Trang chủ Tu học Phổ thông Các loại tượng Phật ở chùa

Các loại tượng Phật ở chùa

727

Ở Ấn Độ cổ đại, việc điêu khắc, đắp vẽ tượng Phật bị xem là việc xúc phạm thần thánh, nên chỉ vẽ các hình ảnh tượng trưng như pháp luân, cội Bồ-đề, dấu chân Phật. Về sau, Đại thừa giáo phát triển, kinh điển mới nói nhiều đến nhân duyên công đức của việc tạo tượng.


Việc đắp tạo và điêu khắc tượng Phật đến thế kỷ I mới bắt đầu thịnh hành. Đại tháp Amaravati được xây dựng vào thế kỷ IV – V, trên lan can có Phật truyện đồ với những dụng cụ bằng vàng. Di phẩm nổi tiếng nhất về nghệ thuật điêu khắc là tượng khắc trong động đá Ajantà ở Panjab, được khen là “Cung nghệ thuật phương Đông”. Bên trong có nhiều bích họa, còn bên ngoài có nhiều điêu khắc, các nhân vật đều rất trang nghiêm sinh động, đậm hơi thở tôn giáo. Phía Bắc Ấn Độ thì có phong cách nghệ thuật Kiền-đà-la. Di tích Bamian ở Afghanistan có tượng Đại Phật trên vách núi nổi tiếng thế giới cao đến 52m. Ngoài ra còn có động Angkor ở Campuchia, Bà-la-phù-đồ (Boro-budur) ở Java … đều là nghệ thuật điêu khắc đá tinh vi. Ở Trung Quốc thời kỳ đầu, nghệ thuật điêu khắc chịu ảnh hưởng Kiền-đà-la và Ấn Độ, đến đời Đường, Tống thì có phong cách riêng. Nổi tiếng có cách đắp tượng truyền thần của Dương Huệ đời Đường, các ông Đái Quỳ, Lý Nhã, Trương Tụ đời Tống.


Nói chung, Phật tượng có nhiều loại, được đúc tạo bằng nhiều chất liệu như vàng, bạc, gỗ, đá, xi măng, thạch cao … Kiểu dáng cũng rất đa dạng, nổi tiếng ở Ấn Độ là các vùng Kiền-đà-la, Mạt-thố-la. Khi Phật giáo truyền đến các nước Trung Quốc, Nhật Bản, nghệ thuật điêu khắc tượng Phật phát triển cực thịnh. Phật tượng phần nhiều được đúc bằng kim loại để thờ trong chùa viện, có khi điêu khắc trong các hang động, tạo tượng to lớn giữa cảnh quan thiên nhiên để mọi người chiêm bái, hoặc khắc chạm cả sườn núi, vách núi làm Đại Phật.


Về hình thức, tùy theo quan niệm thẩm mỹ và tâm hồn của dân tộc qua các triều đại mà tượng Phật có khác nhau. Lịch sử tạo tượng ở Trung Quốc biểu hiện rõ đặc điểm này, như tượng thời 16 nước Ngũ Hồ (khoảng thế kỷ III-IV) thì kích thước nhỏ, phong cách thuần phác, cổ điển và hào phóng, giống với nghệ thuật tạo tượng Kiền-đà-la và Mạt-thố-la, biểu hiện nhận thức thẩm mỹ của dân du mục phương Bắc. Tượng Phật thời kỳ khắc tạc ở động đá Vân Cương (460 – 493) thì đường nét đơn giản, hai má đầy, mắt dài và sắc, sống mũi ngay thẳng, môi dày, tai lớn, vai rộng, cổ thô, biểu hiện tình cảm và tướng mạo của bậc đại trượng phu trong quan niệm của người Trung Quốc. Đến thời kỳ tạo tượng ở Long Môn (494 – 550 ) thì tượng Phật lại nhỏ nhắn, khuôn mặt dài, thân hình yểu điệu, cao và ốm … Nói chung, càng về sau tượng Phật càng được nhân cách hóa, là do ảnh hưởng cung đình Trung Quốc mà các thời đại Tùy, Đường, Tống, tượng Phật được khắc tạo rất đẹp, đầy đặn và sinh động, y quan lộng lẫy, nét mặt hiền từ.


Ở Việt Nam, nghệ thuật tạo tượng cũng phát triển rất sớm. Từ khi hình thành trung tâm Phật giáo Luy Lâu, các tượng Phật đã được tôn tạo một cách tỉ mỉ, nổi tiếng nhất ở Việt Nam là tượng gỗ, chạm trổ công phu, như tượng Man Nương, Kim Đồng Ngọc Nữ ở chùa Dâu (chùa Pháp Vân), chùa Keo (chùa Pháp Vũ) ở Hà Bắc, các tượng La-hán, tượng Tuyết Sơn ở chùa Mía (chùa Sùng Nghiêm), chùa Tây Phương ở Hà Tây. Các tượng Phật ở các chùa Dư Hàng, chùa Phổ Chiếu ở Hải Phòng sau này cũng ảnh hưởng rất lớn hình thái tượng ở Hà Tây, vừa sinh động mà lại vừa hiền từ, biểu hiện rõ nét suy tư và tình cảm của tâm hồn người Việt. Các ngôi chùa cổ ở miền Nam Việt Nam cũng còn bảo lưu rất nhiều tượng Phật bằng gỗ quý, nhưng tượng Phật ở vùng này lại ảnh hưởng Phật giáo hệ Nam truyền từ Cao Miên truyền sang, tượng Phật đen đúa, khắc khổ hơn.


Ngày nay, nghệ thuật điêu khắc, đắp vẽ tượng Phật đã phát triển đến mức hoàn mỹ. Nghệ thuật truyền thống kết hợp với kỹ thuật và thẩm mỹ Tây phương, như kỷ hà học, lập thể … làm cho nghệ thuật điêu khắc, phù điêu, đắp tạo tượng Phật ngày càng tinh xảo và hiện đại. Nhưng giá trị cổ điển vẫn là giá trị văn hóa, giúp chúng ta hiểu rõ được nhận thức và tâm hồn của mỗi dân tộc qua nhiều thời đại khác nhau.


 


 


 


Tượng Phật


Có 5 cách thể hiện Phật Thích ca diễn tả những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của đức Thế Tôn: (a) Tượng Cửu Long (chín con rồng chầu) thể hiện lúc đức Thích Ca đản sanh. (b) Tượng Tuyết Sơn: thể hiện giai đoạn tìm đạo, tu khổ hạnh. (c) Tượng Niệm Hoa: thể hiện giai đoạn đức Bổn sư cầm hoa sen thuyết pháp. (d) Tĩnh toạ: đức Phật thành chánh quả. (e) Nhập diệt: đức Phật nhập Niết bàn, trong tư thế nằm.


Tượng Phật đản sinh


Tượng nầy được chế tác nhiều loại khác nhau. Đặc trưng của pho tượng nầy là tượng Ngài đứng trên một đài sen, một tay chỉ lên trời, tay kia chỉ xuống đất. Chi tiết biểu thị Phật trong hình tượng là hai tai có thùy châu dài theo lối hiểu  “tai dài như tai Phật”. Trong những pho tượng tạc bảo lưu đến nay, sự tuân thủ vào quy pháp tạo hình cũng không thống nhất: chẳng hạn: pho tượng đúc Thích Ca đản sanh tại chùa Hóc Ông Che thì tay phải chỉ lên trời; còn pho tượng lưu hành tại chùa Tân Quang (Hoá An / Biên Hoà) thì ngược lại, tay trái chỉ lên trời. Tính chất không nguyên tắc nầy cũng thấy trong những pho tượng gỗ, tượng đồng ở các ngôi chùa miền Nam.


Về sau từ thập niên 60 của thế kỷ XIX, trong những loại tượng đúc thành khuôn bằng thạch cao hay bằng xi măng, thì mới phổ biến hàng loạt những pho tượng “tay mặt chỉ lên trời”. Những pho tượng nầy đều dựa theo ý niệm “trụ như sơn” chứ không theo lối “hành như phong”. Ở những pho tượng Phật đản còn lưu hành tại miền Nam Việt Nam hiện nay,sự tuân thủ nguyên tắc đồ tượng cũng được áp dụng trong những loại tượng khác.


Tượng Di Đà Toạ Thiền


Tượng Phật nầy được chế tác chân phương và có phần đăng đối. Đầu có tóc xoắn ốc, giữa đỉnh đầu có nhục kế nổi cao, tai dài xuống gần vai, áo cà sa rộng trùm và hai bả vai, cổ tròn, tay áo dài rộng. Phật ngồi theo thế kiết già trên tứ phương toạ; chung quanh trang trí hình sen. Hai tay đặt chồng đối với nhau theo thế “thủ ấn thiền định” (dhyana mudra). Đây cũng là họa tiết và kiểu thức của các pho tượng Bồ tát Quan Âm, mà có những đường nét theo kiểu tượng hình Di Đà Tam Tôn; nhưng những ngôi chùa trong vùng lại không thấy tượng của ngài Bồ Tát Đại Thế Chí. Nhìn chung, tượng đức Phật Di Đà được chế tác theo đúng chuẩn mực, thể hiện được “tướng hảo quang minh” và “tùy hảo vô lượng”. Chưa thấy có đủ các tượng “tam thập nhị tướng” và “bát thập tuỳ hản” mà kinh sách thường ghi chép.


Tượng đức Phật Di Lặc


Trong đồ tượng học, tượng Phật Di Lặc là tập hợp được thể hiện trong diện mạo hình tướng “Di Lặc lục tặc”: đầu tròn, áo hậu,ngồi bệ lập phương, y toạ, tĩnh tâm, thiền định.


Tượng Quan Âm


Những pho tượng lưu hành đều theo sáu cách  thể hiện quy định (a) Quan Âm Chuẩn Đề: theo công thức thì tượng nầy có ba mặt và 18 tay. (b)  thiên thủ, thiên nhãn:  Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt như pho tượng ở chùa Bút Tháp. (c) Quan Âm tọa sơn: thể hiện đức Quan Âm ngồi trên đỉnh núi. (d) Phật Bà: thể hiện Phật bà Quan Âm đội mũ ni, ngồi toà sen. (e) Quan Âm tống tử: thể hiện đức Quan Âm ngồi bế đức bé, một bên có Thiện Sĩ (biểu trưng bằng hình con vẹt).


Tượng Bồ Tát Chuẩn Đề


Trong đồ tượng, xét về hình tướng của Bồ Tát Chuẩn Đề không khác gì so với Quan Thế Âm Bồ Tát. Pho tượng thường trình bày nhiều tay: có tượng 6 tay, có tượng 18 tay, biểu trưng cho công năng trong từng giai đoạn và trường hợp hành trì. Tại chùa Hóc Ông Che, pho tượng Bồ Tát Chuẩn Đề lại thêm nhiều tay nữa, ngồi kiết già.  Tại một số chùa khác thì đài toạ và tư thế có hai loại tượng khác nhau: một loại trình bày Chuẩn Đề cỡi công (gọi là Khổng Tước tọa); loại thứ hai gọi là Chuẩn Đề Lục giác toạ. Nếu so với quy pháp đề tượng chính thức của Ngài Chuẩn Đề thì các pho tượng Chuẩn Đề ở những chùa chiền Việt Nam có phần được giản lược hơn. Những trì vật thông thường là Nhật Nguyệt Quan Âm.


Địa Tạng Vương Bồ tát


Trong tập hợp những loại đất nung về đồ tượng đúc Địa tạng Vương Bồ tát được phân chia ra làm hai loại chính: loại thứ nhất là tượng ngồi trên ngai, chung quanh có các thị hầu oai nghiêm; loại thứ nhì ngồi trên con thanh sư, mỗi biểu trưng cho việc hành trì chánh pháp. Cả hai đều có những điểm chung nhất trong nghệ thuật tạo hình: đầu đội mũ Tì Lư (hay Thiên Sứ Tì Lư), toàn thân khoác Y bá nạp, một tay để ngửa trước bụng, trên có một hồ bình hay Bửu bát; tay kia giơ cao lên; ngón áp út khuyên tròn lên ngón cái. Phật thoại ghi: Tướng pháp nầy biểu trưng cho ấn thí vô uý. Ngoài ra, một số tượng biểu trưng cho “ấn an ủy”.


Trong một số đồ tượng khác, tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát còn có hai đệ tử theo hầu: Mẫn Công và Đạo Minh. Một số tượng khác thì còn thêm Chủ Mạng Quy Vương. Trong nhiều tượng đất nung về pho tượng nầy thì gậy tích của ngài Địa Tạng Vương lại thấy ở tượng của Chủ Mạng Quỷ Vương; trong khi đó trái châu biểu hiện cho thần lự của Ngài thì thấy ở pho tượng Mẫn Công.


Giải thích điều nầy,  Pháp Thoại ghi: Hình tướng Địa Tạng Vương ở đây là một trong 6 trường hợp hoá thân của Ngài, được gọi là Lục Địa Tạng. Lục địa tạng là: Đàn Đầu Địa Tạng, Bảo Châu Địa Tạng, Bản Ấn Địa Tạng, Trì Địa Địa Tạng, Trừ Chướng Địa Tạng và Nhật Quang Địa Tạng.


Tượng La Hán


Hình tướng của các bộ tượng La Hán ở tập hợp tượng đất nung, hầu hết được biểu hiện dưới dạng Thinh Văn Hình. Biểu tượng nầy còn gọi là Tỳ Kheo Hình, tức là có hình tướng chiếu theo hình tướng của đức Bổn Sư Thích Ca khi còn tại thế; tuy nhiên tóc không xoắn mà đầu cạo trọc, đỉnh đầu không có nhục kế, áo hậu có dây thắt lưng. Nói chung, hình tướng La Hán có phần thoát sáo, và trong chừng mực nào đó, đã thoát khỏi những nét đặc trưng nhân dạng của người Tây Vực hay Trung Hoa, mà lại có nhân dạng Việt Nam khá rõ nét. 


Ở nhóm tượng nầy thường có hai loại: ngồi trên ngai và cưỡi thú. nhưng dù thuộc thể loại nào chăng đi nữa, thì hình tướng cũng có phần hiện thực hơn so với các tượng thuộc nhóm Phật hình, Bồ Tát hình, hay những nhóm tượng thuộc Thiên Vương, Hộ Pháp, Thiện Hữu, Ác Hữu, Kim Cang, thường được gọi chung là Thiên Thần Hộ Pháp.


Tứ Thiên Vương


Tứ Thiên Vương còn được gọi là Hộ Thế Tứ Vương là hình tướng tiêu biểu cho Thiên Vương Hình. Cả bốn vị đều ngự ở cõi trời “Tứ Thiên Vương Thiên” (Caturmaha Rajakasika) thuộc về cõi trời dục giới; lưng chừng trên ngọn núi trung tâm vũ trụ gọi là “Tu Di Sơn”, thấp hơn cõi trời Đao Lỵ của Đế Thích.Tứ Thiên Vương là ngoại thần của Đế Thích có trách nhiệm thống quản cõi trời theo 4 hướng: Trì Quốc Thiên Vương (Virudka) (Hướng đông), Quảng Mục Thiên Vương (Viruphaka) (Hướng tây), Tăng Trưởng Thiên Vương (Dhrtarastra) (Hướng nam), Đa Văn Thiên Vương (Dhananda) (Hướng bắc).


Tứ Thiên Vương đã từng nghe đức Phật thuyết pháp kinh Đại Thừa và cũng đã nguyện độ trì Tam bảo. Do vậy, mà các chính điện chùa chiền đều có tượng Tứ Thiên Vương. Biểu tượng của các tướng Thiên vương là một tướng nhà trời oai nghiêm: đi giày trận, mặc áo giáp, đầu đội kim khôi, tay cầm bửu bối; đàn tỳ bà, bảo kiếm, vòng kim cang, ngọc châu, che dù, có con “hoa hồ điêu”. đó là hình tướng phổ biến trong các tượng thuộc đề tài nầy cũng như trong điệu múa “Tứ Thiên Vương” ở cung đình Huế. Một số làng miền Nam cũng theo nghi lễ như vậy. Tuy nhiên, ở đây, các loại bửu bối đã được giản lược bớt, chẳng hạn như mũ kim khôi được thay bằng mũ  “ngũ  Phật” với hình 5 cánh sen.


Bát Bộ Kim Cang


Đây là các vị Kim Cang lực sĩ (Vajrapani) cũng được gọi là Kim Cang Thần; thường chỉ chung các vị thần cầm chày Kim Cang (như Kim Cang Thủ, chấp Kim Cang) biểu hiện uy thế lớn lao, bảo vệ Phật pháp ở khắp tám bộ chúng (Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khần Na La, Ma Ha La Già). (Theo Đoàn Trung Còn). 


Nghiên cứu kỹ những đồ tượng đất nung và đồ gốm cải tiến, thì những vị Kim Cang Thần được chế tác với dạng các võ tướng: đầu đội kim khôi, mình mặc áo giáp, vai có phong đai, tay cầm hoasen, ngọc châu… Tuy là Thiên Hình tướng như Bát bộ Kim Cang đều có diện mạo thanh tú, khuôn mặt hiền hậu, phúc đức. Điều nầy khác với vẻ oai vệ và dữ dội của các loại tượng Kim Cang khác.


Những vị Hộ Pháp (Dharma Pala)


Những vị Hộ Pháp Thần cũng có hình tướng oai vệ và trang nghiêm: mặc áo giáp, đội kim khôi, có phong đai, đi giày trận, tay cầm chày Kim cang, chống mũi nhọn vào miệng một con rồng ẩn trong mây. Đây là hình tượng của Vi Đà (Skanda) – một vị thần có nguồn gốc Bà La Môn giáo. Theo truyền thuyết thì chức năng của chư Hộ Pháp là bảo hộ chư thần của tôn giáo này đã được Phật Giáo đồng hoá thành một thần Hộ Pháp. Thường thờ mặt trước của chùa chiền, miếu vũ.


Thiện Hữu và Ác Hữu


Hai vị thần Hộ Pháp nầy cũng rất phổ biến trong tập hợp những thể loại tượng đất nung, tượng gỗ ở các chùa.  Phật Thoại viết: Thiện Hữu và một thái tử, tiền thân của dức Phật Thích Ca, đã chấp nhận mọi sự thử thách, để xuống tận Long Cung,  tìm viên Ngọc Như Ý đem về để ban phước lạc cho dân chúng. Ác hữu là tiền thân của Đề Bà Đạt Đa (Devadatta); cũng là một hoàng tử cùng thời với thái tử Thiện Hữu, nhưng Ác Hữu thì lại thường có lòng ganh ghét, tìm đủ cách để ngăn cản Thiện Hữu làm việc thiện.Vào thời Phật Thích Ca giáng thế, Đề Bà Đạt Đa là con nhà chú củađức Phật Thích Ca. Ông là một người có tài, nhưng lòng đố kỵ và ngạo mạn. Về sau, ông xuất gia, nhưng lại tự cho mình chẳng kém gì đức Phật, nên chính ông đã gây những bất hòa trong thánh chúng, toàn tách rời hẳn ra để lập ra một Giáo hội khác. Ông đã sai người lén tìm cách để giết Phật, nhưng khi người đó đến nơit hấy cung cách siêu thoát của đức Phật thì quay lại quy y.  Đề Bà Đạt Đa cũng thả thú dữ để làm hại Phật nhưng các con thú đó cũng cảm đức hạnh của đức Phật nên quay đầu trở về… Tuy nhiên, Đề Bà Đạt Đa “vốn có nhiều công đức” cho nên được Phật thọ ký cho thành Phật, hiện là Thiên Vương (Devaradja) của cõi Thiên đạo. 


Theo Kinh Niết Bàn thì: Tùy thuận thế gian, Đề Bà Đạt Đa thị hiện ra việc hoại tăng, hoá tác ra nhiều hình mạo sắc tướng; đó là vì giúp cho Phật chế định giới luật. (Theo Phật Học Từ điển – Đoàn Trung Còn – trang 550).  Có lẽ để biểu đạt về “sự hoá tác ra nhiều hình dạng sắc tướng” màcụ thể là một kẻ hung ác, cho nên hình tướng của Ác Hữu được thể hiện là một Thiên Tướng có mặt mày hung dữ.


Tiêu Diện Đại Sĩ    


Đại Sĩ là một từ tôn xưng đối với các bậc Thanh Văn, Bồ Tát. Tiêu Diện Đại Sĩ có hình tượng khuôn mặt cháy nám. Theo truyền thuyết Phật Giáo, Tiêu Diện Đại Sĩ là một trong các thị hiện (tức là Hoáthân) của đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Theo “Tam thập nhị thân” (32cách hoá thân) của đức Quan Thế Âm Bồ Tát, thì hình tướng Tiêu Diện Đại Sĩ biểu thị cho một Quỷ Vương, mà truyền thuyết nói đếnvị chúa của Dạ Xoa (Yasha). Dạ Xoa là một loài ác thú có mặt ở dương thế, trên trời và âm phủ, tùy trường hợp hành trì. Hình tướng Dạ Xoa dữ tợn, kỳ quái, đầu gồ lên 3 u thịt, nhiều tay, nhiều mắt, nhiều đầu, nanh nhọn, mắt lồi, tai thú. Phật Thoại kể: Để có thể hoá độ cho các vong hồn nơi cõi Diêm Phù, cho nên đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã hoá thân theo dạng Quỷ hình, thì dễ bề dung hoá hơn. Chúa quỷ Dạ Xoa thống quản các vonghồn. Khi đó đức Quan Thế Âm Bồ Tát bèn hoá thân thành một chúa quỷ, có hình dáng kỳ quái hơn, để tỏ uy lực của mình. Bồ Tát nhấcngọn Tam sơn lên, đặt trên đầu để thị oai. Tuy nhiên, chúa quỷ vì quá ngạo mạn, nên lại phun lửa để đốt cháy đối thủ. Ngọn lửa chỉ là “cháy nám mặt” vị Bồ tát hoá thân cứu khổ, cứu nạn. Danh xưng Tiêu Diện Đại Sĩ có từ đó.


Chủ mạng Quỷ Vương


Theo bản Kinh Địa Tạng thì: Chủ Mạng Quỷ Vương là một trong nhiều Quỷ Vương ở trong núi Thiết Vi, cùng chung nơi trú ngụ của Diêm La Vương. Các Quỷ Vương và Diêm La Vương đã nương theo oai thần của Phật và Bồ tát Địa tạng lên cung trời Đao Lợi nghe Phật thuyết pháp. Nhân dịp nầy, Chủ Mạng Quỷ Vương đã phát nguyện quy y Phật, và ra sức tu hành cứu độ chúng sanh trong cõi Diêm Phù. Do đó, Chủ Mạng Quỷ Vương đã được đức Phật thọ ký. Đức Phật dạy Điạ Tạng Vương Bồ Tát:  “Chủ Mạng Quỷ Vương là một bậc Bồ tát Đại Sĩ vì lòng từ bi phát nguyện hiện thân làm Quỷ Vương. Trải 170 kiếp, sẽ thành Phật hiệu Vô Tướng Như Lai”. Như vậy, Chủ mạng Quỷ Vương là vị Bồ Tát hoá thân dưới dạng Quỷ.Trong nghệ thuật tạo hình bằng gốm nung, Chủ Mạng Quỷ Vương thường được chế tác dưới dạng một Quỷ Vương: cầm trì vật là tích trượng nhằm biểu thị phò tá vị Giáo chủ cõi u minh.


Thần Linh


Về những vị thần linh nói chung, trong đồ tượng học thường thể  hiện đề tài tuân thủ khá nghiêm túc trong những loại tượng gỗ, đất nung, sành sứ. Đây là: tượng Ngọc Hoàng, 10 vị Minh Vương và các nữ thần. Các pho tượng Ngọc Hoàng, Minh Vương được chế tác trong tư thế ngồi nghiêm chỉnh trên ngai, hai tay chắp trước ngực, cầm hốt. Về trang phục thì đầu đội mũ bình thiên, mặc long bào, đai vàng. Những vị phụ tá như Nam Tào, Bắc Đẩu, 2 Phán Quan được chế tác theo thức văn quan. Tư thế đứng thẳng, đầu đội mũ đề bá, hai dải mũ thẳng xuống vai, đi hia, đai vàng. Các nữ thần được chế tác dạng Thiên mẫu Hình. Ngồi trên ngai, đội mũ bình thiên, mặc mãng bào, phủ yếm cổ hình hoa sen, đi hài thêu. Một số tượng khác thì mặc bì hay xiêm y, mũ phụng, tay vịn đai ngọc, bàn tay đỡ thẻ bài.


THẬP BÁT LA HÁN LÀ GÌ?


Sự tích 16 vị La-hán được chép trong sách Pháp Trụ Ký. Sách này do vị Đại A-la-hán Nan Đề Mật Đa La (Nandimitra) trước thuật và Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang (600-664) dịch ra chữ Hán. 


Ngài Nan Đề Mật Đa La (còn có tên là Khánh Hữu) người Tích Lan, ra đời khoảng năm 800 năm sau Phật Niết bàn. Theo Pháp Trụ Ký (Fachu-chi), thì Ngài chỉ lược thuật lại kinh Pháp Trụ Ký do Phật thuyết giảng mà thôi. Sách này trình bày danh tánh, trú xứ và sứ mệnh của 16 vị La-hán. Các Ngài đã đạt được Tam minh, Lục thông và Bát giải thoát, vâng thừa giáo chỉ của Phật, kéo dài thọ mạng, trụ tại thế gian tại thế gian để hộ trì chánh pháp và làm lợi lạc quần sanh. Mỗi khi các tự viện tổ chức lễ hội khánh thành, làm phúc, cúng dường trai Tăng, các Ngài cùng với quyến thuộc thường vận dụng thần thông đến để chứng minh, tham dự, nhưng chúng ta không thể nào thấy được. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của loài người là 80 tuổi. Tuổi thọ này – theo Pháp Trụ Ký – sẽ giảm dần còn 10 tuổi là giai đoạn cuối cùng của kiếp giảm. Sau đó, sang giai đoạn kiếp tăng, tuổi thọ con người từ 10 tuổi tăng dần đến 70000 tuổi. Bấy giờ các Ngài sẽ chấm dứt nhiệm vụ và nhập Niết bàn. (Bởi vì khi tuổi thọ loài người đến 80000 tuổi thì đức Phật Di Lạc sẽ ra đời). 


Danh tánh và trú xứ của các Ngài như sau: 


1. Tân Đâu Lô Bạt La Đọa Xà (S: Pindolabharadvàja), vị tôn giả này cùng 1000 vị A-la-hán, phần lớn cư trú tại Tây Ngưu Hóa châu. 


2. Ca Nặc Ca Phạt Sa (S: Kanakavatsa), vị tôn giả này cùng với 500 vị A-la-hán, phần lớn cư trú tại phương Bắc nước Ca Thấp Di La. 


3. Ca Nặc Ca Bạt Ly Đọa Xà (S: Kanakabharadvàja), vị tôn giả này cùng 600 vị A-la-hán, phần lớn cư trú tại Đông Thắng Thân châu. 


4. Tô Tân Đà (S: Subinda), vị tôn giả này cùng với 700 vị A-la-hán, phần lớn cư trú tại Bắc Cu Lô châu. 


5. Nặc Cự La (S: Nakula), vị tôn giả này cùng 800 vị A-la-hán phần lớn cư trú tại Nam Thiệm Bộ châu. 


6. Bạt Đa La (S: Bhadra), vị tôn giả này cùng 800 vi A-la-hán, phần lớn cư trú tại Đam Một La châu. 


7. Ca Lý Ca (S: Kàlika), vị tôn giả này cùng với 1000 vị A-la-hán, phần lớn cư trú tại Tăng Già Trà châu. 


8. Phạt Xà La Phất Đa La (S: Vajraputra), vị tôn giả này cùng với 1100 vị A-la-hán, phần lớn cư trú tại Bát Thứ Noa châu. 


9. Thú Bát Ca (S: Jìvaka), vị tôn giả này cùng với 900 vị A-la-hán, phần lớn cư trú tại trong núi Hương Túy. 


10. Bán Thác Ca (S: Panthaka), vị tôn giả này cùng với 1300 vị A-la-hán cư trú tại cõi trời 33. 


11. La Hỗ La (S: Ràhula), vị tôn giả này cùng với 1100 vị A-la-hán, phần lớn cư trú tại Tất Lợi Dương Cù châu. 


12. Ma Già Tê Na (S: Nàgasena), vị tôn giả này cùng với 1200 vị A-la-hán, phần lớn cư trú tại núi Bán Độ Ba. 


13. Nhân Yết Đà (S: Angala), vị tôn giả này cùng với 1300 vị A Lan Hán, phần lớn cư trú tại trong núi Quảng Hiếp. 


14. Phạt Na Bà Tư (S: Vanavàsin), vị tôn giả này cùng 400 vị A-la-hán, phần lớn cư trú tại trong núi Khả Trụ. 


15. A Thị Đa (S: Ajita), vị tôn giả này cùng với 1500 vị A-la-hán, phần lớn cư trú tại trong núi Thứu Phong. 


16. Chú Trà Bán Thác Ca (S: Cùdapanthaka), vị tôn giả này cùng với 600 vị A-la-hán, phần lớn cư trú trong núi Trì Trục. 


Sau khi Pháp Trụ ký được dịch sang chữ Hán, Thiền sư Quán Hưu (832-912), vốn là một họa sĩ tài ba đã vẽ ra hình ảnh 16 vị A-la-hán. Tương truyền, nhân Thiền sư nằm mơ cảm ứng thấy được hình ảnh của các Ngài rồi vẽ lại. Những hình ảnh này ngày nay người ta còn tìm thấy tàng trữ nơi vách tường Thiên Phật động tại Đôn Hoàng thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Sau Thiền sư Quán Hưu còn có hoạ sĩ Pháp Nguyện, Pháp Cảnh và Tăng Diệu cũng chuyên vẽ về các vị La-hán. 


Vì sao 16 vị La-hán trở thành 18 vị?


Từ khi có hình ảnh 16 vị La-hán, các chùa thường tôn trí hình ảnh của các Ngài, và từ con số 16 người ta thêm tôn giả Khánh Hữu thành 17 và tôn giả Tân Đầu Lô thành 18 (nhưng không biết ai là tác giả đầu tiên của con số 18 này). 


Thật ra tôn giả Khánh Hữu (tên dịch nghĩa ra chữ Hán) vốn là Nan Đề Mật Đa La (tên phiên âm từ chữ Phạn), người đã thuyết minh sách Pháp Trụ Ký; còn Tân Đầu Lô chính là Tân Đầu Lô Bạt La Đọa Xa2, vị La-hán thứ nhất trong 16 vị. Do khômg am tường kinh điển và không hiểu tiếng Phạn mà thành lầm lẫn như thế! 


Về sau, Sa môn Giáp Phạm và Đại thi hào Tô Đông Pha (1036-1101) dựa vào con số 18 này mà làm ra 18 bài văn ca tụng. Mỗi bài đều có đề tên một vị La-hán. Rồi họa sĩ Trương Huyền lại dựa vào 18 bài văn ca tụng của Tô Thức mà tạc tượng 18 vị La-hán, nhưng lại thay hai vị 17 và 18 bằng tôn giả Ca Diếp và Quân Đề Bát Thán. Do thế mà từ con số 16 lần hồi trở thành con số 18. Từ đời Nguyên trở đi, tại Trung Quốc cũng như Việt Nam, con số 18 này được mọi người mặc nhiên chính thức công nhận, con số 16 chỉ còn lưu giữ trong sổ sách mà thôi. Nhưng, tại Tây Tạng, ngoài 16 vị trên, người ta thêm Đạt Ma Đa La và Bố Đại Hòa Thượng; hoặc thêm hai tôn giả Hoàng Long và Phục Hổ, hoặc thêm Ma Da Phu nhân và Di Lặc để thành ra 18 vị. 


Ngoài ra, còn có hai sự tích khác về 18 vị La-hán


1. Sự tích thứ nhất được kể trong tập sách viết bằng chữ Hán của thầy Giáo thọ Hoằng Khai, trụ trì chùa Càn An, tỉnh Bình Định, vào năm Tự Đức thứ tư (1851). Theo sách này thì nước Triệu có nàng công chúa tên là Hy Đạt, vốn rất chí thành mộ đạo, nàng chuyên niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Năm 15 tuổi, nàng ăn một đóa hoa sen vàng rồi hoài thai đến 6 năm mới sinh ra 18 đồng tử. Các đồng tử ấy về sau được đức Quan Âm hóa độ và thọ ký để họ trở thành 18 vị La-hán. 


Nội dung sự tích này khá lý thú, tương đối có giá trị về mặt văn chương, nhưng cốt truyện lại pha trộn tinh thần Phật, Khổng, Lão nên ít có giá trị về mặt lịch sử. 


2. Sự tích thứ hai: tương truyền ngày xưa tại Trung Quốc có 18 tên tướng cướp rất hung hãn. Về sau họ hồi tâm cải tà quy chánh, nương theo Phật pháp tu hành và đắc quả A-la-hán.  Sự tích này tương đối có ý nghĩa, nhưng lại có tính cách huyền thoại, do đó ít được người ta chấp nhận.  (theo tài liệu của Thầy Thích Phước Sơn)


Theo nhà nghiên cứu Bezacier, hệ  thống biểu tượng thờ Phật (tính từ trọng tâm ra) gồm có:


Thượng điện và Thiêu hương


 1- Tượng Tam  Thế: Quá khứ, Hiện tại,  Vị lai (đức Phật A  Di Đà, đức Bổn  Sư Thích Ca  Mâu Ni, đức  Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật). 


2- Di Đà Tam Tôn: Phật A Di Đà (Amitabha) ở giữa; đức Đại Thế Chí Bồ Tát  (Maha Sthanaprata) ở  bên trái; đức  Quan Thế Âm  Bồ Tát(Avalokitesvara) ở bên phải.


3- Tượng Thế Tôn: Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni (Cakyamonni) ở giữa; đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (Manjucri) ở bên trái; đức Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát (Samantaghadha) ở bên phải. Một số chùa, bên cạnh đức Thế Tôn là đức A Nan Đà (Ananda) và Ma Ha Ca Diếp (Mahakacyapa) .


4-  Tượng Di  Lặc Tam  Tôn: Đương  Lai Hạ Sanh Di  Lặc Tôn  Phật (Maitreya) ở giữa, đức Pháp Hoa Lâm  ở bên trái; Đại Diện Tướng ở bên phải.


5- Tượng Phật nhập Niết Bàn


6- Tượng đức Thích Ca đản sanh


7- Tượng Đế Thích (Indra) ở bên trái và đức Ngọc Hoàng (Brahma) ở bên phải.


8- Tượng  Tứ Thiên Vương (Đông, Tây, Nam  Bắc) hay Tứ Bồ Tát (Ái Bồ Tát, Sách Bồ Tát, Ngữ Bồ Tát và Quyền Bồ Tát).


9-  Tượng Địa tạng  Vương Bồ Tát (Ksutigabha) tay cầm  bảo châu, tay kia cầm tích trượng. Hai tượng hầu  hai bên là Chưởng Thiện (bên trái) và Chưởng Ác (bên phải).


10- Các tượng về  đức Quan Thế Âm Bồ Tát như:  Quan Âm Chuẩn Đề (3 mặt, 18 tay) Quan Âm Thiên Thủ, Thiên Nhãn (nghìn tay, nghìn mắt)  Quan Âm Nam Hải (đi bè vượt biển cả), Quan Âm Thị Kính… 


Tiền đường  


1- Bát Bộ  Kim Cương (Vajrapani) gồm có: Thanh  Trừ Tai, Tích Độc Nhãn, Hoàng  Tùy Cầu, Bạch  Tĩnh Thủy, Xích  Thanh Hoá, Định  Trừ Tai, Tử Hiền và Đại Thần Học.


2- Hộ Pháp (Paladharma): ông Thiện và ông Ác  3- Thổ Thần, Long Thần, Đức Ông, Thánh Tăng (Ananda) Giám Trai.  4- Thập điện Diêm Vương: Tân Quảng Vương, Sở Giang Vương, Diêm La Vương,  Ngũ Quan  Vương, Biến  Thành Vương,  Thái Sơn Vương, Bình Đẳng Vương, Đô Thị Vương, Chuyển Luân Vương. 


Hành lang:


Thờ những vị Tổ: Ma Ha Ca Diếp, A Nan Đà, Giá Na Hoà Tu,Ưu Ba Cầu Đa, Đề Ca Đa, Ba Tu Mật, Phật Đà Nan Đề, Phụng Đà Mật Đa, Hiếp Tôn Giả, Mã Minh, Ca Tỳ Ma La, Long Thụ  Tôn Giả, La Hầu Ha, Tăng GiàNan Đề, Gia gia Đa Xá, Cưu Ma La Đa, Đồ Dạ Đa. Một trong  những yếu tố tạo  nên khung cảnh trang  nghiêm của một ngôi chùa  là quang cảnh  bên trong. Không  gian của chùa  vốn dĩ thường đóng kín, ánh sáng chiếu vào rất hạn chế. Khi ánh sáng toả vào chùa theo  con đường khúc xạ và phản  quang, cho nên cường độ cũng rất yếu, khác hẳn không gian nội thất của đình làng. Đã thế, việc trang trí điện thờ ở chùa  lại khá phức tạp, nhiều tầng lớp, đủ thể loại, đã gia tăng thêm  cảnh u tịch, huyền bí, oai nghiêm.  Bên trong,  với không gian  chùa như thế,  những khối tròn,  nhẳn bóng thường đọng ánh sáng và nổi lên  rất rõ nét. Do đó, khi tạo hình, những pho  tượng thường có bề  mặt rất nhẵn, những  khối rất căng tròn.


Những dãy tượng trong chùa  thường xếp thành hàng như Di Đà Tam Tôn,  Quần tượng Tam Thế,  những tượng Quan Thế  Âm Chuẩn Đề, Tống  tử, Niệm  hương, Tượng  Ngọc Hoàng,  Đế Thích,  Thập Bát La Hán… cân xứng, đăng đối.