi, ít nhiều tùy trường hợp cụ thể. Phật có thể trở thành một thứ Thượng đế tạo lập thế gian (!), có là một vị tiên tu lâu năm có nhiều quyền phép, có thể là vị giáo chủ ban linh quang…“Part Buddha” theo kiểu mượn danh hiệu này rất đa dạng.

Loại “Part Buddha” thứ ba là vay mượn phương pháp thiền. Trong một số tôn giáo mới có liên hệ đến Phật giáo, thiền tạo ra một mối quan hệ với Phật giáo. Hiện tượng này xuất hiện nhiều ở phương Tây.

Tuy nhiên, về hình thức, trào lưu “Part Buddha” trong các tôn giáo mới có liên hệ đến Phật giáo đều là sự chọn lựa chủ quan của vị “giáo chủ” tôn giáo mới, sao cho phần “Part Buddha” phục vụ tốt cho “Part…” của họ, tiếp theo đó. Yếu tố chủ quan tác động vào phần “Part Buddha” trong các tôn giáo mới rất lớn. Họ đã tạo nên một “Part Buddha”, tức chỉ một phần, rồi thêm vào đó phần nhào nặn hết sức chủ quan, phiến diện, thì “Part Buddha” hầu như chỉ là một kiểu khoác áo, đội mũ cho các tôn giáo mới mà thôi. “Part Buddha” trở thành một thứ tủ kính trưng bày Đức Phật. Có làm thế thì các tôn giáo mới có thể dễ dàng chiêu tập tín đồ từ đạo Phật, tranh thủ được hào quang đức Phật để phục vụ những mục đích riêng.

VÀ “PART…”

Tùy theo tôn giáo mới mà chúng ta điền vào dấu ba chấm. Đây mới là phần cốt lõi của các tôn giáo mới. Giữa “Part Buddha” và “Part…” không bình đẳng. “Part Buddha” chỉ là phương tiện phục vụ cho “Part…”.

“Part…” là phần giáo lý và giáo chủ của tôn giáo mới. Nó có thể có một mối liên hệ nào đó với đạo Phật, như “Part Buddha, part God” (1) “Part Buddha, Part Taoism”…, nhưng cũng có thể là đối lập hẳn với đạo Phật như “Part Buddha, Part Madonna” như Wikipedia tiếng Anh dẫn lại.

Do vậy, chúng ta nên thận trọng khi thấy khái niệm Phật xuất hiện trong các tôn giáo mới. Ở phần lớn trường hợp không phải là đạo Phật chân chính và toàn vẹn, khái niệm Phật trong các tôn giáo đó không hẳn là Phật thực sự.

Tôn giáo mới không chỉ là vấn đề của đạo Phật . Cơ đốc giáo cũng gặp tình trạng này. Danh sách các tôn giáo mới xuất phát từ Cơ đốc giáo được Từ điển Bách khoa mở Wikipedia liệt kê nhiều hơn so với tôn giáo mới liên hệ với Phật giáo gấp nhiều lần. Và họ cũng gặp vấn đề tương tự như đạo Phật. Phần “Part…” phía sau có khi không liên hệ gì, thậm chí lại đối chọi, mâu thuẫn với phần “Part Christ” phía trước.

Ngày xưa, khi đức Phật Niết Bàn, Ngài không chỉ định người kế vị lãnh đạo giáo đoàn, mà chỉ di huấn các đệ tử lấy giáo pháp làm thầy. Ngay nay, giáo pháp mà Đức Phật để lại gần như còn nguyên vẹn.

Vì thế, Phật tử chúng ta nên có thái độ thận trọng với các tôn giáo mới mà ở đó có khái niệm “part Buddha”. Giáo pháp Đức Phật là nguyên vẹn và đang tồn tại, đó là đạo Phật. Mọi vấn đề đều có thể lý giải, soi sáng bằng Phật pháp, không cần phải có thêm “part…” nào nữa cả. Một công thức cộng một phần Phật giáo đã chọn lựa theo chủ quan hay trình bày như một thứ tủ kính, với một đại lượng nào đó, xét từ quan điểm Phật giáo chân chính, đều đáng ngờ. Ngay trong hàng đại đệ tử thánh chúng, Phật không còn chọn người kế vị lãnh đạo tăng đoàn, thì nay cớ gì lại có một giáo chủ mới với một phần Phật giáo phần lớn đã bị làm cho méo mó.

Tự thân Phật giáo có thể chuyển hóa theo địa phương, quốc gia, khu vực, theo từng thời kỳ lịch sử…, nhưng đó vẫn là một Phật giáo toàn vẹn, một vị Phật toàn vẹn, không có “part Buddha” và “part…”.

Người Phật tử chúng ta nên nhận thức rõ điều này để luôn tu theo một giáo pháp chân chính duy nhất, góp phần bảo vệ sự trường tồn của chánh pháp.

Theo Wikipedia “List of people who have claimed to be Jesus”, Bà Thanh Hải tự nhận là hóa thân của “Avalokitesvara” và là Đức Phật, là Chúa Jesus tái sinh. Cũng có nhiều trường hợp tương tự, thí dụ Ariffin Mohamed, người sáng lập giáo phái Sky Kingdom, tự nhận là người tái sinh của Chúa Giêsu, Đức Phật, Shiva và Muhammad (xem Wikipedia tiếng Anh, mục từ “Sky Kingdom”)…

MT

————–

(1) Vừa thờ Phật vừa thờ Chúa, hay vừa thờ Phật vừa thờ Ngọc hoàng Thượng đế…