Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Báo Ân, nguy cơ trở thành phế tích!?

Chùa Báo Ân, nguy cơ trở thành phế tích!?

73

Bề dày lịch sử

Chùa Báo Ân còn có tên gọi khác là Sùng Phúc hay Thiên Đức… Năm 2002, trong đợt khai quật khảo cổ tại di tích chùa Báo Ân, các nhà khảo cổ khẳng định, chùa được xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ XII – XIV).

Trong suốt quá trình bị bào mòn của thời gian và chiến tranh, chùa Báo Ân không còn vẻ tráng lệ như xưa, hiện có quy mô nhỏ bé với bố cục hình chữ T và nằm sát khu dân cư.

Trong quá trình canh tác và khai thác đất làm gạch, nhân dân trong vùng đã nhặt được nhiều vật liệu kiến trúc và đồ gốm sứ thời Trần, Mạc, Lê. Sưu tập hiện vật này hiện được lưu giữ tại chùa Báo Ân và chùa Sủi ở gần đó.

Đây chính là cơ sở để năm 2002, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Văn phòng Ban chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội phối hợp đào thám sát trên diện tích 100m2 nhằm tìm hiểu di tích này. Kết quả thu được không nằm ngoài dự đoán khi làm phát lộ các vết tích kiến trúc, gồm: nền, móng, gia cố chân tảng và hệ thống cống thoát nước có niên đại trải dài từ thời Trần, Lê đến Nguyễn.

Kết quả nghiên cứu được các nhà quản lý và chuyên môn đánh giá cao, đề nghị mở rộng khu vực khai quật. Tháng 12/2003, các nhà khảo cổ tiến hành thêm 6 hố khai quật và thám sát trên diện tích 300m2, thu được nhiều hiện vật quý, củng cố vững chắc quan điểm đã từng có ngôi chùa Báo Ân hoành tráng, một trung tâm Phật giáo lớn ở đây.

Các chuyên gia khảo cổ đánh giá cao số hiện vật thu được tại hố đào thứ 2, trên diện tích 196m2. Tại đây đã phát hiện 3 lớp kiến trúc với nhiều di vật còn khá nguyên vẹn, gồm: nền, móng, gia cố chân tảng, chân tảng sa thạch, ống cống thoát nước, hố ga…

Từ các vết tích xuất lộ trong hố đào, các nhà khảo cổ phục dựng bước đầu bố cục của các kiến trúc. Với lớp kiến trúc thời Trần đã bị phá hủy nặng nề, chỉ còn lại móng phía Đông, Nam và Bắc.

Gia cố chân tảng cũng bị phá hủy, do đó chưa suy dựng được bố cục của kiến trúc này. Song với các vết tích tìm thấy, có thể nhận định đây chính là nền móng của một trong những kiến trúc chính của ngôi chùa Báo Ân xưa.

Đến nay, chùa Báo Ân còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc đẹp mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Đặc biệt, chùa còn bảo lưu được những hiện vật quý, hiếm như gạch lát nền phong cách nghệ thuật thời Trần, bia đá niên đại thời Lê – Nguyễn, tháp đá thời Lê, chuông đồng thời Nguyễn, cây hương đá năm Chính Hòa 16 (1695) và khá nhiều sử ký, đại tự, câu đối, cửa võng, kham thờ … mang giá trị nghệ thuật cao. Tại chùa Báo Ân có nhiều pho tượng quý, mang nhiều giá trị nghệ thuật và lịch sử.

Ở đây ngoài tượng Thánh Mẫu, tượng Hậu còn có tượng của vua Trần Nhân Tông được tạo dáng như một nhà sư đang ngồi thiền định. Tượng mặc áo cà sa bó sát thân thể, nét mặt và bộ ngực thể hiện thành công giữa nghệ thuật và tạo hình, biểu đạt rất tinh tế hình ảnh vua Trần Nhân Tông, thể hiện nội tâm sâu sắc. Tượng làm bằng gỗ, sơn son thiếp vàng.

Nơi che chở cách mạng

Qua các giai đoạn lịch sử, chùa Báo Ân là nơi chứng kiến nhiều biến cố lịch sử của làng xã, dân tộc. Chùa là nơi che dấu an toàn cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng trong những năm 1945 – 1947. Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) và sau thời kỳ cải cách ruộng đất, chùa còn là nơi dạy học cho con em trong xã.

Hàng năm, chùa mở hội vào các ngày 14 và 15 tháng 4 (âm lịch), không chỉ nhân dân khu vực mà nhiều khách thập phương cũng về vui hội để tỏ lòng tri ân với vua Trần Nhân Tông, một vị vua anh minh, mưu lược trong quân sự, giỏi thơ văn, dạy dân thực hiện thập thiện và đi theo đạo Phật với mong muốn trừ bỏ dâm tà, xây dựng và củng cố một giáo hội Phật giáo thống nhất.

Theo Đại đức Thích Thanh Phương, trụ trì chùa Báo Ân, chùa vừa mang tính văn hóa vừa biểu hiện giá trị lịch sử truyền thừa đạo pháp của vị anh hùng dân tộc, hoàng đế phật hoàng Trần Nhân Tông.

Trong đất Thăng Long, chùa Báo Ân là nơi duy nhất gắn liền với cuộc đời tu hành của 3 vị Tổ phái Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay do những biến động khách quan và chủ quan, từ một di tích có quy mô lớn, thoáng rộng, chùa đã xuống cấp nghiêm trọng.

Chính vì thế, việc trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn và gìn giữ những giá trị nguyên bản của chùa Báo Ân là việc làm cấp thiết.