Trang chủ Diễn đàn Trao đổi về Thông bạch "Lễ cầu thỉnh bậc Thánh giáng trần”...

Trao đổi về Thông bạch "Lễ cầu thỉnh bậc Thánh giáng trần” tại chùa Ba Vàng

104

Phật tử Nguyễn Ngọc Sơn, Pháp danh Minh Lâm, địa chỉ mail [email protected] xin được trao đổi  về tri kiến Phật học mà  nhà chùa đã có thông bạch trên trang web Chuabavang.com.vn nhằm thông báo trong hoạt động Phật sự của chùa . Sau đây là nội dung được trích dẫn và phân tích của tôi để bạn đọc quán xét thực chất hành vi thân ngữ tâm của những  vị Tỳ Kheo thế nào?, tránh vì hình thức, học vị mà cho rằng đó là “cán cân” đo lường trình độ Phật học…

Kinh “Chính Pháp Diệt Tận” và “Lễ Cầu Thỉnh Bậc Thánh Giáng Trần”

“Sau khi Ta vào tịch diệt, lúc Pháp bắt đầu diệt mất ở trong đời ác năm trược, tà ma sẽ rất hưng thịnh. Ma quỷ sẽ giả làm Đạo Nhân để phá hoại Đạo của Ta. Chúng mặc quần áo của người thế tục, ưa thích y phục năm màu, mặc Pháp y sặc sỡ. Chúng uống rượu ăn thịt, giết hại chúng sinh, tham đắm mùi vị, không có lòng từ bi, và còn sân hận đố kỵ.

Lúc bấy giờ sẽ có các vị Ứng Chân, Độc Giác, và Bồ-tát. Họ tinh tấn tu đức và tôn kính hết thảy. Các ngài lấy nhân ái làm tông hướng, giáo hóa bình đẳng, thương mến người nghèo, lo lắng người già yếu, và giúp kẻ khốn cùng. Họ luôn khuyên bảo mọi người hộ trì Kinh tượng. Với tấm lòng hiền lành, các ngài làm mọi công đức, không làm hại người khác, luôn hy sinh giúp đỡ, không tự lợi, nhẫn nhục và hòa nhã.

Khi Pháp sắp bị mất, chư thiên khóc lóc, lũ lụt và hạn hán thất thường, ngũ cốc sẽ không còn chín. Bệnh dịch lây lan và giết đi vô số sinh mạng. Dân chúng lầm than, còn vua quan mưu toan tính lợi. Ai nấy đều không thuận theo Đạo lý, ưa thích nhiễu loạn. Kẻ xấu ác gia tăng nhiều như cát trong biển. Người thiện rất hiếm hoi.

Khi ấy các vị Ứng Chân, Độc Giác, và Bồ-tát sẽ bị chúng ma xua đuổi, trục xuất và không còn tham dự trong chúng hội nữa. Giáo Pháp của ba thừa sẽ lánh vào nơi “núi rừng” phúc đức. Trong yên tĩnh, họ sẽ tìm được sự an vui, tuổi thọ thêm lâu dài. Bấy giờ chư thiên sẽ hộ vệ cho Đồng tử Nguyệt Quang xuất thế. Các ngài lại gặp nhau và cùng chấn hưng Đạo của Ta. Trích “Kinh Chính Pháp Diệt Tận”

Kính thưa quý Phật tử !

Thời kỳ mạt Pháp, cách đức Thế Tôn đã xa, các bậc Thánh không xuất hiện nơi đời, tà pháp nổi lên làm lu mờ Chính Pháp. Nếu không có bậc Thánh giáng thế thì chúng sinh sẽ lạc trong tà kiến, vô cùng đau khổ. Với mục đích xây dựng Tăng đoàn chân thật tu hành như thời Phật tại thế. Thầy Trụ trì đã ban hành Thanh Quy cho chư Tăng tu hành. Tăng chúng nghiêm trì giới luật, nhập rừng thực hành hạnh đầu đà, cầu chứng Thánh quả, cầu bậc Thánh giáng trần. 

Bởi tâm nguyện chân thật đó, có lẽ đã có sự cảm ứng đến chư Thiên. Ngày 24/10 năm Bính Thân, chư Thiên cõi trời Đao Lợi báo biết và khuyến thỉnh lập đàn cầu bậc Thánh giáng trần. Nếu chúng sinh tha thiết thì có thể đủ duyên để bậc Thánh giáng trần đem lại lợi ích cho chư thiên và loài người.

Các Phật tử hãy phát tâm đại hoan hỷ để cầu thỉnh bậc Thánh giáng trần hộ trì và tuyên dương chính Pháp làm cho Chính Pháp được hưng long, Phật Pháp được dài lâu, chúng sinh bớt khổ.

Buổi lễ chính thức được diễn ra vào lúc 18h00, thứ Hai, ngày 28/11/2016 (tức ngày 29/10 Bính Thân).

Chùa Ba Vàng xin trân trọng kính mời toàn thể quý Phật tử đồng hoan hỷ về tham dự Đại lễ.

 (hết trích)

Thông bạch trích trên trang web chuabavang.com.vn

Kính thưa, chư tôn đức Tăng Ni chùa Ba Vàng và quý phật tử !

Đọc nội dung bài viết  về những lời giải thích theo tri kiến Phật học khiến  những Phật tử như chúng tôi không khỏi giật mình trước những quan điểm không đúng theo quan điểm của Phật học và trái với sự tiến bộ của xã hội.

Thứ Nhất: Nhà chùa đã có những phát biểu cổ súy mê tín, gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức của người dân

Đầu tiên, nhà chùa đã cung cấp một đoạn trích  trong kinh  ´ Trích “Kinh Chính Pháp Diệt Tận” của đức Phật đã đề cập đến thời Mạt Pháp để thấy được những hậu quả khi “Pháp” bị tàn phá bởi loài người và không phải loài người. Tuy nhiên, Thời Mạt pháp  diễn ra từ bao giờ? Kéo dài trong bao lâu đã được đức Phật tiên liệu rất rõ ràng. Khi Phật Thích Ca tại thế đã xác định rõ ràng bảo với A-Nan: “ Nay Chánh Pháp duy trụ năm trăm năm” điểm này tại Phật giáo trong Nam truyền Ba Lợi Luật Tạng tiểu phẩm đệ thập Tỳ Khiêu Ni Kiền Độ (Tỳ khiêu Ni bát kính Pháp), trong Bắc truyền Di Sa Tắc Bộ và Tiên Ngũ Phân Luật quyển nhị thập cửu, trong Bắc truyền Tứ Phân Luật quyển đệ tứ thập bát (Tỳ Khiêu Ni Kiền Độ đệ thập thất), trong Bắc truyền Trung A-Hàm Kinh quyển đệ nhị thập bát (Trung A-Hàm lâm phẩm Cù Đàm Sa Kinh đệ thập), trong Bắc truyền Phật Thuyết Cù Đàm Sa Ký Quả Kinh (Tống Tam Tạng Pháp sư Huệ Giản dịch) đều có ghi chép xác định rõ ràng.
Trong thời kỳ trụ thế chính Pháp của Phật Thích Ca truyền, chính Pháp của Ngài có khả năng độ người khẳng định là không có vấn đề, Phật Thích Ca sớm đã giảng rằng chính Pháp của Ngài truyền ra “duy trụ năm trăm năm”, hiện nay đã đi qua hơn vài cái năm trăm năm rồi, Phật giáo thực sự từ sớm đã đi vào thời kỳ mạt pháp rồi.
Căn cứ kinh điển Phật giáo Đại thừa Đồng Tính Kinh quyển hạ, các Đại thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương quyển lục bổn ghi chép: Khi đến thời kỳ Phật giáo mạt Pháp “Giáo Pháp thuỳ thế, nhơn tuy hữu bẩm giáo, bất năng tu hành chứng quả, gọi là mạt pháp.” 

Kinh Pháp hoa, phẩm Thường Bất Khinh nói: “Sau lúc Chánh pháp đã diệt, trong đời Tượng pháp, những Tỳ – kheo tăng thượng mạn có thế lực lớn…”. 

Mạt pháp là thời kỳ thứ ba sau Chánh pháp và Tượng pháp.

Thời hạn của ba kỳ, có thuyết cho là sau khi Phật diệt độ, Chánh pháp trụ thế 500 năm, Tượng pháp được 1.000 năm và Mạt pháp trải qua 10.000 năm. Có thuyết lại cho Chánh pháp và Tượng pháp đều trụ thế 1.000 năm, còn Mạt pháp thì 10.000 năm. Nhưng cũng có thuyết cho là Chánh pháp trụ thế 1.000 năm, nhưng Tượng pháp thì trải dài đến 10.000 năm như thời Mạt pháp.

Các thầy đề cập đến  khoảng thời gian  của thời Mạt pháp lồng ghép những thông tin mê hoặc , không rõ ràng “ Thời kỳ mạt Pháp, cách đức Thế Tôn đã xa, các bậc Thánh không xuất hiện nơi đời, tà pháp nổi lên làm lu mờ Chính Pháp. Nếu không có bậc Thánh giáng thế thì chúng sinh sẽ lạc trong tà kiến, vô cùng đau khổ”(hết trích) Vậy Thánh ở đây là ai?  Bậc Thánh nhân được nhà chùa “ tự phong “ liệu có phải là bậc Giác Ngộ? . Điều này chưa  thấy trong kinh điển  của đức Phật đề cập đến những bậc Thánh xuất hiện trong thời Mạt pháp để hoằng  dương chánh pháp. Theo cách giải thích trên là thiếu căn cứ. Phật đã dạy là Tứ y cứ (Bốn căn cứ quy chuẩn biện chứng) là : 1, Y pháp bất y nhân, 2, Y nghĩa bất y ngữ, 3, Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa, 4, y trí bất y thức. Trong đó:

o Y pháp bất y nhân: nghe theo yếu nghĩa Phật pháp, không phải vì ai mà nghe theo (kinh Kalama chỉ rõ điều này)

o Y nghĩa bất y ngữ: dựa vào yếu nghĩa mà hiểu kinh văn, không chấp nhặt từ ngữ bởi vì có nhiều trường hợp kinh văn bị thêm vào, cắt xén, chỉnh sửa lệch quỹ đạo Chánh pháp, gọi là ngụy kinh, ngụy thư.

o Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa: theo yếu nghĩa giải thoát rốt ráo, mục đích tối thượng, cứu cánh Niết bàn, chớ đừng bám chấp và dừng lại ở ý nghĩa phàm tình là nhân của quả làm Người, Trời, Quỷ, Thần

o Y trí bất y thức: Trí là tuệ tri giải thoát, Thức là phân biệt mang tính chất thế gian, gây nhân luân hồi. Do vậy, hiểu kinh văn chính thống phải hiểu theo Trí, đừng dùng tâm phàm phu mà ngợi ca hay phỉ báng

Theo quan kiến Phật đà, người đã Quy y Phật, Pháp, Tăng sẽ không thờ cúng thiên, thần, quỷ, vật, và chính Đức Phật đã dạy: “Thờ những bậc đáng thờ. Kính những ai đáng kính. Đó là chân hạnh phước” (kinh “Ba mươi bảy phước báu tối thượng”)

Thứ hai: Ngụy tạo thần thông để mê hoặc lòng người :

Với mục đích xây dựng Tăng đoàn chân thật tu hành như thời Phật tại thế. Thầy Trụ trì đã ban hành Thanh Quy cho chư Tăng tu hành. Tăng chúng nghiêm trì giới luật, nhập rừng thực hành hạnh đầu đà, cầu chứng Thánh quả, cầu bậc Thánh giáng trần. 

Bởi tâm nguyện chân thật đó, có lẽ đã có sự cảm ứng đến chư Thiên. Ngày 24/10 năm Bính Thân, chư Thiên cõi trời Đao Lợi báo biết và khuyến thỉnh lập đàn cầu bậc Thánh giáng trần. Nếu chúng sinh tha thiết thì có thể đủ duyên để bậc Thánh giáng trần đem lại lợi ích cho chư thiên và loài người.” ( hết trích )

Với tâm nguyện của Thầy trụ trì “làm đúng” theo chánh pháp và giáo lý Phật đà đã cảm ứng đến chư Thiên, và được “ báo “ cho biết và được các ngài “ khuyến thỉnh” lập đàn để cầu bậc “ Thánh “ Giáng trần ? qua thực  thật khó  chấp nhận được. Phải chăng khi tất cả những hành giả, tỳ kheo thời nay, khi thực hành đúng giáo pháp của  Phật đều được ban ‘ thần thông “ để có thể kết nối được với các bậc chư Thiên ở cõi khác. Vậy  dấu hiệu để có được lục thông của quý Thầy đã được kiểm nghiệm, hay chỉ là những tâm ý chủ quan, suy luận thiếu căn cứ. Đức Phật đã xác quyết rằng . Đức Phật đã từng dạy: “ Này các Tỳ kheo ! tâm dua vậy, với Đạo trái nghịch, vậy nên phải dùng tâm ngay thẳng. Phải biết tâm dua vậy chỉ để dối gạt. Người vào Đạo thời không làm vậy. Vậy nên các người hãy dùng tâm đoan chánh ngay thẳng làm gốc” (Trích Kinh Chánh Hạnh). Vậy những tri kiến phật học không thấy áp dụng  để giải thích. Một mâu thuẫn lớn , Khi thực hành Phật pháp đã được cảm ứng bởi chư Thiên , mà không phải chư Phật là điều khó chấp nhận được. những thông tin “cảm ứng” thiếu căn cứ đó không căn cứ  trên những giáo lý nhà Phật , trái lời dạy của Đức Phật dạy  trong kinh Tăng chi bộ : “Một thời, Thế Tôn trú ỏ Sàvatthi, tại Jetavana,dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có bốn hạng thuyết trình này. Thế nào là bốn?

Bốn hạng thuyết trình, này các Tỷ kheo, đi đến ngõ bí về nghĩa, không về văn; có hạng thuyết trình này, này các Tỷ kheo, đi đến ngõ bí về văn nhưng không về nghĩa; có hạng người này, này các Tỷ kheo, đi đến ngõ bí về nghĩa cũng như về văn; có hạng người, này các Tỷ kheo, không đi đến ngõ bí về nghĩa cũng như về văn.Này các Tỷ kheo, có bốn hạng người thuyết trình này.

Không có trường hợp này, này các Tỷ kheo, không có cơ hội này, là một người đã thành tựu bốn vô ngại giải, lại đi đến ngõ bí về nghĩa cũng như về văn.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phầm Loài người, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.78)

Trong phận sự của mỗi người con Phật, ngoài việc tu tập để đạt an lạc, giải thoát cho tự thân thì tuyên thuyết, trao truyền và xiển dương giáo pháp nhằm giáo hóa chúng sanh hướng về Tam Bảo là nhiệm vụ quan trọng. Muốn hành trì và thuyết giảng đúng Chánh pháp thì trước hết phải học tập, nghiên cứu để am tường giáo pháp.

Con đường để nhận thức toàn diện giáo pháp là Văn – Tư – Tu; nghe, đọc, học hỏi, nghiên tâm rồi suy tư, chiêm nghiệm nghĩa lý và nhất là sự thẩm thấu, thể nghiệm giáo pháp thông qua hành trì, nội chứng. Kiên toàn được những yêu tố này, thì dù chưa đạt đến biện tài vô ngại song cũng đủ tư lương đê xiển dương chánh pháp.

Theo quan điểm của Thế Tôn, muốn diễn đạt, tuyên thuyết, trình bày một vấn đề trước hội chúng có sức thuyết phục cần thông suốt văn và nghĩa. Văn bản, kinh sách, tầm chương trích cú phải thông thuộc, đúng gốc, rõ ràng đồng thời nghĩa lý, ý tứ của kinh văn phải hiểu rõ để diễn đạt mạch lạc, chính xác. Và dĩ nhiên, nhưng ai chưa thông suốt cả văn lẫn nghĩa thì tốt nhất là “im lặng như Chánh pháp”, cần rèn luyện và trau dồi thêm. Trường hợp, liễu triệt về nghĩa nhưng bị giới hạn về văn, muốn có phương tiện hoằng hóa cũng cần bổ túc thêm cho đến khi hiểu biết trọn vẹn cả văn lẫn nghĩa.

Khi dựa vào Thánh vị, thành tựu bốn vô ngại (giáo pháp, nghĩa lý, ngôn từ, biện giải vô ngại) là điều kiện lý tưởng để tuyên thuyết giáo pháp. Khi chưa thành tựu Bốn vô ngại giải hay liễu tri văn nghĩa, không vì thế mà không tận lực tuyên dương chánh pháp, song cần phải tự biết mình để kiện toàn. Ngày nay, không ít người thuyết pháp vì không hiểu được tinh nghĩa Đại thừa nên vội vàng quy kết là phi Phật pháp. Trừ những ai chứng đạt bốn vô ngại giải, còn hàng phàm phu thì nên cẩn trọng, thiết nghĩ đó cũng là vấn đề cần lưu tâm của mỗi người con Phật, trong bối cảnh hoằng pháp hiện nay.

Thứ 3: Xa rời luật tắc nhân quả.

Chúng ta đều biết rằng, Đạo Phật không phải là một tôn giáo, mà là một hành trình Giác Ngộ. Mà đã là hành trình Giác Ngộ thì đạo Phật không chối bỏ bất kỳ chúng sanh nào, bởi Phật thuyết “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”. Trong Kinh Pháp Cú Thí Dụ cũng nêu rõ :

“ Dầu hư không biển cả

Hay núi đá xa xôi

Không nơi nào tránh khỏi

Quả ác nghiệp gây rồi .

( Trích kinh Pháp Cú thí dụ, Phẩm Ác Hạnh thứ 19, trang 178, Nxb Tôn giáo 2010). Nhà chùa đã thông báo “Nếu chúng sinh tha thiết thì có thể đủ duyên để bậc Thánh giáng trần đem lại lợi ích cho chư thiên và loài người” Phải chăng hạnh phúc, an lạc , phồn vinh , giàu có của mỗi chúng sinh sẽ có được khi mỗi người “ tha thiết”  thì mới có “ duyên”  được các Ngài đem lại lợi ích cho  những phép màu kì diệu. Vì thế , luật tắc nhân quả được  loại bỏ , mà cổ súy cho các hoạt động cầu nguyện, lập đàn , tế lễ để mong được sự che chở, ban phước lành,  mong cầu hạnh phúc . Nhưng thực sự việc cầu nguyện đâu phải là một giải pháp. Đức Đại Lạt Ma đã  dạy rằng “Không thể nào tìm thấy được hạnh phúc nếu chúng ta không nhìn vào hiện thực mà chỉ biết đuổi theo ảo giác. Hiện thực không tốt đẹp cũng chẳng xấu xa gì cả. Vạn vật là như thế, không thể nào đúng với ý mình mong muốn là phải như thế. Quán thấy và chấp nhận điều ấy chính là một trong những chiếc chìa khoá mang lại hạnh phúc và khổ đau không phải là phi lý và cũng không phải là vô ích, đơn giản đấy chỉ là kết quả của nghiệp mà thôi, đấy là quy luật nguyên nhân và hậu quả chi phối các chu kỳ hiện hữu. Thật hết sức khó để hiểu được điều này nếu không tin vào hiện tượng tái sanh. Tư duy và hành động của mình từ những kiếp sống quá khứ sẽ tạo ra hậu quả – có thể là tích cực hay tiêu cực, tất cả đều tùy thuộc vào động cơ thúc đẩy làm phát sinh ra chúng.”

 Với những Tỳ kheo;  Đức Phật đã khẳng định trong kinh Pháp Cú:

“Đích thực bậc tỳ kheo

Không phải đi khất thực

Bậc tỳ kheo đích thực

Là sống theo giới luật.”

Chính vì vậy mà Phật trước khi nhập Niết Bàn, Phật khuyến cáo: “… Nếu biết rõ vị tỳ kheo nào đó trong Tăng đoàn phá giới, đừng vì lẽ người ấy mặc áo cà sa mà cung kính lễ bái… (kinh Đại bát Niết bàn, phẩm Như lai tánh, quyển 1). Phật dạy “Hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp của con người” (Kinh Bát Đại Nhân Giác). Thánh tăng Thogme Zangpo từng khẳng định: “Có năm Ba-la-mật (tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định) mà thiếu Trí huệ Ba-la-mật thì không thể dẫn tới đạo quả. Bởi vậy, hãy kết hợp các phương tiện thiện xảo cùng với trí huệ để khỏi lạc vào ba cõi…” (Ba mươi bảy Pháp hành Bồ tát đạo)

Nói tóm lại, qua bài Thông bạch của chùa Ba Vàng tôi xin được mạn phép trao đổi với những suy nghĩ của mình theo quan điểm Phật học. Đồng thời chúng ta thấy và hiểu được những lỗi sai cơ bản, sự nhầm lẫn tai hại của hoạt động Phật sự, dẫn đến hậu quả khiến dư luận hiểu sai lệch chánh pháp Phật Đà, đặc biệt là chánh kiến Phật Pháp. Bài viết này với quan điểm của cá nhân tôi chỉ muốn làm sáng tỏ hơn những giải thích sai lầm  theo quan điểm Phật môn. Đức Phật Thích Ca đã từng nói “ Bản chất của Phật không phải là thân xác mà chính là sự giác ngộ. Thân xác ta có thể tan rữa ra ở đây, nhưng sự giác ngộ của ta thì sẽ mãi tồn tại vĩnh cửu với Pháp và Đạo. Chính vì thế, kẻ nào chỉ thấy qua thân xác, chính là kẻ đã không thấy ta; kẻ nào hiểu được lời ta dạy mới chính là đã nhìn thấy ta.” Trích “lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni- Tr23- Nxb Hồng Đức, năm 2012. Nguyện cầu cho Quốc thái , Dân an, Chúng sinh an lạc và đạt được trạng thái giác ngộ!

Phật tử : Nguyễn Ngọc Sơn – Pháp danh Minh Lâm.

Mail [email protected]