Trang chủ PGVN Cửa thiền Chuyện lạ trong ngôi chùa và nghĩa địa của nghệ sĩ: Kỳ...

Chuyện lạ trong ngôi chùa và nghĩa địa của nghệ sĩ: Kỳ 1 – Ngôi chùa độc nhất vô nhị

94

Trong một con ngõ nhỏ thuộc xã Hạnh Thông Tây (Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) có một ngôi chùa màu mè xanh đỏ khá nổi bật: Chùa Nghệ Sĩ.


 


Mấy câu thơ: “Buông bức màn rồi danh vọng hết. Người về lòng rũ sạch sầu thương. Người vào cởi áo lau son phấn. Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường” treo trên tường khiến mỗi người vào chùa viếng thăm các nghệ sĩ đều cảm thấy một nỗi buồn man mác.


 









“Người vào” ở đây là các thế hệ nghệ sĩ cải lương miền Nam. Sau khi rời ánh đèn sân khấu, trở về với cát bụi, họ được an táng ở đây. Phía sau ngôi chùa có cái tên khá lạ này, có một đài tưởng niệm giản dị với dòng chữ: Nghĩa trang Nghệ Sĩ.


 


Tỷ phú… vào chùa


 


Hò hẹn mấy lần, rồi tôi cũng gặp được ông bầu Xuân. Bầu Xuân tuy là chủ ngôi chùa này, nhưng ông không xuống tóc đi tu, nên không phải là hòa thượng.


 


Tên thật của ông là Diệp Nam Thắng, từng là Giám đốc hãng giấy Kiss Me, chủ hãng thầu xây dựng Nam Thắng. Tuy nhiên, do mê nghiệp cầm ca, nên ông chủ thầu này đã rẽ ngang sang làm nghệ thuật.


 


Ông trở thành ông bầu của đoàn Dạ Lý Hương, từng làm mưa làm gió trên sân khấu cải lương Sài Gòn một thời. Cũng chính vì thế, người dân Sài Gòn đều quen cái tên bầu Xuân, còn cái tên ông tỷ phú Nam Thắng thì không mấy ai biết đến. Cái duyên với nghệ thuật vẫn đeo đuổi đến già, để rồi giờ đây, ông trở thành người quản lý ngôi chùa có lẽ độc nhất vô nhị trên thế giới này.  


 








Khuôn viên chùa.

 


Nghệ sĩ cải lương chịu ảnh hưởng sâu đậm tính cách giang hồ của người dân miền Tây Nam Bộ. Họ sống tập trung thành một gánh hát, lưu diễn tha phương, thu nhập không ổn định, thường bị ức hiếp, nên nghệ sĩ cải lương tập hợp nhau lại, lập nên Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế nhằm giúp đỡ nhau lúc bệnh tật, già yếu, khó khăn. Họ bầu nghệ sĩ Bảy Phùng Há làm hội trưởng.


 


Sau khi thành lập Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế, bà Bảy Phùng Há tính đến chuyện kiếm mảnh đất để anh chị em nghệ sĩ có nơi mồ yên mả đẹp.


 


Năm 1958, nhờ quen biết, bà Bảy Phùng Há đã vận động được ông Trần Quốc Bửu, chủ Trường đua ngựa Phú Thọ quyên góp một khoản khá lớn để bà thực hiện ý tưởng xây dựng nghĩa trang cho các nghệ sĩ nghèo khổ trong Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế.


 








Sanh phần xây sẵn của nghệ sĩ Phùng Thị Há.

 


Tuy nhiên, số tiền đó chỉ đủ mua mảnh đất hoang giữa cánh đồng thuộc xã Hạnh Thông Tây rộng hơn 6.000m2. Không có tiền, mảnh đất bị bỏ hoang suốt 10 năm trời.


 


Thấy mảnh đất bỏ hoang, ông Năm Công, khi đó là ông bầu của đoàn cải lương Lê Minh Công đã xin bà Phùng Há cho cất am để tu hành, rời bỏ cõi tục.


 


Am xây một năm thì xong, bầu Năm Công trở thành người của cõi Phật với pháp danh Thích Quảng An. Tuy nhiên, dù đã quy cửa Phật, song ông vẫn không thoát được vòng tục lụy, vì nợ nần còn chồng chất. Vì thế, ông đành phải để lại am cho đại gia Diệp Nam Thắng, tức bầu Xuân.


 


Tiếp quản xong, ông bầu Xuân tiến hành xây dựng, mở rộng am thành một ngôi chùa bề thế, lấy tên là Nhựt Quang Tự. Tuy nhiên, không mấy ai biết đến cái tên này, mà cứ gọi là Chùa Nghệ Sĩ.


 








Nghĩa trang sau chùa là nơi các nghệ sĩ… “trở về”.

 


Phía sau chùa, ông dành phần lớn đất để xây dựng nghĩa trang và tháp đựng tro cốt. Nghệ sĩ nào muốn địa táng thì vào nghĩa trang, còn muốn hỏa táng thì tro cốt được đựng trong bình rồi xếp vào những tháp cốt nằm trong một khu vườn yên tĩnh cạnh nghĩa trang.


 


Từ đó đến nay, đã qua gần 4 thập kỷ, nhiều nghệ sĩ cải lương đã qua đời và được mai táng về đây.


 


Cuộc đời buồn của nữ nghệ sĩ lừng anh một thời


 


Người có ý tưởng, công lao đầu tiên và lớn nhất để xây dựng nên ngôi chùa và nghĩa trang này là nghệ sĩ Bảy Phùng Há thì vẫn còn đó.


 


Mấy chục năm an dưỡng tuổi già trong ngôi chùa này, bà lần lượt chứng kiến các thế hệ cả trước và sau bà về với cát bụi. Tuy đất nghĩa trang đã hết, song mộ phần của bà đã có sẵn, to, đẹp và nằm ngay cạnh sân chùa.


 








Bà Phùng Thị Há, người nghệ sĩ tài hoa một thời, giờ sống nhờ lòng hảo tâm của người đời.

 


Nghệ sĩ Bảy Phùng Há hiện đang đếm lùi thời gian cuộc đời trong một căn phòng ở hậu liêu sau chùa, sát bên nghĩa trang bằng những tiếng mõ lốc cốc đều đặn.


 


Ở tuổi 99, bà đã lùi xa ánh đèn sân khấu mấy chục năm nay và trong câu chuyện với tôi, bà đã có ít nhiều lẫn cẫn, song cái tính nghệ sĩ thì vẫn còn.


 


Tôi bảo muốn chụp tấm hình để đăng báo, bà bảo xấu thế này lên ảnh không được, rồi kêu người trong chùa đỡ bà vào buồng thay quần áo.


 


Bà chuẩn bị quần áo, rồi son phấn trước gương suốt một tiếng đồng hồ mới xong. Tôi ngước nhìn những tấm hình chụp bà lúc rực rỡ trên sân khấu với những khoảnh khắc thăng hoa mà xót xa cho cảnh tuổi già đơn chiếc. Thời gian không chừa ai cả.


 


Bà Bảy Phùng Há có tới 4 người con, nhưng chỉ có một người con lấy chồng bên Pháp là còn sống. Những người con khác đều bệnh tật rồi chết trẻ cả.


 


Người con gái sống bên Pháp cũng đẻ cho bà được hai cháu ngoại, tuy nhiên, họ đều nghèo khó, nên chả về thăm bà được, cũng không thấy trợ cấp gì cho bà.


 


Bao nhiêu năm nay, bà Bảy Phùng Há sống nhờ sự quyên góp của bạn bè, đồng nghiệp. Giới nghệ sĩ đến viếng nghĩa trang, thăm cảnh chùa, trông thấy cô đào lừng danh một thời, giờ già cả lú lẫn, xót thương bỏ vào túi áo bà dăm ba hào. Tiền đó, bà dành dụm, thi thoảng lại nhờ người ra bưu điện gửi cho hai đứa cháu ở bên Pháp. Bà giờ già cả, cơm chay của chùa, chút lộc vãi cũng đủ ấm bụng.


 



Còn nữa…